Chỉ chốc lát nữa thôi, cả bố và mẹ của Tommy, vừa mới sống ly thân với nhau, sẽ đến dự buổi họp phụ huynh về việc học tập sa sút và hành vi phá phách của cậu. Thế nhưng, cả hai người đều không biết rằng họ được mời đến cùng lúc.
Tommy, cậu con trai duy nhất của họ, trước đây là một cậu bé luôn vui vẻ, ngoan ngoãn, và là một học sinh xuất sắc. Còn bây giờ, tôi không biết làm thế nào để nói với bố mẹ Tommy rằng kết quả học tập sa sút của cậu bé trong thời gian gần đây chính là phản ứng của một đứa trẻ đang gánh chịu nỗi đau quá lớn trong lòng trước sự ly thân và việc ly hôn sắp xảy ra của bố mẹ mình.
Mẹ Tommy bước vào phòng và ngồi xuống chiếc ghế mà tôi đặt sẵn gần chiếc bàn của mình. Rồi bố Tommy cũng đến. Cả hai cố ý phớt lờ nhau.
Khi đưa bản kết quả chi tiết hành vi đạo đức và học tập của Tommy cho họ, tôi thầm mong nghĩ ra cách nào đó có thể giúp cả hai người xích lại gần nhau hơn và hiểu ra rằng những điều họ gây ra đã tác động đến cậu bé như thế nào. Thế nhưng, không hiểu sao tôi lại không thể nói được điều gì. Có lẽ một trong những mẫu giấy cẩu thả lem luốc mà Tommy đã viết sẽ giúp họ hiểu được điều ấy chăng?
Tôi tìm thấy mảnh giấy nhàu nát, đẫm nước mắt ấy nhét trong hộc bàn của Tommy.
Những dòng chữ viết nguệch ngoạc, lặp đi lặp lại dày kín cả hai mặt giấy.
Tôi nhẹ nhàng vuốt lại mảnh giấy cho phẳng rồi đưa cho mẹ của Tommy. Bà đọc và đưa nó cho chồng mà không hề nói lời nào. Bố Tommy cau mày. Nhưng rồi, khuôn mặt ông dãn ra. Thời gian như lắng đọng khi ông mãi lặng yên đọc đi đọc lại những dòng chữ nguệch ngoạc của con mình.
Cuối cùng, ông cẩn thận gấp mảnh giấy lại và đưa tay nắm lấy bàn tay của vợ mình. Bà lau những giọt nước mắt còn đọng trên mi và mỉm cười với ông. Đôi mắt tôi cũng rưng rưng lệ, nhưng dường như không ai chú ý đến điều đó cả.
Thượng Đế đã chỉ cho tôi cách để hợp nhất gia đình của Tommy lại. Người đã giúp tôi tìm thấy mảnh giấy đặc kín những dòng chữ viết nên từ trái tim nặng trĩu ưu phiền của cậu bé:
"Bố yêu quý... mẹ yêu quý... Con yêu cả hai người... con yêu cả hai người... con yêu cả hai người..."
Nhằm tiếp nối Những câu chuyện không bao giờ là cũ kì 1, Những câu chuyện không bao giờ là cũ kì 2 sẽ vẫn tiếp nối những bài học giản đơn mà sâu xa ý nghĩa !
Khi còn đến hai tháng trước lễ Giáng sinh, cô con gái Almie Rose chín tuổi của chúng tôi mới bảo rằng cô bé muốn có một chiếc xe đạp mới. Nhưng gần đến Giáng sinh, dường như cô bé quên bẵng ước muốn đó.
Chúng tôi mua cho cô bé bộ búp bê Bảo mẫu - món đồ chơi đang rất thịnh hành, cùng với một căn nhà búp bê. Thế nhưng, trái với suy nghĩ của chúng tôi, trước Giáng sinh hai ngày, Almie Rose vẫn bày tỏ rằng cô bé thích chiếc xe đạp hơn bất cứ thứ đồ chơi nào khác trên đời.
Lúc đó đã quá trễ, với hàng trăm thứ cần phải chuẩn bị cho bữa tiệc Giáng sinh và mua những món quà vào phút cuối, chúng tôi không còn thời gian để chọn mua một chiếc xe đạp đúng như mong muốn cho Almie Rose. Thế là, vào 9 giờ tối đêm Giáng sinh, khi Almie Rose và em trai Dylan sáu tuổi đã nằm cuộn tròn yên ấm trong chăn, cả hai vợ chồng tôi vẫn còn thao thức vì ước muốn của con gái. Chúng tôi cảm thấy như có lỗi vì đã làm con mình thất vọng.
“Hay là anh sẽ nặn một chiếc xe đạp bằng đất sét và viết một mảnh giấy nói rằng: con sẽ có thể đổi chiếc xe bằng đất sét này để lấy một chiếc xe đạp thực sự?“ chồng tôi đề nghị. Có thể đó là một cách hay, vì xe đạp là một món hàng khá khó mua, và cô bé cũng đã là một "người lớn" không còn mè nheo đòi quà. Thế là, chồng tôi đã cặm cụi suốt bốn tiếng đồng hồ để nặn một chiếc xe đạp thu nhỏ.
Sáng ngày Giáng sinh, chúng tôi thật sự hồi hộp chờ giây phút Almie Rose mở gói quà nhỏ hình trái tim có chiếc xe đạp bằng đất sét với hai màu trắng và đỏ bên trong. Cuối cùng thì cũng đến lúc cô bé mở quà và đọc to mảnh giấy mà tôi đã viết.
“Có thật là con có thể dùng chiếc xe đạp mà bố đã nặn này để đổi lấy chiếc xe thật hả mẹ?”
“Đúng thế, con yêu!” tôi mỉm cười rạng rỡ.
Nước mắt lấp lánh trên khóe mắt Almie Rose khi cô bé trả lời:
“Con sẽ không bao giờ đổi chiếc xe đạp mà bố đã làm cho con đâu. Con thích giữ chiếc xe này hơn là đổi lấy chiếc xe thật.”
Lúc ấy, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc đến nỗi có thể đi cùng trời cuối đất để mua cho con gái bất cứ chiếc xe đạp nào trên đời.
Hai đứa bé co mình trong chiếc áo bành tô quá khổ, rách rưới đứng nép vào nhau phía sau cánh cửa, run rẩy mời tôi: "Thưa cô, cô mua báo cũ không ạ?"
Tôi đang bận, chỉ muốn từ chối một tiếng cho xong, thế nhưng khi nhìn xuống đôi chân của chúng, tôi thật không đành lòng.
Những đôi xăng-đan bé xíu, ướt sũng vì mưa tuyết. "Vào nhà đi, cô sẽ làm cho mỗi đứa một ly cacao nóng!" Chúng lặng lẽ bước theo tôi. Hai đôi xăng-đan sũng nước được đặt trên bệ lò sưởi để hong cho khô.
Cacao và bánh mì nướng ăn kèm mứt có thể làm ấm lòng trước cái lạnh buốt giá bên ngoài. Đưa thức ăn cho bọn trẻ xong, tôi lại vào bếp để tiếp tục với những con số chi tiêu đau đầu.
Không khí yên ắng trong phòng khách khiến tôi cảm thấy hơi làm lạ. Tôi nhìn vào trong phòng.
Cô bé đang cầm chiếc tách đã uống cạn trên tay, ngắm nhìn một cách say mê. Cậu bé đi cùng rụt rè: "Thưa cô, cô giàu có phải không ạ?"
"Cô giàu có ư? Không, không đâu cháu ạ!" - Vừa nói, tôi vừa ngao ngán nhìn tấm khăn trải bàn đã sờn cũ của mình.
Cô bé cẩn thận đặt chiếc tách vào đĩa. "Những chiếc tách của cô hợp với bộ đĩa ghê!" Giọng nói của cô bé có vẻ thèm thuồng.
Thế rồi chúng ra đi, trên tay cầm theo gói báo cũ, băng mình trong ngọn gió rét căm căm. Chúng không nói lời cảm ơn. Nhưng quả thật, chúng không cần phải cảm ơn tôi. Những gì chúng đã làm cho tôi còn hơn cả tiếng cảm ơn. Những chiếc tách và đĩa bằng gốm màu xanh trơn của tôi là loại thường thôi. Nhưng chúng là một bộ rất hợp. Tôi nếm thử món khoai tây và khuấy nồi súp. Khoai tây và món súp, rồi mái nhà, cả người chồng của tôi với công việc ổn định - tất cả đều rất phù hợp với tôi.
Tôi đặt chiếc ghế đang ở trước lò sưởi vào chỗ cũ và dọn dẹp lại căn phòng cho gọn gàng. Vết bùn từ đôi xăng-đan ướt sũng của hai đứa bé vẫn còn đọng lại trên mặt lò sưởi, nhưng tôi không lau đi. Tôi muốn giữ chúng lại, để lỡ đâu có ngày tôi lại quên rằng mình giàu có đến mức nào.
