Cũng như cụ Bơ-men, khi nhìn cây thường xuân chỉ còn trơ trọi vài chiếc lá, Xiu đã không giấu được nỗi lo sợ của mình. Giôn-xi tuy không ruột rà máu mủ gì với cô, nhưng cô thương Giôn-xi như một người em gái. Khoảnh khắc lặng nhìn cây thường xuân là khoảng lặng nặng nề đè trĩu tâm tư Xiu. Vì thế, sáng hôm sau, khi Giôn-xi yêu cầu kéo rèm cửa lên, cô “làm theo một cách chán nản”. Rõ ràng trong cô vẫn bị ám ảnh bởi tâm trạng bi quan của Giôn-xi. Cô không tin vào điều định mệnh về “chiếc lá cuối cùng” mà Giôn-xi nghĩ đến, nhưng cô sợ, với tình cảnh này, Giôn-xi sẽ thực sự rời xa cô mất. Cụ Bơ-men không nói gì với cô về việc làm của mình, về ý định thay thế chiếc lá thiên nhiên đã rơi rụng bằng một chiếc lá “nhân tạo” nên khi thấy trên cành chỉ còn duy nhất một chiếc lá lay lắt, mỏng manh, yếu ớt, Xiu không khỏi thắt lòng lo sợ. Tiếng thều thào đoán định của Giôn-xi: “Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sã chết” như bóp nghẹt trái tim Xiu. Trước mặt Giôn-xi, Xiu tỏ ra mạnh mẽ là thế - một Xiu luôn cứng cỏi gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực của em - nhưng Giôn-xi có biết từ sâu thẳm tâm hồn Xiu cũng yếu đuối và đa cảm lắm? Cô thương Giôn-xi đến nỗi lo sợ không biết rồi mình sẽ ra sao nếu Giôn-xi chết đi “Em thân yêu, thân yêu! Em hãy nghĩ đến chị, nếu em không còn nghĩ đến mình nữa. Chị sẽ làm gì đây?” Lời động viên tràn đầy tình thươmng yêu để Giôn-xi hiểu rằng với Xiu, Giôn-xi như nửa cuộc đời cô. Giôn-xi mất đi rồi, liệu cuộc sống của cô có còn gì gọi là ý nghĩa? “Ngày hôm đó trôi qua, và ngay cả trong ánh hoàng hôn, họ vẫn có thể trông thấy chiếc lá thường xuân đơn độc níu vào cái cuống của nó trên tường”, một câu kể ngỡ như bình thường mà chứa đựng bao nỗi niềm. Trong bóng tối đang dần buông xuống, những đôi mắt vẫn không ngừng dõi theo chiếc lá cuối cùng như muốn chứng kiến cảnh chống chọi của nó với thiên thiên khắc nghiệt. Niềm hi vọng vẫn còn đó, nhưng có thể phụt tắt bất cứ lúc nào, khác gì ngọn đèn leo lét trước cơn gió dữ. Nhà văn không dùng một từ ngữ nào để miêu tả tâm trạng Xiu khi sang ngày sau nữa, chiếc lá vẫn dũng cảm bám chặt trên cành, nhưng vẫn có thể hình dung nét mặt tươi tắn của cô. Hẳn Xiu rất mừng khi Giôn-xi muốn ăn cháo. Những cử chỉ chăm sóc tận tình đã được đáp lại. Lời nói của vị thầy thuốc “Được năm phần mười rồi. Chăm sóc chu đáo thì chị sẽ thắng” càng khơi dậy niềm hi vọng vốn có lúc tưởng như tắt lụi. Cùng với sự cổ vũ của “chiếc lá dũng cảm” - kiệt tác của cụ Bơ-men - Xiu đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Giôn-xi tìm lại được niềm tin và sự sống. Tình bạn và tấm lòng chân thật đã chiến thắng lão già viêm phổi quái ác. Lại một khoảng thời gian nữa trôi qua, khoảng thời gian thể hiện sự tinh tế và chín chắn trong vai trò làm chị của Xiu. Khi Giôn-xi đã lấy lại được sự vui vẻ, Xiu mới nhỏ nhẹ nói cho em sự thật mà có lẽ cô cũng chỉ mới biết không bao lâu. Nếu Xiu biết trước ý định của cụ Bơ-men thì truyện sẽ mất đi nhiều sức hấp dẫn, và chắc chắn cũng sẽ không có đoạn văn thể hiện tâm trạng lo lắng thấm đượm tình người của Xiu. Cô không phải là trung tâm tác phẩm nhưng lại đem đến cho người đọc một tình cảm êm dịu, hiền hoà, góp thêm một phần vào bức tranh với những gam màu sáng của tình người cao đẹp.
Còn Giôn-xi, người biết sự thật cuối cùng? Cảnh ngộ của cô thật đáng thương. Cái nghèo túng cùng cơn bệnh hoành hành cướp đi của cô tất cả sức lực. Cô gần như tuyệt vọng. Mỗi tiếng đếm lùi khi từng chiếc lá rơi xuống là mỗi lúc cô cảm thấy gần kề với cái chết hơn. Lưỡi hái tử thần cứ chập chờn trước mặt Giôn-xi đầy đe doạgắn với hình ảnh của nhưng chiếc lá thường xuân nhỏ bé. Sự sống mong manh của cô khác nào những chiếc lá ấy, chỉ một cơn gió thoảng qua là có thể lìa cành? Người đọc chợt căng thẳng, hồi hộp mỗi khi Giôn-xi bảo Xiu kéo mành lên. Ngay ngày hôm trước, sự tuyệt vọng của Giôn-xi làm nên nỗi niềm lo sợ trong Xiu và cụ Bơ-men, để rồi nỗi lo sợ lại len lỏi vào lòng người đọc. Lần thứ nhất kéo mành chỉ còn lại một chiếc lá, khiến không ai có thể dứt mắt khỏi sự sống nhỏ nhoi ấy suốt một ngày một đêm. Lần kéo mành thứ hai, liệu chiếc lá có còn và tính mạng của Giôn-xi sẽ ra sao? Giôn-xi có tàn nhẫn quá không khi bóp nghẹt trái tim người thân yêu bằng cách ra lệnh kéo mành như thế? Thật khó mà hồn nhiên, vui vẻ khi nghĩ rằng mình sắp chết, nhất là lúc con người đang ở vào độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời! Nghe những lời thủ thỉ tâm tình của Xiu, Giôn-xi cũng cô đơn lắm chứ. “Cái cô đơn nhất trong khắp thế gian là một tâm hồn đang chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của mình”. Cô đơn “khi những mối dây ràng buộc cô với tình bạn và với thế giới xung quanh cứ lơi lỏng dần từng sợi một”. Và nỗi sợ hãi choán hết tâm trí cô. Nhưng khi đêm đã qua rồi mà chiếc lá cuối cùng vẫn chưa lìa cành, Giôn-xi “nằm nhìn chiếc lá hồi lâu”,cái nhìn như dần sưởi ấm trái tim yếu đuối giá lạnh của cô. Có lẽ cô đang nghĩ và so sánh mình với sự mạnh mẽ của chiếc lá: “Có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy mình đã tệ như thế nào” và chợt nhận ra “muốn chết là cái tội”. Khoảng thời gian diễn ra sự hồi sinh diệu kì trong tâm hồn cô. Chiếc gương tay, ý muốn được ngồi dậy xem Xiu nấu nướng là những biểu hiện rõ rệt nhất của sự sống. Và niềm hi vọng được vẽ cảnh vịnh Na-plơ lại bùng cháy. Nhận được sự dộng viên, khích lệ âm thầm lặng lẽ của cụ Bơ-men, của Xiu, Giôn-xi đã tự mình biến cái không tưởng thành hiện thực. Tất cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu như giờ phút này cô lại chấp nhận buông xuôi. Nhưng không, người đọc có thể thở phào nhẹ nhõm trước một sự sống mới đang hình thành.
Câu chuyện khép lại bằng lời kể của Xiu mà không để Giôn-xi có phản ứng gì thêm. Biết đâu mỗi lần ngắm chiếc lá là một lần Xiu và Giôn-xi được tiếp thêm sức lực và bản lĩnh để vượt qua nhưng khó khăn, gian khổ trong cuộc sống? Truyện đã dừng lại, nhưng dư âm vẫn còn vang vọng trong lòng người đọc với bao suy nghĩ, dự đoán...
Ngoài nghệ thuật miêu tả diễm biến tâm lí và khắc hoạ tính cách ba nhân vật, nhà văn O’hen-ri đã thành công trong việc xây dựng hai tình huống bất ngờ, thú vị. Ngay từ đầu, Giôn-xi đã đem đến bao lo lắng, thương cảm khi từng giờ phút chiến đầu và dần buông xuôi trước tử thần, nhưng theo thời gian, tình huống bỗng đảo ngược, Giôn-xi trở nên yêu đời, ham sống, tạo nên tiếng thở phào nhẹ nhõm. Ngược lại, cụ Bơ-men khoẻ mạnh bỗng chết vì bệnh viêm phổi, một cái chết để lại những giọt nước mắt cảm động. Cả hai lần đảo ngược tình huống đều xoay quanh một trục: Bênh viêm phổi, chiếc lá cuối cùng, có khác chăng là hành trình đi từ sự sống đến cái chết của một hoạ sĩ già để kéo cô gái trẻ từ cõi chết ngược về sự sống. Nghệ thuật đặc sắc ấy đã góp phần làm nên sức hấp dẫn của truyện.
Cả ba nhân vật xuất hiện bổ sung và hoàn chỉnh dần bức tranh thấm đượm tình người, dẫu là những con người không ruột thịt máu mủ. Và một nhân vật cứ im lìm, bất động, lặng lẽ chứng kiến sự đổi thay kì diệu. Chỉ vài trang kết truyện “Chiếc lá cuối cùng” với lối xây dựng theo kiểu có nhiều tinh tiết hấp dẫn, sắp xếp chặt chẽ khéo léo, kết cấu đảo ngược tình huống hai lần, O’Hen-ri đã gây hứng thú và làm cho chúng ta rung cảm trước tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ.