[Ngữ văn 8]Tìm hiểu về phong trào thơ mới

Q

qvinh23091999

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

cô giáo mình cho câu hỏi sau:

HÃY NÊU NHỮNG HIỂU BIẾT VỀ PHONG TRÀO THƠ MỚI.



---------------------CẢM ƠN TRƯỚC NHA--------------

Chú ý cách đặt tiêu đề [Môn+lớp]+tiêu đề
Không đặt các tiêu đề phản ánh không đúng nội dung bài viết như: "Help me", "giúp em với", "cứu với", "hehe" v.v...hoặc các tiêu đề có biểu cảm (!!!, ???, @@@).
Đã sửa.
Thân!
 
Last edited by a moderator:
S

subon

I. Khái quát về lịch sử và diễn tiến của phong trào thơ mới :

1. Những tiền đề của thơ mới trong lịch sử văn học dân tộc
- Trong quá khứ, dấu hiệu của một cuộc cách mạng thơ ca đi ra ngoài khuôn khổ của thơ ca Trung đại bằng chữ Hán. Những dấu hiệu đổi mới được thể hiện trên cả hai bình diện : nội dung và hình thức.
- Về nội dung, trong suốt hành trình thơ ca Trung đại, ở những nhà thơ xuất sắc hay những hiện tượng thơ ca khác thườngbắt đầu xuất hiện những khuynh hướng đi ra ngoài văn chương đạo lý và duy lý của Nho giáo : biểu đạt những tình cảm, tâm sự chân thật (một thứ “khát vọng được thành thật”), những nỗi đau và những khát vọng chân chính của con người (đặc biệt là khát vọng hưởng lạc, tận hưởng cuộc sống trần thế - điều đậm đặc trong văn chương về nội dung nhân đạo chủ nghĩa từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX)
- Gắn liền không thể tách rời với nội dung tâm trạng, hình thức thơ cũng đã có những vận động tương ứng : thơ thất ngôn xen lục ngôn của Nguyễn Trải, sử dụng ngôn ngữ dân tộc (thơ Nôm), những lối nói ẩn dụ, tượng trưng, đa nghĩa trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương .... và đặc biệt là sự ra đời của các thể thơ thuần túy dân tộc.
- Tuy vậy, do sự duy trì bền vững của thể chế tuyển chọn quan lại bằng thi cử và đặc biệt, do sự bảo thủ của cơ chế xã hội, văn hóa, do sự thống trị dai dẳng của Nho giáo và mỹ học Nho giáo nên một cuộc cách mạng trong thi ca chưa thực sự diễn ra.
2. Những dấu hiệu báo trước Thơ mới trong ba mươi năm đầu thế kỷ XX
- ở những đại diện xuất sắc của Thơ cũ (Tản Đà) khi sáng tác thơ ca đã bắt đầu có những đổi mới cả về thể loại, ngôn ngữ lẫn về nội dung cảm xúc.
- Một số dịch giả bắt đầu dùng thơ tự do để dịch thơ phương Tây (Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine)
- Một số trí thức (Phạm Quỳnh, Phan Khôi) lên án thơ ca truyền thống vì quá nghiêm ngặt về niêm luật mà giết chết sự tự nhiên của cảm xúc.

3, Cuộc tranh luận Thơ mới – Thơ cũ :
- Năm 1932, ngày 10/3/1932, Phan Khôi đăng bài thơ Tình già trên Phụ nữ tân văn, bài thơ mới đầu tiên, tiên phong cho một cuộc cách mạng. Bài thơ đã gây nên một cơn bão trong dư luận .
- Tiếng nói kêu gọi đổi mới của Phan Khôi được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ của thanh niên trí thức đương thời : 1. Phụ nữ tân văn tiếp theo Tình già còn đăng thơ mới của Nguyễn Thị Manh Manh (Nguyễn Thị Kiêm) và Hồ Văn Hảo. 2. ở ngoài Bắc, báo Phong hóa mới được lập cũng hưởng ứng Thơ mới bằng cách công kích các đại diện của Thơ cũ mà điển hình là Tản Đà. Số Tết năm 1933, Phong hóa đăng một loạt sáng tác của các cây bút trẻ (Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nhất Linh, Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Huy Thông).3. Tiếp theo Phong hóa, nhiều báo, nhà xuất bản khắp trong Nam ngoài Bắc đều đua nhau đăng thơ mới. 4. Cùng với hoạt động sáng tác và xuất bản là các cuộc diễn thuyết của những người ủng hộ thơ mới (Lưu Trọng Lư, Nguyễn Thị Kiêm tranh luận với Nguyễn Văn Hanh, Vũ Đình Liên, Trương Tửu). Đáng lưu ý là hai bức thư gửi lên Khê Thượng của LTL. 5. Đến năm 1936, có thể nói thơ mới toàn thắng.
- Đối lập với những người ủng hộ Thơ mới, cũng có những tiếng nói ủng hộ Thơ cũ (Nguyễn Văn Hanh, Thái PHỉ, Huỳnh Thúc Kháng và đặc biệt là Tản Đà) tuy nhiên, điều quan trọng là chỉ trong vài năm, trong khi thơ mới kịp xuất hiện một thế hệ tác giả tài năng (Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp) thì ngay cả những đại diện xuất sắc nhất của thơ cũ (Tản Đà) cũng bị rơi vào khủng hoảng sáng tạo.

4.Đôi nét lịch sử và một số khuynh hướng sáng tạo thơ mới
- Có thể tạm chia Thơ mới thành hai thời kỳ trước và sau năm 1939. Thời kỳ thứ nhất bao gồm các tác giả tiền phong của thơ mới : Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên, Thái Can... và các tác giả xuất hiện sau năm 1935 như Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Nguyễn Bính, Anh Thơ.... Có thể chia thời kỳ này thành hai giai đoạn 1930 – 1935 và 1936 – 1939. Thời kỳ thứ hai là giai đoạn thơ mới đi vào những tìm tòi hình thức hoặc đi sâu vào khuynh hướng triết luận, bắt đầu biểu hiện những bế tắc, thậm chí một số tác giả, tác phẩm bộc lộ khuynh hướng sa đọa. Đại diện của thời kỳ này là Vũ Hoàng Chương (Thơ say, Mây), Hàn Mặc Tử (Thượng thanh khí), Chế Lan Viên (Vàng sao), Huy Cận (Kinh cầu tự, Vũ trụ ca), nhóm Xuân Thu nhã tập, nhóm Dạ đài.
- Một trong những đặc điểm nổi bật thể hiện trong sự nghiệp sáng tác của các tác giả thuộc phong trào Thơ mới là tính không thuần nhất. Mỗi tác giả Thơ mới thường chịu nhiều nguồn ảnh hưởng khác nhau và thường có sự thay đổi trong phương pháp sáng tác. Xuân Diệu giai đoạn đầu tiên là một tác giả mang màu sắc lãng mạn chủ nghĩa khá rõ nét nhưng trong nhiều tác phẩm xuất sắc (điển hình là Nguyệt cầm) bắt đầu biểu hiện những yếu tố của chủ nghĩa tượng trưng. Một trường hợp khác, Hàn Mặc Tử, với những tập thơ đầu tiên Gái quê (1936) mang một vẻ đẹp mộc mạc, bình dân, gần gũi với thơ ca dân gian nhưng đến những tập thơ như Đau thương, Thơ điên lại mang màu sắc siêu thực (ám ảnh, mê sảng, những hình ảnh tượng trưng, kinh dị) hoặc chịu ảnh hưởng tôn giáo (Xuân như ý). Chính vì những lý do trên nên việc phân chia các khuynh hướng thơ ca trong phong trào Thơ mới là hết sức khó khăn. Có tác giả (Hoài Thanh) phân chia theo nguồn ảnh hưởng : dòng chịu ảnh hưởng Pháp (Thế Lữ, Huy Thông, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên...), dòng chịu ảnh hưởng của thơ Đường (Thái Can, Thâm Tâm, Quách Tấn...) và dòng thuần túy Việt Nam (Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương...) có tác giả phân chia theo phương thức sáng tác (lãng mạn, tượng trưng, siêu thực...)... Nhìn chung, do tính chất không thuần nhất nói trên nên việc tuyệt đối hóa bất kỳ một phương thức phân chia nào cũng đều bất cập.
- Nói như Hoài Thanh, từ 1932 đến 1942 đã có “Một thời đại trong thi ca” với một cuộc bùng nổ của những phong cách “rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên.... và thiết tha, rạo rực băn khoăn như Xuân Diệu”
 