Marion Doolan
"Nếu để ý đến những điều bạn có trong cuộc sống, bạn sẽ nhận được nhiều hơn thế.
Còn nếu chỉ để ý đến những điều bạn không có trong cuộc sống, bạn sẽ thấy mình không bao giờ có đủ."
Khi Thượng đế tạo ra các ông bố, ngài bắt đầu tạo một thân hình cao to. Nữ thần đứng cạnh hỏi: "Đó là kiểu bố gì vậy? Nếu ngài định tạo ra bọn trẻ nhỏ bé thì sao lại làm những ông bố cao lớn như vậy? Hắn sẽ phải quỳ gối khi chơi bi, gập người khi đặt bọn trẻ vào gường và cúi mình khi hôn chúng".
Thượng đế mỉm cười, nói: "Vâng, nhưng nếu ta cho hắn một thân hình cỡ trẻ con, ai sẽ khiến lũ trẻ phải nhìn lên?".
Và khi thượng đế tạo ra bàn tay bố, đó là những bàn tay to và gân guốc.
Nữ thần lắc đầu nói: "Những bàn tay lớn sẽ không thể xoay sở với kim băng gài tã, với những hột núi nhỏ xíu và những chiếc ruy băng mềm mại cột tóc đuôi gà".
Thượng đế mỉm cười và nói: "Ta biết, nhưng những bàn tay như vậy sẽ đủ lớn để giữ cho bé trai những món đồ nó đánh rơi khỏi túi và cũng đủ nhỏ để nâng niu khuôn mặt các con".
Sau đó, thượng đế nặn đôi chân dài, ốm và đôi vai rộng.
Nữ thần làu bàu: "Ngài không thấy rằng ngài đang tạo ra một ông bố không thể ôm con trong lòng sao?"
Thượng đế nói: "Một người mẹ cần ôm con trong lòng, còn một người cha cần có đôi vai rộng để kéo xe trượt tuyết, để giữ thăng bằng cho bọn trẻ tập xe đạp, để bọn trẻ tựa đầu ngủ trên đường về nhà từ xạp xiếc".
Lúc Thượng đế đang làm dở dang những bàn chân to chưa từng thấy, nữ thần buột miệng hỏi: "Thật sai lầm ! Ngài có thật nghĩ rằng những cái xuồng to bè kia sẽ bật khỏi giường khi đứa trẻ khóc hay có thể đi qua bữa tiệc sinh nhật nhỏ mà không giẫm phải chân ít nhất ba vị khách tí hon?".
Thượng đế mỉm cười trả lời: "Chúng sẽ ổn thôi. Rồi ngươi sẽ thấy, chúng sẽ đỡ đứa trẻ khi nó cưỡi ngựa hay khi nó hoảng sợ vì lũ chuột trong nhà kho, và chúng sẽ mang những đôi giày to khiến bọn trẻ trầm trồ khi ướm chân vào".
Thượng đế làm việc suốt đêm, ngài cho ông bố lời nói với giọng nói đầy cương quyết và quyền uy; cho bố đôi mắt nhìn thấu mọi sự nhưng bình tĩnh và kiên nhẫn. Cuối cùng, gần như sau khi suy nghĩ lại, ngài cho bố thêm những giọt nước mắt. Khi đó, Thượng đế quay qua hỏi Nữ Thần: " Bây giờ, các ông bố cũng đầy tình thương như các bà mẹ, ngươi có thích không?"
Thủ đô Mexico một buổi tối mùa đông năm 1968. Đồng hồ chỉ bảy giờ kém mười phút. Vận động viên John Stephen Arkwari người Tanazania tập tễnh kết thúc những mét cuối của đường đua Thế vận hôi Olympic với một chân bị băng bó. Anh là người cuối cùng về đích trong cuộc thi marathon năm ấy.
Những người chiến thắng cuộc thi đã nhận huy chương và lễ trao giải cũng đã kết thúc. Vì thế sân vận động hầu như vắng ngắt khi Arkwari, với vết thương ở chân đang rướm máu, cố gắng chạy vòng cuối cùng để về đích. Chỉ có Bud Greenspan, nhà làm phim tài liệu nổi tiếng là còn tại đó, đang ngạc nhiên nhìnanh từ xa chạy tới. Sau đó, không giấu được sự tò mò, Bud bước tới chỗ Arkwari đang thở dốc và hỏi tại sao anh lại cố vất vả chạy về đích như thế khi cuộc đua đã kết thúc từ lâu và chẳng còn khán giả nào trên sân nữa.
John Stephen trả lời bằng giọng nói hụt hơi: "Tôi rất hạnh phúc vì đã hoàn thành chặng đua với cố gắng hết mình. Tôi được đất nước gửi đi chín ngàn dặm đến đây không phải chỉ để bắt đầu cuộc đua - mà là để hoàn thành cuộc đua".
Sáu con người, do sự tình cờ của số phận, mắc kẹt vào cùng một cái hang rất tối và lạnh. Mỗi người còn một que củi nhỏ trong khi đống lửa chính đang lụi dần.
Người phụ nữ đầu tiên định quẳng que củi vào lửa, nhưng đột nhiên rụt tay lại. Bà vừa nhìn thấy một khuôn mặt da đen trong nhóm người da trắng.
Người thứ 2 lướt qua các bộ mặt quanh đống lửa, thấy một người trong số đó ko đi chung nhà thờ với ông ta. Vậy là thanh củi cũng bị thu về.
Người thứ 3 trầm ngâm trong một bộ quần áo nhàu nát. Ông ta kéo áo lên tận cổ, nhìn người đối diện, nghĩ thầm: "Tại sao mình lại phải hi sinh thanh củi để sưởi ấm cho con heo béo ị giàu có kia?"
Người đàn ông giàu lui lại một chút, nhẩm tính: "Thanh củi trong tay, phải khó nhọc lắm mới kiếm được, tại sao ta phải chia sẻ nó với tên khố rách áo ôm lười biếng đó?"
Ánh lửa bùng lên một lần cuối, soi rõ khuôn mặt người da đen đang đanh lại, lộ ra những nét hằn thù: "Không, ta không cho phép mình dùng thanh củi nầy sưởi ấm những gã da trắng!"
Chỉ còn lại người cuối cùng trong nhóm. Nhìn những người khác trầm ngâm trong im lặng, anh ta tự nhủ: "Mình sẽ cho thanh củi, nếu có ai đó ném phần của họ vào đống lửa trước".
Cứ thế, đêm xuống dần. Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những khúc củi. Đống lửa chỉ còn than đỏ rồi lụi tắt. Sáng hôm sau khi những người cứu hộ tới nơi, cả 6 đều đã chết cóng. Họ không chết vì cái lạnh bên ngoài mà chết vì sự buốt giá trong sâu thẳm tâm hồn.
Khi nhìn đàn ngỗng luôn tạo thành hình chữ “V” mỗi khi bay cùng nhau, bạn có thể sẽ thắc mắc rằng khoa học đã khám phá ra điều gì để giải thích tại sao chúng lại bay với đội hình như vậy.
Khi một con ngỗng vẫy cánh, nó sẽ tạo ra một lực nâng cho con ngỗng bay phía sau nó. Khi bay theo đội hình chữ “V” như thế, cả đàn sẽ được tiếp thêm ít nhất 71% sức mạnh hơn là khi từng con bay riêng lẻ.
Những ai biết cùng nhau chia sẻ mục tiêu chung và có tinh thần đoàn kết thì sẽ đến đích nhanh chóng và dễ dàng hơn vì họ đang đi cùng hướng với những người xung quanh.
Khi một con ngỗng bay lệch đội hình, nó sẽ phải một mình chống chọi với sức cản của gió, và nó sẽ nhanh chóng trở về đúng vị trí để nhận lực nâng từ con phía trước.
Nếu chúng ta hiểu được ý nghĩa này, chúng ta sẽ luôn giữ vững đội hình với những ai đi cùng hướng với chúng ta.
Khi con ngỗng dẫn đầu đuối sức, nó sẽ quay trở lại phía sau đội hình để nhường chỗ cho con khác dẫn đầu.
Cũng như loài ngỗng, con người cần phải luân phiên nhau thực hiện những công việc đòi hỏi sự nỗ lực cao.
Những con phía sau sẽ phát tiếng kêu nhằm khuyến khích những con phía trước giữ vững tốc độ.
Khi bạn lùi về phía sau, bạn sẽ gởi thông điệp gì cho những người khác?
Điều cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng là khi một con ngỗng bị ốm hoặc bị bắn trọng thương, không theo kịp đàn, hai con khác sẽ lập tức tách khỏi đội hình dìu nó xuống đất để giúp đỡ và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại với con ngỗng bị thương cho tới khi nào nó có thể bay được. Và nếu con ngỗng đó chết, hai con ngỗng kia sẽ bay một mình hoặc gia nhập với đàn ngỗng khác, để bắt kịp đàn của mình.
