[Ngữ văn 8] Văn nghị luận

L

luancute1998

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề : Nêu ý kiến của em về tện nạn xã hội và giữ trật tự an toàn giao thông hiện nay
Chú ý :Không đặt các tiêu đề phản ánh không đúng nội dung bài viết như: "Help me", "giúp em với", "cứu với", "hehe" v.v...hoặc các tiêu đề có biểu cảm (!!!, ???, @@@).
Viết chữ có dấu
Phạt thẻ lần đầu
Đã sửa.Thân
 
Last edited by a moderator:
T

tiendat_no.1

TỆ NẠN XÃ HỘI
Chúng ta đang sống trong một đất nước không ngừng phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Để làm được điều đó,chúng ta phải vượt qua các trở ngại,khó khăn. Một trong số đó là các tệ nạn xã hội như: ma túy, cờ bạc, văn hóa phẩm đồi trụy. Nhưng đáng sợ nhất chính là ma tuý. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tác hại to lớn của ma túy để phòng tránh cho bản thân, gia đình và xã hội.
Để phòng chống một tệ nạn thì chúng ta cần biết rõ về tệ nạn đó. Ma túy là một loại chất kích thích, gây nghiện có nguồn gốc từ cây túc anh hoặc nhựa cây thuốc phiện được trồng ở 12 tỉnh miền núi phía Bắc Việt nam hay từ lá, hoa, quả cây cần sa được trồng ở các tỉnh giáp ranh biên giới Việt Nam – Campuchia. Đặc biệt là ma túy có một ma lực dẫn dụ ghê gớm, khiến người bị dính vào không thể cưỡng lại được, chẵng khác gì “ma đưa lối, quỷ đưa đường”. Ma túy tồn tại ở nhiều dạng như tép, nước, bột, hồng phiến, bạch phiến, thuốc…và được sử dụng bằng nhiều hình thức hút, chích, hít…Nó được coi là tệ nạn đáng sợ nhất vì sức dẫn dụ con người không kể tuổi tác và khả năng gây nghiện nhanh chóng. Hơn thế nữa, ma túy còn là ngọn nguồn của những tệ nạn xã hội khác.
Trước tiên, nó gây hại trực tiếp đến người nghiện. Về sức khỏe, ma túy gây ra các bệnh khôn lường cho cơ thể. Người nghiện sẽ bị hư hại niêm mạc mũi nếu dùng ma túy theo dạng hít, có khả năng ngưng thở đột ngột, gây nguy hiểm tính mạng. Còn dùng theo dChúng ta thường nghe nói ma túy rất có hại nhưng mấy ai hiểu được tác hại thật sự của nó! ạng hút thì cơ quan chịu ảnh hưởng là phổi. Phổi sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, gây ung thư phổi, viêm đường hô hấp, nhiễm trùng phổi…Và nguy hiểm nhất là dùng ma túy dạng chích, đây là con đường ngắn nhất dẫn đến AIDS. Người tiêm đâu có biết rằng trên mũi kim là hàng vạn quả cầu gai gây căn bệnh thế kỉ hiểm nghèo, cứ thế họ truyền tay nhau tiêm chúng, đưa virus vào máu của mình. Ở những tụ điểm tiêm chích, họ còn pha thêm các chất bẩn gây áp-phê, hậu quả là các con nghiện phải cưa cụt tay chân hay nhiễm trùng máu. Ấy là chưa kể đến tình trạng bị chết do sốc thuốc. Câu chuyện “cái chết trắng” của nhà tỉ phú trẻ Raphael, chết ngay bên đường do dùng bạch phiến quá liều. Những người nghiện lâu ngày rất dễ nhận ra, người gầy gò, da xám, tóc xơ xác. Hệ thần kinh bị tổn thương nặng do ảnh hưởng của thuốc, kém tập trung, suy nghĩ, chán nản và thiếu ý chí vươn lên nên việc cai nghiện cũng khó khăn. Không chỉ dừng ở đó, tiêm chích ma túy còn hủy hoại con đường công danh, sự nghiệp của người nghiện. Đã có bao bài học, biết bao câu chuyện kể về những công nhân, kĩ sư… đã gục ngã trước ma túy, để rồi bị bạn bè, đồng nghiệp xa lánh, con đường tương lai tươi sáng bỗng vụt tắt, tối tăm. Và nhất là những bạn học sinh, tuổi đời còn quá dài mà chỉ vì một phút nông nỗi, bị bạn bè rủ rê đã đánh mất tương lai. Thật đáng thương!
Ma túy không những gây hại cho người dùng nó mà còn cho cả gia đình của họ, khiến họ trở mất dần khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình. Những gia đình có người nghiện ma túy bầu không khí lúc nào cũng lãnh đạm, buồn khổ. Công việc làm ăn bị giảm sút do không được tín nhiệm. Nền kinh tế cũng theo đó mà suy sụp. Bởi những người một khi đã nghiện thì luôn có nhu cầu hơn nữa về ma túy, đồng nghĩa với việc họ phải có tiền, mà tiền thì lấy từ đâu? Từ chính gia đình của họ chứ không đâu xa. Rồi những người vợ, người mẹ sẽ ra sao khi thấy chồng, con mình vật vã khi thiếu thuốc, khi lìa bỏ cõi đời vì mặc cảm, vì bệnh tình đã tới giai đoạn cuối? Thật đau xót cho những gia đình bất hạnh có người nghiện ma túy.
Không dừng lại ở đó, ma túy còn như một con sâu đục khoét xã hội. Khiến cho an ninh, trật tử, quốc phòng bất ổn. Khi muốn thõa mãn cơn ghiền, con nghiện không từ một thủ đoạn, hành vi trộm cắp, giết người nào để có tiền mua heroin, hoặc nổi máu anh hùng xa lộ, đua xe, lạng lách. Những con nghiện mà không được gia đình chấp nhận sẽ đi lang thang làm mất vẻ mỹ quan,văn minh lịch sự của xã hội,vật vờ trên những con đường. Không chỉ thế, nhà nước, xã hội còn phải tốn tiền để tổ chức lực lượng phòng chống và giải quyết những thiệt hại do con nghiện gây ra. Mất tiền xây dựng các trại cải tạo, giáo dục, điều trị cho người nghiện. Một thiệt hại lớn mà ma túy gây ra cho nền kinh tế quốc gia là ngành du lịch bị giảm sút. Các bạn thử nghĩ xem, có ai dám đi du lịch sang một đất nước, một thành phố mà toàn người bị HIV/AIDS. Rồi họ sẽ nghĩ gì về nước ta, họ sẽ nhìn nước ta với ánh mắt khinh thường, chẳng ai dám đầu tư vào đây nữa. Quả là một mất mát, thiệt hại cho nước nhà!
Nhưng các bạn đừng lo, nếu chúng ta biết cách phòng chống thì những mối nguy ngại trên sẽ được giải quyết, sẽ không còn tệ nạn ma túy nữa. Mỗi người phải có trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, giáo dục cho người thân mình sự nguy hiểm của ma túy để không ai bị chết vì thiếu hiểu biết. Luôn tránh xa với ma tuý bằng mọi cách, mọi người nên có ý thức sống lối sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, luôn tỉnh táo, đủ bản lĩnh để chống lại mọi thử thách, cám dỗ của xã hội. Đồng thời cũng lên án, dẹp bỏ tệ nạn bằng cách không tiếp tay cho chúng. Nếu lỡ vướng vào thì phải dùng nghị lực, quyết tâm, vượt lên chính mình để từ bỏ con đường sai trái. Bên cạnh đó nhà nước cũng phải đưa những người nghiện vào trường cai nghiện, tạo công ăn việc làm cho họ, tránh những cảnh " nhàn cư vi bất thiện", giúp họ nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống cộng đồng, không xa lánh, kì thị họ.
Ma túy quả là một con quỷ khủng khiếp nhất của gia đình và xã hội, còn hơn cả bệnh tật và đói khát. Chúng ta vẫn có thể phòng trừ nanh vuốt của con quỷ dữ này. Mỗi chúng ta phải nêu cao cảnh giác, chung tay ngăn chặn nó, mở rộng vòng tay đỡ lấy những người nghiện, đừng để họ lún quá sâu vào bóng tối. Đặc biệt là học sinh chúng ta phải kiên quyết nói không với ma túy, xây dựng một mái trường, một xã hội không có ma túy.
 
