[Ngữ Văn 9]Thuyết minh về bài thơ "Tiểu đội xe không kính"

1

123khanhlinh

Trong chùm thơ bốn bài của Phạm Tiến Duật đoạt giải nhất cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ năm 1969, có ba bài viết về đường Trường Sơn, cụ thể là những chiến sĩ lái xe, thanh niên xung phong trên con đường huyền thoại ấy. "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là một trong ba bài ấy. Khi in lại bài thơ này, có nhà biên tập có ý muốn bỏ đi ba chữ đầu tiên, chỉ để lại "Tiểu đội xe không kính", với lý luận rằng “ba chữ bài thơ về là thừa ra, vì ai đọc lên chẳng biết đây là bài thơ”. Như vậy là chưa hiểu được ý của tác giả. Ở bài thơ này, để nói sự lạc quan của lính vận tải trên đường Trường Sơn, tác giả nhìn thực tế bằng con mắt chiến sĩ lái xe: Mọi gian khổ, khó khăn chỉ là chuyện vặt, xe không có kính có cái hay, cái được mà xe có kính không có! Hay nói một cách khác, tác giả viết bài thơ này để ngợi ca tiểu đội xe không kính mà nội dung sự ngợi ca đó đã báo trước trong ba chữ bài thơ về nằm ở đầu đề. Để hiểu được hoàn cảnh ra đời của bài thơ này, chúng ta cùng nhắc lại một thực tế: Trong 16 năm, từ 1959 đến 1975, qua đường Trường Sơn chúng ta đã chở vào chiến trường miền Nam hơn một triệu tấn hàng và vũ khí nhưng cũng bị máy bay Mỹ đốt cháy và phá hủy mất 90 nghìn tấn hàng và 14.500 xe, máy. Chính Phạm Tiến Duật từng viết: “Mỗi trọng điểm là một nghĩa địa ô tô. Xác xe cháy ngổn ngang lưng đèo, đỉnh núi”. Biết bao chiếc xe đã được thu gom, chắp nhặt từ các nghĩa địa ô tô đó. Chỉ cần có bánh xe, máy nổ là coi như còn xe. Và tất nhiên, người ta phải chắp nhặt những bộ phận sót lại ở những chiếc xe khác nhau để làm nên một chiếc xe có thể chạy được. Đã có biết bao tiểu đội xe vận tải có những chiếc xe như thế chạy, chở hàng đã hoạt động trên đường Trường Sơn, thế thì mất kính có thấm tháp gì đâu ngoài việc tạo sự phóng túng cho lính lái:

Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng.

Thì ra chiến sĩ lái xe không hề bận tâm về việc xe mình không có kính, ngược lại, chính xe không có kính càng tạo cho anh cái thế ung dung ngồi trong buồng lái mà không có gì ngăn cách với thiên nhiên:

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.

Sao trời và cánh chimlà biểu tượng của ban đêm và ban ngày. Xe chạy không phân biệt ngày đêm, nhưng thực tế những năm tháng ấy, xe chạy đêm là chính để tránh máy bay Mỹ. Lòng yêu những con đường của người lái xe được tác giả mô tả bằng cảm giác khi xe chạy nhanh: “con đường chạy thẳng vào tim”, chạy thẳng được vì không có kính ngăn lại!

Thế thì không có kính không đem lại những khó khăn gì hay sao? Có chứ, nhưng khó khăn xoàng không mảy may ảnh hưởng đến tinh thần người lính:

Không có kính, ừ thì có bụi…
Không có kính, ừ thì ướt áo…

Điệp ngữ ừ thì thể hiện sự tất yếu đã biết, là một lẽ tất nhiên đã lường trước. Bụi chỉ làm trắng tóc lính trẻ, chỉ gây chuyện vui, chuyện buồn cười:

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Còn mưa ướt áo, ừ thì chuyện xoàng:

Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi.

Chúng ta lưu ý rằng, cái gió lùa hong khô áo đó chính do xe không có kính mang lại!

