SM hiện đang có một số bài viết cần được mổ xẻ, nhằm rút kinh nghiệm và khắc phục các lỗi trong cách hành văn. Vì vậy SM tạo topic này để tiện post lên. Hy vọng cả nhà có thể đầu tư ít thời gian góp ý.
Mở bài: Tác giả (Chính Hữu), tác phẩm (1948, là tác phẩm tiêu biểu viết về người lính trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp), nội dung chính của bài thơ.
Thân bài:
- Giới thiệu ba câu thơ cuối bài Đồng chí, trích dẫn thơ.
- Phân tích nội dung tiêu biểu:
Tình đồng chí trong hoàn khó khăn, thiếu thốn.
Hình ảnh Đầu súng trăng treo - Chiến sĩ mà thi sĩ.
- Khai thác vẻ đẹp hình ảnh ánh trăng
Đầu súng trăng treo - Đầu súng mảnh trăng treo.
Nhịp lắc của ánh trăng - Nhịp đập vĩnh cửu của tình đồng chí.
\Rightarrow Giá trị hình ảnh Đầu súng trăng treo
Kết bài:
- Tổng kết về nội dung, nghệ thuật.
- Cảm nhận, đánh giá của bản thân.
II. Viết bài:
Chính Hữu là một nhà thơ hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh. Trong số những tác phẩm của ông có bài Đồng chí, sáng tác năm 1948. Có thể nói bài thơ là một trong số những tác phẩm tiêu biểu viết về người lính cách mạng, của văn học thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Bài thơ khắc họa lên hình ảnh tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn của những người nông dân mặc áo lính, trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ.
Ba câu thơ cuối cùng, kết thúc bài thơ bằng hình ảnh thơ thật đẹp - hình ảnh người đồng chí trong thời điểm thực tại, khi họ đang làm nhiệm vụ chiến đấu.
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Ba câu thơ phác họa một bức tranh vừa mang tính chất thực của bút pháp thực, vừa thấm đẫm cái bay bổng của bút pháp lãng mạn. Nổi lên trên sắc xám lạnh của nền cảnh đêm rừng hoang sương muối là hình ảnh người lính đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới. Đó là hình ảnh cụ thể về tình đồng chí. Họ đã đứng cạnh bên nhau trong cảnh áo rách, quần vá và chân không giày. Họ đứng giữa cái giá rét của rừng đêm, giữa cái căng thẳng của phút giây chờ giặc tới, với nòng súng hướng lên sẵn sàng. Chính tình đồng chí đã giúp họ vượt lên tất cả,
Dưới cái nhìn của người trong cuộc - người trực tiếp cầm súng, đầu súng và trăng như không còn bị khoảng cách không gian chi phối, tạo nên hình ảnh Đầu súng trăng treo. Sự quan sát là hiện thực, còn sự liên tưởng trong miêu tả là lãng mạn. Súng biểu hiện cho chiến tranh, cho hiện thực khốc liệt. Trăng biểu hiện cho vẻ đẹp mơ mộng, bình yên và lãng mạn. Sự kết hợp giữa hai hình ảnh ấy tạo nên một biểu tượng đẹp về cuộc đời người lính: chiến sĩ mà thi sĩ, thực tại mà mơ mộng. Chính điều đó khiến mọi khó khăn, gian khổ bị đẩy lùi, nhường chỗ cho tình đồng chí, đồng đội vượt lên tất cả để chiến thắng kẻ thù.
Có thể nói Đầu súng trăng treo là một hình ảnh thơ đẹp. Nó không khỏi khiến ta mường tượng đến hình ảnh mảnh trăng đung đưa trên đầu súng, như quả lắc đồng hồ giữa bầu trời.
Chính Hữu đã nói ... Khi viết, trong hồn tôi sống lại hình ảnh ấy và câu thơ năm chữ hiện ra tức thì "Đầu súng mảnh trăng treo"... Nhưng vì cái lí: Trước hết, Đầu súng trăng treo như nhịp một, hai vừa cân đối giữa hai hình ảnh, vừa là nhịp lắc đồng hồ. Tiếp đó, bởi cái nguyên tắc tuần hoàn của vũ trụ:
Mười rằm trăng náu
Mười sáu trăng treo.
Trăng treo vào buổi mười sáu, mà mười sáu trăng đã tròn nên từ mảnh không còn phù hơp với văn cảnh của bài thơ. Vì vậy, tác giả đã sửa lại thành Đầu súng trăng treo.
Trên, ta có nói đến nhịp lắc của ánh trăng. Phải chăng cái nhịp lắc mà ta cảm nhận được chỉ đơn thuần là hình ảnh Đầu súng trăng treo như nhịp một hai? Có lẽ không hẳn vậy... Trong đêm thanh vắng, người này sẽ nghe rõ tiếng đập tim người kia. Nhịp một, hai lắc trên đầu súng cũng là nhịp tim chan chứa của hai người cảm nhận được nơi nhau. Nhịp tim đó gắn bó làm một tạo nên con người đồng chí với nhịp đập nhanh hơn , nồng nàn hơn. Nhịp một, hai của ánh trăng chính là nhịp đập vĩnh cửu của tình đồng chí.
Hình ảnh đầu súng trăng treo nâng vẻ đẹp người lính lên đến đỉnh cao, khái quát trong đó có sự hài hòa giữa hiên thực và lãng mạn, đồng thời mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Ngoài ra hình ảnh còn là biểu tượng của tinh thần cách mạng, ngọn súng chính nghĩa được đính vào đó là hình tượng của cái đẹp, của chất thơ.
Qua Đồng chí và cụ thể là khổ thơ cuối của bài đã cho ta thấy được vẻ đẹp của tâm hồn người lính, mà nơi phát ra vầng ánh sáng lung linh nhất là tình đồng đội, đồng chí hòa vào tình giai cấp. Không tô vẽ, không đấp điểm. Chính điều đó đã khắc họa một cách chân thực đời sống nội tâm va tình cảm người lính, trong thời kì kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ.