ngữ văn 6

T

teeiulem9x

Lễ hội Bà Thu Bồn
Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch tại Dinh bà Thu Bồn thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Bà Thu Bồn, còn gọi là Bô Bô phu nhân, người Chăm, có công gây dựng nghề nông-ngư nghiệp cho vùng đất phù sa. Lễ hội diễn ra trong không khí tưng bừng náo nhiệt từ sáng đến tối mịt mới chấm dứt. Ngoài phần tế lễ còn có phần hội với các trò chơi dân gian và lễ rước như đua thuyền, rước cộ, rước nước, múa và hát bội… Vào dịp diễn ra lễ hội, nhiều đoàn khách từ địa phương khác đến đây cùng tranh tài trong các cuộc đua.

Theo tục lệ, thuyền thuộc lăng miếu nào thì được vị thần ở lăng miếu đó bảo hộ. Phía bên kia con sông Thu Bồn có thuyền bà Phường Chào - Người Việt, cũng tham gia đua thuyền cùng bà Thu Bồn. Trước khi tranh giải cả đoàn trạo thủ phải đến làm lễ, khấn vái trước lăng rồi mới làm lễ xuất phát. Mỗi thuyền đua cử ra một người ngồi ở mũi thuyền mặc áo đỏ, được coi như "tùy phái’ của thần chủ thuyền. Người đó có nhiệm vụ vừa hát, vừa múa để khích lệ trạo thủ khi nghe tiếng hô ấy sẽ cảm thấy mình được thần linh trợ lực nên bơi khỏe hơn. Con sông Thu Bồn như cuộn sóng bởi tiếng hò reo của trạo thủ, tiếng cổ vũ của nhân dân hai bên bờ.

Tiếp theo đó là rước cộ, người tham gia rước cộ càng Đông thì càng vui. Cộ là một bàn lớn hay có thể là một xe kéo được hóa trang lộng lẫy, bên trong để rất nhiều thức ăn như bánh, hoa quả, gạo thịt... Người rước cộ mặc trang phục truyền thống của làng. Dân làng cùng quây quần bên nhau cùng hát bội. Ngày hội đã đem đến cho mỗi người dân niềm vui, tin yêu cuộc sống.

Lễ Hội Long Chu
Là lễ hội của các làng biển quanh thị xã Hội An. Đây là lễ hội của các cư dân vùng biển Hội An để tống ôn và dịch bệnh vào lúc chuyển mùa. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm ở đình làng hoặc nhà chính quyền thôn, ấp. Trong dân gian Long Chu là thuyền rồng, một biểu tượng oai linh để trừ ôn, tống dịch. Lễ hội có tục rước "Long Chu" bằng cót tre, voi, giấy vải từ đình đến bến nước, đẩy bè, thuyền trôi ra sông, biển... Trước ngày lễ, các thầy pháp đặt hương án và yểm bùa nơi có ma quỉ, theo sau là đoàn nam nữ thanh niên tay cầm giáo mác phát quang sạch sẽ đường làng, bờ bụi, miệng hát hò đối đáp trong không khí vui vẻ. Vào ngày lễ chính, thầy cả làm lễ tế và sau đó là lễ rước thuyền rồng đi trừ tà ma dịch tế quanh làng. Trong lễ có hát bộ, hát hò khoan, xô cô, các trò chơi dân gian khác. Dân làng quần tụ ăn uống múa hát đến tận đ êm khuya.

Lễ Hội Cầu Bông
Được tổ chức vào một ngày đẹp trời, thuận tiện của mùa xuân hàng năm tại sông Hội An thuộc đoạn gần cửa Đại. Lễ hội có ý nghĩa như một nghi lễ mở mùa cho một năm mới. Trong lễ hội luôn luôn có tiết mục đua ghe vừa là thi trí, vừa để cầu cho dân được mùa, nhà nhà bình an và thịnh vượng.

Lễ Vía Bà Thiên Hậu
Lễ vía Bà Thiên Hậu của người Hoa sinh sống ở Hội An tổ chức tại hội quán Phúc Kiến (Hội An) và Ngũ Bang vào ngày 23/3 âm lịch hàng năm để cúng một vị nữ thần chuyên cứu trợ tàu thuyền mỗi khi gặp nạn trên biển. Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống của người Hoa, sau đó là phần hội có múa lân, xin xăm. Trong khuôn viên rộng, trang hoàng rực rỡ, con cháu và khách thập phương tham dự đông vui.

Lễ Nguyên Tiêu
Lễ được tổ chức tại hội quán Triều Châu và Quảng Triệu vào ngày 16/01 âm lịch. Đây là lễ cúng đầu năm của hai bang Triều Châu và Quảng Đông của người Hoa tại Triều Châu. Ngoài phần nghi lễ truyền thống, trong lễ Nguyên Tiêu còn tổ chức múa lân, chơi xổ số. Lễ hội đã thu hút con cháu người Hoa và khách thập phương về dự.

Lễ Tế Cá Ông
Đây là lễ hội thường thấy ở những vùng ven biển, nơi có nhiều người sống bằng nghề đánh cá. Hầu như làng nào cũng đều thờ thần cá Ông và mỗi năm tổ chức lễ tế Ngàu. Lễ tế cá Ông của các làng chài Hội An thường tổ chức vào dịp cầu ngư hàng năm (Vào khoảng hạ tuần tháng 2 âm lịch). Trong những ngày này, thường tổ chức chèo Bá Trạo - một loại hình văn nghệ dân gian với trang phục đặc biệt. Những người tham gia vừa hò vừa lĩnh xướng và làm những động tác chèo thuyền ở trên bở nhằm miêu tả cảnh sinh hoạt trên sông nước của ngư dân. Những câu hát, điệu múa là lời ca tri ân cá Ông đã cứu giúp người dân đi biển thoát khỏi hoạn nạn. Lễ tế cá Ông thu hút rất nhiều du khách và nhân dân địa phương tham gia.

Lễ cúng tổ Minh Hải
Tổ chức tại chùa Chúc Thánh vào ngày 7/11 âm lịch hàng năm. Lễ cúng tổ Minh Hải bao gồm các nghi lễ liên quan đến Phật giáo. Sau phần lễ là các hoạt động vui chơi, giải trí như văn nghệ, cắm trại và thi các trò chơi dân gian.

Lễ hội đêm phố cổ Hội An
Lễ hội diễn ra vào ngày14 âm lịch hàng tháng, ngày trăng bắt đầu tròn. Đêm đó, phố cổ Hội An trở thành sân khấu lớn. Người dân phố Hội cùng nhau làm sống lại cái không khí phồn hoa xưa cũ cùng những thú vui văn hóa của những ngày hội hè dân gian. Bắt đầu từ 18 giờ đến khuya, cả khu phố cổ rực rỡ đèn lồng, không có tiếng động cơ xe máy, mọi người cùng nhau dạo bộ giữa lòng phố. Cả du khách và dân địa phương, cả người Việt lẫn người nước ngoài cùng sánh bước, nói cười vui vẻ. Bạn có thể đi bộ khắp khu phố cổ, ở đâu thấy đông, thấy lạ thì rẽ vào xem.
 
Top Bottom