Mọi thứ trong cuộc sống đều có một biểu giá đầy đủ và chính xác, nhưng không có một biểu giá nào cho tình yêu thương bao la của người mẹ đối với con cái. Tình yêu đó, ví như biển cả, luôn vỗ về bồi đắp cho bờ, không bao giờ mệt mỏi...
Cùng lắng lòng qua những câu chuyện thật cảm động về mẹ được sưu tầm và chọn lọc, các bạn nhé !
Mẹ mong con biết thế nào là mặc lại quần áo cũ của anh chị, là ăn lại thức ăn thừa của ngày hôm qua… là đói, là mệt, là đổ mồ hôi... Mẹ thực sự mong như thế.
Mẹ mong con biết thế nào là thất bại để học lấy sự khiêm tốn. Biết thế nào là thành công để học lấy sự tự tin. Và cư xử trung thực ngay cả trong những chuyện chỉ mình con biết.
Mẹ mong con biết lau dọn nhà cửa và biết rửa xe, và mẹ mong đừng ai tặng con một món quà đắt tiền khi con mới 17 tuổi.
Mẹ mong con một lần nhìn thấy một chú bê con ra đời, và biết chăm sóc con chó già ốm yếu, xấu xí và thường nằm bẹp góc nhà.
Mẹ mong con đánh nhau đến sưng mắt để bảo vệ một điều mà con vẫn hằng tin.
Mẹ mong con chia sẻ phòng của con với em con. Cũng được nếu con kẻ một vạch phấn để ngăn đôi căn phòng, nhưng nếu em con muốn chui vào chăm ngủ cùng con vì nó sợ cái gì đó lúc nửa đêm thì mẹ mong là con hãy ôm lấy em.
Và khi con muốn chơi trò chơi điện tử, còn em con muốn con chơi cùng thì mẹ hy vọng là con sẽ chọn em.
Nếu con muốn một cây súng cao su, mẹ mong bố con dạy con tự làm lấy một cái thay vì cho tiền con để mua nó. Mẹ mong con biết đào hố trồng cây và đọc sách. Và khi con biết sử dụng computer, con vẫn biết làm tính nhẩm.
Mẹ mong con bị bạn bè chê cười khi con xô đẩy, trêu chọc một bạn gái. Và khi con chạy về mách bố con, bố sẽ yêu cầu con đi xin lỗi bạn.
Mẹ mong gì con bị trầy da khi leo núi, bỏng tay khi nấu bếp và dính lưỡi khi dại dột liếm đá. Những bài học nho nhỏ ấy sẽ dạy con rất nhiều điều về sự cẩn trọng và giữ an toàn cho bản thân con, vì con và những người yêu thương con.
Mẹ ước gì con thấy khó chịu khi ai đó phì khói thuốc lá vào mặt con. Mẹ cũng chẳng ngại nếu con thử một chén rượu, nhưng mẹ mong con không thích. Và nếu như một người bạn rủ con thử một loại ma túy, thì mẹ mong con đủ thông mình để nhận ra rằng người đó không phải bạn con.
Mẹ thực sự mong con dành thời gian đi câu cá với ông.
Đó là những điều mẹ mong con nhận được mỗi ngày. Những giờ phút khó khăn, thất vọng, làm việc chăm chỉ và hạnh phúc.
- Họ nói ngày mai Người sẽ đưa con xuống trần gian, nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?
Thượng Đế đáp:
- Trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ đợi con và săn sóc con chu đáo.
Đứa bé lại nài nì:
- Nhưng này con không phải làm việc gì ngoài ca hát và vui cười hạnh phúc chứ?
Thượng Đế đáp:
- Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày. Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc.
Đứa bé lại hỏi:
- Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng một ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?
Thượng Đế trả lời:
- Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những ngôn từ nhẹ nhàng và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dạy con biết nói.
- Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Ai sẽ bảo vệ con?
- Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của người.
- Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được nhìn thấy Ngài nữa.
- Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta dù rằng Ta luôn cận kề con.
Vào giây phút đó, ở nơi thiên đường ngâp tràn an lạc nhưng người ta vẫn có thể nghe thấy những tiếng gọi vang vọng từ cõi thế, và đứa bé vội vàng hỏi Thượng Đế:
- Thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con.
- Tên của người không quan trọng, con chỉ đơn giản gọi người là "Mẹ".
Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.
