Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, con người Việt Nam đã hình thành những phẩm chất tốt đẹp. Đó là sự gắn kết Cá nhân- Gia đình- Làng xã- Tổ quốc, là tinh thần anh dũng, kiên cường, tạo nên sức mạnh cộng đồng để tồn tại, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Trong tiến trình lịch sử đó, với thiên chức làm mẹ, vai trò làm “nội tướng” trong gia đình và công dân của xã hội, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn, trao truyền, phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự đóng góp thầm lặng đó đã dần kết tinh nên những phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam: yêu nước, anh hùng, đảm đang, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung và giàu đức hy sinh. Những phẩm chất đạo đức tốt đẹp đó hội tụ trong người phụ nữ chân chất, mộc mạc nhưng giản dị của chị Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1966, hiện đang thường trú tại xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận nơi sản sinh ra những nhân vật anh hùng.
Có thể nhân vật tôi kể ra đây không nổi bật, xuất sắc như những phụ nữ khác nhưng đối với tôi chị là niềm tự hào, ngưỡng mộ và biết ơn vô hạn đối với người đã sinh thành, nuôi nấng tôi đến ngày hôm nay. Xuất thân từ gia đình thuần nông, lại rơi vào thời thế đất nước đang bị giặc Mỹ xâm chiếm nên ngay từ tấm bé chị đã nung nấu trong người ý chí chống giặc ngoại xâm. Tâm sự về cuộc đời, chị không quên kể: tuổi thơ khắc khổ, lúc thì đi hái lá lon, lúc thì đi buôn than, hầm than, lúc thì chui rú trốn dưới hầm tránh giặc… nhưng lúc nào miệng cũng cười tươi hát mãi “ Đàn theo ta đi qua con suối con khe, qua nương rẫy qua bao nhiêu rừng, đàn theo ta đi đánh Mỹ đêm ngày, giữa rừng xanh say muôn câu ca…” lạc quan là thế, yêu đời, hồn nhiên là thế, nhưng thời buổi lúc bấy giờ vẫn còn quan điểm “ Trọng nam khinh nữ”, gia đình đông con nên được đi học cái chữ đối với chị là một ước mơ xa vời. Lên tới lớp 3, gia đình không có tiền cho chị đi học, tạm xa mái trường làng làm chị thèm được mang cái cặp, cuốn sách đến lớp học giống như các bạn khác. Chị kể, mỗi lần đi hái lá lon, chị đều đi ngang qua lớp học rồi đứng nép mình sau song cửa sổ để nhìn các bạn học ê a. Bây giờ kể lại, nước mắt chị còn rưng rưng. Cũng chính vì thế, tận sâu thẩm trong tâm trí chị lúc nào cũng tự nhủ - sau này mình sẽ cố gắng cho các con học hành đến nơi đến chốn, nhất định là thế.
Thời kỳ đất nước đổi mới, chuyển mình sau cuộc chiến tranh dài ròng rã, cũng là lúc chị lập gia đình với một thanh niên cùng xóm, anh tên- Nguyễn Văn Cư. Kết hôn xong, anh lên đường nhập ngũ “Vai mang ba lô, cây súng trận đầu thì nón cối”, chị thân gái bụng mang dạ chữa lên thăm anh trong những ngày quân ngũ. Nhưng bất hạnh hay nói đúng hơn là số phận thử thách người đàn bà yếu đuối này, trong đêm mưa gió ngoài chiến trường, anh trúng gió rồi chuyển sang động kinh. Thế rồi cuộc đời chị lại bước sang một trang sách mới, anh giải ngũ về làm nông cặm cụi cùng chị. Hai vợ chồng với hai bàn tay trắng, dựng sự nghiệp trên mảnh đất khô cằn. Dưới mái nhà tranh, các con anh chị lần lượt ra đời, đứa thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu. Với hơn 3 sào ruộng làm sao đủ để nuôi các con ăn học, lại thêm phần căn bệnh quái ái của anh lâu lâu lại tái phát. Chị Mai, người phụ nữ đảm đang, tháo vác đã chăm chỉ, sáng tạo trong lao động, chị chuyển sang buôn bỏ mối bánh kẹo cho các quán nhỏ lẻ, nhờ đó, thu nhập gia đình chị cũng có đồng vào, đồng ra. Đối với anh Cư, anh ngoài làm việc đồng án còn mượn tiền họ hàng, bà con chăn nuôi nhỏ lẻ, nào là heo, vịt, bò... Nhờ thế, anh chị không những trang trãi được miếng ăn hằng ngày mà còn nuôi nâng các con ăn học thành tài. Các con chị giờ đều tốt nghiệp Đại học, 2 đứa đã có gia đình và việc làm ổn định, 1 đứa đã là giáo viên mới ra trường. Một đứa sắp ra trường và một cậu con út đang học Trường Trung học cơ sở Hàm Chính. Các con của chị dường như thấu hiểu được nổi khổ cực của mẹ, công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành nên đều rất ngoan. Hằng năm, gia đình chị Mai luôn đạt được danh hiệu Gia đình văn hóa, Gia đình hiếu học tiêu biểu.