Qua hai khổ thơ coi chuyện khó khăn do việc xe không có kính mang lại là chuyện vặt, tác giả trở lại khai thác cái thuận lợi, cái được sinh ra từ xe không có kính, đó là việc thể hiện tình đồng đội, đồng chí, tình những người lính lái xe trên tuyến lửa:

Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Động tác bắt tay nhau vồn vã này không thể làm được khi xe có kính!
Phạm Tiến Duật là nhà thơ tiêu biểu thế hệ nhà thơ thời chiến tranh chống Mỹ, những người luôn khai thác ở lính tinh thần lạc quan, coi thường gian khổ, chắt lọc ngọt ngào từ cay đắng, tìm kiếm thuận lợi từ khó khăn. Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của thế hệ nhà thơ này cũng luôn thường trực: Tất cả vì công cuộc giải phóng miền Nam. Đọc khổ cuối bài thơ này, chúng ta không chỉ biết được rằng tiểu đội xe không kính chỉ là một ví dụ, còn bao chiếc xe nữa thiếu nhiều thứ khác, mặc dù vũ khí và phương tiện là quan trọng, nhưng con người mới quyết định:

Không có kính rồi không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Trong khổ thơ này có một chữ mà tác giả và bạn đọc đều chưa ưng ý, đó là chữ xước, bởi từ đó quá nhẹ, nên dùng cho những chiếc xe con sang trọng bị va quệt nhẹ tróc sơn, hơn là dùng cho những chiếc xe tải đã đi qua bom đạn mà có khi thùng xe chỉ còn lại vài thanh xơ tướp hoặc gẫy gập, cháy sém. Đã có lần chính tác giả muốn sửa lại từ này, nhưng lại thôi vì nghĩ nó đã nhập tâm vào bạn đọc rồi.

Nói về ngôn ngữ của bài thơ này, nhà thơ Phạm Tiến Duật tâm sự: “Tôi không tự cho tôi cái quyền quy định phạm vi ngôn ngữ cho từng bài thơ. Mỗi bài thơ có một văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng”. Và theo tôi, ngôn ngữ trong bài thơ này là ngôn ngữ của lính, chính xác hơn là ngôn ngữ của cánh lính lái xe rất phù hợp với nội dung coi thường gian khổ, hy sinh… trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ và cái chết luôn cận kề khi thực thi nhiệm vụ của mình.
Nguồn ST
 
P

phnglan

Đọc thơ Phạm Tiến Duật chúng ta nhận ra cái chất giọng rất trẻ, rất lính của tác giả. Ông đã đưa vào thơ những chất liệu hiện thực sinh động của cuộc sống ở chiến trường, cùng với ngôn ngữ, giọng điệu giàu tính khẩu ngữ tự nhiên, khỏe khoắn.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật dẫn chúng ta đến với những chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời đánh Mĩ.

bef79f33e59c678ab1540629ce0d9171_20130616223456-xe-qua-trong-diem.jpg


Không rõ nhà thơ đã từng bao nhiêu lần trực tiếp cầm lái, hay ngồi trong ca bin bên cạnh người lái, mà ngôn ngữ, nhạc điệu, cảm hứng và suy nghĩ trong bài lại chân thực, sống động đến vậy. Tất cả, cứ hiển hiện hồn nhiên, trực diện ngay trước bạn đọc: những chiếc xe không kính, tiểu đội lính vận tải vui vẻ, tếu táo mà thật đĩnh đạc, hiên ngang…

Mở đầu bài thơ là một hình ảnh trần trụi: “Xe không có kính”, kết thúc là một hình ảnh bất ngờ: “trái tim”. Phải chăng tiểu đội xe không kính ấy lăn bánh được là bởi “Chỉ cần trong xe có một trái tim” ?


Xe không kính là một hình ảnh quen thuộc trên tuyến đường Trường Sơn thời đánh Mỹ nhưng xe không kính đi vào thơ ca thì quả là hiếm thấy.

Xưa nay những chiếc xe đi vào thơ ca thường mang ý nghĩa tượng trưng hơn là tả thực. Còn chiếc xe không kính trong bài thơ là một hình ảnh thực đến trần trụi:

“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”

Tác giả giải thích nguyên nhân chiếc xe không kính cũng rất thực: dobom giật bom rung nên kính vỡ đi rồi. Những chi tiết thực này được diễn tả bằng hai câu thơ dài, gần gũi với lời nói thường, ngôn ngữ mộc mạc, giọng điệu thản nhiên, đặc biệt là nhà thơ đã sử dụng phép điệp từ với từ không lặp lại đến ba lần nên càng gây ra sự chú ý về vẻ khác lạ của nó.

Trên những chiếc xe ấy, người chiến sĩ lái xe vẫn vững tay lái :

“ Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng ”

Nhịp thơ 2-2-2 thật cân đối, nhịp nhàng, từ láy ung dung được đưa lên đầu câu thơ (phép đảo ngữ) kết hợp với điệp từ nhìn cứ nhấn đi nhấn lại biểu thị sự tập trung cao độ và cái tư thế ung dung, hiên ngang của người lính.

Mặc cho bom rơi đạn nổ, họ vẫn nhìn thẳng về phía trước, lái xe không kính trên đường ra chiến trường.

Cái tư thế ung dung đó được nhà thơ tiếp tục thể hiện ở khổ thơ thứ hai với những câu thơ tả thực, sự thực chính xác đến từng chi tiết.

Vì không có kính chắn gió mà xe lại lao nhanh nên người lính lái xe phải đối mặt với bao khó khăn nguy hiểm. Nào là:

“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái ”

Mắt đắng là con mắt phải thức trắng đêm để lái xe ra trận, lại bị gió lùa nên khó chịu. Thế nhưng với động từ xoa sự khó chịu đã biến thành điều dễ chịu với cảm giác khoan khoái thú vị.

Dường như chính nhà thơ cũng đang cầm lái, hay ngồi trong buồng lái của những chiếc xe không kính nên câu chữ mới sinh động, cụ thế, gây ấn tượng, gợi cảm giác chân thực dường ấy. Cảm giác, ấn tượng căng thẳng, đầy thử thách. Câu thơ còn diễn tả được cảm giác về tốc độ trên chiếc xe đang lao nhanh nên thấy con đường chạy thẳng vào tim.

Tâm hồn người chiến sĩ lái xe thật lãng mạn. Dù đối mặt với bao gian khổ nhưng họ vẫn tỏ thái độ bất chấp. Qua khung cửa xe đã không còn kính, không chỉ mặt đất mà cả sao trời, cánh chim cũng như ùa vào buồng lái trở thành bạn đường của họ. Thiên nhiên và con người như hoà vào làm một, ý thơ vừa hiện thực vừa thể hiện tâm hồn lãng mạn nghệ sĩ của người lính.

Lời thơ nhẹ nhõm, trôi chảy như những chiếc xe vun vút chạy trên đường. Có chỗ nhịp nhàng, trong sáng như văng vẳng tiếng hát – vút cao, vui vẻ. Phạm Tiến Duật lại tiếp tục nói về những khó khăn gian khổ khi lái xe không kính để nói lên những phẩm chất của người lính lái xe.

“Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già”

Câu thơ đầy chất liệu hiện thực chiến trường. Xe không kính lại chạy vào mùa khô ở Trường Sơn nên bụi phun tóc trắng. Tác giả nhìn thấy bộ dạng lấm lem như người già của mình và đồng đội. Điều thú vị ở đây là người lính đã tìm thấy cái để cười vui, thậm chí họ còn biểu lộ thái độ bất chấp:

“Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”

Nếu không có một bản lĩnh vững vàng thì họ không thể nào cười ha hamột cách sảng khoái, thoải mái và dáng vẻ phì phèo châm điếu thuốc nghịch ngợm, trẻ trung như vậy được.

“Không có kính ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời”

Một lần nữa, khó khăn gian khổ lại đến dồn dập. Hết bụi rồi lại đến mưa tuôn, mưa xối…Vì xe không có kính nên ngồi trong xe mà cũng như ngoài trời.

Đối mặt với gian khổ nhưng người lính vẫn tỏ thái độ bình thản :

“Chưa cần thay lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi”

Một lần nữa khi con người đối mặt với thách thức, họ tỏ thái độ bất chấp, coi thường thì gian khổ cũng sẽ bị khuất phục.