- Cháu muốn mua một hoa hồng để tặng mẹ cháu - nó nức nở - nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá một hoa hồng đến 2 đôla.
Anh mỉm cười và nói với nó:
- Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.
Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh và trả lời:
- Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.
Rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói:
- Đây là nhà của mẹ cháu.
Nói xong, nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.
Tức thì, anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa.
“Má! Má lên đây làm gì?”. Cô sinh viên sắp nhận bằng cử nhân giãy nãy lên hỏi người mẹ quê mùa còm cõi.
- “Má nghỉ bán một bữa lên coi con lãnh bằng tốt nghiệp”.
- “Không được đâu! Bữa nay bạn con đông lắm, mà má lại ăn mặc thế này…”.
- “Thì má có còn bộ nào khác đâu. Thôi cho má vào. Má…”.
- “Thôi, thôi, má về đi. Con thì thế này, má thì thế kia… Tụi bạn con nó cười…!”.
Nói rồi, cô sinh viên xinh đẹp chạy ào vào trong hội trường…
Vừa lúc người xướng tên giới thiệu: “Sinh viên Phạm Thị P.X. là một trong những sinh viên xuất sắc của trường.”
Mẹ rất đau khổ khi phải nối dối với con
Khi cậu lớn dần lên, người mẹ tảo tần tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, đến những vùng đầm hồ ven đô mò thêm ít cua, ốc về cho con. Món canh cua đồng thật ngon. Khi các con xì xụp ăn, mẹ ngồi một bên rệu rã với chút rau khoai luộc. Khi cậu đưa bát để xin thêm ít cơm, mẹ húp nốt những mạnh cặn canh cuối cùng. Cậu xót xa, liền lấy chén canh đổ vào bát mẹ. Mẹ không ăn, lại chan trả về bát cậu. Mẹ bảo: mẹ không thích ăn cua, chỉ vì không muốn cơm mới bị lẫn với chỗ canh thừa – Lần thứ hai Mẹ nói dối !
Lên cấp 2, để nộp đủ tiền học phí cho cậu bé và anh chị, vừa làm thợ may, mẹ vừa đến Hợp tác xã nhận vỏ hộp diêm về nhà ngồi cặm cụi mà dán vào mỗi tối. Một buổi tối đông, nửa đêm cậu bé tỉnh giấc, thấy mẹ vẫn còng lưng dán vỏ bao diêm bên cạnh chiếc đèn dầu nhợt nhạt. Cậu bé nói: Mẹ à, mẹ đi ngủ thôi, sáng ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa mà. Mẹ chỉ cười: Con cứ ngủ đi, mẹ bị mất ngủ nên không buồn ngủ – Mẹ lần thứ ba nói dối !
Ngày thi vào trung học, mẹ xin nghỉ làm, cả đêm trước hì hụi nấu trõ xôi Đỗ, để sáng dậy con ăn như chúng bạn vẫn kháo nhau. Đúng vào mùa hạ, trời nắng khét tóc, mẹ mong ngóng từng khắc phía ngoài phòng thi. Tiếng chuông hết giờ đổ vang. Mẹ dang rộng cánh tay ôm đứa con trai bé nhỏ, trong tay mẹ là bình trà pha sẵn mẹ đã ướp hoa từ độ tuần trước. Nhìn thấy bờ môi khô nẻ và khuôn mặt lấp lánh mồ hôi của mẹ, cậu bé liền đưa bình trà nhỏ bằng thủy tinh nhỏ trong suốt, một trong những thứ tài sản quý giá nhất trong nhà, mời mẹ uống. Mẹ bảo: Mẹ đợi con, vừa được bác đứng cạnh mời uống rồi, con uống đi, mẹ không khát – Lần thứ tư Mẹ nói dối !
Sau khi Cha lâm bệnh qua đời, mẹ vừa làm mẹ vừa làm cha. Vất vả với chút thu nhập ít ỏi từ nghề may vá, tần tảo ngày này qua tháng khác. Có chú Lý ngồi sửa đồng hồ dưới chân cây cột điện đầu ngõ biết chuyện, việc lớn việc nhỏ chú đều tìm cách qua giúp một tay. Từ chuyển than, gánh nước, giúp ít tiền cho gia đình cậu bé tội nghiệp. Con người gắn bó trước lâu rồi cũng sinh cái tình, huống chi mẹ cảm động trước tình cảm chân thành, chất phác của chú Lý lắm. Hàng xóm láng giềng biết chuyện đều khuyên mẹ tái giá, để có người san sẻ. Nhưng qua nhiều năm mẹ vẫn vậy, kiên quyết không đi bước nữa. Mọi người có khuyên mẹ thì mẹ bảo: các con còn bé, nhỡ phải chịu điều tiếng gì, mà tôi cũng coi chú Lý như là anh em trong nhà cả thôi – Mẹ nói dối lần thứ năm !
