Có một miền quê bình dị, kẽo kẹt tiếng võng đưa trưa hè, à ơi điệu ru nôi của mẹ, có mái nhà tranh thấp thoáng sau lũy tre xanh và bờ ao hồng sắc sen tinh khiết, tỏa hương thơm ngát, bên những câu ví dân ca phường vải trữ tình trong đêm trăng mênh mang.
Miền quê ấy, làng Sen, Kim Liên (Nam Ðàn, Nghệ An) đã đi vào tâm thức bao người, thu hút bước hành hương trở về cội nguồn sinh thành và giáo dưỡng nên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hằng ngày, nơi đây đón không dưới mười đoàn khách tham quan trong nước và ngoài nước. Ðông nhất là vào dịp tháng 5 này và những ngày lễ hội, kỷ niệm.
Qua giọng kể truyền cảm của các hướng dẫn viên, khách tham quan thêm hiểu hơn về những năm tháng ấu thơ và phần nào các giá trị văn hóa đã tạo dựng nên nhân cách Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, một Danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại sau này.
Các đoàn khách đến thăm Làng sen, không chỉ có các đoàn khách trong nước, mà nhiều đoàn khách nước ngoài cũng rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, có một vị trong đoàn khách Nhật Bản đến thăm khu di tích đã xin phép cho được ngồi lên chiếc chõng tre trong nhà Bác. Theo lời ông, Hồ Chí Minh là tấm gương của một lãnh tụ hết lòng vì dân, vì nước mà từ lâu ông đã cảm phục, yêu quý, để tâm nghiên cứu và từng có nhiều bài viết về Người. Nay có dịp thăm quê Bác Hồ, ông muốn được cảm nhận thật sự không gian đầm ấm của gia đình đã sinh thành và nuôi dưỡng một vĩ nhân.
Tình cảm của ông khách Nhật Bản cũng là điểm chung của các đoàn khách đến thăm khu di tích.
Không gian làng Sen tĩnh lặng, chỉ có làn gió xào xạc và tiếng chim hót bình yên qua những vòm cây. Bên trong nhà làc, chiêm ngưỡng những vật dụng trong sinh hoạt thường ngày của một gia đình nho học thanh liêm. Chính ở nơi đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung, mà sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từng chứng kiến biết bao cuộc đàm luận của các sĩ phu về con đường cứu nước. Và cũng trong không gian này, Nguyễn Sinh Cung đã lớn lên trong điệu ru à ơi của mẹ, trong những câu dân ca phường vải trữ tình cùng sự vất vả lam lũ của người dân làng Sen, làng Hoàng Trù. Những câu dân ca đã đi theo Người suốt cả cuộc đời, là một phần hành trang làm nên nhân cách của một nhà văn hóa lớn: Con ơi mẹ dặn câu này/Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/Làm người đói sạch, rách thơm/Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền.
Có thể nói, dường như khung cảnh làng quê cùng các hiện vật trong khu di tích đều gắn liền với hình ảnh Bác Hồ và như vẫn còn đọng lại trong đó hơi ấm của Người. Kim Liên những ngày này nhộn nhịp trong không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ về thăm quê lần đầu. Những câu chuyện được người dân trong vùng lưu truyền qua các thế hệ đã cho thấy sự giản dị và tấm lòng của Người khi về thăm quê.
Làng Sen quê nội và Hoàng Trù quê ngoại của Bác Hồ thuộc xã Kim Liên hôm nay đang đổi mới từng ngày. Ðường nhựa đã vào tận trung tâm xã và con đường đất dẫn vào các ngõ xóm, làng quê ngày nào giờ được thay bằng đường bê-tông kiên cố. Những nhà ngói, nhà cao tầng đã mọc lên bên cây đa, giếng nước, thay thế dần mái nhà tranh năm xưa ở các thôn trong xã. Kinh tế phát triển, người dân nơi đây vẫn gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Ði trên đường làng, các đoàn du khách có thể ghé vào các hàng quán bên đường uống bát nước chè xanh, thưởng thức củ khoai ngọt lừ, thắm đượm nghĩa tình mộc mạc, chân chất và nếu muốn có thể được lắng mình trong những làn điệu dân ca phường vải đậm đà phong cách xứ Nghệ.
Cũng đã thành truyền thống, dịp 19-5, kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ, nhiều đoàn nghệ thuật từ mọi miền quê lại về với Kim Liên để tham gia Lễ hội làng Sen với Liên hoan Tiếng hát làng Sen sôi động. Xuất phát từ một phong trào nghệ thuật quần chúng, Lễ hội đã phát triển theo năm tháng và mở rộng với nhiều hoạt động văn hóa, thu hút đông người về dự và trở thành một lễ hội lớn trong vùng. Bên cạnh các tiết mục ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước, các đội văn nghệ còn có một tiết mục hát ví dân ca phường vải.
Câu hát dân ca từ làng Sen quê Bác sẽ còn có dịp vang xa đến với mọi miền đất nước, thu hút và lôi cuốn du khách về miền quê xứ Nghệ, về Kim Liên, Nam Ðàn.
Nguồn: violet