P

p3b3o_091098

NGHỊ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ TAI NẠN GIAO THÔNG


Dàn
1/Mở bài
Trong những năm gần đây, tình hình trật tự an toàn giao thông ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên lĩnh vực giao thông đường bộ.

2/ Thân bài
a/ Nêu thực trạng tai nạn giao thông .

Mỗi ngày , các phương tiện thông tin đại chúng đều có bản tin về sô lượng các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các địa bàn trên cả nước . Đáng báo động, tính chất các vụ tai nạn ngày càng nghiêm trọng, thể hiện qua số người chết tăng mạnh. Có vụ tai nạn do hai xe khách va vào nhau làm thiệt mạng hàng vài chục người . Hàng năm số vụ tai nạn giao thông vẫn không hề suy giảm, ngược lại nó còn tăng lên rất nhiều. Cứ mỗi năm, Việt Nam có tới gần một nghìn vụ tai nạn giao thông, nhiều nhất là xe máy.

b/ Hậu quả

Tai nạn giao thông và những thiệt hại do tai nạn gây ra đang là nỗi lo và vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Đó là thiệt hại về sinh mạng, thiệt hại về nhân lực, trí tuệ, gây tổn thương về tinh thần xã hội, về vật chất, tiền của và cả nỗi đau thể xác, tinh thần dai dẳng. Tai nạn giao thông có ảnh hưởng nặng nề đối với trẻ Việt Nam. Có rất nhiều trẻ trực tiếp bị tai nạn giao thông gây tử vong hoặc thương tật nặng nề và còn có biết bao trẻ khác bị ảnh hưởng gián tiếp bởi cha, mẹ các em bị tai nạn giao thông cướp đi sinh mệnh hoặc tàn tật. Theo thống kê, những người thiệt mạng do tai nạn giao thông chủ yếu là đàn ông, trụ cột của gia đình. Những người vợ xót xa khi mất đi người chồng thân yêu, đứa con nghẹn ngào vì tới đây sẽ chẳng còn được vòng tay người cha dạy dỗ . Họ mang đến sự thương tâm cho toàn xã hội.

c/ Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra tình trạng tai nạn giao thông cao ở nước ta có rất nhiều . Đó là sự hiểu biết còn hạn chế về an toàn giao thông đường bộ, về quy định giao thông, về các hành vi lái xe an toàn.Số đông dân chúng còn có quan niệm rằng tai nạn giao thông là do số mệnh con người quyết định.Họ không thấy rằng phần lớn tai nạn giao thông là có thể phòng tránh được.

Môi trường giao thông không an toàn và cơ sở hạ tầng giao thông nghèo nàn. Ví dụ, có rất ít các biển báo giao thông và các khu vực an toàn cho người đi bộ.Việc sử dụng mũ bảo hiểm là rất ít mặc dù có nhiều mũ bảo hiểm chất lượng tốt.Việc chấp hành luật lệ giao thông còn kém. Những hành động nguy hiểm thường gặp của thanh niên như lạng lách, đua xe máy là nguồn gốc của nhiều tại nan giao thông . Đồng thời , việc người dân sử đã sử dụng rượu bia , nồng độ cồn trong máu quá mức cho phép cũng là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn không đáng có .

