Bạn tham khảo nhé!
Cây tre, từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng đẹp đẽ về sức sống và phẩm cách của con người Việt Nam. Bài “Tre Việt Nam” được Nguyễn Duy sáng tác trong thời kỳ đế quốc Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh huỷ diệt đất nước ta, thêm một lần nữa khẳng định điều này bằng những hình ảnh giàu sức khái quát và cách nói hồn nhiên, trong sáng:
Tre xanh,/
Xanh tự bao giờ?//
Và liền sau đó là một câu trả lời: Chuyện ngày xưa... Chuyện về cây tre gợi cho người đọc khả năng liên tưởng đến những thần thoại, cổ tích. Chính không khí huyền thoại của khổ thơ đầu đã góp phần làm cho độc giả trong suốt cả bài thơ hiểu rõ ý nghĩa biểu trưng của cây tre Việt Nam. Từng bước, từng bước, qua mỗi khổ thơ, tác giả đã khắc họa hình ảnh cây tre với những đặc tính của dân tộc Việt Nam: cần cù, lạc quan, thương yêu đùm bọc và kiên cường, bất khuất.
Đọc xong bài thơ, tôi cứ tự hỏi: có bao nhiêu hình ảnh xuyên suốt bài thơ? Hình như chỉ có một. Điều này chẳng đã được dự báo từ đầu đề của bài thơ? Đúng thật, bài thơ nói về cây tre, loại cây mọc khắp làng quê Việt Nam. Đó là tre Việt Nam, có thể hiểu là tre của Việt Nam, tre ở Việt Nam.
Cây tre thân thiết với mỗi người Việt Nam nên mỗi chi tiết về nó, dù thoáng qua vẫn gợi nên tình cảm thân thương, quý mến.
Thân gầy guộc, / lá mong manh
Mà sao nên luỹ, / nên thành / tre ơi? //
Những từ gầy guộc, mong manh trong câu thơ giản dị, không có vẻ được trau chuốt nhưng đọc lên sao xúc động ? Đúng là tả tre nhưng lại thân thiết như nói về ta, nói về chính ta ?
Ở đâu / tre cũng xanh tươi /
Cho dù đất sỏi / đất vôi bạc màu?
Cũng kì lạ, thuộc vào loại cây thân gầy, lá mỏng, vậy mà sức chịu đựng của tre thật kỳ diệu! Tre có thể mọc ở bất kỳ đâu, trong điều kiện đất đai cằn cỗi như thế nào... mà vẫn tươi xanh lạ thường. Dạng đặc biệt của câu hỏi tu từ ở đây là: có câu trả lời, mà là câu trả lời phiếm chỉ:
Có gì đâu, / có gì đâu /
Mỡ màu ít, / chắt dồn lâu / hoá nhiều.
Rễ siêng / không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ / bấy nhiêu cần cù.
Vươn mình trong gió / tre đu
Cây kham khổ / vẫn hát ru lá cành.
Không biết đây là lời của tác giả hay chính là lời của tre. Có thể là những suy tư của tác giả về sức tre mãnh liệt, cũng có thể là lời tâm tình của tre. Câu thơ lục bát ở khổ thơ trên theo nhịp 2/2, đến khổ thơ này đổi thành nhịp 3/3 (Có gì đâu... hoá nhiều). Nhịp điệu có vẻ như gấp gáp cùng với việc lặp lại: Có gì đâu, có gì đâu thể hiện phần nào đức tính khiêm nhường và lạc quan của tre. Người ta không thể biết là tre có bao nhiêu rễ thì cũng không thể biết sự cần cù của tre cao đến mức nào. Không chỉ có tre được nhân hóa mà cả rễ – một bộ phận của tre – cũng được nhân hoá: Rễ siêng không ngại đất nghèo.
Hai câu cuối của khổ thơ là một hình ảnh đẹp, khái quát lại một phẩm chất của tre, cũng là của con người Việt Nam: vượt mọi gian khổ, luôn luôn lạc quan, cố gắng phấn đấu vươn lên (Vươn mình... lá cành). Tre phải chống chọi lại những cơn gió lớn. Thân cây có thể oằn lại, nhưng tre vẫn sẵn sàng chịu đựng để cho lá cành có thể đùa vui cùng gió.
Trong một đất nước ở vùng nhiệt đới nắng nhiều, tre còn là biểu tượng của sức sống hiên ngang thần kỳ:
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.
Người đọc nhận ra ngay mình, ra vẻ đẹp kiên cường bất khuất của cộng đồng làng quê mình.
