Nguyên Hồng sinh ra ở Nam Định, nhưng ông sớm lăn lộn gắn bó với Hải Phòng. Có thể nói từng con đường, hẻm phố, ga tàu, bến sông, xóm thợ nghèo ở thành phố cửa biển này đều in dấu chân ông và in cả trong những trang văn. Nguyên Hồng "thuộc" từng gương mặt, thân phận con người nơi đây. Có lẽ vì thế và hẳn là thế ông mới viết được hàng loạt truyện ngắn và bộ tiểu thuyết "Cửa biển" bốn tập: "Sóng gầm" (1961); "Cơn bão đã đến" (1963); "Thời kỳ đen tối" (1973); "Khi đứa con ra đời" (1976); dài đến hai chục ngàn trang in, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống lao động, đấu tranh ở miền đất đầy sóng và gió này. Đây cũng là bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất, dài nhất của đời văn Nguyên Hồng. Và, có lẽ cũng là một trong những tiểu thuyết dài nhất của văn học hiện đại Việt Nam.
Chính trong những trang văn – trang đời của Nguyên Hồng, đã cho chúng ta cảm quan sâu sắc về một Hải Phòng trong quá khứ - những năm tháng đen tối lầm than trước Cách mạng, để giờ khi so sánh với hiên tại, ta bỗng muốn gửi cho nhà văn những vần thơ: “Mùa thu nay khác rồi – tôi đứng vui nghe giữa núi đồi”…