"Truyện cổ tích thần kỳ"
Cổ tích là một trong những thể loại đặc trưng của văn học dân gian Việt Nam, nhằm phản ánh đời sống xã hội và ước vọng của người nông dân xưa. Tuy đã ra đời từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay, nhưng truyện cổ tích vẫn được lưu truyền qua hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Truyện cổ tích thần kỳ là tập hợp những câu chuyện cổ tích được người dân Việt Nam sáng tạo và lưu truyền từ hàng trăm năm nay. Trong đó, có nhiều truyện đã trở nên quen thuộc với mỗi người.
Ngay từ thuở mới lọt lòng, chúng ta đều được nghe những câu chuyện cổ tích từ bà, từ mẹ. Những sự tích Trầu cau, Tấm Cám, chuyện Cây tre trăm đốt, nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng, chuyện anh chồng tội nghiệp trong Ai mua hành tôi... đã trở nên quen thuộc với hầu hết người dân Việt. Khác với thần thoại hay truyền thuyết, những nhân vật trong truyện cổ tích không phải là các vị thánh thần, những người khai sơn phá thạch, đội đá vá trời... mà là những nhân vật hết sức bình thường, quen thuộc trong đời sống của bà con nông dân như các dũng sĩ, người mồ côi, người nghèo khổ, người có hình dạng xấu xí, người thông minh, người ngốc nghếch và cả những câu chuyện kể về các con vật nói năng và hoạt động như con người. Cũng vì thế mà truyện cổ tích được coi là một trong những thể loại văn học dân gian phản ánh rõ nét phong tục tập quán, lối sống, suy nghĩ, ước vọng của người dân Việt Nam, đặc biệt là người nông dân qua từng thời kì khác nhau.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, người xưa còn gửi gắm trong mỗi câu chuyện một bài học nhân sinh quý giá, về cách đối nhân xử thế, tình làng nghĩa xóm, chuyện anh em ruột thịt một nhà, lòng hiếu thảo với mẹ cha. Truyện cổ tích cũng răn dạy con người lẽ phải, lên án kẻ xấu, kẻ ác, những phường quan lại gian tham, bảo vệ cái tốt, cái thiện, những người biết sống vì người khác. CŨng chính vì những giá trị tốt đẹp này mà truyện cổ tích được người dân các thế hệ luôn gìn giữ, truyền lại để răn dạy cho con cháu.
Truyện cổ tích thần kỳ nằm trong Bộ sách "Tổng tập văn học dân gian người Việt" - bộ sách lần đầu tiên được biên soạn tương đối thống nhất về phương pháp, giới thiệu diện mạo văn học dân gian người Việt theo thể loại. Các thể loại tục ngữ, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, vè, ca dao được dành hai tập cho một thể loại. Ngoài ra còn có các thể loại: câu đố, truyện ngụ ngôn, giai thoại văn học, truyện nôm bình dân...
Các chuyên gia văn hoá của Viện Nghiên cứu văn hoá sưu tầm, chọn lọc các truyện cổ tích tiêu biểu nhất của Việt Nam với mong muốn "Khi từng quyển sách này đến tay bạn đọc, sau khi thưởng thức trí tuệ mẫn tiệp trong các câu tục ngữ sự hóm hỉnh trong câu đố, sự sảng khoái trong các truyện cười, tính chất ý nhị trong các giai thoại văn học, những rung động thiết tha qua lời ca dao trữ tình... xin bạn đọc hiểu rằng đó là tài sản văn hoá tinh thần quý báu của cha ông. Việc sưu tầm, gìn giữ nó không chỉ do các soạn giả được ghi tên ở trong sách, mà còn do nhiều thế hệ, nhiều nhà sưu tầm thực hiện, tên tuổi và các công trình của họ đã được ghi nhận đầy đủ trong bộ sách này".
NGUỒN: google.vn
Tham khảo