d/ Giải pháp khắc phục

Trước thực trạng đáng bức xúc trên , Bộ Y tế, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã triển khai các hoạt động nhằm tăng nhận thức về phòng tránh tai nạn và an toàn giao thông. Áp phích, tờ rơi về an toàn giao thông và sử dụng mũ bảo hiểm đã được phân phát rộng rãi trên toàn quốc . Các tiểu phẩm phát trên truyền hình cũng góp phần vận động để giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về luật giao thông và nghiêm chỉnh chấp hành luật. Quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi sử dụng phương tiện xe gắn máy tham gia giao thông và xử phạt nghiêm minh những trường hợp không chấp hành luật cũng đã hạn chế bớt tình trạng tai nạn giao thông .

Còn đối với giao thông học đường cần sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội , không chỉ được thể hiện bằng văn bản, giấy tờ, những lời hứa suông,... mà phải bằng hành động cụ thể. Nhà trường cần đa dạng hoá các sinh hoạt ngoại khoá của học sinh, sinh viên, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông. Cần coi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông như một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên: xếp loại đạo đức trung bình đối với học sinh, sinh viên vi phạm giao thông lần một và xếp loại yếu nếu vi phạm lần hai trong cùng một năm học.

Đồng thời việc đặt biển báo giới hạn tốc độ, làm gờ giảm tốc, đèn hiệu giao thông, vạch dành cho người đi bộ ở khu vực , đặc biệt nơi có đông trẻ em cũng cần được thực hiện . Tổ chức các cuộc thi an toàn giao thông cho mọi người đặc biệt là thanh thiếu niên.Huấn luyện cho các tuyên truyền viên đi đến từng hộ gia đình tuyên truyền về phòng chống tai nạn bao gồm cả các tai nan giao thông.Hỗ trợ các địa phương xây dựng sân chơi an toàn cho trẻ để trẻ có thể chơi an toàn xa đường giao thông…

e/ Phê phán những thái độ , hành động coi nhẹ an toàn giao thông

Ngày nay , tình trạng đua xe của giới trẻ, tầng lớp thanh niên - những người chủ tương lai đất nước đang gây bức xúc trong dư luận . Đó là những thanh niên đua đòi với bản tính “con nhà giàu” cùng với sự rủ rê của bạn bè, họ sẵn sàng đánh cược với tính mạng của mình. Những bậc cha mẹ nuông chiều con , khi hay tin con mình xảy ra tai nạn, nhận ra thì đã quá muộn,. Nếu như những thanh thiếu niên kia biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông thì sẽ chẳng có những điều thương tâm và đáng tiếc.

Một mặt khác , do sự tắc trách của một số cơ quan xây dựng, rút xén vật liệu khiến cho chất lượng đường xá kém . Còn có những kẻ chỉ vì lợi ích cá nhân mà quên đi tính mạng, sự an toàn của người đi đường, rải đinh xuống lòng đường để thu lợi bởi những đồng tiền kiếm được từ vá xe, thay lốp. Họ cố tình không hiểu sự nguy hiểm của việc làm đó, với tốc độ cao như vậy những người tham gia giao thông khi bị thủng săm đột ngột sẽ bị văng người ra khỏi xe và nguy cơ tử vong là rất lớn.

3/Kết bài

Là một học sinh, mỗi chúng ta phải xem xét lại mình , phải tự giác làm đúng các nguyên tắc an toàn giao thông mà nhà trường và xã hội đã chỉ dẫn.Có như thế thì tuổi trẻ học đường đã góp một phần nào trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông, một vấn nạn mà xã hội và đất nước đang tìm cách khắc phục.

( Sưu tầm )


 
P

p3b3o_091098

Bài làm

Tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối đang được xã hội quan tâm và trở thành hiểm họa đối với bất kì ai khi tham gia giao thông.Trên thực tế tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày từng giờ và có thể cướp đi mạng sống của con người bất kì lúc nào.Mỗi ngày trôi qua có hơn ba mươi người chết và bị thương. Đáng buồn hơn khi không ít những nạn nhân của tai nạn giao thông là học sinh, sinh viên chúng ta.Vậy tuổi trẻ học đường phải suy nghĩ và hành động thế nào để góp phần làm giảm tai nạn giao thông cho xã hội.

