Ngữ văn

K

kute2linh

Hòn Khoai có diện tích 4 km2, hầu hết là đá và rừng cây, đỉnh hòn cao 318 m so với mặt nước biển, thực vật 221 loại với 78 họ và 18 họ thú rừng.

Hòn Khoai nằm phía Đông Nam Mũi Cà Mau, cách đất liền (nơi gần nhất) 14,6 km, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Hòn Khoai còn mang nhiều tên khác nhau như: đảo Giáng Tiên, Hòn Độc Lập.

Đến khi Pháp xâm lược nước ta đặt tên Hòn Khoai thành Poulop. Chung quanh Hòn Khoai còn các hòn đảo khác như: Hòn Lớn, Hòn Nhỏ, Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi… Hòn Khoai có hai bãi cát, Bãi Lớn ở hướng Đông Nam, Bãi Nhỏ ở hướng Bắc. Đường lên đỉnh 3 km được trải nhựa từ thời thực dân Pháp chiếm đóng.

Đường đi quanh đảo có nhiều dốc, vực, nhiều đá cuội nằm ngổn ngang, chồng chất. Trên đảo có nhiều con suối, có hai con suối lớn nước ngọt chảy quanh năm, là nguồn cung cấp nước cho đảo, cho tàu đánh cá quanh khu vực. Trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nguồn suối nước ngọt Hòn Khoai còn cung cấp nước cho nhân dân trong đất liền và các vùng lân cận.

Thực dân Pháp xây ngọn hải đăng từ đỉnh hòn cao 12,05 m, có công suất quét sáng bán kính 35 km, nằm trong hệ thống đèn biển Cần Giờ - Côn Đảo - Hòn Khoai - Phú Quốc để chiếu sáng cho tàu biển đi lại trên biển Đông.

Tháng 3/1940, Xứ ủy Nam Kỳ ra bản đề cương "chuẩn bị bạo động" cho các cấp bộ Đảng trong Nam Bộ thảo luận và xúc tiến chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa vũ trang cướp chính quyền. Tháng 6/1940, Tỉnh ủy Bạc Liêu (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) phân công đồng chí Phan Ngọc Hiển (đảng viên) cùng 2 quần chúng Ngô Văn Giai và Nguyễn Thị Quýt ra Hòn Khoai tuyên truyền vận động quần chúng gầy dựng cơ sở cách mạng chờ thời cơ khởi nghĩa.

Bước chân lên Hòn Khoai, Phan Ngọc Hiển mở lớp dạy học. Không bao lâu, người thanh niên Phan Ngọc Hiển đã cảm hóa hầu hết quần chúng và tất cả anh em làm việc phục vụ Hải Đăng trên đảo sẵn sàng theo Đảng, mà đồng chí Phan Ngọc Hiển là người trực tiếp lãnh đạo. Thời điểm này, phía địch trên đảo gồm có sếp đảo Olivier, Phó đảo Rocker, 8 nhân viên người Việt…

Ngày 20/11/1940, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ phát lệnh "khởi nghĩa". Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu lúc bấy giờ triệu tập hội nghị mở rộng từ 26-27/11/1940. Hội nghị quyết định chia ra làm 3 khu vực chỉ đạo khởi nghĩa, lấy Hòn Khoai làm điểm mở đầu, đột phá cho cuộc khởi nghĩa toàn tỉnh lúc 20 giờ 13/12/1940. Nhưng đến ngày 12/12/1940, Ban Thường vụ tỉnh nhận được ý kiến tạm ngừng khởi nghĩa của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Do thời gian quá ngắn nên Tỉnh ủy không truyền đạt ý kiến đó đến Hòn Khoai được.

Ngày 12/12/1940, đồng chí Phan Ngọc Hiển nhận được quyết định khởi nghĩa của Tỉnh ủy do đồng chí Bông Văn Dĩa, đảng viên Chi bộ Tân Ân mang ra. Nhận lệnh khởi nghĩa, Phan Ngọc Hiển tổ chức họp ngay đảng viên trên Hòn Khoai phổ biến kế hoạch khởi nghĩa. Giờ khởi nghĩa ấn định trong khoảng từ 20 giờ đến 23 giờ ngày 13/12/1940. Trước giờ hành động, Phan Ngọc Hiển tiếp tục họp chi bộ mở rộng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người.