Khổ thơ tiếp theo là khổ dài nhất, gần mười bốn câu nói đến những phẩm cách quý báu khác của tre: Tre biết yêu thương, đùm bọc, tre biết truyền cho con cháu “cái gốc” để con cháu noi theo, tre biết chịu đựng mọi gian khổ, dám hy sinh tất cả cho đời sau. Kết quả là lớp măng non đã tiếp thu được truyền thống bất khuất của cha ông. Những phẩm cách này của tre cũng chính là của con người Việt Nam:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.
Miêu tả những khóm tre trong gió bão mà dùng hình ảnh thân bọc lấy thân, tay ôm tay níu của thân tre, cành tre thì đúng là hình ảnh của cây tre trong luỹ tre nhưng sao cứ vương vấn một cái gì khác nữa ngoài tre? Phải chăng là sự thương yêu đoàn kết giữa con người với nhau ? Tre, có thể liên kết với nhau thành luỹ, là trường hợp duy nhất trong các loài cây được con người gọi kèm với từ “luỹ”: luỹ tre.
Tuy nhiên, sự đời có gì bền vững mãi, tre già thì măng mọc. Điều quý nhất là tre đã kịp để lại “cái gốc” cho con cháu noi theo. Tre còn là biểu tượng cho niềm kiêu hãnh, hiên ngang và hy sinh:
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con.
“Tre già, măng mọc” là quy luật, đồng thời cũng thể hiện sức sống bất diệt của tre, của sự cần cù, bao dung, yêu thương giống nòi. Măng non là sự tiếp thu truyền thống bất khuất của cha ông:
Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.
Nhọn như chông, dáng thẳng thân tròn là những chi tiết chân thực tả cây măng. Nhưng sao lại Nòi tre đâu chịu mọc cong? Hình như đâu phải chỉ nói đến tre, đến măng mà còn nói đến ai đó ngoài tre và măng?
Càng đọc càng có thể cảm nhận được: ngoài cây tre là hình ảnh thực còn ẩn hiện một hình ảnh ảo nữa, hình ảnh về những con người Việt Nam – những con người “suốt cả cuộc đời từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt xuôi tay đều gắn bó với tre, với nứa, với trúc,... những họ hàng thân thích của tre”. Tre Việt Nam có thể hiểu là tre của Việt Nam, tre ở Việt Nam nhưng cũng có thể hiểu tre như là Việt Nam. Một cách so sánh rút gọn thành ẩn dụ. Và mạch ẩn dụ ấy chạy suốt bài thơ, tạo nên vẻ đẹp lấp lánh của mỗi chi tiết. Cho nên thân gầy guộc, lá mong manh, thân bọc lấy thân, tay ôm tay níu, nòi tre là nói về tre nhưng cũng nói về người.
Chi tiết lưng trần phơi nắng, phơi sương đích thực là chi tiết tả người nông dân một nắng hai sương nơi đồng quê. Chuyện nhường áo cho con đâu chỉ riêng của tre mà còn của người. Nó gợi nhớ chuyện cha con Chử Đồng Tử, gợi nhớ đức hy sinh cao đẹp của bao thế hệ đi trước.
Cả bài thơ, như vậy có hai hình ảnh. Hình ảnh thực, hình ảnh dễ nhận ra là hình ảnh cây tre. Hình ảnh ảo, hình ảnh khó nhận thấy là hình ảnh con người Việt Nam. Hai hình ảnh ấy quấn quýt lẫn nhau, hoà vào nhau tạo nên bề sâu cho giọng thơ chân tình, chân thành vương vấn khắp bài thơ. Tạo nên cái kỳ ảo của bài thơ không chỉ có cách cấu trúc ẩn dụ của hình ảnh xuyên suốt bài thơ mà còn có màu xanh đặc biệt của tre, một màu xanh trải dài từ câu đầu tiên đến câu cuối cùng.
Khổ thơ cuối cùng của bài thơ đột ngột thay đổi cách ngắt nhịp, cách ngắt dòng:
Mai sau
Mai sau
Mai sau...
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.
Có thể nói đến sự trùng điệp ba dòng thơ Mai sau có một giá trị biểu đạt đặc biệt: ý thơ âm vang bay bổng, câu thơ gợi ra những liên tưởng phong phú. Dòng thơ cuối cùng với ba từ xanh trong những kết hợp cú pháp đặc sắc gợi một màu sắc trường tồn của tre Việt Nam, của con người Việt Nam của truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh
Bài thơ khép lại trong màu xanh hy vọng, màu xanh của sự sống đang nảy nở ra cả chân trời. Ta đi trong màu xanh ấy để đến tương lai với niềm tin yêu vào đất nước mình.