[ngữ văn 11]

C

cuimuoimuoi_1969

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề 1 : Trình bày ảnh hưởng của thơ Đường trong bài "Tràng giang" của Huy Cận
Đề 2 : Theo bạn có nên gộp tết ta và tết tây thành một hay không? nêu ý kiến của bạn
Đề 3 : Viết một bức thư gửi các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài đảo xa trong đó nêu được suy nghĩ tình cảm của bản thân đối với các chiến sĩ và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước
p/S: giúp tớ với mn ơi, thứ 2 này phải có rồi, viết được bài văn thì càng tốt, hem thôi cho tớ cái dàn ý cũng được, thank all
 
H

hocmai.nguvan

Câu 1: Chất Đường thi trong bài thơ Tràng giang (Tính cổ điển)
Thể hiện ở:
+ 1. Đề tài cảm hứng:
- “Tràng giang” mang nỗi sầu từ vạn cổ của con người nhỏ bé hữu hạn trước thời gian, không gian vô hạn của đất trời.
Ví dụ cảm hứng sông nước trong thơ Đường: Hoàng Hạc Lâu tống MHN chi Quảng Lăng
2. Chất liệu thi ca:
- Ở “Tràng giang” ta bắt gặp hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ( tràng giang, bờ bãi đìu hiu, cánh chim trong bóng chiều, khói hoàng hôn…). Nhiều hình ảnh, tứ thơ được gợi lên từ thơ cổ (lớp lớp mây cao…)
Lấy ví dụ trong thơ ca đời Đường: hình ảnh cánh chim, chòm mây (Độc toạ kính Đình sơn)
3. Thể loại và bút pháp
- “Tràng giang” mang đậm phong vị cổ điển qua việc vận dụng nhuần nhuyễn thể thơ bảy chữ với cách ngắt nhịp, gieo vần, cấu trúc đăng đối, bút pháp tả cảnh ngụ tình, gợi nhiều hơn tả, những từ Hán Việt cổ.
 
H

hocmai.nguvan

Câu 2: Có nên gộp Tết ta và Tết tây hay không?
Với đề bài này, chị xin giúp em bằng cách trích dẫn 1 bài báo trên Vietnamnet về những ý kiến đưa ra theo 2 chiều hướng nên và không nên.
Em hãy đọc rồi viết bài theo dàn ý sau nhé:
MB: Giới thiệu vấn đề: Tết cổ truyền ở vn và nhưnguý nghĩ quan niệm vừa qua của người dân về quan niệm gộp tết ta và tết tây.
TB: + Giới thiệu về Tết cổ truyền ở VN: những đặc trưng...
+ Những người ủng hộ quan niệm gộp Tết ta và Tết Tây: họ suy nghĩ và lập luận như thế nào? Có gì đúng, có gì chưa đúng?
+ Những người không ủng hộ quan niệm gộp Tết ta và Tết Tây: họ suy nghĩ và lập luận ra sao? Đánh giá của em về ý kiến này
+ Suy nghĩ của bản thân trực tiếp về quan niệm này.
+ Điều quan trọng là Cách ăn Tết như thế nào...
Em hãy đọc bài báo dưới đây để tham khảo nhé!