23 giờ 15 phút, tên sếp đảo Olivier rời khỏi nhà đến phòng điện đài. Chờ khi "sếp" bước vào phòng, lực lượng khởi nghĩa kích sẵn nhào vô khóa tay. Tên Olivier chống cự quyết liệt nên anh Nguyễn Văn Cẩn dùng cục đá tảng đập vào đầu tên sếp đảo chết tại chỗ. Trong lúc đó, Phan Ngọc Hiển cùng Dương Văn Giai xông vào nhà thu khẩu súng ngắn và đưa vợ tên sếp đảo về đất liền. Hai anh Sến và Đắc phá kho thu 2 khẩu súng trường và nhiều đạn dược, lựu đạn, mìn. Lực lượng khởi nghĩa làm chủ hoàn toàn Hòn Khoai.

Sáng ngày 14/12/1940, các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai và một số gia đình dùng chiếc ca-nô và ghe đang đậu sẵn tại Bãi Nhỏ vượt biển về đất liền. Khi đoàn quân khởi nghĩa đến gần bờ, Phan Ngọc Hiển ra lệnh giương cờ đỏ búa liềm và tấm băng mang dòng chữ "Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế muôn năm".

Do có lệnh đình cuộc khởi nghĩa nên trong đất liền không triển khai kế hoạch khởi nghĩa theo kế hoạch. Tuy nhiên, đoàn quân khởi nghĩa của Phan Ngọc Hiển vẫn theo kế hoạch kéo về vàm Ông Định, chờ mãi đến 5 giờ sáng ngày 15/12 mà không nghe hiệu lệnh tấn công và cũng không liên lạc được với Ban chỉ huy khu vực I. Không còn chờ được nữa, Phan Ngọc Hiển tự động chỉ huy đoàn quân khởi nghĩa đến quận kiểm lâm tại Thủ Tam Giang gây áp lực làm cho tên Đốc Đông, Trưởng đồn kiểm lâm hốt hoảng đầu hàng giao nộp toàn bộ vũ khí cho đoàn quân khởi nghĩa.

Trưa ngày 16/12/1940, địch cho chở 2 tàu lính mã tà vào Rạch Gốc, các chiến sĩ nổ súng làm chết 1 tên lính trên tàu. Bọn địch hốt hoảng bắn loạn xạ lên bờ và cho tàu chạy qua. 16 giờ cùng ngày, 2 tàu giặc quay lại bắn bừa vào nhà dân và cho lính lên bờ đốt sạch nhà cửa hai bên và chúng bắt hàng trăm người dân tra khảo tàn nhẫn. Mặt khác, chúng đưa bọn gián điệp theo dõi dấu vết của đoàn quân khởi nghĩa.

Qua các ngày đêm chiến đấu, vượt sông lội rừng, hết lương thực, ngày 22/12/1940, trên bãi Khai Long, vì sức lực cạn kiệt, dù có phân công canh gác, nhưng khi các chiến sĩ ngả lưng đã ngủ thiếp đi, bọn giặc bám theo dấu vết vây bắt các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai. Sau 6 tháng bị giam cầm, tra tấn, các chiến sĩ luôn luôn giữ vững khí tiết của những người cộng sản.

Sáng ngày 12/7/1941, thực dân Pháp đưa các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai ra xử bắn tại Sân vận động thị trấn Cà Mau gồm các đồng chí: Phan Ngọc Hiển, Quách Văn Phẩm, Đỗ Văn Sến, Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Cự, Đỗ Văn Biên, Nguyễn Văn Cẩn, Ngô Kinh Luân…

Trước pháp trường, Phan Ngọc Hiển nói dõng dạc: "Chúng tôi là những người cộng sản coi cái chết là bình thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được tự do, có cơm ăn, áo mặc. Chúng tôi tin rằng những người kế tục sẽ tiêu diệt thực dân Pháp, nhất định cách mạng sẽ thành công. Nước Việt Nam nhất định sẽ độc lập". Phan Ngọc Hiển cùng đồng đội hô vang khẩu hiệu:

"Đả đảo thực dân Pháp

Việt Nam độc lập muôn năm!".

Ngày 13/12/1940, ngày Khởi nghĩa Hòn Khoai, được chọn làm ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và quân dân Cà Mau. Đồng chí Phan Ngọc Hiển được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hòn Khoai được Nhà nước công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia ngày 25/9/1992./.



nguồn net
 
Top Bottom