Ngữ văn

T

tiendung_1999

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

ngày mai cô chủ nhiệm bắt mình nộp bài rồi, các bạn giúp mình nhé:
viết về tin tức hoạt động trong nghành giáo dục, sáng kiến kinh nghiệm, tấm gương nhà giáo ưu tú, tản văn hay truện ngắn về vấn đề nào đó(1 trong các đề trên).
Chú ý tiêu đề nhé bạn!
ROSE@};-
 
Last edited by a moderator:
L

leo345

Đây là một số thông tin về thầy giáo Chu Văn An bạn có thể viết về người thầy giáo ưu tú này:)>-:)>-
Tuong%20tho%20CVA.jpg

Chu Văn An (1292–1370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An.
Tiểu sử:
Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần Minh Tông (1300–1357) vời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học, viết sách cho tới khi mất.
Vinh danh

Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến Việt Nam. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Hiện nay còn lăng mộ và đền thờ của ông nằm trên núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An; cách khu di tích Côn Sơn khoảng 4 km. Đây là một điểm di tích văn hoá và danh thắng, với cảnh rừng thông đẹp trùng điệp, có đền thờ cũ và mới xây xong năm 2007. Lăng mộ Chu Văn An nằm trong khu di tích này. Lễ hội vào tháng tám và tháng một, trọng hội vào ngày 25-8 và 26-11. Khu di tích được xếp hạng năm 1998.

Câu đối thờ Chu An:
Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc
Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong
Dịch :
Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả?
Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân !
Ông được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép
An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông là Quốc Tử giám tư nghiệp, dạy thái tử học.
Dụ Tông ham chơi bời luời chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ Tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ". Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê.
Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy. Khi nào có triều hội lớn thì đến kinh sư. Dụ Tông đem chính sự trao cho ông, ông từ chối không nhận. Hiến Từ thái hoàng thái hậu bảo: "Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?". Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết. Thiên hạ đều cho là bậc cao thượng.
Đến khi Dụ Tông băng, quốc thống suýt mất, nghe tin các quan đến lập vua, ông mừng lắm. Chống gậy đến xin bái yết, xong lại xin trở về quê, từ chối không nhận chức gì. Khi ông mất Vua sai quân đến tế, ban tặng tên thụy, ít lâu sau có lệnh cho tòng tự ở Văn miếu.
Tác phẩm

Thất trảm sớ
Tiều ẩn thi tập
Tiều ẩn quốc ngữ thi tập
Tứ thư thuyết ước
Giang đình tác
Linh sơn tạp hứng
Miết trì
Nguyệt tịch bộ Tiên Du sơn tùng kính
Thứ vận tặng Thủy Vân đạo nhân
Xuân đán
Nguồn:Wikipedia
 
D

doraemon_chan

Chủ nhật, 29/9/2013 12:23 GMT+7Facebook Twitter
'Không có giáo sư Hoàng Như Mai thì không có Nguyễn Ngọc Ký'

Tưởng nhớ người thầy đã ra đi, nhà giáo ưu tú viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký nói rằng giáo sư Hoàng Như Mai luôn theo sát từng bước trong cuộc đời cậu bé tật nguyền và "không có thầy thì không có Ký ngày nay".

Dưới đây là bài viết của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký về những kỷ niệm với giáo sư Hoàng Như Mai.

Chiều 27/9, gia đình tôi bàng hoàng nhận được tin nhắn từ chị Hương con gái lớn của thầy Hoàng Như Mai: “Cha tôi đã mất lúc 15h45”. Nước mắt tôi tự dưng ứa trào. Tôi nghẹn ngào không sao nói nên lời. Giáo sư Hoàng Như Mai không chỉ quan tâm, lo lắng, theo sát nâng đỡ từng bước đi của tôi trong những năm học đại học mà còn trong suốt những năm sau khi tôi đã ra trường.

Tiết dạy đầu tiên thầy đến với lớp tôi vào năm học thứ 3 khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi sơ tán giữa một sáng đầu đông gió lạnh năm 1968. Chiếc bàn của tôi mặc nhiên thấp hơn hẳn so với các bàn khác của lớp, được ưu tiên kê gần cửa ra vào để đón ánh sáng không bị các bàn khác che khuất, nên giờ cũng được “ưu tiên” đón luôn những cơn gió đông bắc lạnh kinh người ấy.

Dường như nhận ra điều bất thường đó, vừa giảng được chừng 5 phút, thầy lặng lẽ rời bục giảng, bước nhanh về phía chỗ tôi. Vừa lúc cây bút của tôi rơi xuống đất, có lẽ chân bị cóng, tôi lại bất ngờ xúc động mạnh nên sinh luống cuống. Thầy vội cúi nhặt, đặt lại vào bàn chân tôi rồi quay ra nói với cả lớp: "Có lẽ lớp nên bố trí chuyển bàn cho Ký (cứ như thầy đã biết tôi từ lâu) sang phía bên kia đi. Bên này đối diện với hướng gió. Lạnh quá thế này, Ký viết không được đâu".

Khi giảng bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, thầy đã dạy chúng tôi bài học sống động về sức mạnh của lý tưởng và tình cảm. Thầy hào hùng tiếp mạch cảm xúc: “Dường như chính trong gian khó con người trở nên dễ thông cảm, thương yêu gắn bó với nhau hơn, lãng mạn hơn, lung linh những giá trị thẩm mỹ kỳ diệu bất ngờ hơn. Cho nên chúng ta không lạ gì khi anh lính trẻ Chính Hữu cùng đồng đội trong đêm đứng gác trên đồi, giữa mênh mông rừng hoang sương muối đã rung động nhận ra một hình ảnh tuyệt đẹp, thật quen mà thật lạ. Đó là hình ảnh “đầu súng trăng treo”.