Hai khổ thơ 3 và 4 có kết cấu lặp: “Không có kính, ừ thì có bụi…Chưa cần rửa… Không có kính, ừ thì ướt áo…Chưa cần thay…”. Câu thơ như lời nói thường, các từ ngữ ừ thì…chưa cần… vừa làm cho nhịp thơ hối hả, sôi động như nhịp điệu khẩn trương của đoàn xe trên chiến trường vừa tạo nên giọng điệu ngang tàng biểu thị thái độ thản nhiên như không. Dường như họ xem gian khổ là một dịp để thử thách sức mạnh và ý chí của mình.

Vẫn là cái nghịch ngợm, ngang tàng đáng yêu của cánh lính trẻ, gặp nhau trên đường ra trận, họ đã có cách chào nhau thật độc đáo :

“Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi ”.

Hoá ra, xe vỡ kính lại thuận lợi cho người lính thể hiện tình đồng chí, đồng đội một cách sôi nổi. Chỉ một cái bắt tay như thế cũng đủ để họ san sẻ cho nhau, truyền cho nhau niềm tin vào chiến thắng.

Những người lính trong chiếc xe không kính có nhiều điểm chung : chung tiểu đội, chung bát đũa, chung con đường ra trận, chung lí tưởng…Tất cả đã gắn kết họ với nhau trong tình cảm thân thương như anh em trong gia đình. Cuộc sống chiến đấu càng gian khổ, họ càng xích lại gần nhau hơn. Chính vì vậy, nhà thơ đã dành cho họ những câu thơ đầy xúc động :

“ Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy…”

Câu thơ vừa đẹp về hình ảnh, vừa đẹp về tính cách, vừa đẹp trong cách nhìn cách nghĩ của người chiến sĩ về đồng đội. Điều ấy đã làm nên sức mạnh để người lính tiếp bước trên đường ra trận :

“Lại đi, lại đi trời xanh thêm”.

Vẫn với giọng thơ mộc mạc, nhà thơ đã hoàn thiện bức chân dung của người lính Trường Sơn trong những năm chống Mĩ cứu nước.

Bốn dòng thơ cuối đã dựng lên hai hình ảnh đối lập nhau đầy kịch tính, bất ngờ mà thú vị . Hai câu thơ đầu tái hiện hình ảnh chiếc xe không kính:

“ Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe thùng xe có xước…”

Chiếc xe không kính giờ đây lại có thêm nhiều cái không: không mui, không đèn, và thêm có xước. Chiếc xe bị bom đạn kẻ thù làm cho biến dạng đến trần trụi. Điệp từ không lặp lại đến ba lần như nhân lên thử thách khốc liệt, ngỡ như chiếc xe không còn nguyên vẹn hình thù ấy không thể chạy được nữa.

Thế nhưng đọc đến hai câu thơ cuối ta thật bất ngờ :

“ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim ”.

Bao nhiêu cái không ở hai câu thơ trên là để đối lập với cái có ở câu thơ cuối. Đó là sự đối lập giữa sự thiếu thốn về vật chất và sự khẳng định những phẩm chất tinh thần của người lính. Từ sự khẳng định ấy, tác giả đưa ra một lí giải bất ngờ mà lí thú: thì ra chiếc xe trần trụi và biến dạng ấy vẫn còn lăn bánh ra chiến trường được là nhờ ở trái tim người lính.

Trái tim là một hoán dụ đầy ý nghĩa nói lên tình yêu Tổ quốc, ý chí chiến đấu, tinh thần sẵn sàng hi sinh vì miền Nam của người lính.

Âm điệu của câu thơ “Chỉ cần trong xe có một trái tim” thật nhẹ nhõm, song có khả năng khắc họa hình tượng nhân vật và khơi gợi những điều đằm sâu, trĩu nặng.

Khổ thơ cuối cùng vẫn một giọng thơ mộc mạc, gần với lời nói thường, như văn xuôi. Vậy mà nhạc điệu, hình ảnh, ngôn ngữ rất đẹp, rất thơ, cảm hứng và suy tưởng vừa bay bổng, vừa sâu sắc để hoàn thiện bức chân dung tuyệt vời của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời đánh Mỹ.

nguồn: st
 
Top Bottom