[Ngữ văn]Tư liệu ngữ văn

P

phamminhkhoi

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Các câu chuyện không-có-trong-sách- giáo- khoa có liên quan & bổ trợ cho bài học, nhằm làm phong phú thêm kiến thức & khả năng viết bài

Một vài tư liệu về tuyên ngôn độc lập
Nhấn vào để nghe bản tuyên ngôn độc lập

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc trước quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945 thực sự gắn với một sự kiện trọng đại trong tiến trình lịch sử Việt Nam và cũng trở thành một trong những áng văn bất hủ trong di sản văn hoá và tư tưởng Việt Nam nhằm khẳng định quyền tự chủ và mục tiêu phát triển của dân tộc.

Nó có thể sánh với những áng “thiên cổ hùng văn” mà ông cha ta đã để lại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cả ngàn năm tồn tại trong mối quan hệ với phương Bắc như “áng thơ thần bên sông Như Nguyệt” gắn với cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt, như “Hịch tướng sĩ văn” thời Trần Hưng Đạo thống lĩnh ba quân đánh bại giặc Nguyên-Mông, hay “Đại cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi tuyên cáo về chiến thắng vẻ vang của cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc Minh đô hộ, dưới ngọn cờ của minh quân Lê Lợi ...

Nhưng với Tuyên ngôn Độc lập ra đời vào một thời điểm có ý nghĩa lịch sử đối với toàn thế giới khi cuộc Đại chiến lần thứ Hai kết thúc , lại mang một giá trị đặc biệt. Nó không còn trong giới hạn của khẳng định về quyền tự chủ của dân tộc ta đối với nước láng giềng phương Bắc, mà còn khẳng định được với toàn thế giới về sự ra đời một nước Việt Nam hiện đại, không chỉ thoát ly khỏi chế độ thuộc địa của thực dân Pháp đã đầu hàng, từ tay chủ nghĩa phát xít Nhật đã bại trận, mà còn chấm dứt luôn cả chế độ quân chủ từng tồn tại cả ngàn năm bằng sự thoái vị của ông vua cuối cùng của triều Nguyễn.

Hơn thế nữa, nhà nước này lại là thành quả của “một dân tộc gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay” do vậy mà “dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập”. Và trên thực tế nhà nước này đã được ra đời đúng với nguyên lý mà những người lãnh đạo cuộc cách mạng đã xác định ngay từ rất sớm là “đem sức ta giải phóng cho ta”.

Chúng ta đều biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay vào việc soạn thảo văn kiện này vào đêm 28/8/1945, ngay sau khi Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra tuyên cáo “là một chính phủ quốc gia thống nhất giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hoà chính thức”.

Và ai cũng biết rằng chính phủ lâm thời này được thành lập trên cơ sở cải tổ Uỷ ban Dân tộc Giải phóng được thành lập tại Quốc dân Đại hội Tân Trào trước đó hơn muời ngày (17/8). Việc cải tổ này lại được thực hiện bởi một hành vi cao cả là nhiều uỷ viên Việt Minh tự rút lui nhường chỗ cho các nhân sĩ ngoài Việt Minh vào tham chính.

"Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân" (Hồ Chí Minh) Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng được khởi thảo khi những đại diện của Việt Minh đã lên đường vào Huế để 2 hôm sau (30/8) nhận lễ thoái vị của Vua Bảo Đại. Tại buổi lễ đó, vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đã có lời tuyên cáo mang ý nghĩa thật sâu sắc: "sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc, ngậm đắng nuốt cay, từ nay...lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập"...

Tất thảy diễn tiến của những sự kiện ấy đã làm nên một nét đặc sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: "cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều, có nước phải chặt đầu vua... Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra khỏi bờ cõi".

Do vậy, cũng có thể thấy được một giá trị rất quan trọng của Tuyên ngôn Độc lập mà một văn bản pháp lý rất hiện đại phù hợp với tập quán chính trị của nhiều quốc gia nhằm khẳng định địa vị pháp lý của nền độc lập và chủ quyền một quốc gia với toàn thể cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Đánh giá về quá trình khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, A.Patti, viên sĩ quan tình báo Hoa Kỳ phụ trách đơn vị OSS đang cộng tác với Việt Minh cho rằng ngay sau khi nhận được tin phát xít Nhật đầu hàng, nhận thấy thời cơ đã tới, Hồ Chí Minh "đã hành động một cách kiên quyết và nhanh chóng, vì ông phải bảo đảm chiếm được một chỗ đứng vững chắc ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Ông Hồ biết rằng, ông phải làm cho mọi người thấy rõ cả tính hợp pháp lẫn sức mạnh để giữ vai trò lãnh đạo và phát triển phong trào...".

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã được vị Chủ tịch nhà nước lâm thời soạn thảo ngay giữa lòng thành phố Hà Nội, ngôi nhà phố 48 Hàng Ngang của một nhà tư sản dân tộc. Văn bản này đã được tác giả trao đổi để lấy ý kiến không chỉ đối với các đồng chí trong đoàn thể của mình mà còn đọc cho những người dân bình thường nghe, với lòng mong muốn nó đến được với mọi đồng bào của mình để làm cho họ có ý thức về một biến cố lịch sử rất to lớn đối với vận mệnh của cả dân tộc nhưng cũng gần gũi với vận mệnh của mỗi con người, nay đã được gọi là công dân của một nước độc lập theo thể chế Dân chủ , Cộng hoà...

Hơn thế nữa, người đứng đầu cuộc cách mạng cũng là đứng đầu của nhà nước Việt Nam còn tham khảo cả những người Đồng minh, khi mời A. Patti tới ngôi nhà 48 Hàng Ngang để trao đổi về bản thảo Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam. Thoạt đầu viên sĩ quan tình báo Mỹ đã không tin vào tai mình khi nghe người phiên dịch đọc đoạn đầu tiên trong bản thảo của Ông Hồ lại là đoạn văn trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

Nhưng A.Patti nhận ra là đoạn trích này đã được Ông Hồ đảo vị trí 2 từ "tự do" và "quyền sống" nên thắc mắc thì được tác giả Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam giải thích rằng "Đúng. Không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do". Chúng ta cũng biết rằng từ 20 năm trước đó (1925) trên báo “Thanh Niên” xuất bản ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã dịch văn kiện này khi viết bài giảng về “Lịch sử Cách mạng Hoa Kỳ”.

Và trước khi về Hà Nội soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã yêu cầu các phi công Mỹ của OSS thả dù xuống chiến khu Việt Bắc văn kiện lịch sử này để tham khảo. Trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải (6/2005), tại cuộc tiếp xúc ở thành phố Boston, mọi người đã được nghe một bài phát biểu nồng nhiệt của một chính khách lão thành của Hoa Kỳ.