Nếu chúng ta có được tinh thần của đàn ngỗng, chúng ta sẽ là điểm tựa của nhau trong những tình huống khó khăn như thế.
Chiều ngả, nhưng cái nắng đầu hạ vẫn ngập tràn trên những con phố. Khu chợ nhỏ tấp nập người mua kẻ bán, những quầy hàng xếp la liệt xuống cả một góc đường. Bên kia, trên đám vỉa hè chật chội mấy chị hàng xén còn khá trẻ giọng vang lanh lảnh tranh khách, chào hàng. Ai cũng nhanh nhanh chóng chóng để bán thêm được ít hàng cho hết ngày.
Tôi dừng lại trước chiếc xe máy cũ kĩ chở đầy những mớ rau lủng củng, người đàn ông trung niên tóc đã bạc phân nửa mồ hôi nhễ nhại đang chào mời khách, nhưng chẳng mấy ai mua. “Bác bán cho cháu hai mớ rau này với ạ!”, tôi lật tìm nhưng gần như mớ rau nào cũng héo quắt vì nắng. Chiếc áo công nhân bạc phếch ướt thẫm, ông lấy vạt áo lau mạnh những giọt mồi hôi đang ứa đầm trên trán : “Nhà bác hơi xa, nên chạy xe lên đến đây nắng quá rau cũng héo mất, chứ rau sạch đấy cháu ạ. Mà chắc cháu là sinh viên hả? Bác chỉ lấy hai nghìn một mớ thôi!” rồi nhanh tay gói gém cẩn thận vào chiếc túi ni lông cho tôi cầm.
Đang loay hoay tìm tiền lẻ trả bác, bỗng tôi nghe có tiếng chửi ầm ầm phía trước. Một người phụ nữ buôn bán quần áo đang chửi một cụ già vì dừng lại bán rau trước quán chị ta. Người đàn bà một tay bồng con, một tay chống nạnh đứng giữa đường chửi bà cụ không ngớt. Bà cụ tóc bạc trắng không nói nửa lời, chiếc lưng còng chậm chạp gánh những mớ rau lầm lũi đi chỗ khác. Bàn tay cụ đầy vết chân chim, sẹo nám run run trên quảy hàng chưa vơi đi là bao nhiêu. Tôi thấy giọt nước mắt của bà lăn dài trên gò má nhăn nheo khắc khổ. Có lẽ cuộc đời truân chuyên khổ cực đã in hằn một vết chai sần khiến bà trở nên cam chịu giữa sự xô đẩy của dòng đời, bất giác tôi thấy khóe mắt mình cay cay.
Giữa khu chợ tấp nập, đường đông, nhưng dường như không ai để ý đến bà. Bỗng người đàn ông tôi chưa kịp trả tiền chạy lại chỗ bà cụ, tay đỡ lấy đôi quang gánh: “Bà ơi! Con đứng vẫn còn chỗ, bà vào đây bán cùng con!”.
Bà cụ ngẩng đầu nhìn người đàn ông đáng tuổi con mình gật đầu đầy cảm động, bàn tay bà run run lại kéo vạt áo lau giọt nước mắt hòa cùng mồ hôi ướt đẫm…
Hình ảnh đó cứ mãi theo tôi trên con đường về. Thì ra, giữa những âm điệu xô bồ, hỗn loạn của cuộc sống vẫn còn có những khoảng lặng đẹp đẽ và bình yên. Sự cảm thông giữa hai mảnh đời khắc khổ của những con người lao động giúp tôi hiểu và trân trọng cuộc sống này hơn.
Con người có thể "học tập" tính cách gì từ chó - loài vật trung thành nhất với chúng ta?
Đã có quá nhiều mỹ từ để mô tả và ca ngợi đức tính của chó - động vật trung thành nhất của con người. Nếu chỉ sử dụng vài từ ngắn gọn và giản dị để nói về điều này, bạn sẽ nói gì về chú chó cưng của mình? Họa sĩ Patrick Moberg đã mang đến những tranh vẽ giàu ý nghĩa về bài học thú vị trong cuộc sống: Sống đơn giản và yêu thương như loài chó.
Chúng ta luôn hằng mơ về một cuộc sống đơn giản, nơi con người trân trọng và yêu thương nhau vô điều kiện. Thế nhưng, liệu chúng ta có thể học được cách sống "dễ chịu" như một số phẩm chất đáng yêu của loài chó như series tranh vẽ dưới đây?
1. Hãy yêu thương vô điều kiện
2. Khi ai đó tốt bụng cho bạn đồ ăn, hãy trân trọng và ăn thật ngon, như kiểu đó là bữa ăn ngon nhất của bạn nhé!
3. Luôn hứng thú với mọi thứ mới mẻ xung quanh bạn, đặc biệt là những con người sẵn sàng đến bên thế giới của mình.
Diễn văn của luật sư Georges Graham Vest tại một phiên tòa xử vụ kiện người hàng xóm làm chết con chó của thân chủ, được phóng viên William Saller của The New York Times bình chọn là hay nhất trong tất cả các bài diễn văn, lời tựa trên thế giới trong khoảng 100 năm qua.
Thưa quý ngài hội thẩm,
Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hoá thành kẻ thù quay lại chống lại ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi có thể là một lũ vô ơn.
Những người gần gũi thân thiết ta nhất, những người ta gửi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có được, rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần đến nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động một giờ. Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt có thể sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá vào ta khi ta sa cơ lỡ vận. Duy có một người bạn hoàn toàn không vụ lợi mà con người có được trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ ta đi, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay tráo trở, đó là con chó của ta.
Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú quý cũng như trong lúc bần hàn, khi khoẻ mạnh cũng như lúc ốm đau. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh, dù đông cắt da cắt thịt hay bão tuyết lấp vùi, miễn sao được cận kề bên chủ là được. Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn gì cho nó. Nó liếm vết thương của ta và những trầy xước mà ta hứng chịu khi ta va chạm với cuộc đời tàn bạo này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân bại danh liệt thì vẫn còn con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư thì con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó làm kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù. Và một khi trò đời hạ màn, thần chết rước linh hồn ta đi để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, khi tất cả bằng hữu đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng, quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ. Thì khi ấy còn bên nấm mồ ta, con chó cao thượng của ta nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở ra cảnh giác, trung thành và chân thực ngay cả khi ta đã mất rồi.
Thuở xưa, Dionysius trị vì xứ Syracuse - một xứ sở giàu có nhất vương quốc Sicily. Dionysius sống trong một cung điện nguy nga tráng lệ với vô số đồ vật đắt giá và đông đảo tùy tùng.
Quyền lực và sự giàu có của Dionysius đã khiến nhiều người ở xứ Syracuse ghen tị. Và Damocles - một cận thần thân tín của Dionysius - là một trong số đó. Hắn ta luôn ca thán với nhà vua rằng:
- Ngài thật là may mán! Ngài có tất cả mọi thứ mà người khác ao ước. Ngài chính là người hạnh phúc nhất thế gian.Dionysius chán ngấy khi suốt ngày phải nghe những lời đó của Damocles. Một hôm, nhà vua bảo với người cận thần của mình:
- Sao lúc nào ngươi cũng nghĩ ta hạnh phúc hơn mọi người vậy?
- Nhưng quả thật là vậy, thưa đức vua. - Damocles trả lời. - Hãy nhìn vào quyền lực và tài sản mà Người đang nắm giữ. Người chẳng bao giờ phải bận tâm hay lo nghĩ bất kỳ điều gì. Cuộc sống còn có thể tốt đẹp hơn thế sao?
- Vậy thì ta cho phép ngươi được thay thế ta trong một ngày.
- Ôi! Thần chưa khi nào dám mơ đến điều này. - Damocles sung sướng. – Chỉ cần được ở vào vị trí của ngài một ngày đã là niềm hạnh phúc nhất đối với thần rồi.
- Được thôi! Vậy thì ngày mai ngươi hãy đến đây, rồi ngươi sẽ có được niềm hạnh phúc đó.
Thế là ngày hôm sau, Damocles được dẫn đến cung điện. Theo lệnh của Dionysius, những người hầu trong cung phục vụ Damocles tận tình như phục vụ chủ nhân của họ.
Họ khoác lên người Damocles áo choàng hoàng gia và đặt lên đầu gã chiếc vương miện của nhà vua. Damocles ngồi xuống chiếc bàn lớn trong sảnh ăn và lập tức các cao lương mỹ vị được dọn ra. Chẳng còn gì sung sướng hơn thế nữa đối với Damocles. Những loại rượu quý hiếm, hoa thơm quá ngọt, dầu thơm hảo hạng và nhạc múa rộn rã liên tiếp được dâng lên. Damocles ngồi thư giãn trên tắm nệm êm ái, tận hưởng niềm hạnh phúc vô bờ.