"Nói tết cổ truyền không phải của người Việt vì bắt nguồn từ Trung Quốc, thì xin thưa tết dương lịch cũng không phải của Việt Nam nốt", một độc giả nêu ý kiến.
Khi Tết "tây" vừa qua, Tết "ta" sắp tới, một lần nữa vấn đề có nên duy trì song song hai tết này hay "quy về một mối" lại trở nên nóng. Trong vài ngày vừa qua, diễn đàn Tết ta - Tết "tây" của Tuần Việt Nam dù mới khởi đăng nhưng đã có hàng trăm ý kiến gửi về.
Nhiều ý kiến ủng hộ việc bỏ tết ta, quy về chỉ ăn tết tây. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng tết ta là cổ truyền, linh thiêng của dân tộc, không thể bỏ. Tuần Việt Nam xin đăng tải một số ý kiến để độc giả cùng suy ngẫm và thảo luận.
Tết ta đã nhạt, lại phiền hà
Đa phần các ý kiến đồng tình việc bỏ tết ta tập trung vào các lý do: Cách ăn Tết ta hiện nay quá sa đà, nhạt nhẽo, lại gây lãng phí, tốn kém... Vì vậy bỏ Tết ta là một chuyển biến lớn, góp phần đưa Việt Nam hòa nhập với thế giới, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho nhân dân, nhà nước.
"Tôi ủng hộ ăn Tết theo dương lịch và nghỉ Tết dương lịch kéo dài 1 tuần như tuần lễ Giáng sinh của phương Tây, hòa nhịp sinh hoạt chung của thế giới phát triển, còn Tết ta co lại 1-2 ngày thôi, coi như một ngày lễ truyền thống giống như các lễ hội truyền thống khác" - Độc giả Văn Cường.
Chung quan điểm trên, độc giả Hải Yến cho rằng: "Thế giới nghỉ Tết dương lịch, và phải chờ Việt Nam nghỉ xong Tết âm lịch mới có thể liên lạc và làm việc được. Trong khi đó nghỉ tết của họ rất ngắn và không nặng nề, vì thế người thiệt là chính Việt Nam".
"Cần thay đổi để tránh lãng phí, tránh tệ nạn ăn nhậu kéo dài bê tha đến hơn một tháng mà không làm được gì" - độc giả tại Email Thvl...@gmail.com.
Độc giả ở Email Hoang.hh@... cho rằng Việt Nam có thể đổi sang ăn Tết theo dương lịch vì có nhiều ưu điểm: "Rút ngắn được thời gian và chi phí nghỉ lễ, có lợi cho doanh nghiệp và cơ quan, các cá nhân có nhiều thời gian làm việc hơn; Đồng bộ với lịch nghỉ lễ với hầu hết các nước trên thế giới".
Độc giả ở Email Duccanh...@yahoo.com cho rằng Tết ta là một thói quen lạc hậu của thời kỳ sản xuất nhỏ lẻ tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu. Do vậy, độc giả này kêu gọi "Hãy từ bỏ những thói quen đủng đỉnh từ từ, ăn chơi lãng phí vô bổ đi, hãy bỏ ngay chủ trương nghỉ tết kéo dài đi để nhân dân đỡ khổ".
"Chỉ nên ăn Tết dương lịch thôi, Tết âm lịch đã gây phiền hà quá. Chỉ nội chuyện là phải chịu đựng sự tăng giá vô lý ở các khu vực công cộng vào dịp Tết cũng đủ bực mình" - độc giả tại Email Lpquang...@yahoo.com.vn.
Độc giả ở Email Quocdungtp30@... ủng hộ ăn Tết dương, vì "Tết âm lịch đang trở nên nhạt nhẽo và như một gánh nặng. Ngày xưa khi đời sống còn thấp, mức độ hội nhập thế giới còn hạn chế, thông tin, đi lại khó khăn thì tết là dịp để mọi người gặp gỡ, hỏi thăm nhau... chứ giờ mỗi lần tết đến lại thấy trống rỗng, mệt mỏi".