Sau khi anh chị cậu tốt nghiệp đại học đi làm. Mẹ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn tiếp tục làm những việc lặt vặt ở chợ, nhưng một thân một mình, cũng có tuổi, mẹ mắt đã kém, chân tay cũng còn dẻo dai như trước, việc cũng dần ít đi. Các con biết chuyện thường xuyên gửi tiền về để phụng dưỡng mẹ. Mẹ kiên quyết không nhận, tất cả tiền con gửi về mẹ đều gửi trả. Mẹ bảo: các con mới ra đời, cần nhiều khoản chi tiêu, nào có đầy đặn gì. Mà mẹ bây giờ tháng đi chợ cũng có thiếu gì tiền cả. Cứ cầm lấy – Lần thứ sáu mẹ nói dối !
Cậu bé ở lại trường dạy 2 năm, sau đó thi đỗ học bổng học thạc sỹ ở một trường đại học danh tiếng của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cậu ở lại làm việc tại một công ty chuyên về nghiên cứu. Khi đã có chút điều kiện. Cậu bé muốn đưa mẹ qua Mỹ sống để phụng dưỡng. Nhưng không hiểu mẹ nghe đâu, rằng công việc của con trai cần sự tập trung cao, chẳng có nhiều thời gian, mà thủ tục mọi thứ sang Mỹ rất tốn kém, phức tạp. Mẹ nghe vậy, nhất quyết từ chối: tao sống ở đây nó quen rồi, tao không đi đâu cả. Dù đêm đêm mẹ ở một mình, mắt mẹ mờ đi vì thương nhớ đứa con trai bé nhỏ của mình đã xa cách bao lâu – Mẹ lại một lần nữa nói dối !
Nhiều năm trôi qua, mẹ lâm trọng bệnh, phải vào viện điều trị. Khi con trai đáp máy bay từ nơi xa xôi về thăm mẹ, mẹ đã già và yếu lắm. Nhìn mẹ bị bệnh tật dày vò đến chết đi sống lại, thấy con trai đau đớn vì thương xót mẹ. Mẹ mở mắt, cố gượng thều thào bảo cậu: Con đừng lo, mẹ chẳng đau chút nào đâu con…
Và đây là lần nói dối cuối cùng của mẹ !
Cái nghèo cái đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng dường như, nỗi cơ cực bần hàn ấy không buông tha họ. Cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đổ ập xuống đầu họ. Cha qua đời vì cơn bạo bệnh. Hai mẹ con tự tay mình mai táng cho người chồng, người cha vắn số.
Người mẹ góa bụa ở vậy, chị quyết không đi bước nữa. Chị biết, bây giờ chị là chỗ dựa duy nhất cho con trai mình. Chị cặm cụi, chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp, tài sản quý giá nhất của hai mẹ con chị. Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi nham nhở. Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước mắt bỗng lăn trên gò má chị.
Học hết cấp hai, cậu thi đậu vào trường cấp ba trọng điểm của thành phố. Gánh nặng lại oằn lên vai người mẹ. Thế nhưng không may thay, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh. Căn bệnh quái ác làm chị liệt nửa chi dưới. Vốn là lao động chính của gia đình, giờ chị chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa nói chi đến chuyện làm nông. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu xin nghỉ học:
- Mẹ này, con nghỉ học thôi, ở nhà làm ruộng thay mẹ. Đi học, tiền đâu mà đóng học phí, tiền sinh hoạt phí, lại còn một tháng nộp 15 cân gạo nữa, nhà mình biết lấy đâu ra.
- Có thế nào con cũng không được bỏ học. Con là niềm tự hào của mẹ. Chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm.
Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ mình khổ. Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Phải đến khi nóng nảy quá không kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người lại. Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai mười sáu tuổi. Mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nở…
Nghe mẹ, cậu khăn gói vào trường nhập học. Lòng cậu nặng trĩu. Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn bóng con trai khuất dần…
Ít lâu sau, có một người mẹ lặc lè vác bao tải dứa, chân thấp chân cao đến phòng giáo vụ. Chị nộp gạo cho con trai. Chị là người đến muộn nhất. Đặt bao gạo xuống đất, chị đứng thở hổn hển một hồi lâu rồi nem nép đi vào.
Thầy Hùng phòng giáo vụ nhìn chị, nói:
-Chị đặt lên cân đi. Mở túi gạo ra cho tôi kiểm tra.
Chị cẩn thận tháo túi.
Liếc qua túi gạo, hàng lông mày của thầy khẽ cau lại, giọng lạnh băng:
-Thật chẳng biết nên nói thế nào. Tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích mua thứ gạo rẻ tiền đến thế cho con mình ăn. Đấy, chị xem. Gạo của chị lẫn lộn đủ thứ, vừa có gạo trắng vừa có gạo lức lẫn gạo mốc xanh đỏ, cả cám gạo nữa, đây còn có cả ngô nữa… Thử hỏi, gạo thế này, chúng tôi làm sao mà nấu cho các em ăn được. Thầy vừa nói vừa lắc đầu.
- Nhận vào.
Thầy nói, không ngẩng đầu lên, đánh dấu vào bảng tên của học sinh.
Mặt người mẹ đỏ ửng lên. Chị khẽ khàng đến bên thầy nói:
-Tôi có 50.000 đồng, thầy có thể bổ sung vào thêm cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thưa thầy?
-Thôi, chị cầm lấy để đi đường uống nước.
Thầy nói và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ tội nghiệp đang loay hoay, khổ sở, mặt đỏ ửng lên, chân tay thừa thải vì chẳng biết làm thế nào. Chị chào thầy rồi lại bước thấp bước cao ra về.
Túi gạo của mẹ
Đầu tháng sau, chị lại đến nộp gạo cho con trai. Thầy lại mở túi gạo ra kiểm tra rồi lại cau mày, lắc đầu. Thầy có vẻ lạnh lùng, ác cảm:
- Chị lại nộp loại gạo như thế này sao? Tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì, chúng tôi cũng nhận, nhưng làm ơn phân loại ra, đừng trộn chung như thế này. Chúng tôi làm sao mà nấu cơm cho ngon để các em ăn được? Chị nghĩ thử xem, với loại gạo hổ lốn thế này, liệu chúng tôi có thể nấu cơm chín được không? Phụ huynh như các chị không thấy thương con mình sao?
- Thầy thông cảm. Thầy nhận cho, ruộng nhà tôi trồng được chỉ có thế ! Người phụ nữ bối rối.
- Thật buồn cười cái nhà chị này ! Một mảnh ruộng nhà chị có thể trồng đến hàng trăm thứ lúa thế sao? Nhận vào ! Giọng thầy gằn từng tiếng và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn chị.
Người mẹ im bặt, mặt chị trở nên trắng bệch, nhợt nhạt. Chị lí nhí cảm ơn thầy rồi lại lặng lẽ bước thấp, bước cao ra về. Dáng chị liêu xiêu, đổ vẹo trong cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa.
Lại sang đầu tháng thứ ba của kỳ nộp gạo. Chị lại đến. Vẫn dáng đi xiêu vẹo, mồ hôi mướt mải trên trán, ướt đẫm lưng áo của người mẹ trẻ. Bao gạo nặng dường như quá sức với chị.
Thầy lại đích thân mở túi gạo ra kiểm tra. Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt thầy. Thầy rành rọt từng tiếng một như nhắc để người phụ nữ ấy nhớ:
- Tôi đã nói với chị thế nào. Lần này tôi quyết không nhân nhượng chị nữa. Chị làm mẹ mà sao ngoan cố không thay đổi thế này. Chị mang về đi. Tôi không nhận !
Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất. Dường như bao nỗi ấm ức, đau khổ và bất lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bừng phát. Chị khóc. Hai hàng nước mắt nóng hổi, chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn. Có lẽ, chị khóc vì tủi thân và xấu hổ. Khóc vì lực bất tòng tâm.
Thầy Hùng kinh ngạc, không hiểu đã nói gì quá lời khiến cho người phụ nữ trẻ khóc tấm tức đến thế.
Chị kéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng. Một bên chân quắt queo lại.
- Thưa với thầy, gạo này là do tôi… Tôi đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới có được. Chẳng giấu gì thầy, chân cẳng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được nữa. Cháu nó sớm hiểu chuyện, đòi bỏ học ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Thế nhưng tôi kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi thất học. Có học mới mong thoát khỏi cảnh cơ cực này. Nhà chỉ có hai mẹ con, cha cháu mất sớm… Thầy thương tình, thầy nhận giúp cho. Không nộp gạo, con tôi thất học mất !
Người mẹ trẻ này đều đặn ngày nào cũng thế. Trời còn tờ mờ, khi xóm làng còn chưa thức giấc, chị lặng lẽ chống gậy, lê mình rời khỏi thôn. Chị đi khắp hang cùng,ngõ hẻm xóm khác xin gạo. Đi mãi đến tối mịt mới âm thầm trở về. Chị không muốn cho mọi người trong thôn biết.
Lần này người bị xúc động mạnh lại là thầy Hùng. Thầy đứng lặng hồi lâu rôi nhẹ nhàng đỡ chị đứng lên. Giọng thầy nhỏ nhẹ :
- Chị đứng lên đi, người mẹ trẻ ! Chị làm tôi thực sự bất ngờ. Tôi đã có lời không phải với chị. Thôi thế này, tôi nhận. Tôi sẽ thông báo với trường về hoàn cảnh của em học sinh này, để trường có chế độ học bổng hỗ trợ cho học sinh vượt khó.
Người mẹ trẻ đột nhiên trở nên cuống quýt và hoảng hốt. Chị gần như chắp tay lạy thầy. Giọng chị van lơn:
- Xin thầy. Tôi có thể lo cho cháu, dù không đủ đầy như các bạn nhưng tôi lo được. Khổ mấy, vất vả mấy tôi cũng chịu được. Chỉ xin thầy đừng cho cháu hay chuyện này. Đây là bí mật của tôi, mong thầy giữ kín giùm cho.
Chị kính cẩn cúi đầu chào thầy như người mà chị mang một hàm ơn lớn, đưa tay quệt mắt rồi lại nặng nhọc, liêu xiêu ra về.
Lòng thầy xót xa.
Thầy Hùng đem câu chuyện cảm động này báo với hiệu trưởng. Ban giám hiệu trường giữ bí mật này tuyệt đối. Nhà trường miễn phí toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này. Ngoài ra,học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn nhận được học bổng của trường.
Cuối cấp, cậu dẫn đầu trong danh sách những học sinh xuất sắc của trường. Cậu thi đậu vào trường đại học danh tiếng nhất của Thủ Đô. Trong buổi lễ vinh danh những học sinh ưu tú, khi tên cậu được xướng lên đầu tiên, mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một góc khuất, mỉm cười sung sướng.
Có một điều rất lạ rằng trên sân khấu hôm ấy, có ba bao tải dứa sù sì được đặt trang trọng ở một góc phía ngoài cùng, nơi mọi người có thể dể dàng nhìn thấy nhất. Ai cũng thắc mắc,không hiểu bên trong ấy chứa thứ gì.
Trong buổi lễ trang nghiêm ấy, thầy hiệu trưởng rất xúc động và kể lại câu chuyện người mẹ trẻ đi ăn xin nuôi con học thành tài.
Cả trường lặng đi vì xúc động. Thầy hiệu trưởng ra dấu cho thầy Hùng phòng giáo vụ đến mở ba bao tải ấy ra. Đó là ba bao gạo mà người mẹ với đôi chân tật nguyền lặn lội khắp nơi xin về.
Thầy nói:
- Đây là những hạt gạo mang nặng mồ hôi và nặng tình của người mẹ yêu con hết mực. Những hạt gạo đáng quý này, tiền, vàng cũng không thể mua nổi. Sau đây, chúng tôi kính mời người mẹ vĩ đại ấy lên sân khấu.
Cả trường lại một lần nữa lặng người đi vì kinh ngạc. Cả trường dồn mắt về phía người phụ nữ chân chất, quê mùa đang được thầy Hùng dìu từng bước khó nhọc bước lên sân khấu.
Cậu con trai cũng quay đầu nhìn lại. Cậu há hốc miệng kinh ngạc. Cậu không thể ngờ rằng người mẹ vĩ đại ấy không ai khác chính là người mẹ thân yêu của cậu.