- Ôi! Thế này mới là sống chứ. - Gã thở dài nói với Dionysius đang ngồi phía góc bàn đối diện. - Trước giờ thần chưa từng được tận hưởng cuộc sống tuyệt vời như thế này.
Nói rói gã nâng cốc rượu lên miệng và ngửa mặt lên trần nhà. Nhưng cái gì đang đung đưa trên cao và mũi nhọn chĩa thẳng vào đầu gã thế kia?
Damocles lặng người; nụ cười tắt ngấm trên môi. Khuôn mặt gã tái xanh còn đôi tay thì run lẩy bẩy. Bây giờ, gã chẳng còn thiết đến cao lương mỹ vị hay nhạc múa gì nữa. Điều duy nhất gã nghỉ đến là thoát ngay khỏi chỗ ngồi này, càng nhanh càng tốt.
Ngay trên đầu của Damocles, một thanh gươm được treo vào một sợi dây mỏng mảnh. Lưỡi gươm sắc bén của nó nhắm thẳng vào chính giữa đỉnh đầu gã.
Thoạt tiên, Damocles toan nhảy khỏi ghế và chạy trốn, nhưng gã lập tức từ bỏ ý định vì sợ rằng chỉ cần một chuyển động nhỏ cũng làm đứt sợi dây và khiến thanh gươm rơi thẳng xuống. Damocles ngồi im như tượng đá.
- Có chuyện gì thế? - Dionysius hỏi. - Sao ta thấy ngươi có vẻ căng thẳng vậy?
- Thanh gươm! Thanh gươm trên kia kìa! - Damocles thì thào. - Ngài có thấy nó không?
- Dĩ nhiên là có chứ! - Dionysius đáp. - Ta thấy nó mỗi ngày. Lúc nào nó cũng lơ lừng trên đầu ta và có thể rơi xuống bất cứ khi nào. Nhưng đó chỉ là một phần nổi mà ta cố tình đặt ra để nhắc nhở mình về những tai họa tiềm ẩn khác, chẳng hạn như sự phản bội của các cận thần, sự quay lưng của dân chúng, sự xâm lược của kẻ thù hoặc những quyết định sai lầm của chính bản thân ta. Muốn có quyền lực, trước tiên ngươi phải học cách chấp nhận mọi hiểm nguy và rủi ro, ngươi hiểu không?
- Vâng, thưa đức vua, thần đã thấm thía điều đó. - Damocles trả lời. – Thần không nghĩ ngài phải lo nghĩ nhiều điều như thế này. Hãy trở lại vị trí của ngài, còn thần, thần trở về nhà mình ngay.
Từ đó về sau, Damocles không bao giờ muốn đánh đối vị trí của mình với nhà vua một tích tắc nào nữa.
Trích "Tuyển tập truyện hay dành cho thiếu nhi" - Tập 3 - William J. Bennett
Một hôm gia đình nhà Rùa quyết định sẽ đi picnic. Và với bản tính chậm chạp của mình, chúng đã mất bảy năm để chuẩn bị mọi thứ và lên đường. Mất thêm hai năm nữa để tìm ra một chỗ cắm trại. Rồi thêm sáu tháng để dọn dẹp và bày biện các thứ.
***
Nhưng rồi gia đình Rùa phát hiện ra rằng chúng đã quên mang theo muối. "Một chuyến picnic mà không có muối thì chẳng còn gì là thú vị", gia đình nhà rùa đồng ý với nhau như vậy.
Sau hơn một tháng tranh cãi, cuối cùng một con rùa trẻ nhất, nhanh nhẹn nhất được giao nhiệm vụ quay về nhà lấy muối.
Vừa nghe vậy, con rùa được chọn đã bật khóc the thé, run rẩy thân hình trong chiếc vỏ, giãy nảy từ chối.
chuyen-nha-rua
Rốt cuộc, nó cũng đồng ý đi về nhà lấy muối với một điều kiện: gia đình rùa không được phép ăn bất cứ thứ gì trước khi nó quay trở lại.
Họ nhà rùa đành phải đồng ý và con rùa nọ bắt đầu lên đường.
Nhưng rồi đã ba năm trôi qua mà con rùa nọ vẫn chưa quay lại. Rồi năm năm... chín năm, rồi mười bảy năm...
Cuối cùng rùa bô lão không thể nhịn đói được nữa bèn cắn một miếng bánh sandwich cho đỡ đói.
Đúng lúc đó, con rùa vắng mặt mười bảy năm qua đột ngột thò đầu ra từ một lùm cây, hét lên the thé:
- Đó... đó... tôi biết mà! Tôi biết là mọi người sẽ không đợi mà sẽ ăn trước khi tôi quay lại mà. Thôi thôi, tôi không đi lấy muối nữa đâu...
***
Rất nhiều người trong chúng ta lãng phí thời gian để chờ đợi người khác thực hiện những điều mà chúng ta mong đợi.
Rồi chúng ta quá lo lắng về những gì người khác đang làm đến nỗi không tự làm gì cho chính bản thân mình!
Bạn có giống con rùa trong truyện này không?
ST - Tủ sách Hạt giống Tâm hồn - Những câu chuyện cuộc sống 7
Ngày xưa, có một họa sĩ vô cùng tài năng tên là Ranga. Ông mở một lớp mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp. Ông không mấy khi khen ngợi ai, cũng không bao giờ đề cập đến thời gian của khóa học.
Ông nói, một học trò chỉ có thể thành công khi ông hài lòng với kỹ năng và hiểu biết của người đó. Ông truyền cho học trò những phương pháp đánh giá, ước định của ông, và chúng cũng độc đáo như những tác phẩm của ông vậy. Ông không bao giờ thổi phồng tầm quan trọng của những bức tranh hay sự nổi tiếng, mà ông luôn nhấn mạnh đến cách xử sự, thái độ với cuộc sống của học trò.
Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.
Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:
- Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi.
Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:
- Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh lời đề nghị mọi người đánh dấu X vào những sơ suất của nó.
Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X. Nhưng Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa.
Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.
Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói:
- Con đã thành công vào ngày hôm nay. Bởi vì nếu chỉ thành thạo về mỹ thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng con người bao giờ cũng đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều đó cả. Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng.
Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm hay nghiêm túc gì cả. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não. Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ hiểu biết – những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh đi là hơn. Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình. Và tất nhiên, cũng đừng bao giờ đánh giá người khác quá dễ dàng.
Câu chuyện về một người cha và cậu con trai đang ở lứa tuổi thiếu niên. Mối quan hệ cha con của họ không được tốt đẹp và luôn căng thẳng.
Cuối cùng, sau một trận cãi vã kịch liệt, cậu bé đùng đùng bỏ nhà ra đi. Tuy giận dữ và đau lòng, nhưng người cha biết rằng con mình rất cần sự uốn nắn và dạy dỗ để trưởng thành. Vậy nên ông đã bôn ba khắp nơi để tìm kiếm đứa bé nổi loạn ấy. Cuối cùng, khi tới Madrid, trong nỗ lực cuối cùng của mình, ông cho đăng một thông cáo trên báo: "Paco thương yêu, hãy đến gặp cha chiều mai trước cửa tòa soạn. Mọi tội lỗi đều được tha thứ. Cha yêu con. Cha của con".
Chiều hôm đó, người cha đến tòa soạn thật sớm vì ông không muốn trễ giây phút nào để gặp đứa con thân yêu của mình. Và điều bất ngờ là, tới đó, ông đã gặp… 800 cậu bé tên Paco. Cả 800 cậu bé này đều đã bỏ nhà ra đi và đều đang mong đợi sẽ gặp được người cha rộng lượng của mình ở đó với vòng tay dang rộng yêu thương.
Vâng, đôi lúc có những người bạn yêu thương lại làm tổn thương bạn, làm bạn rất đau lòng, và bạn lại càng đau lòng hơn khi nghĩ rằng tại sao họ không nói lời xin lỗi bạn, tại sao họ lại không có gì là ân hận, chẳng lẽ họ không biết rằng bạn đau đến thế nào sao…?
Họ biết chứ, họ ân hận chứ. Nhưng vì lòng tự ái, vì nỗi sợ tỏ ra rằng họ yếu thế, và vì e ngại rằng họ không được tha thứ đã ngăn họ lại.
Nếu bạn còn yêu thương, nếu bạn thật lòng tha thứ, hãy bày tỏ. Và bạn sẽ thấy những người ấy biết ơn bạn đến chừng nào.
Câu chuyện trên đã được kể bởi đại văn hào Ernest Hemingway
Vào ngày đầu tiên tôi đi dạy, tất cả các giờ học đều trôi chảy. Cho đến giờ thứ bảy, giờ cuối cùng trong ngày.