Đó là nguyên Thượng nghị sĩ Mc Govern, người luôn có tiếng nói chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và năm 1972 đã từng tranh cử chức tổng thống với R.Nixon. Ông đã đưa ra nhận xét rằng: “Trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại cuộc kháng chiến giành độc lập của Hoa Kỳ, do Thomas Jefferson soạn thảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thay đổi một ý so với Bản Tuyên ngôn của Thomas. Jefferson. Câu “chúng tôi ủng hộ một sự thật hiển nhiên rằng mọi người đều sinh ra bình đẳng” thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói rằng :”Mọi dân tộc sinh ra đều bình đẳng”. Quả là một sự thay đổi khéo léo và sáng suốt”...

Nguyên văn trong Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ dùng cách diễn đạt “suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Cũng bình luận về đoạn trích dẫn này, một nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam người Hoa Kỳ, bà Lady Borton còn đưa ra nhận xét rằng khi dịch chữ “all men” trong văn bản của Thomas Jefferson vào thời đuợc viết, thế kỷ XVIII, chỉ bao hàm những người đàn ông, đương nhiên phải là da trắng và có tài sản, đã được Chủ tịch của nước Việt Nam độc lập diễn dịch thành: ”Tất cả mọi người” mà trên thực tế được thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam bao gồm tất thảy các công dân không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc hay chính kiến.

Đó chính là một sự “suy rộng”nữa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại cho Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ những tiến bộ của nhân loại gần 2 thế kỷ sau đó. Bà Borton cũng nhấn mạnh rằng, đây cũng là văn kiện rất sớm trong đời sống chính trị của thế giới đã xác lập quyền bình đẳng của phụ nữ trong tư cách công dân. Bàn về lời trích 2 bản Tuyên ngôn của 2 quốc gia Âu Mỹ, trong đó lại có cả nước Pháp mới đây vừa đô hộ nước mình, có người đặt câu hỏi: phải chăng đây là một sách lược mềm dẻo để ứng phó với 2 cường quốc lớn tiềm tàng những mưu đồ thực dân cũ và mới ? Hoàn toàn không phải!

Sử dụng những trích dẫn ấy, vị Chủ tịch của Nhà nước Việt Nam độc lập muốn khẳng định rằng, Cách mạng Việt Nam cũng chính là sự nối tiếp của con đường tiến hoá và tiến bộ mà nhân loại đã và sẽ đi. Nếu Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1892 là những mốc son của sự nghiệp giải phóng con người thì chính cuộc Cách mạng tháng 8/1945 của Việt Nam cũng là bước đi tiếp theo của quá trình ấy.

Những gì đã diễn ra sau cuộc Cách mạng tháng 8/1945 đã chứng thực một sự thực về nguyện vọng giải phóng của các dân tộc nhỏ khỏi sự đè nén của các nước lớn, sản phẩm của chế độ thực dân, đã lần lượt tan rã sau cuộc Cách mạng của Việt Nam khởi đầu cho cao trào giải phóng các thuộc địa. Như một người bạn Angiêri cùng cảnh ngộ từng là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đã viết sau khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần: “Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam đã đóng những nhát đanh đầu tiên lên nắp ván thiên chiếc quan tài của chủ nghĩa thực dân, còn dân tộc Angiêri có vinh dự đưa nó ra nơi an nghỉ cuối cùng !”.

Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam không chỉ là tấm giấy khai sinh cho một nhà nước Việt Nam theo thể chế Dân chủ - Cộng hoà và theo đuổi mục tiêu “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” mà còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại bằng một sự “suy rộng ra” thành một chân lý mang tầm thời đại.

 
P

phamminhkhoi

Nguồn gốc của những cái đẹp trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu
nguyễn đức sư
Năm nay chúng ta kỷ niệm 170 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu với tất cà sự ngưỡng mộ và tấm lòng tôn kính tài năng đặc đã và sự cống hiển to lớn của nhà thơ cho sự phát triển nền văn hóa nước nhà trong suốt mấy thập kỷ kể từ giữa thế kỷ XIX Nguyễn Đình Chiểu có được sự ngưỡng mộ và tôn kính ấy của bao nhiêu thế hệ kể cả thể hệ ngày nay và thế hệ đã qua là do di sản thơ văn của ông để lại cho đời sau và những giá trị tinh thần tỏa ra từ những áng thơ văn đó.
Chính những giá trị cao đẹp ấy là kết quả của cả một cuộc đời lao động trí óc nghiêm túc, say mê, tràn đầy nghi lực và không biết mỏi của Nguyễn Đình Chiểu. Không có một cuộc đời lao động như vậy, thì không thể nói gì đến những thành công trên địa hạt văn học và tư tưởng. Nhưng một trong những bí quyết tạo nên những thành công của Nguyễn Đình Chiểu, một nguồn gốc chủ yếu của những giá trị cao đẹp trong di sản thơ văn của ông, chính là lòng thương dân vô hạn và sự gắn bó suốt đời với nhân dân của Nguyễn Đình Chiểu, nhất là quan điểm và lập trường của nhân dân khi ông xem xét và giải quyết mọi vấn đề. Nhân dân đã đùm bọc, cưu mang giúp đỡ ông lúc hoạn nạn, đồng thời đã tạo ra những điều kiện và môi trường thích hợp cho tài nàng và trí tuệ của ông nảy nở. Đối với ông, nhân dân lao động như một bà mẹ thần kỳ, chẳng những đem lại cho ông một cuộc sống mãnh liệt, hữu ích và đầy ý nghĩa, mà cỏn chắp cho ông đôi cánh đủ sức bay tới những đỉnh cao của trí thức và nghệ thuật. Đó là một sự thật hiển nhiên mà ta có thể dễ dàng nhận thấy qua mấy biểu hiện sau đây trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu:

I.

Từ truyện thơ Lục Vân Tiên

Trong truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên cả một xã hội trong đó những nhân vật chính diện tiêu biểu là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga đã tượng trưng cho tài năng, trí tuệ, nhân phẩm của con người. Đó là những con người học rộng, tài cao. Tuy mỗi người mỗi vẻ, mỗi nét mặt khác nhau, nhưng họ đều là những người "cương trực", "khẳng khái", "vị tha" và “trọng nghĩa hiệp". Họ sẵn sàng cứu giúp người khác không sợ khó khăn nguy hiểm và nêu cao cái nghĩa khí “giữa đường gặp sự bất bình chẳng tha". Họ kiên trì đứng về lẽ phải mà suy nghĩ và hành động. Những đặc tính cao đẹp đó cững chính là những đức tính cơ bản của con người Việt Nam nói chung và của nhân dân Nam Bộ nói riêng. Những đặc tính đó đã hình thành và củng cố trên trường kỳ lịch sử nhất là trong quá trình dân tộc ta khai phá và mở mang mảnh đất miền Nam của Tổ quốc, cho nên nó đặc biệt thể hiện rõ nét ở nhân dân Nam Bộ. Những đặc tính đó không những đã được phản ánh trong văn học dân gian mà còn được khẳng định trong sử sách.

Ở những nhân vật chính diện của truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã miêu tả phẩm chất đẹp đẽ của con người biểu hiện trong các mối quan hệ cha con, vợ chồng, bè bạn, thầy trò... Họ đã ăn ở, giao tiếp và đối xử với nhau thật là trọn tình vẹn nghĩa, thủy chung. Tinh nghĩa và lòng thủy chung đó chính là tình cảm đạo đức hồn nhiên trong sáng và lành mạnh vốn nảy sinh từ trong cuộc sống giản dị của nhân dân lao động.

Hơn nữa trong cuộc đời thực, quần chúng lao động còn có một cách nhìn lạc quan ở tương lai, một niềm tin vào sự thắng lợi của lẽ phải, của tài năng và nhân phẩm con người. Lẽ dĩ nhiên dưới chế độ phong kiến, quân chúng lao động không tránh khỏi những giới hạn của lịch sử, cho nên cái nhìn lạc quan và niềm tin của họ thường gần với quan niệm ác giả ác báo, thiện giả thiện báo. Do bị áp bức và bóc lột, họ rất mong muốn được giải phóng, mong muốn mọi người ở hiền gặp lành và chính nghĩa nhất định sẽ thắng, đồng thời những kẻ bạc ác cuối cùng phải đền tội.

Tiến trình phát triển của sự việc và của những tình tiết trong truyện Lục Vân Tiên đã diễn ra theo đúng như cái nhìn lạc quan và niềm tin như vậy của quần chúng.

Hai nhân vật chính là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga gặp bao nhiêu tai nạn và trắc trở trên đường đời, nhưng cuối cùng họ đã vượt qua tất cả để đi đến hạnh phúc.

Tóm lại, nhân dân lao động được phản ánh trong truyện Lục Vân Tiên với tất cả đặc tính và phẩm chất, sức mạnh và niềm tin của họ. Đó chính là một thành công tuyệt mỹ trong lịch sử văn học nước ta. Bởi vì trước Nguyễn Đình Chiểu, ở nước ta chưa có một nhà văn nhà thơ nào, kể từ đại thi hào Nguyễn Du cho đến các tác giả của những truyện nôm bình dân và truyện nôm bác học, lại miêu tả được sâu sắc, đa dạng tính cách của quần chúng nhân dân như truyện thơ Lục Vân Tiên. Nếu trước Nguyễn Đình Chiểu, hình ảnh và tính cách của quần chúng lao động mới xuất hiện một cách lẻ loi thưa thớt, thì với tác phẩm Lục Vân Tiên quần chúng lao động được miêu tả một cách tập trung trên nhiều khía cạnh. Những đặc tính và phẩm chất của họ không chỉ biểu hiện ở một hoặc hai nhân vật mà ở một loạt các nhân vật như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, Vương Tử Trực, ông Ngư, ông Triều, ông Quán, Tiểu đồng... Điều đó chứng tỏ rằng, nhân dân lao động kể cả những người trí thức gắn bó với họ đã từ cuộc đời thực bước vào truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu như một lực lượng xã hội đông đảo, hùng hậu. Chính lực lượng xã hội này đã báo trước tinh thần kháng chiến anh dũng của nhân dân miền Nam khi thực dân Pháp đặt chân tới. Nhìn thấy sức mạnh của lực lượng xã hội này, đó chính là một cống hiến vô cùng quý giá của Nguyễn Đình Chiểu vào kho tàng văn hóa của dân tộc.

Với một nội dung có tính nhân dân sâu sắc như vậy, với một hình thức giản dị phù hợp với nếp suy nghĩ của quần chúng và với một ngôn ngữ trong sáng được nâng cao từ tiếng nói thân thuộc hàng ngày của họ, truyện Lục Vân Tiên đã được đông đảo quần chúng say mê ưa thích. Họ vô cùng sung sướng và xúc động khi tìm thấy ở trong truyện những hình ảnh, những tính cách giống vởi bản thân mình. Do đó mà các nhân vật trong truyện sống mải trong tâm trí của đông đảo nhân dân qua bao nhiêu thế hệ. Giá tri tuyệt vời của truyện Lục Vân Tiên chính là ở chỗ đó.

Sở dĩ truyện Lục Vân Tiên có những giá trị tuyệt vời ấy và Nguyễn Đình Chiểu thành công khi viết tác phẩm này, là vì ông có một sự hiểu biết sâu rộng và nhiều mặt về đời sống của nhân dân nhất là đời sống của người nông dân miền Đồng Nai, Gia Định. Ông không những thấy rõ nét mặt, dáng điệu, cử chỉ, hành vi của họ mà còn hiểu được tâm tư, nguyện vọng thầm kín của họ, hơn nữa có một lối nhìn và giải quyết vấn đề bắt nguồn từ tâm lý và niềm tin của họ.

Nhưng không phải là ngẫu nhiên mà Nguyễn Đình Chiểu lại có được vốn hiểu biết về nhân dân cũng như có một trái tim và lập trường đồng diệu với nhân dân như thế. Chính cuộc sống của ông đã đưa lại cho ông tất cả những thứ qúy giá ấy. Đó là một cuộc sống của nhân dân.

Cuộc sống của Nguyễn Đình Chiểu bắt đầu từ một gia đình nhà nho nghèo mà cha mẹ của ông có nhiều liên hệ và gắn bó thân thiết với nhân dân. Qua sự giáo dục của người cha ngay thẳng và nhất là của người mẹ dịu hiền, ông đã trực tiếp nhận được dòng sữa tinh thần của nhân dân để mở mang đần trí óc của mình từ những ngày thơ bé. Khi tật đui mù và bao nhiêu tai họa liên tiếp đến với ông, thì trong hoàn cảnh éo le và đau xót này, nhân dân lao động như một bà mẹ hiền nâng ông dậy và dang rộng cánh tay ra đón nhận người con bất hạnh của mình. Từ đây cả cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu, từ việc ăn ở cho đến việc lấy vợ sinh con, từ công việc làm thuốc, dạy học cho đến việc sáng tác thơ ca, đều điều hành trong sự giúp đỡ, cứu mang, đùm bọc và trìu mến của nhân dân. Nghề dạy học và bốc thuốc giúp ông sinh sống nhưng cũng lại tăng thêm sự giao tiếp của ông với các từng lớp người trong xã hội. Nhờ đó mà tri thức của ông được nhân lên gấp bội và ông có đầy đủ những vốn liếng cần thiết để sáng tạo nên những hình tượng bất hủ trong truyện Lục Vân Tiên.

II

Nguồn gốc của sự nhận thức về cuộc kháng chiến cứu nước và vai trò của nhân dân trong cuộc kháng chiến đó.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Nguyễn Đình Chiểu bước vào cuộc kháng chiến cứu nước, cũng với cách nhìn nhận sự việc lành mạnh và dứt khoát như ông đã thể hiện trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Trong những giờ phút thứ thách này của lịch sử, nhận thức và lập trường của ông đã đứng vững, phát triển và vươn tới đỉnh cao của thời đại.

Trước hết sự nhìn nhận của ông về cuộc kháng chiến cứu nước thấm đượm một chủ nghĩa yêu nước thiết tha sôi nổi. Đó là chủ nghĩa yêu nước được xây dựng trên nền tảng của lòng thương dân vô hạn, một lòng thương dân đã hình thành trong suốt cuộc đời gần gũi và gắn bó của ông với nhân dân. Đây không phải là lòng thương dân của những người trí thức qúy tộc có thiện ý nghiêng mình xuống thông cảm với quần chúng nghèo khổ ở phía dưới, mà thực sự là lòng thương dân của một người trí thức cùng cảnh ngộ, cùng lập trường và quan điểm với nhân dân.

Càng thương dân, Nguyễn Đình Chiểu càng yêu nước da diết, càng đau xót khi giặc Pháp dày xéo lên mảnh đất quê hương, tàn phá xóm làng và gây ra bao cảnh đau thương tang tóc cho nhân dân:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bày chim dáo dát bay
Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuộm mầu mây

Ở Nguyễn Đình Chiểu lòng yêu nước thương dân luôn luôn gắn liền với lòng căm thù địch sâu sắc và thái độ kiên quyết đánh giặc. Là người trí thức thông cảm với mọi nỗi đau khổ của nhân dân trong chiến tranh, Nguyễn Đình Chiểu càng thấy rô những tội ác "trời không dung đất không tha" của bọn thực dân Pháp. Có thể nói, ngay từ khi chúng đặt bàn chán xâm lược lên miền Nam của đất nước ta, thì những hành động khủng bố dã man, cướp bóc trắng trợn, đầu độc thâm hiểm của chúng đã bị Nguyễn Đình Chiểu lên án một cách nghiêm khắc, quyết liệt. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một kẻ thù mới mẻ của dân tộc ta bị tố cáo với những bằng chứng xác thực. Chỉ riêng điểm đó cững đủ chứng tỏ nhận thức của Nguyễn Đình Chiểu vượt xa các sĩ phu đương thời, nhất là các sĩ phu nắm quyền trong triều Nguyễn. Đối với ông, không thể có một sự chung sống yên ổn hoặc một sự nghị hòa vô nguyên tắc nào giữa bọn giặc nước và nhân dân ta đang lâm vào cảnh nước mất nhà tan. Ông nhấn mạnh rằng:

Trời Đông mà gió Tây qua
Hai hơi ấm mát chẳng hòa đau dân.

Đứng trước mối mâu thuẫn gay gắt ấy, thái độ của Nguyễn Đình Chiểu là kiên quyết đứng về phía nhân dân, đứng trên lập trường bảo vệ độc lập của tổ quốc để chống lại bọn thực dân xâm lược. Theo ông, việc nhân dân cầm vũ khí chống giặc để bảo vệ quê hương, làng xóm là một điều tất nhiên hợp với đạo lý. Bởi vì trước mắt người dân mất nước chỉ còn một con đường sống là nắm chắc "cây thương phá Lỗ" và "giáo tre ngàn dặm đánh Tây".

Là người biểu dương đường lối võ trang chiến đấu ấy, Nguyễn Đình Chiểu đã tán thành chủ trương nghịch mệnh triều đình và đi với nhân dân để chống giặc của Trương Định. Ông nhận thấy rằng, trong cuộc kháng chiến này, lòng dân, ý chí chiến đấu cho độc lập dân tộc của nhân dân là tiếng gọi thiêng liêng nhất đối với người chiến sĩ ngoài mặt trận kể cả những thủ lĩnh của họ. Đó là lập trường đúng đắn của Nguyễn Đình Chiểu về cuộc kháng chiến cứu nước. Lập trường ấy của ông không hề dao động, mặc dù trong chiến đấu có thể gặp nhiều tổn thất, thậm chí phải hy sinh cả tính mệnh.

Nguyễn Đình Chiểu tin tưởng một cách sâu sắc rằng sự nghiệp kháng chiến cứu nước của dân tộc ta là một sự nghiệp “chí nhân đại nghĩa" hoàn toàn phù hợp với lẽ phải và lương tầm của con người, cho nên cuối cùng sẽ giành được thắng lợi. Vì thế ông khao khát trông đợi ngày giải phóng nhân dân khỏi nanh vuốt của quân thù như "hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió Đông". Và ngay trong những ngày đen tối nhất của lịch sử, khi mà quân thù đã chiếm cứ nhiều vùng đất đai của tổ quốc, ông vẫn còn thiết tha hy vọng:

"Ngày nào trời đất an ngôi cũ
Mừng thấy non sông bắt gió Tây






(còn tiếp)

Nguồn: Tạp chí Triết học
 
P

phamminhkhoi

(tiếp) Niềm tin và hy vọng của Nguyễn Đình Chiểu ở đây tuy chưa phản ánh được quy luật khách quan của cuộc chiến tranh chống đế quốc nhằm bảo vệ độc lập dân tộc của nước ta hồi cuối thế kỷ XIX, nhưng rõ ràng đó là niềm chân thành và lành mạnh của quần chúng. Nó có tác dụng cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân ta lúc đương thời.

Nhưng điểm thành công nhất trong sự nhận thức của Nguyễn Đình Chiểu chính là ở chỗ ông đá nhìn thấy sức mạnh của nhân dân trong cuộc kháng chiến cứu nước. Ông đã giành những áng thơ văn hùng hồn sôi nổi và chói lọi nhất để nói về những chiến sĩ vốn là những người nghèo khổ lam lũ xuất thân từ "dân ấp dân lân". Ông diễn tả và ngợi ca một cách đầy nhiệt tình tinh thần anh dũng và tư thế lẫm liệt của họ trên chiến trường. Dưới con mắt của ông, những nông dân nghèo khổ ấy không phải chỉ là những người đáng yêu, những người ủng hộ và tham gia kháng chiến, mà còn là động lực chủ yếu của công cuộc cứu nước và là những chiến sĩ kiên cường nhất trong chiến đấu. Có thể nói, quan điểm nhân dân, nhất là quan điểm về vai trò của nhân dân trong chiến tranh cứu nước ở Nguyễn Đình Chiểu đã đạt tới một đỉnh cao. Bởi vì các thế hệ trước và đương thời nhiều lắm cũng mới chỉ nhận thấy nhân dân là lực lượng hậu thuẫn và là một thành phần tham gia vào cuộc chiến tranh đó.

Tóm lại, sự nhìn nhận của Nguyễn Đình Chiểu về cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta hồi cuối thế kỷ XIX, tuy không tránh khỏi những hạn chế của lịch sử, nhưng đó là một sự nhìn nhận tiến bộ. Nó đã thực cự góp phần thúc đẩy và nâng cao sự nhận thức của người đương thời về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp cứu nước.

Sự nhìn nhận đó của Nguyễn Đình Chiểu cững là sự tiếp tục và phát triển thêm một bước những nhận thức của ông đã thể hiện trong tác phẩm Lục Vân Tiên về những quan hệ xã hội và nhân cách của con người, cũng như về sức mạnh và phẩm chất cao đẹp của nhân dân. Nhưng khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, với quan điểm lập trường nhân dân và với lòng yêu nước thương dân vô hạn, ông đã nêu lên được những kiến giải tích cực về ý nghĩa và mục tiêu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhất là ông cũng thấy rõ vai trò quan trọng và khí phách anh hùng của nhân dân trong cơn thử thách ác liệt của chiến tranh.

Chỉnh trong cơn thử thách này của lịch sử, quan điểm và lập trường nhân dân của Nguyễn Đình Chiểu được củng cố. Ông càng gắn bó với nhân dân, càng chung vai sát cánh với nhân dân trong cuộc chiến đấu chống Pháp. Ông đã cùng nhân dân chạy giặc cùng nhân dân kháng chiến. Ông không những chống giặc bằng ngòi bút mà còn liên lạc với đốc binh Là, với Trương Định và tham gia vào những hoạt động trong chiến đấu của nhân dân. Nỗi thống khổ của nhân dân trong cơn binh lửa, cũng như bước tiến quân và tiếng kèn xung trận của nghĩa quân luôn luôn vang động trong trái tim và khối óc của Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân đã đem vào trong tư tưởng của ông có khi thế mạnh mẽ, cái sức sống quật cường của một dân tộc trong lúc hiểm nghèo. Như vậy là do gắn mình với cuộc chiến đấu của nhân dân và kiên định lập trường nhân dân mà Nguyễn Đình Chiểu đã tự xác định cho mình một thái độ đúng đắn, một tình cảm trong sắng, một nhận thức tương đối chính xác về cuộc đấu tranh chống xâm lược ở nước ta lúc đương thời.

III

Quan điểm và lập trường vận dụng các khái niệm của Nho giáo.

Nguyễn Đình Chiểu xuất thân từ một gia đình nhà Nho và được đào tạo dưới môi trường Nho học. Ông lại sống dưới chế độ phong kiến triều Nguyẫn, một triều đại tôn sùng Nho giáo đến tột mức. Trong tình hình ấy, Nguyễn Đình Chiểu không thể tránh khỏi sự ràng buộc của hệ tư tưởng Nho giáo, càng không thể không vận dụng các khái niệm của Nho giáo để diễn đạt tư tưởng của mình. Nhưng điều đáng lưu ý là ông đã đưa một nội dung đầy tính nhân dân và dân tộc vào trong các khái niệm của Nho giáo. Vì thế mà ở ông những khái niệm đó mất dần những yếu tố tiêu cực và hấp thụ được thêm nhiều yếu tố tích cực có ích cho nhân dân trong cuộc sống lao động và chiến đấu bào vệ tổ quốc.

Đối với Nguyễn Đình Chiểu, khái niệm nhân nghĩa biểu thị một lòng thương người mênh mông sâu thẳm như đại dương. Mà lòng thương người của Nguyễn Đình Chiểu trước hết là thương dân, nhất là dân nghèo khổ, là thương những người dân lương thiện mà lại bất hạnh và bị chà đạp. Đến những người ăn mày là những người cùng cực nhất của xã hội không ở ngoài lòng nhân ái của ông:

Đứa ăn mày cũng trời sinh
Bệnh còn cứu đặng thuốc dành cho không

Nguyễn Đình Chiểu còn đặc biệt dành một tình thương sâu sắc cho những người có tài đức, có khi tiết trong sạch nhưng lại không được triều đình trọng dụng, hoặc bị oan uổng hay gặp tai nạn. Đó là trường hợp của các nhân vật lịch sử như Nguyên Lượng, Nhan Uyên, Hàn Dũ... hoặc những nhân vật mà ông sáng tạo ra trong truyện thơ của mình như Vân Tiên, Nguyệt Nga, Kỳ Nhân Sư... Còn khái niệm "nghĩa" của nho giáo khi được Nguyễn Đình Chiểu vận dụng lại càng có những thay đổi lớn về mặt nội dung, càng thể hiện những giá trị đạo đức đầy sức sống trong quan hệ phong phú giữa nhân dân lao động. Các nhân vật chính diện của Nguyễn Đình Chiểu từ Nguyệt Nga, Vân Tiên đến Hớn Minh, Tiểu đồng... đều là những con người hành động vì nghĩa một cách tự giác và đầy nhiệt tình.

Nhìn một cách tổng quát, khái niệm nhân nghĩa do Nguyễn Đình Chiểu vận dụng vì gắn liền với những yêu cầu của nhân dân và của thời đại, cho nên nó đặc biệt được ông nhấn mạnh trên hai ý nghĩa cơ bản: một là nhân nghĩa phải biểu hiện thành việc làm điều thiện nhằm cứu giúp người khác ra khỏi khó khăn, hoặc bảo vệ hạnh phúc của người khác trong cơn nguy biến. Hai là nhân nghĩa phải góp phần duy trì sự hòa thuận êm đẹp trong gia đình và bảo vệ cuộc sống yên vui trong độc lập và tự do của đất nước, trước hết là bảo vệ tổ quốc khi có giặc ngoại xâm. Cho nên:

Mến nghĩa bao đành làm phản nước
Có nhân nào nỡ phụ tình nhà

Ngoài khái niệm nhân nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu còn đề cập đến nhiều khái niệm khác của Nho giáo như “trung hiếu”, “tiết hạnh”. Ông quan niệm rằng đạo trung quân là cần thiết cho mọi người. Nhưng ông đòi hỏi một ông vua được mọi người tôn thờ phải là ông vua hiền tài thương dân yêu nước. Ông vua ấy phải tượng trưng cho hạnh phúc của nhân dân và nền độc lập tự chủ của đất nước.

Ở Nguyễn Đình Chiểu, khái niệm trung thường gắn với khái niệm hiếu. Nhưng qua sự vận dụng của ông, khái niệm hiếu của Nho giáo cũng do ông nhắc và trở nên gần gũi với nhân dân hơn. Hiếu ở ông là lòng biết ơn, tốn kính cha mẹ, là trách nhiệm trông nom săn sóc cha mẹ với tất cả tình cảm sâu nặng của người con.

Sự vận dụng mấy khái niệm Nho giáo trên đây ở Nguyễn Đình Chiểu cũng đủ chứng minh rằng, ngay khi Nho giáo đã lỗi thời, một người trí thức đứng trên quan điểm và lập trường nhân dân vẫn có khả năng đưa vào những khái niệm của Nho giáo những giá trị cao đẹp vốn nảy sinh trong cuộc sống của đông đảo quần chúng lao động.

Ngày nay, đọc lại những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta hết sức trân trọng những thành công mà ông đã đạt được nhưng cũng cảm thấy một cách thấm thía rằng, chính những thành cũng đó, chính những giá trị cao đẹp trong thơ văn của ông có liên hệ mật thiết với quan điểm lập trường nhân dân và lòng yêu nước thương dân vô hạn của ông, nhất là có liên hệ cuộc đời gắn bó với nhân dân của ông. Mối liên hệ đó là một bài học vô cùng quý giá về sự thành công của người trí thức, mọt bài học đến bây giờ vẫn còn nóng hổi và có ý nghĩa thời sự.

Nguồn: Tạp chí Triết học
 
P

phamminhkhoi

Nghệ sỹ đa tài Nguyễn Đình Thi


Đỗ Chu​

Nguyễn Đình Thi quê ở Hà Nội nhưng sinh ở Luang Prabang (Lào). Đến năm tuổi, Nguyễn Đình Thi theo bố mẹ trở về nước và đi học ở Hà Nội rồi Hải Phòng. Sự nghiệp sáng tác của ông phong phú và đặc biệt đa dạng trên tất cả các loại hình văn học nghệ thuật , với kiệt tác âm nhạc bất hủ " Người Hà nội " Không một ai yêu âm nhạc, yêu Hà Nội, yêu Việt Nam nghe bản nhạc ấy mà không thấy rạo rực trong lòng những cảm giác mãnh liệt kỳ lạ. Xin trân trọng giới thiệu lời ca khúc " Người Hà nội " , bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và tuỳ bút nhớ về ông của nhà văn Đỗ Chu vừa đăng trên báo ANTĐ


Phảng phất hơi may

Nhà văn Nguyễn Đình Thi qua đời mới đó mà cũng đã mấy năm rồi. Giờ đây mỗi chúng ta vẫn như đang còn thấy bóng dáng anh quẩn quanh đâu đó. Phảng phất trong hơi may, phảng phất trong mưa bụi, trong hoa cỏ giêng hai quê nhà vẫn như có hồn anh. Nhớ mấy câu thơ anh để lại sau cùng, “cây lá rào rào phấp phới, tôi đi trong đêm nay, hồn tôi bay lượn, trái tim tôi không ngừng khẽ đập đập”. Vẫn nụ cười ấy, anh đang chuyện trò cùng ta, vẫn ánh mắt ấy, anh đang nhìn về Hà Nội với biết bao nhân ái, xiết bao hồn hậu khiêm cung.

ImageView.aspx


Anh là người vốn ít lý sự, hà tiện rao giảng, rất ngại kể về bản thân cũng như ngại kể về những người cùng thời với mình. Người ta thấy anh ngày càng thu mình kín đáo, ngày càng nhiều im lặng, ai mà chả rõ anh là một người sớm trải, sớm biết nhiều.

Hai mươi hai tuổi đứng lên điều hành phiên họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trân trọng giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến, tóm tắt ý kiến của cụ Chủ tịch... Tuổi hai mươi của một thế hệ ngực trần ôm súng chạy lên đón nhận ngọn gió tự do, tuổi hai mươi của một thế hệ làm tướng và làm thơ, đánh giặc và hát Tiến quân ca, dám chết cho nền độc lập dân tộc. Sẽ còn lâu chúng ta hôm nay mới có thể hiểu hết lẽ sống của họ, những người đã có mặt trong buổi đầu độc lập.

Nhiều năm ta ở bên anh như cái bóng nhã nhặn che chở mà chẳng hề làm cớm một ai. Đẹp trong sống, đẹp trong sáng tạo, Nguyễn Đình Thi luôn đứng trong số không nhiều những nhà văn ra đi mà vẫn còn để lại mãi mãi tận đáy lòng đông đảo người đọc, tận đáy lòng anh em những ấn tượng khó phai lạt, khiến ta như có đôi phần bùi ngùi ghen tị.

Không hề quá chút nào khi cụ lang Bách một người Nho học của Hà Nội, một hôm đã chọn mấy chữ của Phạm Quý Thích để viết tặng anh Thi lúc anh còn sống, chữ rằng Tài tình thiên cổ lụy!

Nhớ cái lần Hội Nhà văn cử một đoàn xuống nghĩa trang Mai Dịch viếng anh nhân ngày giỗ đầu, tôi thấy cỏ xanh khắp mồ anh. Nhà thơ Hữu Thỉnh đứng im hồi lâu trong mưa, tay cầm ô che cho nắm hương thơm trên mồ anh bừng cháy. Đó là một cử chỉ văn hóa, nghiêng mình trước một giá trị văn hóa. Là cách khu xử, cách sống không thể khác, đã có từ mấy ngàn năm nay của những ai còn muốn xứng đáng để người đời gọi mình là kẻ sĩ.

Có một lời dặn dành cho những ai đến sau, để mọi người tự chiêm nghiệm mà biết dè chừng trước những dại dột, trước những kiêu ngạo rất tội nghiệp thường dễ có, lời dặn ấy là của Khổng Tử “Ngồi vào chỗ của người xưa thì dễ mà làm được như người xưa thì khó lắm thay!”.

Nhiều năm trước, tôi có may mắn đôi lần được ngồi nghe anh Nguyễn Đình Thi nhỏ nhẹ chuyện trò, cũng như tôi có may mắn đôi lần được ngồi nghe anh Tố Hữu nhỏ nhẹ chuyện trò. Bất chợt tôi bỗng nhận ra cả hai người ấy đều đã gặp nhau trong mối quan tâm đến lớp trẻ, các cây bút trẻ. Hai ông đặt rất nhiều kỳ vọng, rất nhiều tin cậy, và cũng rất nhiều băn khoăn, rất nhiều đòi hỏi gắt gao vào lớp kế cận, là những tác giả ngày mai sẽ đóng vai trò quyết định làm nên diện mạo tương lai của nền văn học nước nhà. Không thể xem đấy là một gánh vác nhẹ nhàng được. Và càng không thể đùa bỡn buông tuồng trong công việc đó được.

Vẫn biết cả hai ông đều là những người giỏi, nhưng tôi vẫn không khỏi kinh ngạc trước kiến văn uyên bác, trước những am tường và sự nhạy cảm đặc biệt của họ khi nhận định về tình hình văn nghệ.

Cả hai đều rất coi trọng sứ mệnh cá nhân của mỗi nhà văn, những cống hiến bằng tác phẩm của họ và mơ ước của hai ông là, giá mà có một đội ngũ chuyên nghiệp tinh và mạnh.

Khi không ít người trong chúng ta quá vui mừng trước số lượng in ấn thơ văn ngày càng rầm rộ, rồi sức thu hút tập hợp của hội chuyên ngành ngày càng mạnh mẽ, thì hai ông lại có sự phân vân, có một thoáng e ngại.

Đã đành là phải vui rồi, có thể vui đến trào nước mắt ấy chứ. Làm sao không vui khi con cháu của đám đông hôm qua ngập ngụa trong bãi lầy nô lệ, mà nay bước lên trong khát vọng được sáng tạo. Đó chính là một sự phát triển cảm động của đời sống cách mạng. Nhưng nếu như trước tình hình ấy, bằng sự trải nghiệm, bằng bề dày văn hóa của mình, hai ông vẫn cứ thấy phải băn khoăn, cứ phải có đôi lần e ngại thì đấy lại là vì những gì khác mà chỉ các ông mới lường tới được. Có lẽ các ông đã nhìn ra ngoài cánh đồng xa kia cỏ lan, cỏ chi có ngày sẽ bị những cỏ gà, cỏ bồng trùm lấn tràn ngập.

Tôi tìm thấy ở cả hai ông sự trân trọng cái đẹp một cách đầy lương thiện và cũng rất hồn nhiên.
ImageView.aspx



Bất luận tình huống nào cũng phải cố gắng để nền văn nghệ giữ được chút tính hàn lâm quý báu từng có của nó. Ngàn năm qua, các cụ ta đã để lại cho con cháu một nền văn học mang tính bản lĩnh đó. Đó là niềm kiêu hãnh của một nhân dân tuy nghèo khó những chưa bao giờ chịu thấp hèn. Đó là tinh thần rất cơ bản không phải chỉ khuôn hẹp trong khu vực văn học nghệ thuật mà thôi.

Nó chính là cốt lõi của cái mà giờ đây người ta đang nói đến nhiều, đậm đà bản sắc dân tộc. Thế nào là bản sắc dân tộc? Câu hỏi ấy tưởng dễ mà thật khó gọi ra cho đúng. Có thể xem nó tựa như đài sen trong sớm mai chăng. Rất tự trọng, rất sang trọng - một tác phẩm văn học đúng nghĩa cũng rất gần với một đài sen. Một con người cũng vậy, đó là những phẩm chất lớn, mảnh mai mà kiêu kỳ, nó nhắc nhở, nó nhẹ nhàng dạy con người ta việc đầu tiên là phải biết xấu hổ.

Quay về với tình hình văn nghệ, vậy thì phải làm sao đây? Có lẽ đã đến lúc phải nghĩ đến việc xây dựng và củng cố một đội ngũ chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp cao chính là điều kiện cần thiết phải có để nền văn học nước nhà bước ra khỏi tình trạng quê mùa rất khó bàn mực chuẩn, hay nói khác đi là một đẳng cấp còn mang rất rõ tính khu vực.

Sẽ là một sự cay đắng trong khi nền văn nghệ ta lâu nay đang còn thiếu vắng, rất thiếu vắng những tác giả lớn, những nhà cử đỉnh, những ngọn núi cao nhiều sức tỏa sáng, nhiều sức hấp dẫn vẫy gọi.

Tôi nhắc lại chuyện này để muốn nói, lễ tưởng niệm anh Thi hôm đó không phải chỉ là tưởng niệm một nhà văn lớn mà còn là tưởng niệm một cán bộ Đảng nòng cốt, từng hết lòng tận tụy góp phần gây dựng, đặt nền móng cho nền văn nghệ mới. Chúng ta ngồi lại đây cùng nhau thắp hương tưởng niệm một nhà thơ chiến sĩ, một nhà thơ với tấm lòng yêu thương đất nước Việt Nam không bao giờ vơi cạn, đó là Nguyễn Đình Thi. Tôi hình dung ra anh Thi đang lấm láp bùn đất đứng dưới một chiến hào cùng các anh lính xung kích, giống như trong bức sơn mài tuyệt vời mà họa sĩ Nguyễn Sáng đã để lại cho chúng ta. Giống như bức sơn dầu mà họa sĩ Tô Ngọc Vân khi ngã xuống vẫn còn đang ấp ủ chưa kịp đưa nó lên toan. Và anh Thi đứng đó đọc bài thơ “Hoa nghệ”, một bài thơ hay trong những bài thơ hay của anh:

Sớm nay giữa Điện Biên dữ dội

Những chiến hào bỗng thấy mùa xuân

Ô lạ, khắp mặt đồi đen trụi

Hoa nghệ xôn xao nở tím hồng

Anh ngắt đóa hoa đồng tươi nhỏ

Dành cho em ở cuối trời xa

Em ạ, dù trong cơn bão lửa

Tình yêu không ngừng vẫn nở hoa.

Đây đâu phải là bài thơ tình. Nếu chỉ thế thì thật nhạt. Đây là cách nghĩ, cách sống trong một thời nhiều tao loạn, lắm thác ghềnh và không ít những hiểm nghèo rình rập.

Nhớ đến Nguyễn Đình Thi không hiểu sao tôi thường thấy lòng mình thanh thản và ấm áp.

Kể ra một kiếp người không phải là dài, nếu mà ông giời cho gặp lấy được dăm ba người như anh thì cũng đủ là một an ủi lớn. Cứ mỗi năm lại thấy quanh mình vắng đi một vài người thân thiết, rồi trông vào gương thấy tóc mình cũng đã bạc trắng cả, lòng không khỏi cô quạnh. Lại càng thấy phải biết yêu quý, lại càng thấy phải biết nhường nhịn và có lẽ cũng sắp phải học lấy sự lặng lẽ lịch lãm của anh.

Tùy bút của Đỗ Chu​
 
Last edited by a moderator:
P

phamminhkhoi

Một vài bài thơ của quang dũng

ĐÔI BỜ

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai?

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh bến Tề

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ

Xa quá rồi em người mỗi ngã
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào ?

Ðôi mắt người Sơn Tây
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi thấy xứ Ðoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương ?

Mẹ tôi, em có gặp đâu không ?
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi có một thằng em bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông !

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Ðiêu tàn ôi lại nối điêu tàn !
Ðất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan ?

Mưa -
Chợt mưa phùn gió lạnh
Càng lạnh cành hoa mơ
Ðất trắng ngàn cánh rụng
Tiếng quân hò thôn xa
Súng cầm nhịp thu đông
Chiều chiều tin chiến sự
Loa vang trên cành đa...

Càng mưa phùn gió lạnh
Càng lạnh cành hoa mơ !
Càng yêu màu trấn thủ
Mờ bạc qua màn mưa
Ôi những bàn chân nhỏ
Từng đau khổ bao giờ !
Ðường tản cư lầy lội
Run run leo cầu tre
Trời mưa giăng màn xám
Mầu thê lương lại về
Hoa mai dầu nở trắng
Người người còn ra đi
............................

Mai mùa xuân xanh tốt
Mùa xuân chẳng lỗi thề...
Trời mưa giăng màn xám
Bởi vì đâu thê lương ?
Chăn đơn chiếc khôn ấm,
Già càng đau nhớ thương...
Bao nhiêu vành khăn trắng
Ðằng đẵng tin sa trường...

Trời mưa giăng nước mắt
Sông Tề bến quạnh hiu,
Tin dù qua lén lút
Người sao hết đăm chiêu ?
Ngày xuân dầu hứa hẹn
Cỏ hoa biết gì đâu !
Mấy mùa xuân vắng lạnh
Mấy mùa đông tiêu điều
..................................

Càng mưa phùn gió lạnh
Càng lạnh cánh hoa mơ
Càng xa xôi nhớ lắm
Những con đường chạy dài,
Những nẻo đường phục kíck
Từ biên giới xa xôi...
Lau cao mờ đợt gió
Cỏ hoang mồ những ai ...
Lả tả trong mưa lạnh
Âm thầm hoa viếng người
Quê hương chừng xa lắc
Thăm mồ mấy cành mai...

Nay mai lại mùa xuân
Từ đầu rừng cuối bể
Qua trùng dương mấy lần
Chúng ta dù cách biệt
Cùng chung một mùa xuân
Cùng chung một thế kỷ
Cùng đau khổ vô ngần...

Quê anh không khăn trắng
Nhưng chắc có mầu tang
Những người con đi vắng
Những mẹ già nhớ thương...