S

subon

II. Một số đặc điểm chung của Thơ mới.

Trên bình diện khái quát, thơ mới là :
- Một cuộc cách mạng về hình thức nghệ thuật, giải phóng thơ ca khỏi những ràng buộc nghiêm ngặt đã trở thành lỗi thời của thơ ca trung đại
- Cuộc cách mạng hình thức đó có nguồn gốc từ cuộc cách mạng tư tưởng, gắn liền với quá trình giải phóng cái tôi cá nhân khỏi những ràng buộc của con người phận vị, “con người chức năng trong xã hội luân thường” (Trần Đình Hượu). Nói như Hoài Thanh, Thơ mới là sản phẩm của “khát vọng thành thật”, nó đặt cái tôi cá nhân và tính chủ quan vào trung tâm của thơ ca, nó cho phép biểu đạt mọi cung bậc của cảm xúc và suy tưởng của cá nhân.
- Thơ mới là “một bước tổng hợp mới những giá trị văn hóa Đông Tây, truyền thống và hiện đại” Bước tổng hợp đó diễn ra trên tất cả các cấp độ : ngôn ngữ, thi liệu, thể loại, tư duy sáng tạo.....
Cụ thể, cuộc cách mạng Thơ mới được biểu hiện ở một số phương diện như sau

1 Thơ mới nhìn từ góc độ hình thức nghệ thuật.
Như đã trình bày ở trên, Thơ mới là một cuộc tổng hợp những truyền thống thơ ca phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại. Cuộc tổng hợp đó trước hết thể hiện trên bình diện hình thức nghệ thuật.

1.1. Về thể loại, dù những xung đột giữa Thơ mới và Thơ cũ trước hết diễn ra trên bình diện thể loại nhưng có thể nói Thơ mới là một bước kế thừa những thể loại đã ổn định của Thơ ca Việt Nam thời Trung đại.
- So với thơ ca truyền thống, Thơ mới nhìn chung tự do hơn, số câu trong một bài thơ thường không hạn định, chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây, một bài thơ mới thường được chia thành khổ, số lượng khổ thơ thường không giới hạn.
- Mặc dù hướng đến sự tự do hình thức nhưng thơ phá thể và thơ tự do không phải là những hình thức phổ biến của thơ mới. Thơ mới thường hướng đến sự ổn định về số âm tiết trong câu thơ, có thể từ 2 đến trên 10 âm tiết nhưng phổ biến là thơ 5, 7 và 8 chữ. Nhìn từ góc độ thể loại, Thơ mới không chống thơ Đường luật mà chỉ chống lại đối ngẫu trong thơ Đường luật. Thơ 5 và 7 chữ của Thơ mới là sự kế thừa câu thơ Đường luật, thơ song thất lục bát bị giải thể, hát nói trở thành thơ 8 chữ và thơ lục bát được duy trì, có những nhà thơ gần như chuyên sáng tác thơ lục bát
- Các hình thức hiệp vần của Thơ mới khá phong phú, mang dấu vết của những lối gieo vần của thơ truyền thống

1. lối vần chéo là lối 4 câu 2 vần/ 2. Vần liền với từng cặp đắp đổi bằng trắc thực chất là lối vần liền trong vè, nói lối, hát nói 3. Lối vần ôm thường chỉ là lối vần liền Việt Nam pha với vần cách của thơ Trung Quốc .
- Một nguyên tắc được ổn định trong thơ mới la luật điều hoán âm thanh của câu văn câu thơ Nôm

1.2Một hiện tượng hình thức đáng lưu ý của Thơ mới, đó là cái mà Hoài Thanh gọi là “sự xâm nhập của văn xuôi vào địa hạt của thơ”. Hiện tượng này được thể hiện trên mấy bình diện sau :
- Sự xuất hiện dày đặc của các dạng hư từ, đại từ trong câu thơ
- Sự xuất hiện câu thơ vắt dòng, làm thay đổi hẳn bản chất quan hệ giữa các câu thơ trong một khổ thơ
- Sự xuất hiện của những dạng câu có tính suy luận, cầu khiến, ....
- Có thể nói đây là sự vận động của ngôn ngữ thơ trở về gần với ngôn ngữ của đời sống, là sự thể hiện của “khát vọng thành thật” diễn tả mọi cung bậc của cảm xúc, suy nghĩ diễn ra trong tâm hồn chủ thể trữ tình, đối lập lại với sự cô đọng, hàm xúc, duy lý của thơ ca cổ điển

2 Thơ mới một phương thức cảm thụ thế giới mới :
Thơ mới biểu hiện một cuộc cách mạng của tư duy thơ : đặt cái tôi cá nhân ở trung tâm cảm thụ thế giới. Trong Thơ mới, có một sự giao hòa giữa thế giới nội cảm (cảm xúc, cảm giác, tâm trạng) của chủ thể trữ tình với thế giới ngoại cảnh, có sự nới rộng những biên độ của sự cảm thụ thế giới bằng việc kết hợp các giác quan một cách kỳ lạ. Điều này được thể hiện ở một số bình diện như sau :
- Hiện tượng nhân hóa, nội cảm hóa ngoại cảnh, làm cho ngoại cảnh nhuốm màu cảm xúc con người.Thiên nhiên trong thơ mới là một thứ thiên nhiên rạo rực những cảm giác của con người
- ở phía ngược lại, có hiện tượng ngoại cảnh hóa tâm hồn
- Có những ẩn dụ kỳ lạ nối liền thế giới ngoại cảnh, thế giới sự vật với thế giới con người
- Đặc biệt là hiện tượng hòa trộn giác quan để cảm thụ thế giới (chịu ảnh hưởng của thơ ca tượng trưng phương Tây). Điển hình xuất sắc là Nguyệt Cầm của Xuân Diệu.

3 Thơ mới – Bản ghi chân thực hiện thực tinh thần của con người cá nhân trước cách mạng.
-Trong thời điểm khởi đầu của phong trào Thơ mới, Thế Lữ viết tuyên ngôn cho một cuộc cách mạng thơ ca
– Cây đàn muôn điệu, Thế Lữ. Thơ mới là tiếng lòng của một tâm hồn rộng mở với thế giới, một tâm hồn được cởi bỏ khỏi mọi ràng buộc, chính vì vậy, từ góc độ loại hình, Thơ mới thuộc loại thơ trữ tình, thường lấy thiên nhiên và tình yêu làm đề tài phản ánh, nó đối lập với thơ ca tuyên truyền cổ động, thơ ca mang màu sắc chính luận. Chính vì vậy, yếu tố chi phối sự vận động của một văn bản thơ là mạch cảm xúc, là đời sống nội tâm của chủ thể trữ tình.

3.Nỗi buồn, sắc thái thẩm mỹ chủ đạo của thơ mới :
Xuất phát từ những nguyên nhân có tính lịch sử, văn hóa và xã hội (một thời đại đau khổ của dân tộc, một giai đoạn tan vỡ của các hệ giá trị, một thế hệ thanh niên đang kiếm tìm lý tưởng
– bi kịch “thiếu một niềm tin đầy đủ”, nói như Hoài Thanh) mà nỗi buồn trở thành tâm trạng phổ biến bao trùm lên toàn bộ Thơ mới. Có nhiều sắc thái của nỗi buồn được biểu hiện trong Thơ mới
-Có cái buồn thê thiết, ảo não, cái buồn trở thành một thứ ám ảnh, thấm đẫm trong thế giới quan, một thứ “sầu vạn kỷ” thuộc về bản chất của thân phận con người như trong thơ Huy Cận
- Có cái buồn vô cớ, dịu nhẹ như trong thơ Xuân Diệu
- Có cái buồn thê thiết, ảo não, cái buồn trở thành một thứ ám ảnh, thấm đẫm trong thế giới quan, một thứ “sầu vạn kỷ” thuộc về bản chất của thân phận con người như trong thơ Huy Cận
- Và cũng có khi cái buồn nhuốm màu bi quan, bế tắc, rã rời suy sụp, nhuốm màu sắc sa đọa như trong thơ Vũ Hoàng Chương
- Đương nhiên, trong Thơ mới cũng có những màu sắc trong sáng, êm nhẹ, những khoảng sáng vui tươi khi con người cá nhân tìm về với thực tại, với thế giới con người, với tuổi trẻ, với quê hương đất nước

3.2 Gắn liền với nỗi buồn là cảm quan về sự cô độc, sự lạc loài, sự bé nhỏ và cả cảm giác bất bằng lòng, thậm chí đến mức đối lập gay gắt giữa con người với thế giới hiện tại- Cảm giác bao trùm Thơ mới là một sự bất bình sâu xa với thực tại. Có một sắc thái bi quan ám ảnh cái nhìn về thế giới của nhiều tác giả Thơ mới. Hiện thực hiện lên trong mắt họ là tầm thường, giả dối, là đau khổ
- Chính vì vậy, cảm giác cô đơn trở thành một cảm giác ám ảnh trong Thơ mới. Đó là cảm giác cô đơn, nhỏ nhoi của con người, tâm hồn lạc loài đơn chiếc, cô đơn trong cả những giây phút yêu đương, cô đơn thăm thẳm từ tâm hồn lẫn thể xác bệnh tật như trong thơ Hàn Mặc Tử và chính từ cảm giác cô đơn đó nên môtíp về những cuộc chia tay, tiễn biệt trở thành một môtíp phổ biến của Thơ mới

3.3. Có thể nói Thơ mới đã biểu lộ một tình thế đối lập giữa tâm hồn con người cá nhân và thế giới hiện tại và chính từ sự đối lập ấy nên hình thành trong thơ mới một thứ khát vọng : khát vọng giải thoát và khuynh hướng thoát ly thực tại.
- Có nhiều ngả đường thoát ly khỏi thế giới thực tại : tìm về thế giới quá khứ, những giấc “mơ xưa” có cuộc trở về với thiên nhiên đất nước, những sinh hoạt phong tục êm đềm của cộng đồng có sự tiếc nuối những giá trị đã qua và có cả những ngả đường tìm đến với tôn giáo hoặc, tiêu cực hơn cả, tìm đến với truỵ lạc và lãng quên

3.4 Và không thể phủ nhận trong Thơ mới có một tình yêu thiết tha đối với cuộc sống, một khát vọng thay đổi. Tình cảm đó được biểu hiện dưới hai hình thức
- Nỗi khát khao đam mê tận hưởng tình yêu và hạnh phúc hiện tại
- Hình ảnh người khách chinh phu, khát vọng lên đường
 
  • Like
Reactions: selina2k4
Q

qvinh23091999

sao dài zậy. chắc mình chép mỏi tay luôn.........

----------------THANKS----------------
 
K

khoctrongmua1999

Cũng như nàng Kiều của Nguyễn Du, cuộc đời nàng Thơ mới cũng ba chìm bảy nổi. Sau Cách Mạng tháng Tám, trong suốt bốn mươi năm nàng Thơ mới "ở không yên ổn ngồi không vững vàng". Chỉ từ mười năm trở lại đây, dưới làn gió đổi mới, giá tri. Thơ mới mới dần dần được nhìn nhận thoả đáng.

Trong bài "Một thời đại trong thi ca" đầu cuốn "Thi nhân Việt Nam", chúng tôi - Hoài Thanh và Hoài Chân - đã phác qua lịch sử phong trào Thơ mới, đã phân tích tính chất và nội dung của Thơ mới\. Sự phân tích ấy đến bây giờ tôi vẫn thấy là đúng. Nhưng nay sau hơn nửa thế kỷ, nhìn lại phong trào Thơ mới tôi thấy rõ hơn một số điểm.

Hai bài thơ tuyên ngôn của phong trào Thơ mới:
Cũng như nhiều trường phái thi ca, phong trào Thơ mới có bản tuyên ngôn của nó. Mà lại có đến hai bản tuyên ngôn (1).
Bản tuyên ngôn thứ nhất là bài thơ "Cây đàn muôn điệu" của Thế Lữ, người có công đầu trong việc xây dựng nền Thơ mới. Bài ấy nêu cao "tinh thần" của Thơ mới: Thơ mới là tiếng nói của cái tôi\. Bài thơ có 36 câu mà có đến 15 chữ tôi. Xin trích 11 câu của bài thơ ấy:
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp có muôn hình, muôn thể
Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca
Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối, hay ngây thơ
Cũng như vẻ đẹp cao siêu, hùng tráng
Của non nước, của thi văn, tư tưởng...
(.....)
Với Nàng Thơ, tôi có đàn muôn điệu
Với Nàng Thơ, tôi có bút muôn màu
Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu
Lây thanh sắc trần gian làm tài liệu
Bản tuyên ngôn thứ hai là bài thơ "Cảm xúc" của Xuân Diệu, nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới\. Như tên bài thơ, bài "Cảm xúc" nói về lối cảm xúc mới của nhà thơ\. Xin trích ba đoạn (12 câu) trong số sáu đoạn (24 câu) của bài ấy:
Là thi sĩ là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc với muôn dây
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến
(.....)
Ta ấp ngực dò xem triều máu lê.
Nghìn trái tim mang trong một trái tim
Để hiểu vào giọng suối với lời chim
Tiếng mưa khóc lời reo tia nắng động
(.....)
Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đám nam châm
Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm
Sao lại trách người thơ tình lơi lả
Bài "Cây đàn muôn điệu" và bài "Cảm xúc" đều được đăng trên báo Phong Hóa trong năm 1933, bài đăng sau (Cảm xúc) Xuân Diệu đềtặng Thế Lữ, có thể xem như hoạ lại bài đăng trước (Cây đàn muôn điệu).
Một thời đại thi ca phong phú:
Phong trào Thơ mới bắt đầu từ năm 1932, năm ông Phan Khôi đề xướng phong trào và kết thúc năm 1941 (2), năm nhà thơ mới Chế Lan Viên đề tựa tập "Mùa cổ điển" của Quách Tấn, một tập thơ cũ được nhiều nhà thơ mới hoan nghênh (3).
Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.
Nêu tên tám nhà thơ ấy là nêu tên tám nhà thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ mới. Phong trào có chừng năm mươi nhà thơ phong cách khác nhau mặc dù một số có chịu ảnh hưởng lẫn nhau.
Phong trào Thơ mới phong phú không chỉ ở số các nhà thơ mà còn ở số lượng những bài thơ hay\. Cuốn "Thi nhân Việt Nam" đã chọn in 169 bài, phần lớn là những bài thơ hay\. Nhưng còn biết bao nhiêu bài hay không được đưa vào "Thi nhân Việt Nam": Xuân Diệu chỉ có 15 trong số 72 bài (trong "Thơ thơ" và "Gửi hương cho gió") được chọn in cho trong Tuyển tập Xuân Diệu I, Huy Cận chỉ có 11 trong số 34 bài (trong "Lửa thiêng") được chọn in trong Tuyển tập Huy Cận I, Thế Lữ chỉ có 7 bài, Lưu Trọng Lư 7 bài, Nguyễn Bính 8 bài, Chế Lan Viên 8 bài, Hàn Mặc Tử 7 bài, Nguyễn Nhược Pháp 2 bài, Thâm Tâm 1 bài, thơ Trần Huyền Trân chỉ được bình qua mà không được trích một bài nào. "Tiếng địch sông Ô" -- bài anh hùng ca nổi tiếng của Huy Thông -- chỉ được trích mấy câu mà không được in trọn bài. Bài "Đây thôn Vĩ Dạ" -- một bài thơ kiệt tác của Hàn Mặc Tử-cũng không được in trong "Thi nhân Việt Nam".
Tôi nêu cụ thể như trên để nói rằng còn hằng trăm bài thơ hay không được chọn in vào cuốn "Thi nhân Việt Nam". Và để khẳng định: một thời đại chỉ có mười năm mà ta thấy xuất hiện cùng một lần hơn năm mươi nhà thơ với hàng mấy trăm bài thơ hay, đúng là một thời đại phong phú trong lịch sử thi ca Việt Nam.
Về cái buồn của Thơ mới:
Về cái buồn của Thơ mới, năm 1941 chúng tôi đã viết ở cuối bài "Một thời đại trong thi ca":
"Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử , Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn trở về hồn ta cùng Huy Cận. Cả trời thực trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta. Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế".
