[Ngữ Văn 6]Truyện Ngụ Ngôn

  • Thread starter trang6btqp@gmail.com
  • Ngày gửi
  • Replies 1
  • Views 504

L

leemin_28

Truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi đề cập đến cách nhận thức sự vật trong thế giới xung quanh. Nội dung truyện như sau : Năm thầy bói mù ế khách ngồi tán gẫu. Thầy nào cũng phàn nàn là chưa được thấy voi bao giờ. Tình cờ lúc ấy nghe người ta nói voi sắp đi qua, năm thầy bàn nhau hùn tiền biếu quản tượng để được xem voi. Vì mù nên các thầy “xem” bằng tay. Mỗi thầy sờ vào một bộ phận của voi. Thầy sờ vòi; thầy sờ ngà; thầy sờ tài; thầy sờ chân; thầy sờ đuôi.

Voi đi rồi, các thầy ngồi tranh luận về hình dáng con voi. Mỗi thầy nói lên cảm nhận riêng của mình. Thầy sờ vòi cho rằng voi sun sun giống như ******a. Thầy sờ ngà bảo voi chần chẫn như cái đòn càn. Thầy sờ tai khăng khăng voi bè bè giống cái quạt thóc. Thầy sờ chân thì dứt khoát là voi sừng sững như cái cột nhà. Thầy sờ đuôi khẳng định voi tua tủa như cái chổi sể cùn. Càng tranh cãi càng hăng, không thầy nào chịu nhường thầy nào. Cuối cùng, họ lao vào đánh nhau đến toác đầu chảy máu.

Người xưa thật hóm hỉnh khi tạo ra tình huống năm thầy bói mù cùng xem một con vật khổng lồ là con voi. Các bộ phận của nó ở cách xa nhau (vòi, ngà, tai, chân, đuôi); mà mỗi thầy chỉ sờ được có một thứ cho nên mới dẫn đến cuộc đấu khẩu bất phân thắng bại.

Tục ngữ có câu : “Trăm nghe không bằng một thấy. Trăm thấy không bằng một sờ”, ở đây các thầy đều đã sờ tận tay. Vậy thì còn sai vào đâu được?! Do vậy thầy nào cũng cho rằng nhận xét của mình là đúng nhất. Khổ nỗi, nó chỉ đúng với bộ phận mà mỗi thầy sờ được chứ không đúng với cả con voi. Sự vật thì chỉ có một (con voi), mà các thầy tưởng tượng ra tới năm hình dáng khác nhau xa. Điều đáng cười nhất là họ không nhận ra được bản chất của sự vật (yếu tố khách quan) mà cứ Cố Sống cố chết khẳng định nhận thức của mình mới là chân lí (chủ quan). Cả năm thầy đều chung một cách xem voi phiến diện: dùng bộ phận để khái quát toàn thể sự vật.

Ý nghĩa của truyện không dừng ở mức hài hước, trào lộng để mua vui, Cao hơn thế, các tác giả dân gian muốn phê phán cái “mù” trong nhận thức của không ít người. Bài học bổ ích chứa đựng trong truyện chính là: Trong cuộc sống, sự vật nào, vấn đề nào bản thân chưa hiểu biết tường tận, thấu đáo thì chớ nên bày tỏ ý kiến một cách nông nổi, hồ đổ. Muốn có được một nhận xét chính xác thì phải tìm hiểu toàn diện, kĩ càng. Những hiểu biết sơ sài, nông cạn, những suy đoán chủ quan, thiếu thực tế chỉ dẫn đến nhận thức lệch lạc, sai lầm mà thôi. Ngoài ra, truyện còn ngầm chỉ trích loại người có trình độ hiểu biết thấp kém nhưng lại hay làm ra vẻ thông thái. Ý nghĩa này được gói gọn trong câu thành ngữ: “Thầy bói xem voi”.

Ý nghĩa của các truyện ngụ ngôn trong kho tàng ngụ ngôn Việt Nam vừa phong phú vừa thấm thía. Đọc truyện ngụ ngôn, suy ngẫm kĩ, ta sẽ thấy mình trong đó. Đọc để hiểu thêm về bản thân, về môi người quanh ta, từ đấy có hướng sửa chữa những thói hư, tật xấu và tự hoàn thiện nhân cách nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Nguồn Sưu Tầm
 
Top Bottom