[Ngữ văn 8]Tấm gương về anh thương binh

P

phanbaohan

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Kể 1 tấm gương về anh thương binh tàn nhưng không phế

Chú ý cách đặt tiêu đề :[Môn+lớp]+tiêu đề
Không đặt các tiêu đề phản ánh không đúng nội dung bài viết như: "Help me", "giúp em với", "cứu với", "hehe" v.v...hoặc các tiêu đề có biểu cảm (!!!, ???, @@@)
 
Last edited by a moderator:
V

vitconxauxi_vodoi

Người thương binh chọn đời vì phật pháp vì việc thiện
Đó là sư thầy Nguyễn Thị Phương, tự là Thích Đàm Phương, trụ trì chùa Cau Đẻ (Vũ Hội- Vũ Thư- Thái Bình). Cách đây 44 năm, khi đó cô thanh niên Nguyễn Thị Phương mới tròn 17 tuổi. Sức trẻ căng đầy nhiệt huyết được cống hiến, chị đã xung phong tham gia lực lượng TNXP đợt đầu tiên do Trung ương đoàn tổ chức. Biên chế vào C894-D89- Tổng đội đảm bảo giao thông đường sắt ở Ga Gôi Nam Định, Ninh Bình. Trong một trận chiến đấu cứu đoàn tàu bị cháy, 13 đồng đội đã anh dũng hy sinh còn chị bị nhiễm độc nặng phải cấp cứu. Sau thời gian dài điều trị, sức khỏe hồi phục chị lại tình nguyện vào tiền phương tiếp tục chiến đấu, bảo vệ đường 20 quyết thắng ở Quảng Bình. Huyền thoại về con đường lịch sử và những trận đánh ác liệt của các nữ thanh niên xung phong luôn là niềm tự hào, là bài ca bất tử truyền tụng trong toàn quân lúc bấy giờ. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, cuộc sống thời bình của một Trụ trì với bao nỗi lo “phổ độ chúng sinh” nhưng chưa lúc nào Sư thầy nguôi nhớ về thời thanh niên sôi nổi với những chiến công, những kỷ niệm đẹp nhất. Đó là những lúc tại cao điểm 12, chị và đồng đội nhiều lần khoác dù pháo sáng làm “cọc tiêu sống” cho xe ta ra chiến trường đánh giặc. Rồi trên đỉnh Trà Ang, một trọng điểm ác liệt, bất chấp mưa bom, bão đạn, chị và đồng đội quyết bám cầu, bám đường, kiên cường, dũng cảm, san, lấp, hố bom, thông đường cho các chuyến xe qua…
Bị thương trong lần cứu đoàn tàu bị cháy, sức khỏe giảm sút cộng với gần chục năm trời đội mưa, đội nắng, quần quật bên con đường quyết thắng, sức khỏe quá yếu, không thể tiếp tục chiến đấu, năm 1972, chị ra quân. Ở địa phương, chị tiếp tục tham gia công tác đoàn, vận động thế hệ con, em tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam.
Chiến tranh đã lấy đi tuổi thanh xuân tươi đẹp, nay lại cướp đi quyền làm mẹ thiêng liêng, cuộc đời kém may mắn chị dành phần đời còn lại nương nhờ cửa Phật, làm việc thiện, giúp ích cho đời. Nơi cửa Phật chị luôn tâm niệm phải làm thật nhiều việc thiện để “phổ độ chúng sinh, sống phúc ân trong lòng dân tộc”. Hàng ngày Sư thầy đi vận động nhân dân đóng góp tiền của và tài sản để trùng tu, tôn tạo nhiều ngôi chùa, thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt Sư thầy đã nhận cưu mang, nuôi dậy 4 cháu nhỏ trưởng thành. Thanh thản nơi cửa phật, nhưng nỗi đau đời vẫn luôn đau đáu nơi người trụ trì. Sức khỏe yếu, chân tay nhiều lúc đã run nhưng khi hỏi bao giờ Sư thầy mới ngưng, nghỉ an dưỡng tuổi già, nhà sư tuổi đã ngoài 60 chỉ cười nụ cười hiền hậu, khi nào chân tay còn nhúc nhích được, thì thầy còn đi khắp nơi làm việc thiện, xoa dịu nỗi đau cho nhân thế ...
Người thương binh làm kinh tế giỏi
Đến Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội, hỏi thăm gia đình thương binh, giám đốc công ty vận tải tương mại 496 Hoàng Tri Kỷ không ai là không biết và còn trầm trồ khen ngợi về gia đình kiểu mẫu, về tấm gương thương binh tàn nhưng không phế. Nhìn cơ ngơi khang trang với vài chục công nhân lúc nào cũng tấp lập ra vào, không ai nghĩ rằng do chính người thương binh nặng, một tay gây dựng lên.
Cũng như hàng ngàn thanh niên cùng trang lứa, với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc mỹ xâm lược, năm 1965 anh làm đơn tình nguyện vào thanh niên xung phong tham gia chống Mỹ cứu nước. Biên chế vào đại đội 317, đội TNXP N45- P37 làm nhiệm vụ phá đá, mở đường đảm bảo giao thông tuyến chiến lược Đông Trường Sơn. Mặc dù địch đánh phá ngày đêm ác liệt nhưng với tinh thần “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm” anh cùng đồng đội không ngại hy sinh gian khổ gương mẫu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trước trận chiến ác liệt, anh xung phong vào đội lái ca nô phá bom từ trường và thủy lôi tại bến phà sông Gianh để đảm bảo giao thông thông suốt. Với nhiều chiến công và lòng dũng cảm, anh đã được Chính phủ tặng Huân chương chiến công.
Bị thương về nghỉ hưu năm 1999, kinh tế gia đình lúc đó vô cùng khó khăn nhưng thực hiện lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế” anh cùng gia đình vượt khó, chăm chỉ làm ăn, phát huy kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành giao thông, anh đã vay mượn để mua chiếc xe tải chở hàng làm phương tiện kiếm sống. Kết hợp kinh doanh, lấy ngắn nuôi dài, dần dần anh tích cóp mua thêm một số ô tô vận tải hạng nặng. Giờ công ty của anh đã có 15 đầu xe với 30 người làm thu nhập bình quân từ 2 - 5 triệu đồng/ tháng /công nhân.
Giờ đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, giao toàn bộ công ty lại cho con trai quản lý nhưng ông vẫn không chịu nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, tham gia hoạt động ở hội cựu TNXP huyện Thanh Trì. Với cương vị là chủ tịch hội cựu TNXP xã Vĩnh Quỳnh ông đã vận động đồng đội, anh em tham gia và giúp đỡ, hướng dẫn họ làm ăn, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Không chỉ có vậy ông và gia đình còn ủng hộ, mua sắm thiết bị cho nhà văn hóa của khu và ủng hộ xây dựng quỹ xóa đói giảm nghèo của xã, được UBND huyện Thanh Trì khen thưởng.
Kiên cường, nghị lực, chiến thắng bệnh tật, nuôi dậy các con thành đạt
Đó là tấm gương một trong 7 thương binh nặng nhất tại trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành Bắc Ninh, chị Trần Thị Hồng. Chuyện về chị và tổ ấm là chuyện cổ tích ở làng thương binh nặng này.
Bị cụt cả hai tay do tham gia chiến đấu, mở đường Trường Sơn năm xưa nhưng chị đã vượt lên số phận, làm tròn trọng trách là người vợ, người mẹ chăm chồng và nuôi dạy các con khôn lớn, thành đạt có công ăn việc làm ổn định.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, anh chị đã phải trải qua vô vàn khó khăn, vất vả. Ngay cả chuyện đến với nhau cũng vô cùng gian nan. Từ chiến trường trở về với vết thương quá nặng, cụt cả hai tay, giám định thương tật mất 92% sức khỏe, chị mặc cảm, tìm mọi cách lẩn trốn người yêu. Khó khăn lắm anh Uyên mới tiếp cận và khuyên nhủ, động viên được chị xóa bỏ mặc cảm, trở về với cuộc sống bình thường. Bằng tình thương yêu, họ đã vượt qua mọi khó khăn, vun đắp cho tổ ấm với 2 đứa con của mình. Sống nhờ vào tiền trợ cấp thương binh hàng tháng, cuộc sống vô cùng khó khăn, để có tiền cho hai con ăn học, hàng ngày chị phải lặn lội lên Thái Nguyên mua từng cân chè mạn về bán từng lạng kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Những ngày trái gió, trở trời, vết thương hành hạ, đau quặn người nhưng đều như vắt chanh tháng 30 buổi chị đi chợ bán hàng. May thay các con chị đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi, thương bố, mẹ nên ngày đi học một buổi còn 1 buổi phụ giúp mẹ bán hàng. Nay cháu Tiến Nhân, Tiến Đức đều đã trưởng thành, đều đã học xong cao học ra làm giáo viên, kỹ sư đó chính là phần thưởng quý giá nhất và là thành quả của bao nhiêu năm cần mẫn, miệt mài chiến đấu, chiến thắng hoàn cảnh của anh chị Hồng- Uyên
~>Đây là một stấm gương,bạn có ththam khảo để dựa vào đó làm thành bài văn của mình
Nguồn:google
 