- Chúng tôi biết, kể ra câu chuyện này sẽ khiến cậu học sinh ưu tú nhất trường bị chấn động rất mạnh về tâm lý. Thế nhưng, chúng tôi cũng mạn phép được nói ra vì đó là tấm gương sáng, tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ. Điều đó hết sức đáng quý và đáng được trân trọng vô cùng. Chúng tôi muốn thông qua câu chuyện cảm động này, giáo dục các em học sinh thân yêu của chúng ta về đạo đức và lối sống, về tình người và những nghĩa cử cao đẹp. Hôm nay, một lần nữa chúng ta vinh danh những người cha, người mẹ đã cống hiến, hy sinh cả đời mình vì tương lai con em…
Giọng thầy hiệu trưởng đều đều, ấm áp và hết sức xúc động. Tai cậu ù đi, cậu chẳng nghe thấy gì nữa cả,mắt cậu nhòe nước. Mẹ cậu đứng đó, gầy gò, khắc khổ, mái tóc đã sớm điểm bạc, mắt bà cũng chan chứa niềm hạnh phúc và ánh mắt ấm áp, yêu thương ấy đang hướng về phía cậu với cái nhìn trìu mến.
Người phụ nữ ấy run run vì chưa bao giờ đứng trước đám đông. Run run vì những lời tốt đẹp mà thầy hiệu trưởng đã giành cho mình. Với chị, đơn giản, tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu bao la mà chị giành cho con trai. Chị không nghĩ được thế nào là sự hy sinh hay đạo lý lớn lao ấy.
Cậu con trai cao lớn đứng vụt dậy, chạy lên ôm chầm lấy mẹ mà mếu máo khóc thành tiếng:
- Mẹ ơi ! Mẹ của con…
Nó – thằng bé 20 tuổi, luôn nghĩ mình thật bất hạnh khi được sinh ra trong một gia đình không đủ đầy. Ba nó mất khi nó còn nhỏ, còn mẹ nó thì lại là một người câm. Mẹ nó làm giúp việc theo giờ cho các gia đình trong phố, cuộc sống cũng chẳng dư dả gì.
Từ nhỏ đến lớn nó chưa bao giờ được nghe mẹ nó nói những câu yêu thương như chúng bạn. Nhiều khi gặp phải chuyện buồn nó cũng chẳng biết tâm sự cùng ai. Nói với mẹ ư? Không, nó không thể vì mẹ cũng chẳng thể cho nó những lời khuyên hay động viên nó. Nó đã lén học ngôn ngữ của người câm để có thể nói chuyện với mẹ nhưng mẹ nó chẳng bao giờ chỉ chỉ hay khua tay chân ra vẻ nói chuyện với nó. Mẹ nó luôn im lặng.
Đã thế ở trường chúng bạn lại hay giả bộ dùng những cử chỉ của người câm để trêu chọc. Nó tủi thân lắm.Lần đầu mẹ nó bị gọi lên gặp cô chủ nhiệm là lần nó đánh nhau với bạn trong lớp. Nó vùng vằng nói chẳng nhìn mẹ ” thằng đó nói con là thằng con câm, con không có bố”.
Nó muốn mẹ nó biết nó thương mẹ lắm, nó muốn mẹ khen nó vì nó đã biết bảo vệ danh dự của mình và của bố mẹ, hay thậm chí mẹ chửi nó, đánh nó vì tội đánh nhau cũng được. Nhưng mẹ nó vẫn chỉ im lặng.
Sau lần đó nó không còn cố gắng nói chuyện với mẹ nữa, nó bắt đầu thấy chán ghét cuộc sống của mình, chán ghét luôn cả người mẹ mười mấy năm qua chưa bao giờ tỏ sự quan tâm hay yêu thương nó. Điều mẹ làm cho nó cũng chỉ là những bữa ăn no và cho nó được đến trường.
Nghĩ thế, nó lao đầu vào học với ý nghĩ đậu đại học rồi sẽ được xa rời nơi này. Nó sẽ có thể đến một nơi mới, rũ bỏ tất cả, ngày ngày sẽ không còn phải tủi thân hay bực tức, không phải nhìn mẹ lầm lũi im lặng nữa.
