Trang bị bếp nấu hiện đại cho các gia đình nghèo nhất thế giới thay cho bếp củi đang được coi là hướng đi chính trong công cuộc bài trừ đói nghèo trên phạm vi toàn cầu. Việc cải thiện một khâu trong chuỗi mắt xích “đói nghèo – bếp củi – phá rừng + biến đổi khí hậu – đói nghèo hơn nữa…” có quan hệ nhân-quả với nhau này nên bắt đầu từ…xó bếp.
Tại hội nghị cấp cao Đại hội đồng LHQ kiểm điểm việc thực hiện Các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) vừa diễn ra ở New York, nhiều ý kiến cho rằng sự thiếu vắng “bếp sạch” ở các gia đình nghèo chính là căn nguyên làm chậm tiến độ thực hiện nhiều MDGs.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố những con số được cho là không thể nào chấp nhận trong thế kỷ 21, khi vẫn có hơn 20% dân số toàn cầu (1,4 tỷ người) không có điện sinh hoạt và 40% vẫn nấu nướng bằng rơm củi hoặc phân súc vật phơi khô.
Theo nghiên cứu của IEA, giá xăng dầu tăng và suy thoái kinh tế toàn cầu sau đó đã đẩy nhiều người phải trở lại dùng củi, than, phân súc vật… để nấu nướng. Các nhiên liệu nấu bếp “bẩn”này không chỉ bất tiện, chúng còn huỷ hoại sức khoẻ người con người và môi trường. Phát biểu tại một diễn đàn ở New York ngày 21/9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói có khoảng 3 tỷ người trên thế giới đang phải sử dụng bếp “bẩn” không an toàn. Bà Clinton nói: “Mỗi châu lục đều có những món ăn khác nhau, nhưng thứ không khí mà các đầu bếp hít phải trong khi nấu nướng lại giống nhau kinh khủng: đó là hỗn hợp các khí độc thải ra từ việc đốt gỗ và các nhiên liệu rắn. Khi phụ nữ nấu nướng, họ đã hít vào phổi thứ không khí độc hại này và nó gây hại cho họ cũng như con cái họ”.
Bà Hillary Clinton đã công bố kế hoạch huy động tài chính công và tư nhằm lắp đặt 100 triệu bếp “sạch” trên thế giới. Trong một phát biểu tại diễn đàn hàng năm do cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton chủ trì, nhà ngoại giao số một của Mỹ nói “Liên minh toàn cầu vì các bếp sạch” hy vọng lắp đặt được 100 triệu bếp nấu “sạch” với chi phí 25 USD/chiếc vào năm 2020. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi khói bếp “bẩn” là một trong 5 hiểm họa đe doạ sức khoẻ người dân các nước đang phát triển, làm chết gần 2 triệu người mỗi năm, cao gấp đôi tử vong so bệnh sốt rét. Hậu quả của việc tiếp xúc hàng ngày với khí thải độc này chính là bệnh phổi – “sát thủ số một” đối với trẻ em toàn cầu - ung thư và hàng loạt các căn bệnh khó chữa khác. Trong một diễn biến có liên quan, phó giám đốc UNIDO (cơ quan LHQ khuyến khích công nghiệp hóa tại các nước nghèo) Yoshiteru Uramoto cho rằng không thể phát triển đất nước, nếu không có điện. Ông mô tả hiệu quả "thần kỳ" của điện tại một ngôi làng ở Kenya mà ông tới thăm gần đây. Nhờ có điện, cuộc sống của người dân bỗng chốc thay đổi hoàn toàn: họ có thể bơm nước sạch, lắp đặt các lồng ấp trứng gà, mở chợ đêm, đi ra ngoài đường vào buổi tối… Một sự cố mất điện ngẫu nhiên xem ra minh chứng cho những tuyên bố của ông Uramoto. Đó là cuộc họp báo ngày 21/9 về xung đột Ixraen-Palextin đã phải bị hoãn bởi sự cố mất điện trong trụ sở Liên hợp quốc. Thực ra, sự cố này chẳng thấm vào đâu nếu so với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng của thế giới đang phát triển hiện nay và nghịch lý thiếu điện-thừa điện vẫn tồn tại như sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng trên thế giới. Theo số liệu của IEA, 19,5 triệu cư dân thành phố New York của Mỹ tiêu thụ lượng điện ngang bằng toàn bộ 791 triệu cư dân ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara. Các dự thảo đề án đang được IEA thực hiện cho thấy nếu không có hành động tức thì, đến năm 2030 thế giới vẫn có khoảng 1,2 tỷ người vẫn không có điện sinh hoạt và hầu hết số này sống tại các khu vực nông thôn ở phía Nam sa mạc Sahara, ở Ấn Độ và một số nước châu Á đang phát triển khác.