nhân vật Huấn Cao

E

eragonmjsakj

“Cảnh cho chữ” trong tác phẩm Chữ người tử tù.
Cảnh tượng xưa nay chưa từng có
+ hoàn cảnh, địa điểm chưa từng có: việc cho chữ thông thường diễn ra ở những nơi thư phòng trong sạch, thanh cao, còn ở đây nó diễn ra trong nhà tù – nơi ngự trị của bóng tối, của cái ác những thứ thù địch với cái Đẹp.
+ tư thế của những người cho chữ, nhận chữ cũng là xưa nay chưa từng có:

. về quyền uy:kẻ có quyền hành thì không có quyền uy ( quản ngục). Uy quyền thuộc về Huấn Cao- một kẻ tử tù, người đáng lẽ không còn một chút quyền uy nào hết.
. về thái độ: Người nắm quyền sinh, quyền sát thì khúm núm, sợ sệt trong khi kẻ tử tù thì ung dung đường bệ.
. về giáo dục: kẻ tử tù là người lên tiếng khuyên quản ngục về lẽ sống còn quản ngục thì cúi đầu bái lĩnh.
Trên đây là một loạt các nghịch lý, tạo nên một cảnh tượng xưa nay chưa từng có :D :D
- Ý nghĩa:
+ Làm nổi bật hình tượng nhân vật Huấn Cao, tô đậm sự vươn lên thắng thế của ánh sáng với bóng tối, cái Đẹp đối với cái xấu xa, nhơ bẩn của cái Thiện với cái Ác.
+ Dù trong hoàn cảnh nào thì cái Đẹp vẫn mang sức sống tiềm tàng. Nó có thể hình thành và ra đời trong môi trường cái Xấu, cái Ác. Nhưng không vì thế mà nó lụi tàn.
+ Gốc của cái Đẹp chính là thiên lương. Muôn thưởng thức cái Đẹp phải giữ cho thiên lương lành vững.
+ Cái Đẹp, cái Thiện có sức mạnh cảm hóa con người. Đó là sự khẳng định của nhà văn về sự chiến thắng của cái Đẹp, cái Thiện
- Tuy nhiên ở khi phân tích nội dung vẫn phải gắn liền với nghệ thuật nhất là khi tìm hiểu văn chương tài hoa của Nguyễn Tuân. Bạn nên chú ý tới một số biện pháp nghệ thuật:
+ đối lập, tương phản
+ nhịp điệu câu văn chậm, giàu hình ảnh gợi liên tưởng tới một đoạn phim quay chậm ( thủ pháp điện ảnh)
Đặc biệt nhấn mạnh sự vận động từ bóng tối tới ánh sáng, từ hôi hám, nhơ bẩn tới cái Đẹp. Có như vậy mới khẳng định được niềm tin của tác giả vào cái Đẹp, cái Thiện.
________________________________________
Cảnh cho chữ
Cảnh cho chữ được tác giả gọi là ''một cảnh tượng xưa nay chưa từng có''. Mà đúng là chưa từng có thật. Bởi vì từ trước đến giờ, việc cho chữ, vốn là 1 hình thức của nghệ thuật viết thư pháp tao nhả và có phần đài các thường chỉ diễn ra trong thư phòng, thư sảnh, thế nhưng ở đây nó lại được diễn ra nơi ngục tối chật hẹp, bần thỉu, hôi hám ''tường...gián''. Không chỉ thế, người cho chữ lại là 1 người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng .Và với bút pháp tương phản bậc thầy NT đã làm bật lên sự đối lập về nhiều mặt. Trong bối cảnh chật hẹp của nhà tù vẫn có bó đuốc cháy đỏ rực thể hiện chí hướng cao cả của những con người, trong cái mùi hôi của không gian lại có mùi thơm của mực, đặc biệt là sâu trong trái tim của con người tưởng như là độc ác, tàn nhẫn đó lại là ''một tấm lòng trong thiên hạ''.