"Việt Nam chúng ta đã chơi và chơi quá nhiều rồi, cho nên cứ càng ngày càng tụt hậu chính vì cái cổ hủ và thiển cận đó. Các bạn hàng ngày thử ra ngoài đường xem, người ngồi chơi chém gió, người đánh cờ, các quán cafe thì đông nghịt, v.v..." - độc giả Nguyễn Tuấn Anh nêu vấn đề.
Nhìn nhận ở khía cạnh văn hóa, một số độc giả cho rằng việc chọn ăn Tết tây còn là cách thoát khỏi sự chi phối của văn hóa Trung Quốc, nhằm xác lập một tư thế chủ động hơn về văn hóa cho Việt Nam.
Độc giả tại Email ...2005@yahoo.com nêu ý kiến Nhà nước cần tính đến việc thay đổi tập quán ăn Tết theo lịch âm, bởi "ngoài những điều tốt đẹp, ích lợi mang lại cho đất nước và con người Việt Nam, chúng ta còn từng bước tách ra khỏi những ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc".
Độc giả ở Email ....1982@gmail.com cũng cho rằng việc chuyển sang Tết dương lịch sẽ là một cơ hội tốt để nước ta: "Thoát ảnh hưởng của Trung Quốc vốn lạc hậu hơn phương Tây; Xử lý thói quen tiểu nông lè phè ăn chơi suốt thời gian Tết âm lịch hiện còn tồn tại trong rất nhiều người Việt, kể cả các công chức."
"Tết cổ truyền hay các ngày tết trong năm mà ta vẫn đang theo cũng là từ văn hóa, tập quán của Trung Quốc du nhập vào, nếu có bỏ mà sử dụng theo tết chung của thế giới thì cũng chỉ là thay đổi một thói quen lâu đời mà thôi" - độc giả Nguyễn Kiên.
Tết ta là hồn cốt dân tộc, không thể bỏ
Tuy nhiên, không ít độc giả phản đối khá gay gắt quan điểm cho rằng nên bỏ Tết ta. Quan điểm của các độc giả này xuất phát từ các nguyên nhân như: Tết ta đã là ngày lễ cổ truyền, thấm vào văn hóa ngàn năm của dân tộc, sao có thể bỏ được. Hơn nữa, ở khía cạnh kinh tế, Tết ta cũng là dịp kích cầu, có lợi cho doanh nghiệp.
Độc giả tại Email: ....thanh@gmail.com cho rằng: "Tết ta là cái hồn cốt của cả một dân tộc tại sao lại bỏ . Không phải cái gì ta cũng phải theo tây. Tất cả các nước đều có ngày tết truyền thống riêng của họ nhưng họ vẫn phát triển tốt đó thôi!".
Theo độc giả tên Tuấn, tín ngưỡng của người Việt đều dựa theo lịch âm, kể cả thờ cúng Tổ tiên đến các dịp lễ khác. Vậy "các ngày lễ này chuyển sang ngày dương thế nào đây, còn ông Công ông Táo, lễ hạ cây nêu, v.v... rồi nhiều nhiều cái nữa?".
"Công dân các nước khi cư trú ở nước mình họ còn phải tạo ra một bản sắc văn hóa của họ ở nơi mình, để không mất cái nền văn hóa của họ. Vậy tại sao mình là con rồng cháu tiên lại làm mất đi bản sắc văn hóa vốn có và thiêng liêng của mình" - độc giả tại Email... thanh@gmail.com.
Theo độc giả Trần Khánh Dung: "Đừng lấy cái "hiện đại, hòa nhập"... gì gì đó để giết chết những ngày tết cổ truyền tuyệt diệu của dân tộc".
Còn độc giả tại Email Micalone...@yahoo.com bình luận "Việt Nam là một trong những nước có số ngày nghỉ lễ trong năm ít nhất. Vì thế đi làm cả năm nghỉ được 3-7 ngày về quê thăm ông bà cha mẹ để con cái biết thế nào là làng quê VN là đáng mừng rồi. Lấy đâu ra chuyện nghỉ gần 2 tháng để ăn lễ hội như một số người nói".
Độc giả Phạm Minh Tân cho rằng: "Tư duy đủng đỉnh phụ thuộc vào nhiều thứ chứ đâu phải ăn Tết ta; Người dân càng được nghỉ nhiều càng kích cầu tiêu dùng, qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển...".
Độc giả Vũ Văn Tuyến thì quan niệm tết chẳng qua cũng chỉ là một khoảng thời gian để mọi người nghỉ ngơi. "Xã hội phát triển người ta phải tìm mọi cách để kích cầu, do đó từ làm việc 6 ngày/ tuần còn 5 ngày/tuần, Tết từ 3 ngày tăng lên 5 ngày. Phương Tây họ cũng dành thời gian tương đối dài để nghỉ ngơi nều tính từ Noel đến hết ngày 1 có 8 ngày có "kém" gì ta đâu" - độc giả này nhận định.
Độc giả Nguyễn Hương chia sẻ kinh nghiệm ăn tết ở nước ngoài: "Ở nước ngoài các văn phòng, thậm chí của Chính phủ, vào dịp Noel, Tết tây, số người làm việc chỉ còn 1/3, 1/4 so với bình thường. Họ còn "được" xin nghỉ vào thời gian này 2, 3 tuần thì sao?".
Từ góc độ kinh tế, độc giả Nguyễn Huy Vinh chỉ ra khía cạnh tích cực của Tết ta: "Ngày tết lượng hàng hóa tiêu thụ thường tăng đột biến, như vậy là kích cầu, tạo thêm việc làm; Ngày Tết ta là một dịp lễ hội, ta chơi nhưng những người làm du lịch lại kiếm được tiền".
Đối với ý kiến cho rằng nghỉ Tết ta "lệch pha" ảnh hưởng đến việc làm ăn, độc giả tại Email ...1402@yahoo.com lại quan niệm: "Tây đến ta thì phải chấp nhận phong tục của ta. Đừng cái gì cũng lấy nước ngoài ra để làm quy chuẩn".
Quan trọng là cách ăn tết, tội đâu ở Tết ta hay tây
Một số độc giả cho rằng việc ăn Tết ta hay Tết tây không quan trọng, vấn đề chính là cách ta ăn Tết. Lãng phí, không hòa nhập là do chính chúng ta, chứ không nên "đổ tội" cho Tết.
Độc giả tại Email Kaka12@... cho rằng: "Nói tết cổ truyền không phải của người Việt vì bắt nguồn từ Trung Quốc, thì xin thưa tết dương lịch cũng không phải của Việt Nam nốt". Cũng theo độc giả này: "Nước ta kém phát triển là do con người chứ đừng đổ tội lên cái tết cổ truyền của ông cha ta".
"Người Trung Quốc có phải bỏ Tết âm lịch đâu mà họ cũng giàu đấy thôi. Hơn nữa nếu chúng ta cứ quản lý nghiêm túc nghỉ Tết đúng số ngày quy định thì sẽ không ảnh hưởng gì. Chúng ta đang không làm chủ được mình nên đành phải đem di sản tốt đẹp của ông cha ra xét lại sao?" - độc giả tên Nam.
Theo độc giả Sơn Trần, "Vấn đề là chúng ta sử dụng thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi hiệu quả như thế nào. Chứ cứ như hiện tại ở Việt Nam mà theo Tây cũng chẳng cải thiện được là bao".
"Cái cần điều chỉnh là cách chi tiêu tiền bạc và sử dụng quỹ thời gian trong dịp Tết, dù là Tết tây hay Tết ta, chứ không phải là xóa bỏ, là sáp nhật hai cái Tết như thế!" - độc giả Nguyễn Thị Yến chỉ ra.
<Nguồn: Vietnamnet>
 