Rồi ngày đó cũng đến, nó đậu vào trường đại học trên thành phố. Lần đầu tiên nó cảm thấy hình như cuộc sống của nó sắp thay đổi, nó háo hức đợi chờ đến ngày đi học, nó không thể kiềm chế được niềm vui vứt bỏ lại những đau đớn tủi hờn ở vùng quê này, vứt bỏ được quá khứ lúc nào cũng khiến nó tủi thân và thua kém.
Mẹ nó vẫn không nói gì. Nhưng một đôi lần nó bắt gặp ánh mắt mẹ lặng ngắm nó khi nó đang vừa làm gì đó vừa ngân nga hát vì niềm vui đậu đại học. Nó vờ như không thấy, nó sợ những thứ cảm xúc không rõ là gì cứ dâng lên trong lòng nó mỗi khi nhìn mẹ những lúc ấy, thà nó không biết…
***
Lên thành phố, nó ít về quê. Mẹ bằng những cách nào đó vẫn chăm lo cho nó đủ đầy, khi thì gửi xe lên những đồ quê nó thích ăn, khi thì gửi hàng xóm mang lên cho nó dưa hay cà mẹ muối. Lần nào nhìn thấy đồ ăn mẹ gửi, mắt nó cũng cay cay.
Nhưng những cảm xúc ấy cũng nhanh chóng qua đi, thành phố mới, bạn bè mới với những cuộc vui, những ồn ào của tuổi trẻ cuốn nó đi. Nó lảng tránh những câu hỏi của bạn bè về gia đình. Nó sợ sẽ lại phải đối mặt với sự mỉa mai và châm biếm như những ngày thơ ấu. Nó và mẹ cứ xa dần…
Năm thứ 2 đại học, nó có bạn gái.
Nó gặp nàng khi nó làm thanh niên tình nguyện trong trường còn nàng là tân sinh viên vào nhập học. Nàng cảm kích vì sự nhiệt tình của nó, thế rồi chúng nó quen nhau. Qua những lần nói chuyện nó biết nhà nó và nhà nàng cùng huyện, chỉ cách nhau có 3km.
Nàng là con nhà khá giả, nó biết điều đó. Nó cũng không dám nói với nàng về gia đình nó, nó cũng lảng tránh mỗi khi nàng hỏi để rồi khi chỉ có một mình nó thầm trách ông trời sao lại để nó sinh ra trong một gia đình như thế. Nó ước nó có thể như chúng bạn ngoài kia, hồn nhiên kể về bố mẹ đầy tự hào, kể về những món đồ sành điệu được bố mẹ thưởng mỗi khi điểm cao, kể về những buổi ăn hàng được bố mẹ ra thành phố dẫn đi…những điều mà nó biết nó chẳng bao giờ có thể có được.
***
Ba nàng được thăng chức, nàng về nhà mở tiệc chúc mừng còn nó ở lại trường. Đêm, khi biết chắc rằng bữa tiệc đã kết thúc nó mới gọi cho nàng:
- Nay chắc vui lắm hả em?
- Không vui được anh à, nay bao nhiêu khách có cả sếp của ba mà bà giúp việc phá hoại tất cả. Bà ta làm gia đình em bẽ mặt.
- Sao thế em, kể anh nghe.
- Không hiểu sao ba mẹ em lại thuê một người như thế trong buổi tối quan trọng này. Bà ta vụng về, trong bữa tiệc bà ta làm đổ nguyên cả đĩa thức ăn lên người xếp của ba ấy vậy mà không mở lời xin lỗi một câu, bác ấy tức giận bỏ về, thế là bữa tiệc kết thúc. Ba thì mới nhận chức giờ biết ăn nói sao với bác ấy đây.
- Sao bà ta lại không chịu xin lỗi?
- Em không biết, em đã mắng bà ta bắt bà ta xin lỗi mà bà ta không chịu mở lời mà chứ đứng trân trân ở đó, bực quá em tát bà ta một cái, bà ta bỏ về luôn. Đúng là không biết điều.
Nó và nàng nói chuyện thêm lúc nữa, vẫn là những lời xỉ vả của nàng với người đàn bà kia. Nó cũng chẳng suy nghĩ gì nhiều, có lẽ trong hoàn cảnh đó nó cũng tức giận lắm.
Mấy ngày sau nàng trở lại trường, nàng kể thêm cho nó nghe rất nhiều điều về gia đình nàng. Nàng hỏi về gia đình nó, nó im lặng một hồi:
- Cuối tuần này anh sẽ đưa em về ra mắt mẹ anh.
