Phẩm chất cao đẹp này hình thành sâu đậm trong Hồ Chí Minh ngay từ lúc còn thơ ấu, với ảnh hưởng của một vùng quê, một gia đình giàu lòng yêu nước.
Người đã không chỉ tự thấy ở mình mà đã nhìn ra, đã cảm nhận giá trị, phẩm chất cao quý đó trong những người ruột thịt thân yêu, nơi mọi người Việt Nam mà Người thường gọi là đồng bào, những người cùng một nguồn cội, chung một cái bọc của Mẹ Âu Cơ.
Ngay từ năm 1924, Người đã viết “chính nó, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế 1908, nó dạy cho những người cu ly (công nhân) biết phản đối, nó làm cho những người nhà quê (nông dân) chống thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chính chủ nghĩa dân tộc (lòng yêu nước) đã luôn thúc đẩy các nhà buôn Việt Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc, nó đã thúc giục thanh niên bãi khóa, làm cho các nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa”. Người khẳng định “lòng yêu nước (chủ nghĩa dân tộc) là động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của người Việt Nam và giờ đây người ta sẽ không làm gì được cho người Việt Nam nếu không dựa trên động lực đó!”
Ngày 17-7-1966, dưới một tán rừng già ở Trà My, tôi nghe Bác Hồ đọc lời kêu gọi không có gì quý hơn độc lập tự do. Vẫn giọng nói ấm ấp thân thiết mà sao đanh thép quyết liệt xúc động lòng người đến thế.
“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Sống là phải được tự do, được bình đẳng , câu nói của bác xoáy đậm vào tim của mọi con người trên đất nước VN này cho nên kháng chiến nhất định thắng lợi như lời bác...