Lặng giây lát, thầy hạ giọng trầm ấm xúc động, đôi mắt chớp liên hồi: “Tôi rất mong và rất tin nơi đầu ngọn bút của các anh chị cũng luôn treo những vầng trăng như vậy. Ví như đầu ngọn bút của anh Nguyễn Ngọc Ký. Mong cả lớp ta với truyền thống luôn biết 'thương nhau tay nắm lấy bàn tay', đặc biệt nắm lấy bàn tay không bình thường của Ký, giúp Ký vượt qua những khó khăn trước mắt để hòa nhập cùng cả lớp".

GS Hoàng Như Mai và nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: NNK
GS Hoàng Như Mai và nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh do thầy Ký cung cấp.
Giọng thầy lúc nào cũng sang sảng vang ngân, nồng ấm. Mỗi tiết lên lớp của thầy là mỗi niềm mong đợi, khát khao. Mỗi bài giảng là mỗi kho kiến thức rộng lớn đầy mới mẻ, cuốn hút. Cuối năm thứ ba, tôi làm khóa luận với đề tài “Một số suy nghĩ về thơ viết cho thiếu nhi”. Đề tài này tôi tự đề xuất, không có trong kế hoạch chỉ đạo của khoa nên tôi rất lo không được chấp nhận. Khi nghe tôi trình bày, thầy Mai vui vẻ ưng thuận ngay.

Bước vào năm thứ tư, tôi quyết định đề xuất viết luận văn với đề tài “Bác Hồ với thiếu nhi qua thơ của Bác, của các tác giả và các em”. Lần này, thầy Mai lại là người nhiệt thành ủng hộ và trực tiếp hết lòng hướng dẫn thực hiện. Hôm tôi bảo vệ luận văn, cũng chính thầy tự tay mở giúp từng trang bản tóm tắt. Chính thầy đã bàn với giáo sư Ngụy Như Kon Tum ý định giữ tôi lại trường. Thầy đã nối nhịp cầu để tôi làm quen với ông Việt Phương, bạn của thầy, thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày ấy. Nhờ đó tôi được Thủ tướng mời về gặp tại khu Quảng Bá. Cũng chính thầy đã về dự lễ cưới của tôi tại vùng quê nghèo Hải Hậu và trực tiếp chuyển tới vợ chồng tôi bức thư tay vô giá và món quà chất nặng ân tình của Thủ tướng gửi mừng.

Khi thầy đã chuyển vào Sài Gòn công tác, biết tôi bị bệnh viêm cầu thận, năm 1991 thầy viết thư động viên tôi vào TP HCM để chữa bệnh và cũng là cơ hội để được gặp gỡ, giao lưu theo nguyện vọng của học sinh, sinh viên thành phố. Hai năm sau, đến tháng 3/1993, tôi thực hiện được lời thầy khuyên.

Từ đó đến nay, mỗi khi có niềm vui lớn, mỗi khi gặp trắc trở, tôi lại đến thăm thầy để tâm sự, giãi bày. Ở tuổi ngoài 90, mái tóc đã trắng xóa màu mây phấn, bước đi đã chậm chạp, song nhiệt huyết của thầy với văn chương, với giáo dục, với cuộc đời, với mỗi học trò chúng tôi dường như vẫn sung sức, trẻ trung, nồng thắm như ngày nào.

Đầu tháng 7 vừa qua tôi tới thăm và nhờ thầy viết cho lời giới thiệu cuốn sách mới "Tôi học đại học". Dù sức đã yếu thầy vẫn vui vẻ nhận lời. Bất ngờ đầu tháng 9 tôi hay tin thầy bị ngã gãy chân nằm điều trị tại khoa Cán bộ cao cấp bệnh viện 175. Ngay trưa đó vợ chồng tôi cùng con gái lớn vào thăm và tặng thầy cuốn sách trang đầu có lời giới thiệu của thầy vừa in xong tối hôm trước. Thầy vui lắm.

Cứ vậy mỗi tuần 3 lần đến bệnh viện 175 chạy thận nhân tạo, vợ chồng tôi lại đến thăm thầy. Thầy ân cần khuyên tôi nên giữ sức khỏe để lọc máu được lâu dài. Tôi nhận ra sắc diện thầy đã thay đổi từng ngày sau mỗi trận ho dài. Nhận ra vẻ lo lắng của tôi thầy cười "Yên chí đi. Ông trời chưa gọi thầy đâu”. Vừa lúc cơn ho đến, biết thầy mệt vợ chồng tôi đành cáo lui để thầy nghỉ. Ngay hôm sau 20/9 nghe tin thầy phải chuyển vào nằm ở khoa hồi sức cấp cứu A12, tôi biết sự không lành đang đón đợi thầy.

Vậy là người thầy mẫu mực, nhân từ của tôi không còn nữa. Song những gì thầy đã giành cho tôi, cho cuộc đời, cho sự nghiệp trồng người suốt hơn 70 năm qua vẫn mãi còn dậy ngời sáng lung linh trong góc thẳm tâm hồn tôi và muôn vạn người đất Việt. Con thành tâm kính thầy an giấc ngàn thu trong sự thanh thản bất tận.

Cuộc đời tôi may mắn được nhiều người yêu thương, giúp đỡ. Và nếu không có GS Hoàng Như Mai thì sẽ không có Nguyễn Ngọc Ký của ngày hôm nay.


" theo báo "
 
Last edited by a moderator:
Top Bottom