Nàng hồi hộp và lo lắng. Nàng sợ, nàng nghĩ ra viễn tưởng một bà mẹ chồng tương lai khó tính, hằn học nhìn nàng. Nàng muốn từ chối nhưng lại muốn biết gia cảnh nó thế nào nên nàng đồng ý.
Nàng quá bất ngờ khi nhìn thấy nhà nó. Một căn nhà lụp xụp, vắng vẻ. Trong nhà chẳng có ai. Ngồi một lát thì mẹ nó về. Bà không biết con mình về cùng bạn nên chẳng chuẩn bị gì.
Bước vào nhà, mẹ nó và nàng đều sửng sốt. Nàng thất kinh nhận ra mẹ chàng chính là người giúp việc trong bữa tiệc nhà nàng, mẹ nó nhìn nàng, ánh mắt im lặng đầy cam chịu.
Nàng bỏ chạy, nước mắt đàm đìa trên má. Nó đuổi theo nàng, nàng nấc lên:
- Tại sao anh lừa dối em, tại sao anh không nói cho em biết mẹ anh chính là bà giúp việc đó.
- Anh không hề biết mẹ anh giúp việc cho nhà em.
- Đồ nói dối, em ghét anh. Chia tay đi, em không muốn yêu một người nói dối, em cũng không muốn làm con dâu của người đàn bà quái gở đó.
Nó không biết cảm xúc giờ đây của nó là như thế nào nữa. Nó lê đôi chân từng bước nặng trĩu về nhà, thấy mẹ đang ngồi im lặng. Không hiểu sao tự nhiên nó mơ hồ cảm thấy hình như nó đã sai rồi, nó đã làm sai điều gì đó rồi.
Nó bỏ đi ngay sáng hôm sau.
Nó không trở lại trường. Nó muốn đến một nơi chỉ có mình nó, nó cần một khoảng thời gian.
***
Nửa năm sau.
Nó trở lại trường. Trong suốt nửa năm bôn ba ở một chân trời mới, làm đủ mọi việc để nuôi sống bản thân và cũng để tĩnh tâm suy nghĩ lại, nó biết nó cần quay về.
Bạn bè nói với nó về một người đàn bà câm đi đến từng phòng trong kí túc và giơ ảnh nó ra, nhưng không ai biết nó đã đi đâu. Bà lang thang khắp nơi, gõ cửa từng lớp học. Đi đâu bà cũng đưa tờ giấy có nội dung tìm con và một bức ảnh nó chụp khi đi học do bạn nó cung cấp. Bà hay đợi ở cổng trường, và sống nhờ vào lòng tốt của người đi đường.
Nó lặng đi, nó không còn biết gì nữa, nó không quan tâm đến thể diện, nó không cần biết mọi người nghĩ gì khi biết nó có một bà mẹ như thế nữa. Nó lao đi. Cổng trường không có ai, những ngóc ngách không có ai. Ai trên đường cũng ái ngại nhìn theo một chàng trai cao lớn vừa khóc vừa gọi mẹ. Nhưng nó không cần biết gì nữa.
Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi.
***
Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần bà đến trường để kiếm tôi làm tôi phát ngượng.
Sao bà lại có thể làm như thế với tôi? Tôi lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến. Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: "Ê, tao thấy rồi. mẹ .mày chỉ có một mắt!".
Tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà: "Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!".
Tôi xấu hổ vì mẹ tôi chỉ có 1 mắt
Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói đó, vì lúc ấy lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng để ý gì đến cảm xúc của mẹ.
Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì với mẹ tôi. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore.
Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi giấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ côi từ nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất tôi có được ở Singapore.
Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gởi một ít tiền về biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi.
Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ.
Tôi vừa giận vừa lo vợ tôi biết chuyên, hét lên: "Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Đi khỏi đây ngay!". Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời "Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!" và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài.
Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của con hay sao?
Tôi giận dữ vì mẹ làm các con tôi sợ hãi
Một hôm, nhận được một lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ.
Mấy người hàng xóm nói rằng mẹ tôi đã mất vài ngày trước đó và do không có thân nhân, sở an sinh xã hội đã lo mai táng chu đáo.
Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thư mẹ để lại cho tôi:
"Con yêu quý,
Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi.
Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ mẹ không bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây.
Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ.
Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con.
Con hãy nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ..