Bài 2:
Nghĩ về lời Bác dạy: “Dân ta phải biết sử ta Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Dân tộc Việt Nam có một lịch sử lâu đời với nhiều thành tựu và chiến công huy hoàng rất đáng tự hào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc thân yêu của mình. Lịch sử dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đến nay là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nội dung lịch sử dân tộc ta thật vô cùng rộng lớn, phong phú bao gồm các mặt hoạt động khác nhau (kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, xã hội …) của xã hội và con người Việt Nam trong quá khứ cũng như trong hiện tại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
“Biết sử ta” không phải chỉ đơn thuần là ghi nhớ một số sự kiện, một vài chiến công nói lên tiến trình đi lên của dân tộc hay ghi nhớ công lao của một số người làm nên sự nghiệp to lớn đó, mà còn phải biết tìm hiểu “cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, tiếp nhận những nét đẹp của đạo đức, của đạo lý làm người Việt Nam. Vì chính đó là gốc của mọi sự nghiệp lớn hay nhỏ của dân tộc, không phải chỉ ở thời xưa mà ở cả ngày nay và mai sau.
Hơn thế nữa, đất nước đang bước vào thời kỳ xây dựng mới, thời kỳ của CHH – HĐH theo định hướng XHCN, đòi hỏi mỗi người Việt Nam phải có một sự hiểu biết đầy đủ hơn, mới mẻ hơn về toàn bộ lịch sử dân tộc theo tinh thần “ôn cố tri tân”, lấy xưa phục nay.
Lịch sử là “cô giáo của cuộc sống”, là “bó đuốc soi đường đi tới tương lai”. Vì vậy, tìm hiểu, nghiên cứu và nắm vững tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, của nền văn hoá Việt Nam không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người hiện nay mà còn có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc.
Nắm vững lịch sử dân tộc ta không chỉ có được những hiểu biết về tổ tiên, đất nước, dân tộc mình trong việc xây dựng “non sông gấm vóc như ngày nay” mà còn góp phần bồi dưỡng tình yêu ông bà, cha mẹ, yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Có biết được quá trình đấu tranh dựng và giữ nước đầy máu và nước mắt của ông cha mới biết ơn, kính trọng những thế hệ đi trước và nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc. Có hiểu được tường tận lịch sử dân tộc và mới hiểu được giá trị của cuộc sống và mới có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống hiện tại, đặt cơ sở cho sự phát triển tương lai.
Tuy nhiên, hiện nay việc dạy và học lịch sử ở trường phổ thông nói chung còn nhiều thiếu sót về nhận thức bộ môn, về nội dung, phương pháp dạy học, về những phương tiện cần thiết cho việc giáo dục. Do đó, chât lượng dạy học và thi Đại học môn lịch sử giảm sút đến mức báo động. Tình trạng “mù lịch sử” khá phổ biến. Đó là tình trạng không biết lịch sử, không hiểu lịch sử, nhớ sai, không ham thích, không hứng thú học lịch sử …
Làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy học môn lịch sử trong nhà trường hiện nay? Câu hỏi được cả xã hội đặt ra và đang từng bước được giải quyết. Song, theo tôi nghĩ, trách nhiệm đâu phải chỉ của nhà trường, của giáo viên nói chung, của thầy cô giáo dạy môn lịch sử nói riêng mà điều cốt yếu trước hết là mỗi người chúng ta cần có khát khao nghiền ngẫm sử cũ để học được những điều bổ ích từ cuộc sống sinh động của tổ tiên ta xưa mà giáo dục cho con cháu. Bởi, tổ tiên ta lẽ đâu chỉ giỏi đánh giặc, còn tư tưởng, đạo đức, triết lý … và biết bao vấn đề cuộc sống mà ta chưa biết đến.
Bernard Shaw đã nói: “Bài học lớn nhất của lịch sử chính là ở chỗ người ta không chịu rút ra từ lịch sử những bài học” có lẽ là vì vậy?