chi tiết chiếc bóng trong ''Chuyện người con gái Nam xương''
Hình ảnh "Cái bóng" trong câu chuyện là hình ảnh thực nhưng mang ý nghĩa đặc biệt vì nó là chi tiết tạo nên cách thắt nút, mở nút hết sức bất ngờ.
Cái bóng mang ý nghĩa thắt nút câu chuyện vì:
- Đối với Vũ Nương: trong những ngày chồng đi xa, vì thương nhớ chồng và không muốn con nhỏ thiếu vắng bóng người cha nên hằng đêm Vũ Nương đã chỉ bóng mình trên tường, nói dối với con đó là người cha. Lời nói dối của Vũ Nương hết sức tốt đẹp.
- Đối với bé Đản: chỉ mới ba tuổi, còn thơ ngây, chưa hiểu biết những điều phức tạp nên đã tin "cái bóng" mẹ chỉ trên tường là người cha đêm nào cũng đến, mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi nhưng đặc biệt lại nín thin thít và không bao giờ bế nó cả.
- Đối với Trương Sinh: lời nói của bé Đản về một người cha khác (chính là cái bóng) đã làm nảy sinh sự nghi ngờ vợ không chung thủy sắt son, nảy sinh thái độ ghen tuông và lấy đó làm cái cớ để mắng chửi, đánh đuổi Vũ Nương đi, để tạo nên bi kịch đẩy Vũ Nương đi tìm tới cái chết đầy oan ức.
Cái bóng cũng là chi tiết mở nút câu chuyện: chàng Trương Sinh sau này hiểu ra nỗi oan của vợ cũng chính là nhờ cái bóng của mình trên tường được bé Đản gọi là cha. Bao nhiêu nghi ngờ oan ức của Trương Sinh đối với Vũ Nương đều được hóa giải nhờ cái bóng.
Chính cắt thắt nút, mở nút câu chuyện bằng chi tiết cái bóng đã làm cho cái chết của Vũ Nương thêm oan ức và qua đó đã tố cáo chế độ nam quyền trong xã hội phong kiến đầy bất công với người phụ nữ càng thêm sâu sắc.
Nguồn:Sưu tầm