Đối với gia đình, chị Mai là người tự tin, dám nghĩ, dám làm, chị coi khó khăn để rèn luyện, thử thách năng lực và ý chí của mình, luôn mạnh dạn bày tỏ chính kiến, dũng cảm bảo vệ lẽ phải. Hiểu rõ đạo lý “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” nên đối với cha mẹ chồng chị luôn yêu thương, hiếu thuận, chăm lo chu đáo; đối với tổ ấm nhỏ của mình Chị là người vợ đảm, người mẹ hiền.
Đối với bà con, làng xóm, chị luôn sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ, đối với chị “bà con lối xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, ngoài ra chị còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, không ngừng vươn lên trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. Chị xứng đáng là một bông hoa tỏa ngát hương trong vườn hoa của mảnh đất giàu truyền thống hy sinh, chống giặc ngoại xâm, mảnh đất anh hùng Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc.
Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang luôn là phẩm chất đạo đức, truyền thống tốt đẹp, thể hiện vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, đồng thời khẳng định vị thế của chị em trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy những phẩm chất đạo đức ấy càng có ý nghĩa hơn, giúp người phụ nữ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Chúng ta hy vọng rằng, chị Mai sẽ tiếp tục phát huy những phẩm chất cao quý đó, nắm bắt cơ hội, tận dụng những yếu tố tích cực, tránh những yếu tố tiêu cực của thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập, vượt qua những thách thức, khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công trong cuộc sống và sự nghiệp.
ST
“Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”, nhắc đến 8 chữ vàng dành tặng cho người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới có lẽ người đầu tiên mà bất kì ai đã và đang công tác tại trường THPT Bình Yên (Định Hóa – Thái Nguyên) cũng đều nghĩ đến đó là cô giáo Nông Thị Hảo – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường.
Điều đầu tiên rất dễ nhận ra ở cô đó là lòng tận tâm và sự say mê nghề nghiệp. Mặc dù tham gia công tác quản lí đã hơn chục năm nhưng cô vẫn luôn trăn trở với từng trang giáo án để truyền đạt kiến thức đến cho học sinh một cách hiệu quả nhất. Niềm say mê ấy còn được cô lan tỏa đến đồng nghiệp khi cô luôn dành thời gian đi dự giờ thăm lớp để góp ý cho đồng nghiệp mình từng lời giảng. Đối với các giáo viên trẻ mới bỡ ngỡ vào nghề cô vừa động viên vừa chỉ dạy một cách chu đáo.
Với vai trò một nhà quản lí cô lại khiến cho đồng nghiệp nể phục không chỉ bởi cách làm việc khoa học và hiệu quả mà còn vì cách cô quan tâm đến cán bộ công nhân viên trong trường. Dù đó là việc hiếu hay việc hỉ, là nhân viên trong trường hay người thân đau ốm, dù gần hay xa cũng đều nhận được ở cô sự quan tâm, chia sẻ chân thành. Sự chu đáo đó của cô còn được thể hiện trong công việc. Mỗi khi ở trường có sự kiện lớn hay nhỏ mặc dù là hiệu trưởng nhưng cô lại đóng vai trò như một người quản gia lo lắng, quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Điều đặc biệt nữa ở cô đó là sự đảm đang, mẫn cán. Mang trên mình trách nhiệm nặng nề của một hiệu trưởng nhưng khi về nhà cô lại là một người vợ, người mẹ với những tất bật đời thường của người phụ nữ. Không chỉ lo lắng, chuẩn bị chu đáo từng bữa ăn giấc ngủ cho gia đình cô còn luôn cố gắng sắp xếp quỹ thời gian ít ỏi của mình để chỉ bảo việc học cho Thảo Hương – con gái cô. Và mặc dù rất bận rộn với gia đình nhỏ của mình như vậy nhưng cô luôn là người có mặt sớm nhất trường và ra về khi tất cả nhân viên đã nghỉ dù trời nắng hay mưa, giá rét hay oi nồng.
Hi sinh vì sự nghiệp trồng người đầy cao cả với tất cả lòng say mê của mình như vậy nhưng khi nhận được những lời khen tặng cô lại rất khiêm tốn. Cô đã từng chia sẻ rằng để làm tròn vai trò của một người vợ, một người mẹ bên cạnh vai trò của một người hiệu trưởng đôi khi cô cũng phải rất cố gắng. Nhưng chúng tôi hiểu rằng được cố gắng đối với cô là một niềm vui bởi trong sâu thẳm trái tim cô niềm hạnh phúc lớn nhất chính là được cống hiến. Dù đó là cống hiến cho gia đình hay cống hiến cho công việc. Khiêm tốn như vậy nhưng sự hi sinh thầm lặng của cô cũng đã được đền đáp khi nhiều năm liền cô đều đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; là một trong những hiệu trưởng được lãnh đạo các sở, ban, nghành trong tỉnh và địa phương tin tưởng; được đồng nghiệp tin yêu và nể phuc; được các em học sinh quý mến.
Hơi thở của cuộc sống trong thời đại mới dường như gấp gáp hơn, hối hả hơn nhưng điều còn lại mãi với thời gian chính là sự nối tiếp những truyền thống cao đẹp của dân tộc. Và hình ảnh những người phụ nữ như cô giáo Nông Thị Hảo chính là một hình ảnh đẹp để nối tiếp truyền thống: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” – 8 chữ vàng mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dành tặng cho người phụ nữ Việt Nam.
ST