Trên phạm vi toàn cầu, tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho mọi người.Trung bình làm chết trên dưới 1 triệu người và bị thương hàng chục triệu người mỗi năm.Chỉ tính riêng trong năm 2002, tai nạn giao thông trên thế giới đã làm cho 1,2 triệu người thiệt mạng và 50 triệu người bị thương. Hàng năm, số vụ tai nạn giao thông lại tăng thêm 10% con số này ở các nước nghèo và đang phát triển cao hơn tỉ lệ ở các nước công nghiệp phát triển. Phổ biến nhất hiện nay ở phần lớn các quốc gia là tai nạn giao thông đường bộ gây tử vong hàng đầu cho xã hội. Loại tai nạn này thường xảy ra đối với ô tô và xe gắn máy khi đi trên các tuyến đường bộ hay các tuyến đường chuyên dùng cho người đi bộ. Ngoài ra còn có các loại tai nạn giao thông khác như tai nạn giao thông đường sắt, tai nạn giao thông đường thuỷ, tai nạn giao thông đường hàng không...

Vậy tai nạn giao thông được hiểu trên những phương diện như thế nào cho đúng? Tai nạn giao thông đã có từ rất lâu trong lịch sử dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có một định nghĩa thật chính xác có thể lột tả hết những đặc tính của nó. Trên hình thức nó được biểu hiện bằng những hành vi cụ thể, gây ra những thiệt hại nhất định về tính mạng, sức khỏe cho con người, vật và tài sản...Chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi cuối cùng trong vụ tai nạn giao thông cụ thể phải là đối tượng đang tham gia vào hoạt động giao thông. Còn xét về lỗi, chỉ có thể là lỗi vô ý hoặc là không có lỗi, không thể là lỗi cố ý. Tai nạn giao thông không chỉ gây đau thương cho mọi gia đình mà còn liên luỵ đến bao nhiêu người vô tội khác. Lỗi chung lớn nhất là do ý thức người dân còn kém, coi thường tính mạng của mình và người khác, chưa có ý thức bảo vệ tài sản của cá nhân nói riêng và toàn xã hội nói chung. Gần 90% nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện gây ra. Có tránh được tai nạn giao thông hay không là do ý thức tự giác chấp hành Luật Giao Thông của người lái xe. Các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua đều xuất phát từ hành vi coi thường pháp luật của lái xe và chưa có ý thức chấp hành pháp luật. Theo thống kê những người thiệt mạng do tai nạn giao thông chủ yếu là đàn ông, trụ cột của gia đình. Những người vợ xót xa khi mất đi người chồng thân yêu, đứa con nghẹn ngào trong dòng lệ vì tới đây sẽ chẳng còn được vòng tay người cha âu yếm vỗ về, bảo ban dạy dỗ trên đường đời. Họ mang đến sự thương tâm cho toàn xã hội. Bên cạnh đó, xã hội còn mất đi những bàn tay lao động, những con người đang từng ngày ra sức xây dựng tổ quốc và thật xót xa khi đất nước lại còn bị mất đi những người công dân ưu tú, những nhân tài và cả những mầm non tương lai nữa.Hậu quả của tai nạn giao thông để lại thật khủng khiếp làm sao!

Hàng năm số vụ tai nạn giao thông vẫn không hề suy giảm, ngược lại nó còn tăng lên rất nhiều. Cứ mỗi năm, Việt Nam có tới gần một nghìn vụ tai nạn giao thông. Tính riêng trong năm 2006 đã có 12.600 người chết vì tai nạn giao thông đường bộ mà trong đó có hơn 20% là do học sinh, sinh viên gây ra. Phần lớn trẻ 0-9 tuổi chết là người đi bộ. Đa số trẻ 10-14 tuổi chết khi đi xe đạp, trong khi tất cả các ca tử vong ở đối tượng 15-19 tuổi là đi xe máy. Các lỗi vi phạm của học sinh, sinh viên cũng hết sức đa dạng: điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; không có đăng ký, biển số, giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ….Một số học sinh, sinh viên còn tự ý thay đổi màu sắc, nhãn mác, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn trang trí mô tô sai quy định, lắp còi sai âm lượng, đi xe mô tô, xe đạp một bánh, quẹt chân chống xuống nền đường nhựa, đùa nghịch gây rối trật tự trên phố...Khi tan trường, học sinh “túm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn hay đi xe máy, thậm chí kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng,... đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Sẽ không thể nào kể hết được các lỗi mà các em đã gây ra.

Một vấn đề cũng đang gây sự chú ý và bị lên án rất nhiều đó là tình trạng đua xe của giới trẻ, tầng lớp thanh niên - những người chủ tương lai đất nước. Đó là những thanh niên đua đòi với bản tính “con nhà giàu” cùng với sự rủ rê của bạn bè, họ sẵn sàng đánh cược với tính mạng của mình. Nhìn những chiếc xe SH, @, Dylan… phi như bay trên những con đường lớn ta không khỏi xót xa cho họ. Chỉ vì quá được nuông chiều, thiếu sự bảo ban của cha mẹ mà họ đã phải trả giá đắt. Những tai nạn xảy ra là điều chắc chắn, nhẹ thì sứt đầu mẻ trán, gẫy tay gẫy chân... Nặng thì họ phải mãi mãi rời xa cuộc đời. Lý do vì đâu cũng là ở nhận thức của thanh niên. Họ chưa biết suy nghĩ đúng về những cái lợi hại của việc mình đã làm. Những bậc cha mẹ khi con mình xảy ra tai nạn, khi nhận ra thì đã quá muộn. Tại sao họ sắm cho con những chiếc xe thật tốt, phân khối thật lớn để chúng đi đua. Họ làm ra nhiều tiền rồi cũng nhận ra khi mất đứa con thì tiền bạc cũng chẳng giải quyết được gì. Họ hối hận vì tại sao ngay từ đầu không bảo ban con cái mình thì bây giờ đã muộn có tốn bao nhiêu nước mắt thì mọi chuyện gạo cũng đã chín thành cơm.

Một số địa phương đã có những biện pháp quyết liệt, chẳng hạn như cấm học sinh phổ thông đi xe máy đến trường. Tuy nhiên, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng nên các biện pháp trên tỏ ra không hiệu quả . Do mải làm ăn, buôn bán, các bậc phụ huynh không dành nhiều thời gian, không quan tâm tới việc dạy dỗ con cái, không giáo dục các em ý thức chấp hành pháp luật. Nhiều bậc cha mẹ còn dung túng cho con khi mua xe mô tô cho con hoặc cho con đi xe máy đến trường khi các em chưa có giấy phép lái xe. Đã có không ít tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra và chuyện vi phạm giao thông của học sinh, sinh viên không còn là chuyện về ý thức, đạo đức của riêng các em mà phải kể đến trách nhiệm của các bậc cha mẹ và cộng đồng xã hội. Khi bề trên quản giáo không nghiêm thì con trẻ dễ làm điều không đúng. Gia đình, nhà trường và xã hội cần có tiếng nói chung trong việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của học sinh, sinh viên. Như trong năm vừa rồi ,cái chết thương tâm của hai bạn nữ sinh trường THPT Nguyễn Công Trứ khi đang đạp xe trên đường đi học về gây bức xúc trong giới học đường khiến cho gia đình các bạn cũng đau lòng. Đùa giỡn trên xe để không làm chủ tay lái và rồi ngã vào xe tải đang lưu thông cùng chiều.Các bạn ấy mới 16 tuổi thôi, còn qúa trẻ để làm nhiều việc có ích cho xã hội.