Vẻ đẹp rực rỡ của Huấn Cao hiện lên trong đêm viết chữ cho viên quản ngục. Chính trong tình tiết này, cái mĩ và cái dũng hòa hợp. Dưới ánh đuốc đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu, “một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ trên phiến lụa óng”. Hình ảnh người tử tù trở nên lồng lộng, uy nghi. Viên quản ngục và thầy thư lại, những kẻ đại diện cho xã hội đương thời thì bỗng trở nên nhỏ bé, bị động, khúm núm trước người tử tù. Điều đó cho thấy rằng: trong nhà tù tăm tối không phải những gì hiện thân cho cái ác, cái tàn bạo, cái xấu đang thống trị mà chính là cái Đẹp, cái Dũng, cái Thiện, cái cao cả đang làm chủ. Với cảnh cho chữ này, cái nhà ngục tăm tối đã đổ sụp, bởi vì không còn kẻ phạm tội tử tù, không có quản ngục và thư lại, mà chỉ có người nghệ sĩ tài hoa đang sáng tạo nên cái đẹp trước đôi mắt ngưỡng mộ sùng kính của những kẻ liên tài, tất cả đều thấm đẫm ánh sáng thuần khiết của cái đẹp, cái đẹp của thiên lương và khí phách.
Cũng với cảnh này, người tử tù đang đi vào cõi bất tử. Chỉ sáng mai HC sẽ bị tử hình, nhưng chắc chắn rằng những nét chữ vuông vắn, tươi đẹp hiện lên cái hoài bão tung hoành cả một đời của ông trên lụa bạch sẽ mãi còn đó. Và nhất là lời khuyên của ông đối với viên quản ngục có thể coi là lời di huấn của ông về đạo lí làm người trong thời đại nhiễu nhương đó. Quan niệm của Nguyễn Tuân là cái Đẹp gắn liền với cái Thiện. Người say mê cái đẹp trước hết phải là người có thiên lương. Cái Đẹp của Nguyễn Tuân còn gắn với cái Dũng. Hiện thân của cái Đẹp là hình tượng Huấn Cao với khí phách lừng lẫy đã sáng rực cả trong đêm cho chữ trong nhà tù.
Bên cạnh hình tượng Huấn Cao lồng lộng, ta còn thấy một tấm lòng trong thiên hạ. Trong đêm cho chữ, hình ảnh viên quản ngục cũng cảm động. ''Đó là âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ''. Cái tư thế khúm núm, giọng nói nghẹn ngào, cái cúi đầu xin bái lĩnh và cử chỉ run run bưng chậu mực không phải là sự quỵ lụy hèn hạ mà là thái độ chân thành khiến ta có cảm tình với con người đáng thương này.
“Chữ người tử tù” không còn là “chữ” nữa, không chỉ là Mỹ mà thôi, mà “những nét chữ tươi tắn nó nói lên những hoài bão tung hoành của một đời người”. Đây là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối. Đấy là sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao thượng, đối với sự phàm tục nhơ bẩn, cũng là sự chiến thắng của tinh thần bất khuất trước thái độ cam chịu nô lệ. Sự hòa hợp giữa Mỹ và Dũng trong hình tượng Huấn Cao là đỉnh cao nhân cách theo lí tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân, theo triết lí “duy mĩ” của Nguyễn Tuân
Đoạn truyện ông Huấn Cao cho chữ là đoạn văn hay nhất trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”. Bút pháp điêu luyện, sắc sảo trong việc tạo dựng hình tượng nhân vât chi tiết nào cũng gợi cảm, gây ấn tượng. Ngôn ngữ của Nguyễn Tuân góc cạnh, sáng tạo và giàu tình cảm, cảm xúc dã mang người đọc đến với một không khí cổ kính trang nghiêm đầy xúc động, có phần bi tráng- một khung cảnh cổ xưa.
 
Q

quinhmei

>>> Trả lời nh0ck_dth_vt92

Hình ảnh Liên trong tác phẩm "Hai đứa trẻ" - Thạch Lam

Nói là hai đứa trẻ nhưng trong truyện ngắn còn những đứa trẻ khác. Những đứa nhẩn nha chơi đùa ven phố, những đứa trẻ bươi bới nhặt nhạnh nơi những đống rác của phiên chợ tàn. Nhà văn đi sâu vào hình ảnh của hai đứa trẻ Liên và An. Hai đứa trẻ vốn con một gia đình viên chức ở Hà Nội. Vì người cha mất việc nên trôi dạt về phố huyện.