Khi tôi bước tới lớp, tôi nghe thấy tiếng bàn ghế gãy. Trong một góc phòng tôi thấy một học sinh đang đè một đứa khác xuống sàn nhà. "Nghe này, thằng ngu kia!" đứa nằm dưới hét lên. "Tao cóc thèm để ý đến con em gái của mày đâu!"
- Mày đừng có đụng vào nó, mày nghe tao chứ? - Đứa ở trên hăm dọa.
Tôi yêu cầu chúng không đánh nhau nữa. Bất ngờ cả 14 cặp mắt nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi biết trông tôi không có vẻ gì là thuyết phục cho lắm. Cả hai tên gườm gườm nhìn nhau và nhìn tôi rồi đi từ từ về chỗ ngồi. Vào lúc đó, giáo viên phòng bên cạnh ló đầu vào phòng, hét bọn học trò của tôi ngồi vào chỗ, im lặng và nghe lời tôi. Tôi cảm thấy mình thật bất lực.
Tôi cố gắng dạy theo giáo trình đã soạn nhưng chỉ gặp những khuôn mặt gườm gườm cảnh giác đề phòng. Khi hết giờ, tôi giữ cậu học trò đã gây ra vụ đánh nhau. Cậu ta tên là Mark. "Thưa cô, không nên phí thời gian với tụi em," cậu ta nói. "Tụi em là những thằng ngu." Và Mark rời khỏi phòng.
Lặng người đi, tôi rơi mình xuống ghế và bắt đầu suy nghĩ xem tôi có nên trở thành giáo viên hay không. Có lẽ cách giải quyết tốt nhất là nên từ bỏ? Tôi tự nhủ sẽ cố một năm rồi sau khi tôi lập gia đình vào mùa hè tới tôi sẽ làm điều gì đó có ích hơn.
- Tụi nó quậy cô phải không? - Đó là người giáo viên đã vào lớp tôi lúc nãy. Tôi gật đầu.
- Đừng có suy nghĩ nữa. - anh ta nói - Tôi dạy chúng trong những lớp phụ đạo vào mùa hè, và hầu như chắc chắn tụi nó sẽ không tốt nghiệp nổi. Đừng có phí thời gian với bọn này.
- Ý anh là sao?
- Chúng sống trong những túp lều ngoài đồng. Chúng là những lao động nay đây mai đó. Chúng chỉ đến trường khi chúng thích thôi. Đứa trẻ thứ hai đã quấy rối em gái của Mark khi chúng đi hái đậu chung. Tôi đã phải la chúng vào bữa trưa. Cứ phải giữ chúng im lặng và làm việc. Nếu chúng gây ra điều gì, cứ kêu tôi.
Khi tôi lấy đồ ra về. Tôi không thể nào quên được hình ảnh khuôn mặt của Mark khi cậu ta nói "Chúng em là những thằng ngu." Thằng ngu. Từ này cứ vang lên trong đầu tôi. Tôi quyết định tôi phải làm điều gì đó thật mạnh mẽ.
Vào buổi chiều hôm sau tôi bảo với người đồng nghiệp của tôi đừng vào lớp tôi nữa. Tôi cần điều khiển những đứa trẻ này theo cách của tôi. Tôi quay lại lớp và nhìn vào mắt từng học sinh. Rồi tôi bước tới bảng và viết ECINAJ.
"Đó là tên của tôi," tôi nói. "Các em có thể nói cho tôi biết đó là gì không?"
Bọn trẻ nói rằng tên của tôi "kỳ cục" và chúng chưa bao giờ thấy một cái tên như vậy. Tôi lại bước tới bảng và viết chữ JANICE. Nhiều đứa nhỏ bật kêu lên và chúng nhìn tôi vui vẻ.
"Các em nói đúng, tên của tôi là Janice," tôi nói. "Tôi bị thiểu năng đọc, nghĩa là chứng đọc khó. Khi tôi bắt đầu đi học, tôi không thể viết tên của tôi chính xác. Tôi không thể đọc chữ và các con số thì bay mất tiêu khỏi đầu tôi. Tôi bị đặt biệt danh "Đứa ngu". Đúng vậy đó - Tôi đã từng là một "đứa ngu". Bây giờ tôi vẫn còn cảm giác được những âm thanh khủng khiếp đó và sự xấu hổ của mình."
"Vậy sao cô thành giáo viên được?" một đứa trẻ hỏi.
"Vì tôi ghét những biệt hiệu đó và tôi không ngu si và tôi rất ham học. Lớp học của chúng ta cũng vậy. Nếu các bạn thích biệt danh "thằng ngu", các bạn không cần ở đây. Hãy đổi qua lớp khác. Không có ai ngu ở trong lớp này."
"Tôi sẽ không dễ dàng với các em," tôi tiếp tục. "Chúng ta sẽ làm việc và làm cho tới khi các em nắm bắt được. Các em sẽ tốt nghiệp và tôi hy vọng một số em sẽ vào được đại học. Đó không phải là chuyện tếu - đó là một lời hứa. Tôi sẽ không muốn nghe từ "ngu" một lần nào nữa. Các em có hiểu không?"
Bọn trẻ dường như ngồi nghiêm chỉnh hơn.
Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ và tôi bắt đầu thực hiện được một phần lời hứa. Đặc biệt Mark là một đứa trẻ rất thông minh. Tôi đã nghe cậu ta nói với một đứa khác "Cuốn sách này rất hay. Chúng tớ không đọc sách trẻ con ở đây." Cậu đang cầm cuốn sách "To Kill a Mockingbird".
Tháng ngày trôi qua, và sự tiến bộ thật tuyệt vời. Một ngày kia Mark nói với tôi "Mọi người vẫn nghĩ chúng em ngu vì chúng em hay nói sai ngữ pháp." Đó là thời điểm tôi chờ đợi. Từ lúc đó chúng tôi học chuyên sâu về ngữ pháp, bởi vì bọn trẻ muốn thế.
Tôi thật sự tiếc nuối khi thấy tháng Sáu tới, bọn trẻ đang muốn học thật nhiều. Tất cả học trò đều biết tôi sẽ lập gia đình và dời đi xa. Tôi thấy rõ bọn trẻ xúc động mỗi khi tôi nhắc đến điều đó. Tôi vui vì thấy chúng yêu mến tôi nhưng lại sợ rằng chúng sẽ buồn giận khi tôi ra đi.
Vào ngày cuối cùng của năm học, khi tôi đến trường, thầy giám thị gọi tôi khi tôi vừa bước vào cổng trường. "Xin cô vui lòng đi theo tôi"- ông nói một cách nghiêm khắc- "Có chuyện trong phòng học của lớp cô." Ông thẳng bước đi về hướng lớp học. Điều gì đây? Tôi lo lắng.
Thật tuyệt vời! Bọn trẻ đã lấy sơn phun lên từng góc tường những bông hoa, từng bó hoa trên bàn mỗi đứa và một bó hoa lớn trên bàn tôi. Bọn trẻ làm thế nào mà được nhỉ? Tôi suy nghĩ. Hầu hết bọn chúng đều rất nghèo đến mức phải xin trường trợ cấp cho quần áo ấm và thức ăn.
Tôi bật khóc, và bọn trẻ khóc theo tôi.
Sau đó tôi mới được biết bằng cách nào bọn chúng làm được như vậy. Mark làm thêm trong một tiệm bán hoa vào cuối tuần đã thấy rất nhiều phiếu đặt hàng của các lớp khác. Cậu ta đã kể lại cho bạn bè nghe. Quá kiêu hãnh để có thể chấp nhận bị coi là "nghèo", Mark đã hỏi người chủ tiệm xin những bông hoa dư còn lại. Rồi cậu đến nghĩa trang kể về một giáo viên đang chuẩn bị đi xa. Người ta đã giữ lại cho cậu những giỏ hoa.
Đó không phải là điều cuối cùng bọn trẻ làm cho tôi. Hai năm sau, cả 14 học sinh đã tốt nghiệp, và 6 đứa đã đạt học bổng vào đại học.
Hai mươi tám năm sau, tôi đang dạy ại một trường rất nổi tiếng không xa nơi trường cũ. Tôi được biết Mark đã lập gia đình với người cậu yêu từ đại học và trở thành một nhà kinh doanh tài giỏi. Và thật bất ngờ, ba năm trước đứa con trai của Mark đã lại học trong lớp tôi dạy.
Đôi lần tôi bật cười khi nhớ lại ngày đầu tiên đi dạy. Nghĩ đến việc tôi muốn bỏ nghề để làm điều gì đó tốt hơn!
Khi trẻ con học được rằng hạnh phúc không đến từ những gì một người đang có, mà từ chỗ người ấy là ai.
Khi trẻ con học được rằng cho đi và tha thứ thì cao quý hơn là chỉ biết nhận lấy và nuôi mãi oán thù.
