Bài “Tự khuyên mình” Bác viết cho chính Bác, trực tiếp nói đến giáo dục. Hai bài còn lại gián tiếp nói đến giáo dục qua những hình ảnh được sử dụng trong thơ và có tính chất ký sự. Bác ghi lại những điều quan sát rồi suy gẫm, khái quát vấn đề. Trình bày những suy tư về giáo dục bằng thơ là việc không phải hiếm người làm. Nhưng ở Bác, quan điểm giáo dục được trình bày rõ ràng, giản dị nhưng đầy chất triết lý.
Bác đưa ra một quy luật tự nhiên: không có cảnh rét mướt tiều tụy của mùa đông thì cũng sẽ không có cảnh ấm áp huy hoàng của mùa xuân. Đó là lẽ tất yếu – quy luật tuần hoàn của tự nhiên cũng như “Hết mưa là nắng hửng lên thôi”. Từ đó, Bác nghĩ đến con người, đời người:
“Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.”
Khi gặp tai ương (tai họa có hại cho bản thân) thì con người được rèn luyện, thử thách càng trở nên vững vàng hơn. Thật giản dị nhưng đó là một chân lý. Trong thực tế, đây là một việc không phải ai cũng làm được. Có người gặp khó khăn (tai họa) là nản chí, khuất phục hoàn cảnh, bị hoàn cảnh chi phối. Còn Bác, Bác không như vậy vì Người đã xác định rồi:
“Ví không có cảnh đông tàn,
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân.”
Sự đối lập hai cảnh “Đông hàn tiều tụy cảnh” (Cảnh rét mướt tiều tụy của mùa đông” với “xuân noãn đích huy hoàng” (cảnh ấm áp huy hoàng của mùa xuân) là để làm bật ý: không trải qua gian khổ sẽ không có ngày sung sướng. Từ quy luật tự nhiên rút ra quy luật cuộc đời và rút ra bài học cho chính bản thân.
Con người ta không ai muốn mình gặp phải tai ương. Nhưng khi gặp tai ương thì hoặc là lui lại hoặc là vượt qua để rèn luyện tinh thần. Bác đã coi tai ương là dịp, là cái để tự phấn đấu, trưởng thành. Tai ương là dịp để rèn luyện tinh thần, phải nói là dịp tốt để rèn luyện tinh thần.
nguồn: gôogle