T

tiendat3456

U kể, ngày anh lên đường, tôi lẫm chẫm chừng 3 tuổi, quấn anh lắm. Anh là anh Cả nên yêu thương các em, còn tôi, là em gần út (khi đó út chưa đẻ) nên là bé nhất, vì thế các anh rất cưng chiều.

Hôm đó là một ngày đầu xuân, khi hoa xoan tím ngát đường làng, ở góc sân nhà, hoa bưởi hoang hoải thơm ngấm vào tận cả ngọn rơm ở góc vườn. Anh mặc quần áo bộ đội, mũ tai bèo màu xanh, đi dép nhựa nâu háo hức tòng quân nhập ngũ. Cả nhà tiễn anh ra đình làng để lên ô tô ra huyện. U bảo lúc anh bước ra cổng, tôi chạy theo khóc òa, không ai dỗ được, cứ níu lấy chân anh. Anh bồng tôi lên trên tay, nựng tôi vào má và đi nhong nhong ra cổng, cả nhà đi theo, người cười, người khóc.

Thực ra thì chỉ có U tôi là khóc, à và chị gái tôi nữa, lúc đó chị tôi mới hơn 10 tuổi thôi. Khi ra đến đình, bộ đội tập trung đông nghịt, tôi vẫn ôm rịt lấy anh, không hiểu sao như có giác quan thứ 6, một cậu bé 3 tuổi như tôi không chịu rời anh. U tôi bảo lúc đó thương lắm, thằng em quấn chặt thằng anh, khóc nức nở, thằng anh miệng cười tươi nựng em nhưng ngấn lệ. Mãi sau anh phải mở ba lô ra, lấy quyển sổ bìa đỏ, mà chị xóm dưới, bạn gái của anh tặng đêm trước, mang ra nhử tôi, thì tôi mới ôm quyển sổ và chịu về vòng tay của U.

Rồi anh lên đường.

Hồi đó, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Nhưng anh vẫn đi lính chiến đấu, là sang Cam Pu Chia đánh bọn Pôn pốt Iêng Xa ry. U kể rằng, anh đi biền biệt mười năm, bao nhiêu lần tưởng chết rồi. Vì có những khoảng thời gian cả mấy tháng trời không tin tức. Rồi sau đó thì cả mấy năm không một lá thư. Có hôm U nằm khóc tỉ ti trong giường, khi nghe đài nói quân tình nguyện Việt Nam hy sinh nhiều. Lại không thấy anh có tin tức gì nên cả nhà lúc nào cũng lo lắng.

Có đêm, tôi và Thầy cùng 1 thằng anh nằm ngủ bên giường phía đông, U và thằng Út nằm ngủ giường phía Tây cách nhau bộ bàn ghế uống nữa. Khoảng gà gáy canh Hai, tôi bỗng thức giấc bởi giọng nói khê nồng của Thầy tôi đều đều vang lên bên tai. Phía giường bên kia, tôi nghe thấy U tôi khóc nghẹn ngào, tiếng khóc nghe cực ai oán, giữa đêm đông ở một làng quê nghèo vắng lặng, xen lẫn tiếng gà gáy càng thêm não nề.

Tiếng Thày tôi đều đều vọng sang. U mày yên tâm, nếu chết thì phải có báo tử. U tôi lại nấc lên, thì thằng Quý làng trên đấy, nó có báo tử đâu, mà hôm nay người ta ở Huyện đến tận nhà bảo là nó chết rồi. Chắc thằng Cả nhà mình cũng chết rồi, nó cũng ở chiến trường đấy, có khi cùng chiến hào cũng nên. U mày thôi đi, chứ nếu thằng Cả chết nó cũng chết rồi, khóc nó cũng có sống lại được đâu….. U tôi thút thít một hồi rồi cũng ngưng khóc.

Tôi nằm lặng im trong chăn, không động đậy nhưng tôi đang thức, không thể ngủ được. Nước mắt tôi lăn xuống gối ướt nhẹp, dù lúc đó, tôi không thể hình dung nổi gương mặt anh Cả tôi ra làm sao, vì khi anh đi, tôi còn quá nhỏ. Chỉ biết là mình đang chăn ấm thế này, anh mình có khi đang nằm ngoài sương lạnh.

Thế rồi anh đột ngột trở về vào một buổi chiều hè gió nồm nam mát rượi. Cả cánh đồng lúa chín thơm phưng phức. Dân làng đang hối hả gặt chiêm. Bỗng từ xa, trên con đường độc đạo dẫn về làng đi qua cánh đồng này, thấp thoáng bóng một anh bộ đội đi bộ. Trên vai đeo ba lô nặng trĩu, tay cầm bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh. Lúc đó là ngang chiều, nắng đã đổ bóng dài, mặt trời sắp nấp vào dãy núi Lát phía xa.

Bỗng tiếng một người đàn bà thất thanh, vừa chạy về phía ruộng nhà tôi vừa gào lên câu gì đó, khản đặc và… méo mó. Cả nhà tôi và mấy nhà khác xung quanh dừng tay nhìn người phụ nữ đang chạy đến. Hóa ra chị Tích. Dì ơi, chú ơi, thằng Cả về kìa, thẳng Cả…. Cả nhà tôi “chết đứng” khoảng mấy giây rồi trở nên náo loạn, bỏ liềm, bỏ gánh… Thày tôi, chị gái tôi, anh trai tôi chạy lao qua những đám ruộng, đá tung cả những đống lúa vừa gặt xong, lao về phía anh bộ đội. U tôi thì quỵ xuống ôm ngực khóc nức nở. Tôi ở lại với U, cứ đứng lóng ngóng không biết làm gì. U tôi khóc to lắm, ôi trời ơi, con tôi nó về thật rồi, nó không chết thật rồi.

Ở đằng xa, cả làng tôi gần trăm người lao đến vây quanh anh, tiếng nói cười, hú hét rổn rảng. Làng tôi hồi đó đi gần chục người, cũng mấy người chết, những người sống đã về hết, trừ anh Cả tôi, 10 năm rồi biền biệt… Rồi đám người tiến lại phía ruộng, U tôi lúc đó vụt đứng dậy chạy về phía anh, tôi cũng hốt hoảng chạy theo. Cả ơi, con ơi…, rồi anh tôi lao chầm đến ôm U tôi, anh tôi khóc rống lên như trẻ con vậy, anh tôi không nói gì cả, chỉ khóc, còn U tôi thì vừa khóc vừa ôm anh vừa sờ soạng hết chân tay, khắp người anh tôi. Rồi U tôi nói nghẹn ngào, một bên mắt của con đâu? Con bị thương mà U, may mà chỉ mất một con mắt… U tôi lại khóc, còn anh tôi thì cười cười, nước mắt giàn dụa, tay vỗ vỗ lưng U tôi an ủi.