Hai đứa trẻ đặc biệt là Liên có một tâm hồn nhạy cảm, mộng mơ những gì đến với Liên không trôi qua một cách vô tình. Trong cái "giờ khắc của ngày tàn" "tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ bay vào" rồi đọng lại trong đôi mắt buồn của Liên. Ngồi ở cửa hàng xén nhỏ xíu của mình khi hàng phố lên đèn, Liên nhận ra đó là đèn của nhà ai "đèn hoa kỳ leo lét trong nhà ông Cửu, đèn dậy sáng xanh trong hiệu khách...". Liên nhận ra "mùi âm ẩm bốc lên hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá..." mà nghĩ "là mùi riêng của đất quê hương này".

Nhìn những mảnh đời của phố huyện, Liên có một cảm xúc suy nghĩ riêng. Với những quan sát thật tinh tế cảnh mẹ con chị Tý dọn hàng mỗi tối để rồi Liên suy nghĩ "Chị Tý chả kiếm được bao nhiêu nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng từ chập tối". Một vòng đời lẩn quẩn lặp đi lặp lại mỗi ngày đều đều chậm chậm như tiếng tích tắc của chiếc kim đồng hồ. Cảnh gia đình bác Xẩm tồn tại trên một chiếc chiếu ven thềm "thằng con bò ra đất ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong đất bên đường". Đứa nhỏ như trườn ra khỏi chu vi sống ấy, nhưng lại gặp mảnh đất phố huyện. Cuộc sống nghèo khổ, tăm tối, âm u cứ tiếp tục nối nhau như một dòng chảy không ngừng.

Nhìn những đứa trẻ nhà nghèo bươi bới, nhặt nhạnh "thanh nứa, thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng bỏ lại", Liên "động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để cho chúng"... Cảnh chị em Liên ngắm bầu trời đêm mùa hạ như một đoạn thơ "...Một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát... Bầu trời ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh lẫn với những vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất len vào những cành cây...".

Cảnh Liên ngồi dưới gốc cây bàng quạt cho em ngủ "qua kẽ lá của cành bàng ngàn sao lấp lánh, một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy, rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một...". Những câu văn được diễn tả bằng cảm xúc, cảm giác mong manh mơ hồ như giấc mộng. Quá khứ đã lùi lại ở phía sau, Hà Nội chỉ còn lại một quầng sáng xa xa với màu nước xanh đỏ của cốc xirô mà Liên được uống ở bờ Hồ ngày ấy.

Ngày mai là hình ảnh con tàu đêm từ Hà Nội chạy về qua phố huyện. Con tàu quen thuộc với chị em Liên đến mức họ có thể phân biệt con tàu đêm nay khác con tàu đêm trước thế nào. Thế nhưng đêm nào họ cũng hồi hộp, nô nức đợi tàu như chờ đợi một người thân xa nhau lâu lắm.

Nhà văn đã đặt hình ảnh hai đứa trẻ có tâm hồn trong trẻo, đầy xúc cảm vào bức tranh hiu hắt, mỏi mòn nơi phố huyện để bày tỏ niềm xúc cảm thương yêu lo lắng. Liệu những tâm hồn trong trắng ngây thơ ấy có bị tan vỡ vì môi trường sống ấy không ?

Liệu những mảnh đời mỏi mòn quẩn quanh của bác Xẩm, chị Tý... có phải là tương lai sẽ đến của những đứa trẻ ấy không? Để rồi nhà văn hy vọng một không khí sáng sủa nào đó có thể làm thay đổi ít nhiều cho không khí sống mỏi mòn của phố huyện.

Dù nhà văn có thể không biết làm thế nào để có sự thay đổi ấy, nhưng vẫn cứ ước mong, hy vọng. Niềm mong ước và những vấn đề đặt ra như sự bày tỏ tha thiết sâu sắc, thấm thía của tinh thần nhân ái của nhà văn dành cho số phận con người.


Theo baobinhdinh.com.vn
 
Top Bottom