Đúng là Thơ mới buồn, buồn nhiều. Nhưng vấn đề không ở chỗ buồn nhiều hay buồn ít, mà ở chỗ: cái buồn ấy phải chăng là mặt tiêu cực của Thơ mới, phải chăng cái buồn ấy là cái buồn ủy mị dẫn đến bi quan mất tin tưởng ? Muốn biết cái buồn của Thơ mới là cái thứ buồn gì ta phải tìm trong thơ các nhà thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ mới\. Thế Lữ buồn cả khi được thoát lên tiên. "Tiếng sáo thiên thai" dội vào lòng nhà thơ một nỗi buồn mênh mông xa vắng:
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng
Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn !
Ở cõi trần Thế Lữ càng buồn. Nỗi lòng của Thế Lữ là nỗi "Nhớ rừng" của con hổ trong vườn bách thú:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới !
...Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu !
Nói về cái buồn của Lưu Trọng Lư chúng ta đều biết Lưu Trọng Lư buồn nhiều, đau khổ nhiều vì tình yêu, nhưng Lưu Trọng Lư cũng có những nỗi buồn khác, tiêu biểu là nỗi buồn trong "Tiếng thu":
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phu.
Em không nghe mùa thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
Với Chế Lan Viên "tất cả như vô nghĩa, tất cả không ngoài nghĩa khổ đau". Một nỗi đau khổ triền miên của Chế Lan Viên là "nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời".
Cái buồn trong thơ Hàn Mặc Tử phần lớn là cái buồn đau đời, không chỉ đau về tâm hồn mà đau cả về thể xác. Nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử là những tiếng kêu thương thống thiết.
Còn Xuân Diệu, nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới, Xuân Diệu buồn ít hay buồn nhiều ? Tôi nghĩ phải là người đau buồn nhiều mới viết được những câu buồn "nhức xương" như:
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
(...)
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm !
Có lẽ người hay buồn nhất là Huy Cận. Chính Huy Cận đã tự xưng ở câu mở đầu bài "Mai sau" viết năm 1940: "Chàng Huy Cận khi xưa hay buồn lắm."
Qua thơ mình Huy Cận nói cùng ta nỗi buồn nơi quán chật đèo cao, nỗi buồn của sông dài trời rộng, nỗi buồn của người lữ thứ dừng ngựa trên non, buồn đêm mưa, buồn nhớ bạn, buồn khi nắng lên, buồn khi chiều xuống, buồn cả khi không còn thấy những dấu chân trên đường...
Huy Cận gọi những nỗi buồn ấy là "nỗi hiu quạnh của hồn buồn không có", nhưng ta thấy rõ là "có cớ" và ngay câu thứ tám bài "Mai sau" nói là nhà thơ "cùng đất nước mà nặng buồn đất nước."
Đến đây chúng ta đều thấy cái nỗi buồn của Thơ mới không phải là cái buồn ủy mị bạc nhược mà là cái buồn của những người có tâm huyết, đau buồn vì bế tắc chưa tìm ra lối thoát, cho nên một khi thấy ánh sáng của cách mạng, hầu hết các nhà thơ mới đều đi theo cách mạng và người đi theo cách mạng sớm nhất lại là người "khi xưa hay sầu lắm". (4)
o0o
Thơ mới đã trở thành một di sản của văn học dân tộc. Đối xử với Thơ mới -- tất nhiên là đối với những bài Thơ mới xuất sắc -- phải như đối xử với những tinh hoa của di sản văn học dân tộc.
Riêng với tôi thời thanh niên đã từng sống trong lòng phong trào Thơ mới, đã từng ru hồn tôi với hồn Thơ mới, nay đọc lại Thơ mới tôi thấy như được sống lại những năm đầy thơ mộng nhưng cũng đầy buồn tủi của lứa tuổi hai mươi.

Và nàng Thơ mới tuy nay đã trên sáu mươi tuổi, tôi vẫn thấy nàng vẫn xinh tươi như thời thơ ấu:
Hoa tàn mà vẫn xinh tươi
Trăng tàn mà vẫn như hồi rằm xưa (5)
Ghi chú:
(1) Bài "Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ" của ông Phan Khôi (Phu. Nữ Tân Văn số 122 ra ngày 10-3-1932) không thể xem là bản tuyên ngôn của phong trào Thơ mới vì định nghĩa Thơ mới rất không đầy đủ.
(2) Thật ra phong trào Thơ mới kéo dài đến Cách mạng tháng Tám.
(3)Chế Lan Viên viết trong lời tựa "Mùa cổ điển": "Phân chia bờ cõi thơ bằng hai chữ mới cũ chẳng có ý nghĩa gì".
(4) Huy Cận tham gia hoạt động trong Mặt trận Việt Minh từ đầu năm 1942.
(5)Nguyên văn trong truyện Kiều:
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
 
Top Bottom