Trời mưa giăng màn xám
Bởi vì đâu thê lương
Hoa cỏ dâng màu trắng
Ðời còn đang chiến trường

Trời mưa giăng nước mắt
Mầu thê lương lại về
Hoa mai dầu nở trắng
Người người còn ra đi

...Mai mùa xuân xanh tốt
Mùa xuân chẳng lỗi thề .
Dưới đây là một bài thơ lãng mạn của Quang Dũng có phong cách rất khác so với tây tiến. Các bạn dọc tham khảo
-
Buồn Êm Ấm
Có những đêm trường buông gối chăn
Giận mình êm ấm chán tình nhân
Tủi hờn với cả lời săn sóc
Của những người lo tới phận mình

Vi vút nỗi mình ai thấu nhẽ
Chao ơi tri kỷ ở ngàn phương
Ðêm đêm gió cuốn từng cơn nhớ
Từng trận sầu tư lướt thướt đường

Giọt giọt mưa rơi ngoài mái lạnh
Trong này hơi gối với hơi chăn
Sầu xưa muôn dặm buồn êm ấm
Nghe từng giọt nước thấu năm canh

Nhỏ bé chao ơi lời dịu ngọt
Lòng buồn nghi cả đến tình yêu
Từ độ sa vào hồ nước mắt
Cánh bằng muôn dặm cũng chìm theo

Không biết ngày mai trời có xanh
Ðường xa xa nắng có mông mênh
Ðêm đêm mơ thấy làm khăn gói
Ðể sớm mai rồi vẫn quẩn quanh

Chưa chắc cây cao hồ dễ im
Sông sâu hồ dễ đủ im lìm
Cây cao chừng đợi giờ giông tố
Sông đợi mùa dâng sóng nước lên.
 
Last edited by a moderator:
P

phamminhkhoi

Các bài thơ hay giai đoạn 1945-1954



MÀU TÍM HOA SIM

Hữu Loan
(Khóc Lê Đỗ Thị Ninh)


Nàng có ba người anh
Đi quân đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
Xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh
Bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến chinh
Mấy ngưòi đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết
Người trai khói lửa
mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con
Đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa đèn khuya bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng
Tấm áo ngày xưa!
Một chiều rừng mưa
Ba người anh
Từ chiến trường đông bắc
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về
Rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
Cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài
Trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
"Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh mất sớm,
Mẹ già chưa khâu..."*
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết.
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều
hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...


Bên kia sông Đuống
Em ơi!

Buồn làm chi

Anh đưa em về bên kia sông Ðuống

Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ

Sông Ðuống trôi đi

Một giòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

Xanh xanh bãi mía bờ dâu

Ngô khoai biêng biếc

Ðứng bên này sông luyến tiếc

Sao xót xa như rụng bàn tay

Bên kia sông Ðuống

Quê hương ta lúa nếp thêm nồng

Tranh Ðông Hồ gà lợn nét tươi trong

Mầu dân tộc sáng bừng trong giấy điệp

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô nhà ta cháy

Chó ngộ một đàn

Lưỡi dài lê xác máu

Kiệt cùng ngõ thẳm vườn hoang

Mẹ con đàn lợn chia lìa

Âm dương chia lìa đôi ngả

Ðám cưới chuột tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâủ

Ai về bên kia sông Ðuống

Cho ta gửi tấm the đen

Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên

Những hội hè đình đám

Trên núi Thiên Thai

Trong chùa Bút Tháp

Giữa huyện Lang Tài

Gửi về may áo cho ai ?

Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu ?

Những nàng môi đỏ quết trầu

Những cụ già bay tóc trắng

Những em sột soạt quần nâu

Bây giờ đi đâu về đâu ?

Ai về bên kia sông Ðuống

Có nhớ từng khuôn mặt búp sen

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng

Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen

Biển Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối

Những nàng dệt sợi

Ði bán lụa mầu

Những người thợ nhuộm

Ðồng tỉnh Huê Cầu

Bây giờ đi đâu về đâu ?

Bên kia sông Ðuống

Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong

Dăm miếng cau khô

Mấy lọ phẩm hồng

Vài xếp giấy đẫm hoen sương buổi sớm

Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn

Khua giầy đinh đập gẫy quán gầy teo

Xì xồ cướp bóc

Tan phiên chợ nghèo

Lá đa lác đác trước lều

Vài ba vết máu loan chiều mùa đông

Ðêm buông sâu xuống giòng sông Ðuống

Con là ai ?

Con ở đâu về

Hé một cánh liếp

Con vào đây bốn bức tường tre

Lửa đen leo lét soi tình mẹ

Khuôn mặt bừng lên như vừng trăng

Ngậm ngùi tóc trắng đương thầm kể

Những chuyện muôn đời không nói năng

Ðêm buông sâu xuống giòng sông Ðuống

Ta mài lưỡi cuốc

Ta uốn lưỡi liềm

Ta vót gậy nhọn

Ta rũa mác dài

Ta xây thành kháng chiến ngày mai

Lao xao hàng cây bụi chuối

Im lìm miếu đổ chùa hoang

Chập chờn đom đóm bay ngang

Báo tin khủng khiếp

Cho giặc kinh hoàng

Từng từng tiếng súng vang vang

Trong đêm khuya thoảng cung đàn tự do

Thuyền ai thấp thoáng bến Hồ

Xóa cho ta hết những giờ thảm thương

Ðêm đi sâu quá giòng sông Ðuống

Trại giặc bắt đầu run trong sương

Dao lòe giữa chợ

Gậy lùa cuối thôn

Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn

Ăn không yên

Ðứng không vững

********* phát điên

Và quay cuồng như trên đống lửa

Mà cánh đồng ta còn chan chứa

Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân

Xa xa tiếng hát về gần

Thợ cấy đánh giặc dân quân cày bừa

Tiếng bà ru cháu buổi trưa

Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu

"Cha con chết trận từ lâu

Con càng khôn lớn càng sâu căm thù"

Tiếng ai cấy lúa mùa thu

Căm căm gió rét mịt mù mưa bay

"Thân ta hoen ố vì mày

Hồn ta thề với đất này dài lâu"

Em ơi! đừng hát nữa lòng anh đau

Mẹ ơi! Ðừng khóc nữa dạ con sầu

Ðể con đi giết giặc

Cánh đồng im phăng phắc

Lấy áo nó mặc vào người

Lấy súng nó đeo lên vai

Ðêm đêm mỗi lần mở hội

Trong lòng con chim múa hoa cười

Vì nắng sắp lên rồi

Chân trời xa rạng tỏ

Sông Ðuống cuồn cuộn trôi

Ðể cuốn phăng ra bể

Bao nhiêu xương máu

Bao nhiêu nước mắt

Bao nhiêu mồ hôi

Bao nhiêu bóng tối

Bao nhiêu cuộc đời

Bao giờ trở lại giòng sông Ðuống

Ta lại tìm em

Em mặc yếm trắng

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Cười me ánh nắng muôn lòng xuân sang
 
Top Bottom