Khi trẻ con học được rằng nỗi thống khổ sẽ không dịu đi nếu chỉ ngồi than thân trách phận, mà phải vượt qua bằng ý chí kiên cường xuất phát từ sức mạnh nội tâm.
Khi trẻ con học được rằng chúng không thể chế ngự được thế giới xung quanh, nhưng chúng hoàn toàn có thể làm chủ được cuộc sống của chính mình.
Khi trẻ con học được rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng biết đặt tình bạn lên trên cái tôi ích kỷ, biết khiêm tốn thay cho tự mãn, biết lắng nghe thay vì chỉ ban phát lời khuyên.
Khi trẻ con học được rằng không nên ghét bỏ một người chỉ vì lo sợ khi thấy họ khác mình, trái lại phải biết sợ hãi lòng căm ghét đó…
Khi trẻ con học được rằng niềm vui nằm trong việc có được sức mạnh chân chính để nâng người khác dậy, chứ không phải ở sức mạnh giả tạo để hạ người khác xuống.
Khi trẻ con học được rằng những lời khen tặng chỉ là những lời phỉnh nịnh vô nghĩa nếu không phản ánh đúng năng lực của chính mình.
Khi trẻ con học được rằng giá trị của cuộc sống không phải được đo bằng những năm tháng lo tích cóp tài sản, mà bằng những phút giây quên đi hạnh phúc cá nhân để chia sẻ niềm tin, khơi nguồn hy vọng, lau khô nước mắt và xoa dịu những nỗi đau.
Khi trẻ con học được rằng vẻ đẹp của một người không thể được nhận biết bằng mắt mà bằng cả trái tim, và dù thời gian cùng nỗi khổ có thể tàn phá hình hài thì chúng cũng đồng thời làm tăng giá trị và nhân cách của con người.
Khi trẻ con học được rằng không nên xét nét người khác, rằng mọi người đều có quyền hưởng hạnh phúc dù họ tốt hay xấu, vì suy cho cùng việc họ trở nên tốt hay xấu chính là tuỳ thuộc vào việc họ được người xung quanh giúp đỡ hay chỉ gây cho họ những thương tổn…
Khi trẻ con học được rằng mỗi con người đều được Thượng đế ban cho một món quà riêng biệt, và cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi mỗi con người biết chia sẻ món quà ấy với những người xung quanh.
Khi trẻ con học được tất cả những điều trên và xem đó là nghệ thuật sống, chúng không còn là trẻ con nữa – chúng trở thành niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người và xứng đáng là mẫu mực cho toàn nhân loại…
Chuyện kể rằng có ba chú sâu cùng sống trên một cái cây. Một ngày kia người làm vườn thấy chúng và ông đã cắt những cànhcây sâu bỏ xuống một cái hố. Lá cây vẫn còn đủ cho chúng trong một thời gian nhưng chúng cần làm gì đó để ra khỏi hố nếu không muốn chết. Chú sâu khỏe nhất mới nói:
“Tôi đủ sức mạnh để có thể thoát khỏi đây. Tạm biệt hai anh!”
Nói là làm, chú sâu ngốn một lượng lớn lá cây và bắt đầu bò chậm rãi lên thành hố, hết một ngày nó lại khoét một lỗ vào thành hố và chui vào nghỉ ngơi.
Đến ngày thứ hai thì chú sâu thông minh bắt đầu thử bò lên như chú sâu kia nhưng nó thấy không ổn nên đã quay lại. Có vẻ như nó bỏ cuộc và chú sâu khỏe mạnh vẫn thường nói vọng xuống để trêu đùa hai sâubạn.
Trong khi đó, chú sâu khù khờ nhất trong nhóm chẳng biết làm gì ăn lá cây và chờ chết.
Người làm vườn thấy chú sâu đang bò trên thành hố thì cười. Ông đào cái hố khá sâu nên ông biết chắc là không chú sâu nào có thể sống mà bò lên được.
Chú sâu thông minh giành hết thời gian trong ngày để ăn lá. Nó cẩn thận đưa số lá còn lại vào một góc làm thành một chỗ cao ráo để mưa xuống không làm hư thức ăn.
Chú sâu khù khờ giúp chú sâu thông minh xếp thức ăn và cũng bắt chước chú sâu thông minh ăn thật no nê dù nó không hi vọng điều gì cả.
Thời gian trôi: một ngày, hai ngày, … cho đến ngày thứ bảy.
Chú sâu khỏe mạnh trở nên gầy gò và kiệt sức, nó vẫn cố gắng hết sức vì nó chỉ còn cách miệng hố một ngày bò nữa.
Trong khi đó, hai chú sâu dưới hố đã hóa nhộng và hôm nay là ngày chúng ra khỏi kén.
Chú sâu khỏe mạnh bị một cơn đột quỵ và rơi xuống …
Chú bướm thông minh nói:”Thật đáng đời, hắn ta sẽ chết.”
Chú bướm khù khờ nhỏ nhẹ:”Cứu cậu ta thôi.”
Vậy là chú bướm khù khờ kéo chú sâu tội nghiệp bay lên khỏi miệng hố.
Thời gian lại trôi, ba chúsâu ngày nào giờ đã thành ba chàng bướm xinh đẹp dạo chơi trong khu vườn.
Người làm vườn đã nhìn thấy ba chú bướm và ông vào nhà để tìm vợt. Ông nghĩ đứa cháu của ông sẽ thích món quà này.
Những chú bướm vẫn tung tăng vui đùa, không biết mối nguy hiểm đang gần kề.
“Vút!”- Chú bướm khỏe mạnh đã nhanh chóng đẩy bướm khù khờ né sang một bên,chỉ mỗi chú bướm thông minh bị dính vào lưới.
“Cứu! Cứu với!”
Chú bướm khỏe mạnh cười khẩy: “Thật đáng đời, hắn ta sẽ bị nhốt.”
Chú bướm khù khờ nhỏ nhẹ:”Cứu cậu ta thôi.”
Vậy là chú bướm khỏe mạnh giúp chú bướm khù khờ cắn lưới của người làm vườn nhưng không được. Chú ta liền tấn công người làm vườn và làm ông ta đánh rơi chiếc vợt.
Chú bướm khù khờ lao xuống và cắn đứt một lỗ nhỏ trên lưới. Nó nhanh chóng chui vào lưới và gọi chú bướm thông minh:
“Cậu cứ ra ngoài đi. Nếu ông ấy không bắt được con bướm nào thì chúng ta không được yên đâu, cậu thì thông minh hơn tớ nên nếu bị nhốt thì phí lắm với lại cháu ôngấy sẽ buồn vì không có gì chơi.”
Chú bướm thông minh không còn đủ thôngminh để nghĩ đến mối nguy hiểm xảy ra cho kẻ ở lại, nó lao ngay ra khỏi lưới và mất hút vào khoảng không.
Con bướm khỏe mạnh biến mất trong bụi cây trước sự bất lực của người làm vườn. Người đàn ông già thất vọng quay ra nhặt vợt bỗng mặt ông trở nên tươi hẳn lên khi thấy chú bướm nằm trong lưới.
Ông đưa con bướm vào nhà và dùng một cây ghim gút và ghim vào một bên cánh củacon bướm. Ông định sẽ phơi khô và ép con bướm vào một tấm thiệp để tặng cháu gái.
Vừa lúc đó thì cháu gái của ông đi chơi về.
“Lisa, ông có cái này cho cháu đây!”
Tay người làm vườn vừa nới lỏng thì chú bướm liền vỗ cánh. Nhưng vì cánh bướm bị ghim nên nó rách toạc và chú bướm rơi xuống trên bàn.
Người làm vườn quay đầu lại và tỏ ra buồn rầu.
“Là lỗi của ông, con bướm này đã bị rách cánh nên không còn đẹp và cũng không con bay được nữa, nó sẽ chết một cách tội nghiệp, cháu hãy đem nó ra vườn chôn đi.”
Cô bé con cầm lấy chú bướm và đem nó ra gốc cây thì bất ngờ có hai con bướm lao xuống tấn công cô và đưa chú bướm kia đi.
Chú bướm ấy không chết và ngày ngày hai người bạn của nó lại đem thức ăn về cho nó. Nó không hoạt động được, không tìm bạn gái được nhưng vì nó là một con bướmkhù khờ nên nó chẳng bao giờ buồn những điều đó.
Cuộc sống lại trôi, hạnh phúc là điều ...
Kết:
Ai là kẻ thông minh? Ai là kẻ mạnh mẽ? Ai làkẻ ngu ngốc? Và ai là kẻ may mắn?
* Kẻ thông minh là kẻ biết không phải lúc nào mình cũng thông minh và mạnh mẽ.
* Kẻ mạnh mẽ là kẻ dám chiến đấu với những sai lầm của chính bản thân mình để thay đổi.
* Kẻ ngu ngốc là kẻ bỏ bạn bè trong cơn hoạn nạn.
* Ai cũng đã từng là kẻ may mắn và cũng từng là kẻ xui xẻo.
* Không có kẻ thông minh nhất, cũng không có kẻ mạnh mẽ nhất.
* Kẻ ngu ngốc nhất là kẻ mất đi niềm tin ở chính bản thân mình vì nghĩ rằng mình không thể trở thành một kẻ thông minh và mạnh mẽ.
* Kẻ may mắn nhất trong cuộc đời là kẻ được sống giữa vòng tay bè bạn.
* Hạnh phúc là điều không phải ai cũng cảm nhận được.
Không chỉ riêng trong mùa Giáng Sinh mới có những câu chuyện kể cảm động và đầy ý nghĩa, mà trong đời sống hàng ngày quanh ta vẫn có biết bao câu chuyện như thế. Đó là những câu chuyện làm tâm hồn ta vừa mạnh mẽ hơn lên, nhưng đồng thời cũng làm ta trở nên nhu hòa với mọi người, và với tất cả. Giáng Sinh chính là cơ hội tốt nhất để chúng ta thổ lộ, chúng ta hòa nhập với cuộc đời một cách chân thành và sống động nhất trong cái se lạnh của Mùa Đông và trong khung cảnh thiêng liêng với tiếng chuông Noel reo trên toàn thế giới. Câu chuyện số 1 : MỘT NGƯỜI ANH
Cứ mỗi mùa Giáng Sinh, tôi đều nhận được quà từ anh tôi. Và Giáng Sinh năm ấy tôi cảm thấy vui hơn hết thảy, nhưng vui không phải chỉ vì chiếc xe hơi mới - món quà anh tôi tặng- mà còn vì trong cái đêm đông lạnh lẽo ấy, tôi đã thực sự học được một bài học rất thú vị ...
Đã 7 giờ tối, mọi người trong công ty ra về gần hết, và tôi cũng đến gara để lấy xe về nhà dự tiệc Giáng sinh. Nơi đó, tôi thấy có một cậu bé, ăn mặc rách rưới, trông như một đứa trẻ lang thang, đang đi vòng quanh chiếc xe của tôi, vẻ mặt tỏ ra rất thích thú . Rồi cậu chợt cất tiếng khi thấy tôi đến gần, "Đây là xe của cô ạ?". Tôi khẽ gật đầu : “ Ừ, đó là quà Giáng sinh anh cô tặng cho." Khi tôi vừa dứt lời, cậu bé nhìn tôi sửng sốt : "Ý cô là...anh cô tặng chiếc xe này mà cô không phải trả bất cứ cái gì?" "Ôi! Cháu ước gì...". Cậu bé ngập ngừng.
Tất nhiên tôi biết cậu bé muốn nói điều gì tiếp theo. Cậu muốn có được một người anh như vậy. Tôi chăm chú nhìn cậu bé, tỏ vẻ sẵn sàng lắng nghe lời nói của cậu. Thế nhưng cậu vẫn cúi gằm mặt xuống đất, bàn chân di di trên mặt đất một cách vô thức. "Cháu ước...", cậu bé tiếp tục "...cháu có thể trở thành một người anh giống như vậy". Tôi nhìn cậu bé, ngạc nhiên với lời nói vừa rồi. Bỗng nhiên tôi đề nghị cậu bé, "Cháu nghĩ sao nếu chúng ta đi một vòng quanh thành phố bằng chiếc xe này?". Như sợ tôi đổi ý, cậu bé nhanh nhảu trả lời: "Cháu thích lắm ạ!"
Sau chuyến đi, cậu bé hỏi tôi với ánh mắt sáng ngời hy vọng, "Cô có thể lái xe đến trước nhà cháu không?". Tôi cười và gật đầu. Tôi nghĩ mình biết cậu bé muốn gì. Cậu muốn cho những người hàng xóm thấy cậu đã về nhà trên chiếc xe to như thế nào. Thế nhưng tôi đã lầm..."Cô chỉ cần dừng lại ở đây, và có phiền không nếu cháu xin cô đợi cháu một lát thôi ạ..."
Nói rồi cậu bé chạy nhanh vào con hẻm sâu hun hút, tối om, tưởng chừng như chẳng có ai có thể sống trong ấy. Ít phút sau tôi nghe thấy cậu bé quay lại qua tiếng bước chân, nhưng hình như lần này cậu không chạy như lúc nãy mà đi rất chậm. Và đi theo cậu là một cô bé nhỏ nhắn, mà tôi nghĩ đó là em cậu, cô bé với đôi bàn chân bị tật. Cậu bé đẩy chiếc xe lăn em cậu đang ngồi, một chiếc xe cũ kĩ, xuống những bậc tam cấp một cách rất cẩn thận, và dừng lại cạnh chiếc xe của tôi. "Cô ấy đây em ạ, người lúc nãy anh đã nói với em đấy. Anh cô ấy đã tặng cô ấy một chiếc xe hơi nhân dịp Giáng sinh mà cô ấy chẳng phải trả một đồng nào. Em ạ, rồi một ngày nào đó, anh cũng sẽ tặng em một món quà giống như vậy. Hãy nghĩ xem, khi đó em có thể tận mắt thấy những món quà, những cảnh vật ngoài đường phố trong đêm Giáng Sinh, và anh sẽ không phải cố miêu tả những điều đó cho em nghe nữa!". Tôi không thể cầm được nước mắt, và tôi đã bước ra khỏi xe, đặt cô bé đáng thương ấy lên xe. Ánh mắt cô bé nhìn tôi đầy vẻ cảm phục và thân thiện. Ba chúng tôi lại bắt đầu một chuyến đi vòng quanh thành phố, một chuyến đi thật ý nghĩa và tôi sẽ không bao giờ quên, khi những bông tuyết lạnh giá của đêm Giáng Sinh bắt đầu rơi. Và cũng trong đêm Giáng sinh ấy, tôi đã hiểu được sâu sắc ý nghĩa một câu nói của chúa Giê-su: "Không gì tốt đẹp hơn việc làm cho người khác hạnh phúc." Câu chuyện số 2 : ĐÔI DÉP CHỐN THIÊN ĐÀNG
Chỉ còn 4 ngày nữa là đến Giáng Sinh. Không khí của ngày lễ chưa làm tôi nôn nao, cho dù bãi đậu xe của cửa hàng giảm giá trong khu nhà chúng tôi đã chật ních đầy xe. Bên trong cửa hàng lại còn tệ hơn. Các lối đi đầy ứ những xe đẩy hàng và người mua sắm vào giờ chót.
Tại sao tôi lại đến đây hôm nay? Tôi tự hỏi. Đôi chân tôi rã rời, đầu tôi đau buốt. Tôi đã có một danh sách một số người quả quyết rằng họ không cần quà cáp, nhưng tôi biết họ sẽ rất buồn nếu như tôi chẳng tặng quà gì cho họ!
Mua quà cho người mà cái gì họ cũng có để rồi lại hối tiếc vì đã tốn kém nhiều cho quà cáp, theo tôi mua quà chẳng có tí gì là thích thú cả!
Tôi vội vã cho những món hàng cuối cùng vào xe đẩy, rồi tiến tới những dòng người xếp hàng dài đăng đẳng. Tôi chọn hàng ngắn nhất nhưng có lẽ cũng phải chờ đến 20 phút.
Đứng trước tôi là hai đứa trẻ - một cậu bé khoảng 5 tuổi và một cô bé nhỏ hơn. Đứa bé trai mặc một chiếc áo rách. Đôi giày tennis rách tả tơi, lớn quá khổ và dư thừa ra phía trước chiếc quần Jean ngắn củn cởn của nó. Nó nắm chặt mấy tờ đô-la rách nát trong đôi bàn tay cáu bẩn. Quần áo của đứa bé gái cũng giống y anh nó vậy.
Cô bé có một mái tóc xỉn màu với những lọn tóc xoăn. Trên khuôn mặt nhỏ nhắn của cô bé hiện rõ rằng cô bé đang mong chờ đến bữa ăn chiều. Trong tay cô là một đôi dép màu vàng bóng thật đẹp. Trong lúc tiếng nhạc Giáng Sinh vang lên từ hệ thống stereo của cửa hàng, cô khe khẽ ngân nga theo, dù lạc điệu nhưng rất hạnh phúc.
Cuối cùng cũng đã tới phiên chúng tôi, cô bé cẩn thận đặt đôi giày lên quầy. Cô có vẻ quý đôi giày như vàng vậy. Người thu ngân in hoá đơn và nói: “Của cháu là 9 đô”. Câu bé đặt những đồng tiền rách nát của mình trên mặt quầy và lục tìm khắp túi.
Cuối cùng cậu tìm được tất cả là 6 đô . “Cháu nghĩ chúng cháu phải trả đôi giày lại” - cậu lấy hết can đảm nói. “Lúc khác cháu sẽ quay lại, có lẽ là ngày mai”.
Nghe anh nói thế, cô bé bắt đầu nức nở: “Nhưng Chúa Jesus sẽ rất yêu thích đôi giày này cơ mà” - cô bé khóc. “Thôi được, chúng ta về nhà và sẽ kiếm thêm, em à, đừng khóc nữa, rồi chúng ta sẽ quay trở lại mà” - Cậu bé năn nỉ em. Tôi nhanh chóng đưa cho người thu ngân 3 đô. Hai đứa trẻ đã xếp hàng chờ đợi quá lâu, và dù sao cũng đang là mùa Giáng Sinh. Bỗng nhiên một đôi vòng tay ôm lấy tôi và một giọng nói nhỏ nhẹ cất lên: “Cháu cảm ơn cô, cô nhé”. “Ý của cháu là gì khi nói rằng : Chúa Jesus sẽ thích đôi giày này? “- Tôi hỏi. Cậu bé đáp: “Mẹ cháu bệnh và sẽ lên Thiên Đàng. Bố bảo mẹ sẽ về với Chúa trước Giáng Sinh”. Cô bé nói thêm: “ Cô giáo của cháu nói rằng đường phố trên Thiên Đàng vàng bóng, như chính đôi giày này đây. Mẹ cháu sẽ rất đẹp khi mang đôi giày này đi trên con đường ấy phải không cô?” Nước mắt tôi tuôn trào khi nhìn thấy những giọt lệ lăn trên khuôn mặt cô bé. Tôi đáp: “Đúng, cô tin chắc là mẹ cháu sẽ rất đẹp”. Tôi lặng lẽ cám ơn Thượng Đế đã dùng những đứa trẻ này để nhắc nhở tôi về ý nghĩa đáng trân trọng của việc tặng quà.
Tôi rảo nhanh chân đến cửa hàng địa phương để mua vài món quà giáng sinh vào phút chót lễ Giáng Sinh. Trên đường đi tôi ngắm nhìn mọi người rồi tự nhủ, đáng nhẽ mình phải đi mua quà từ trước nhưng do bận nhiều việc quá. Lễ Giáng Sinh cũng là lúc để tôi có thể thong thả được một lúc. Có lúc tôi đã ước rằng mình sẽ ngủ một giấc dài qua cả mùa Giáng Sinh. Nhưng bây giờ là lúc tôi phải nhanh chóng đến cửa hàng đồ chơi.
Ðang tìm những thứ cần mua, tôi thấy một cậu bé khoảng 5 tuổi đang ôm một con búp bê rất dễ thương. Cậu bé ôm con búp bé rất âu yếm và đang vuốt ve tóc của nó. Tôi cảm thấy rất tò mò nên chăm chú quan sát cậu bé và tự hỏi không biết cậu bé đó định tặng con búp bê đó cho ai. Tôi nhìn thấy cậu bé quay sang nói với người cô đi bên cạnh “Cô có chắc là cô không đủ mua con búp bê này không?”. Người cô trả lời đứa cháu một cách không hài lòng “Cháu phải biết rằng cô không có đủ tiền để mua nó!” Người cô dặn đứa bé không được đi lung tung trong khi bà đi mua thêm vài thứ khác, và bà sẽ quay lại sau vài phút nữa. Rồi thì bà bỏ đi để lại thằng bé vẫn đang mải mân mê con búp bê.
Tôi tiến lại gần để hỏi xem thằng bé định mua con búp bê đó cho ai. Thằng bé trả lời “Cháu mua con búp bê này cho em gái của cháu, vì nó rất thích được tặng một con búp bê nhân dịp giáng sinh và nó đoán rằng ông già Noel sẽ tặng nó một con”. Tôi bèn bảo thằng bé rằng có thể ông già Noel sẽ mang đến không biết chừng. Thằng bé đáp lại ngay “Ông già Noel không biết chỗ em cháu đang ở. Cháu sẽ đưa con búp bê này cho mẹ cháu để mẹ cháu chuyển cho em cháu”. Nghe như vậy tôi liền hỏi thằng bé xem em nó hiện giờ đang ở đâu. Thằng bé ngước nhìn tôi với ánh mắt buồn rầu rồi nói “Nó đã về với Chúa rồi”.
Bố của cháu bảo là mẹ của cháu cũng đang chuẩn bị đi cùng với em cháu rồi. Nghe những lời thằng bé nói tôi cảm thấy tim tôi như có ai bóp nhẹ. Nói xong thằng bé ngước nhìn tôi rồi nói “Cháu đã bảo với bố cháu khuyên mẹ cháu đừng đi theo em cháu vội. Cháu bảo ông nhắn với mẹ cháu rằng hãy đợi cháu đi cửa hàng về đã”. Sau đó thằng bé hỏi tôi có muốn xem bức tranh của nó vẽ không. Tôi bảo rằng tôi rất thích. Thằng bé liền rút vài bức tranh nó để ở quầy hàng đưa cho tôi rồi nó nói “Cháu muốn mẹ cháu mang theo những bức tranh này theo để mẹ cháu không quên cháu, cháu rất yêu mẹ cháu nên cháu không muốn mẹ đi đâu. Nhưng bố cháu bảo mẹ cháu phải đi cùng với em cháu”. Tôi chăm chú nhìn thằng bé và cảm thấy dường như trong hình hài nhỏ bé kia thằng bé lớn lên rất nhiều. Trong khi thằng bé không chú ý, tôi vội lục tìm trong ví của mình để lấy ra một nắm tiền rồi tôi bảo thằng bé “Cháu có đồng ý là chúng ta sẽ cùng đếm số tiền này không?” Thằng bé vô cùng phấn khởi nó nói “Ðược ạ cháu hi vọng là đủ”, rồi tôi đưa cho thằng bé một ít để hai người cùng đếm. Trong khi đếm tiền thằng bé khẽ nói “Tất nhiên ở cửa hàng này có rất nhiều búp bê, cảm ơn Chúa đã mang cho con số tiền này”, sau đó thằng bé nói với tôi rằng “Cháu vừa mới ước được đức Chúa ban cho cháu số tiền này, cháu sẽ mua con búp bê này để mẹ cháu mang nó cho em gái cháu. Và Ngài đã nghe thấy lời nguyện ước của cháu. Cháu cũng muốn ước rằng Ngài ban cho cháu đủ tiền để cháu mua cho mẹ cháu một bông hồng trắng vì mẹ cháu rất thích hoa hồng trắng nhưng cháu chưa kịp hỏi Ngài thì Ngài đã ban cho cháu số tiền đủ để mua cả búp bê và hoa hồng nữa”
Ðúng lúc đó thì cô của thằng bé quay trở lại nên tôi đẩy xe hàng của mình đi. Lúc này đây tôi có tâm trạng khác hẳn với lúc mới vào cửa hàng và tôi không khỏi nghĩ miên man về câu chuyện thằng bé kể cho tôi. Bây giờ tôi mới nhớ ra mình có đọc thấy trên báo nhiều ngày trước đây có một tai nạn do một tài xế say rượu đã đâm vào một ô tô làm chết tại chỗ một bé gái còn mẹ của bé thì bị thương rất nghiêm trọng. Lúc đó tôi nghĩ rằng tai nạn đó không phải là trường hợp của cậu bé đã kể.
Hai ngày sau tôi đọc trên báo thấy đăng tin người phụ nữ xấu số đó đã qua đời. Tôi vẫn không tài nào quên được cậu bé và tự hỏi không biết hai câu chuyện này có liên quan gì đến nhau không. Ngày hôm sau có chuyện gì cứ thôi thúc tôi khiến tôi bước ra ngoài và mua một bó hoa hồng trắng rồi đem đến nơi cử hành tang lễ cho người phụ nữ trẻ. Ở đó tôi thấy người phụ nữ nằm trong quan tài trên tay ôm một bó hoa hồng trắng rất đẹp bên cạnh đó là một con búp bê và những bức tranh của cậu bé mà tôi đã gặp ở cửa hàng đồ chơi hôm nào.
Tôi đứng đó nước mắt tuôn trào, cũng từ đó tôi cảm thấy yêu quí người thân của mình hơn và biết trân trọng những tình cảm linh thiêng đó. Tình yêu của cậu bé dành cho em gái và mẹ của mình thật là quá lớn lao. Nhưng chỉ cần có một tích tắc vô trách nhiệm của gã lái xe say rượu kia đà tàn phá hoàn toàn cuộc đời của cậu bé tội nghiệp. Ai đó đã từng nói rằng: “Chúng ta sống được nhờ những cái gì chúng ta có, nhưng chính chúng ta tạo ra ý nghĩa cuộc sống của mình bằng những gì chúng ta chia sẻ với người khác”.