Gần đây việc giáo dục ý thức công dân và giáo dục đạo đức trong nhà trường cũng không thực sự được quan tâm như trước. Kết quả thi cử của các em đã đè nặng lên vai những người làm thầy, làm cô khiến họ không còn quan tâm nhiều đến những môn không phải thi tốt nghiệp hoặc thi đại học. Mô hình giáo dục cân bằng không còn nữa, “trí dục” đã chiếm ưu thế trước “đức dục” trong các chương trình giảng dạy. Cùng với sự thay đổi của đời sống kinh tế và hệ giá trị, “người Thầy” cũng không còn cái uy với học sinh như xưa và một bộ phận không nhỏ học sinh bỏ qua những lời răn dạy đạo đức của thầy, cô cũng là điều dễ hiểu.Các cơ quan nhà nước cũng không quan tâm đúng mức tới giao thông học đường. Các chế tài áp dụng đối hành vi vi phạm của các em được quy định trong văn bản pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe, việc xử lý vi phạm không được thực hiện thường xuyên, liên tục làm mất tính giáo dục của các biện pháp xử phạt. Ở phạm vi toàn xã hội, việc người lớn không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ đã trở thành tấm gương xấu cho bọn trẻ làm theo. Không ít các trường hợp, người lớn còn kích động, cổ vũ cho những hành vi sai trái của các em như tập trung xem và hò hét khi các em đua xe trái phép.Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ ý thức của người dân. Nếu như họ biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông thì sẽ chẳng có những điều thương tâm và đáng tiếc. Hồi chuông cảnh báo luôn rung lên, nhắc nhở mọi người hãy biết chấp hành giao thông, vì sự an toàn của bản thân và xã hội.

Muốn chấn chỉnh giao thông học đường , phải cần cả xã hội chung tay. Sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội không chỉ được thể hiện bằng văn bản, giấy tờ, những lời hứa suông,... mà phải bằng hành động cụ thể.Chẳng hạn như phát động tháng “An toàn giao thông”, thực hiện phải kết hơp với lực lượng cảnh sát giao thông giám sát theo dõi tình hình giao thông, xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm Luật giao thông. Đi khắp các nẻo đường gần xa khẩu ngữ “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người đang tham gia giao thông, hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn cho mình và hạnh phúc cho gia đình mình. Giáo dục cho học sinh, sinh viên ngay từ ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng bổ ích. Lực lượng học sinh, sinh viên tình nguyện đứng ra điều khiển giao thông cũng là một biện pháp hữu ích.Gần đây việc tất cả công dân phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là một biện pháp thiết thực giúp bảo vệ an toàn cho mọi người.Cần phải phát huy những mặt tích cực để tai nạn giao thông ngày một giảm theo chiều hướng nhanh nhất.Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó nhưng có tài mà không có đức thì cũng vô dụng”. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, mà trước hết là giáo dục ý thức công dân. Chấn chỉnh giao thông học đường không chỉ góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông, mà quan trọng hơn là giáo dục ý thức pháp luật cho thế hệ tương lai.

Tổ chức Y Tế Thế giới đã nói rằng: “ Tai nạn giao thông đã trở thành một đại dịch của nhân loại” thế nên xã hội cần có những biện pháp hữu dụng để ngăn chặn và kìm hãm sự phát triển của nó.Là học sinh em sẽ cố gắng học tập thật tốt, luôn phấn đấu học hỏi tìm hiểu kiến thức về Luật Giao Thông để góp phần bảo vệ tài sản chung của gia đình và xã hội. Bản thân em sẽ luôn tuân thủ nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật để làm gương cho các em của mình và không làm phụ lòng thầy cô ba mẹ đã quan tâm lo lắng cho em trên suốt con đường đời. Để xứng đáng là một công dân của đất nước Việt Nam , để xứng đáng là cháu Bác Hồ kính yêu.
 
Top Bottom