Cả nhà tôi bỏ dở việc đang làm để đưa anh về nhà. Thày tôi nhờ chị Tích (chị con bác ruột tôi) lượm lúa rồi cho lên xe bò chở về hộ. Nhà tôi đêm đó như có Hội làng. Sân nhà được rải 10 cái chiếu hoa, đèn măng sông của hợp tác xã mang đến thắp sáng choang. Bao nhiều trầu cau, thuốc lá Thăng Long, Điện Biên…. của làng và của anh Cả mang về được bỏ hết ra tiếp khách.

Anh tôi gặp lại những người bạn cùng nhập ngũ một ngày nhưng mỗi người ra quân một thời điểm vì không cùng đơn vị. Người mất kẻ còn, tất cả đều bị thương. Có anh tên Quang cụt cả 2 chân ngồi xe lăn. Có anh Vịnh cụt hai tay,…. Còn anh Cả tôi thì mất một bên mắt, cái hốc mắt đen ngòm hồi đó tôi rất sợ. Má anh có vết mổ dài kéo ra phía tai, sau này anh mới kể là anh bị trúng đạn của bọn Pôn Pốt, đạn xuyên từ mắt qua phía thái dương và nằm trong vỏ hộp sọ. Đã mổ lấy ra vài mảnh, nhưng còn 1 mảnh khá lớn vẫn nằm sâu trong đó, và vĩnh viễn nằm trong vỏ hộp sọ. Vì thế mỗi khi trở trời, anh tôi lại rất đau và rất hay nóng tính, không kiềm chế được vì ảnh hưởng thần kinh.

Rồi anh lấy vợ, sinh con, một gái một trai, cả 2 đứa con của anh đều đã học xong đại học, đã đi làm và xây dựng gia đình. Anh cũng đã có 3 cháu trai một cháu gái chia đều cho 2 đứa con.

Những ngày này tôi lại nghĩ về anh, về tuổi thơ của tôi, về những kỷ niệm với anh Cả, cả những chuyện hài hước như nhiều lần anh múc nước giếng, con mắt giả rơi tõm xuống giếng, anh lại phải nhờ thanh niên lặn xuống tìm vớt lên… Ra quân với một con mắt giả và mảnh đạn nằm ở hộp sọ, anh tôi xếp hạng thương binh nặng (1/4) được Nhà nước nuôi 100%. Nhưng anh tôi không ở trại điều dưỡng mà xin về nhà. Anh lấy vợ sinh con, và từ một anh thương bình ở làng quê nghèo cuối huyện như quê tôi, anh đã biết kinh doanh buôn bán nên hiện tại, gia đình anh cũng thuộc vào hàng khá giả nhất làng.

Giờ anh đã lên chức ông, mỗi lần về quê, vợ chồng tôi lại sang nhà anh ăn uống, anh luôn yêu quý các cháu, như đã từng yêu quý tôi. Tôi thấy hạnh phúc vì anh sống và làm việc đúng như câu nói bất hủ của Bác Hồ: Thương binh tàn nhưng không phế.

Chiến tranh đã qua đi, anh tôi may mắn trở về. Còn hàng triệu người con không bao giờ trở lại. Vừa xem tivi cầu truyền hình về ngày Thương binh - Liệt sỹ, vừa đọc facebook của ca sỹ Tùng Dương, Hà Hoài Thu, Đinh Mạnh Ninh… họ đang ở Quảng Trị, đến những nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sỹ, để hát cho những người lính Cụ Hồ nghe, để tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ Quốc.

Một nén nhang tưởng nhớ những linh hồn đã khuất. Cầu cho họ thật bình an.
 
Top Bottom