H

hocmai.nguvan

Câu 3
Em có thể tham khảo bức thư dưới đây của 1 chị sinh viên trường ĐH Luật:
LTS: Một lần nữa, lòng yêu nước của biết bao người dân Việt Nam lại được thử thách. Và nếu có ai đó còn đôi chút ngập ngừng, do dự hay lo lắng về tình cảm thiêng liêng đó, xin hãy đọc qua những bức thư của những người trẻ được đăng tải trên các diễn đàn, gửi tới các chiến sĩ ngày đêm đang canh giữ gìn giữ chủ quyền biển đảo ngoài khơi xa.
Đất nước - hai tiếng ấy gợi nhắc chúng ta biết bao điều thiêng liêng, ấm áp. Yêu nước, yêu Tổ quốc là tình cảm quý báu luôn thường trực trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Tự nó đã đan dệt thành lịch sử và có thể nói lịch sử dân tộc Việt Nam cũng chính là lịch sử của lòng yêu nước.
Nếu đột nhiên có ai đó hỏi bạn có yêu nước không? Hãy tự tin trả lời bằng một câu khẳng định, bởi lẽ yêu nước không nhất thiết là cầm súng, gươm tranh đấu với kẻ thù, đó cũng không phải là khi bạn đứng trước một đám đông với hàng trăm con người và hét lên rằng: “Tôi yêu nước!”; thời bình người ta thể hiện lòng yêu nước khác với thời chiến.
Nếu như thời phong kiến yêu nước là phải gắn liền với “trung quân ái quốc” thì ngày nay yêu nước lại gắn liền với yêu lý tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa. Khi bạn say mê trước những cuốn sách viết về lịch sử dân tộc, khi bạn tích cực bình chọn để Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới hiện đại hay khi bạn biết và trăn trở trước vấn đề biển Đông - một trong những vấn đề đang từng ngày, từng giờ nóng dần trên các diễn đàn, trang mạng hay báo chí và cầm bút để viết lên những dòng cảm xúc của mình để gửi đến Trường Sa thân yêu… thì chính lúc đó tình yêu đất nước trong bạn đang hiện rõ.
Đặc biệt, những lúc chúng ta cùng theo dõi các chương trình truyền hình, đọc những trang báo viết về Trường Sa thân yêu hay tìm hiểu về những câu chuyện đến rơi nước mắt về tình cảm cha - con, anh - em, chồng - vợ… nơi đất liền với hải đảo xa xôi để cảm nhận được sự thiếu thốn về đời sống vật chất và tinh thần của những người lính đảo nơi đây, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Tuy không vượt đạn bom như mấy mươi năm về trước, nhưng những lá thư vượt biển Đông lại có một sứ mệnh quan trọng như thế nào đối với những người dân và chiến sĩ đang sinh sống, học tập và làm nhiệm vụ ở Trường Sa.
Trường Sa - Quần đảo ở vào khoảng 120B và kinh tuyến 1110Đ, cách bờ biển Việt Nam 300km. Toàn thể quần đảo có diện tích khoảng 160.000km2, là nhóm gồm hơn 100 đảo nhỏ và đảo đá ngầm; nằm trong biển Đông quần đảo Trường Sa được bao quanh bởi những vùng đánh cá trù phú và giàu có về tài nguyên dầu mỏ và khí đốt.
Giờ đây đến Trường Sa chúng ta chắc hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước một Trường Sa với những căn nhà được xây dựng kiên cố, gió chạy dọc từ đầu hiên đến cuối nhà mát rượi; tiếng ê a học bài, tiếng nô đùa của trẻ nhỏ cứ ríu rít mãi bên hàng giậu nhỏ…và cuộc sống ở đây cũng thật đặc biệt, nó không ồn ào, náo nhiệt như ở các thành phố, cũng không thật yên bình, trầm lắng như các vùng quê nhưng cái không khí mà Trường Sa mang lại cho bất kỳ ai đã từng một lần đặt chân đến đây chắc hẳn sẽ thật khó quên bởi tuy thời tiết còn khắc nghiệt, đôi lúc thiếu rau xanh nhưng tình làng nghĩa xóm ở đây vẫn đầm ấm lắm, nhất là tấm lòng của những cán bộ, chiến sĩ hải quân dành cho nhau và cho những người dân.
Cuộc sống trên đảo giờ đây đã dần ổn định với hệ thống điện, đường, trường, trạm đang từng bước được hoàn thiện, cơ sở vật chất hạ tầng cũng đang được chú trọng đầu tư nhưng có lẽ những cán bộ, chiến sĩ đang sinh sống và công tác ở đây vẫn luôn mang một nỗi nhớ khôn nguôi hướng về đất liền - nơi đó có quê hương, gia đình, bạn bè và những người thân cũng đang từng ngày nhớ về họ.
Có ai có thể hiểu được nỗi lòng của các anh khi phải sống và công tác ở một nơi xa quê nhà đến thế, hình bóng mẹ già, người vợ tần tảo sớm hôm cùng tiếng gọi bi bô của các con mỗi lúc khi bố đi công tác về…- đó chắc hẳn sẽ là một nỗi nhớ da diết mà có lẽ chỉ có những người trong cuộc như các anh mới có thể hiểu được. Chính vì lẽ đó mà các cán bộ, chiến sĩ hải quân ở đây đang rất mong chờ để được nhận những lá thư của người thân hay đơn giản chỉ là những dòng tâm sự, gửi gắm, chia sẻ giữa đất liền với Trường Sa bởi hơn ai hết các anh cần lắm những tình cảm, hơi ấm quê nhà - chính nó sẽ là cái gạch nối dài cho những yêu thương, chờ đợi; sự nhớ mong mỏi mòn; nỗi nhớ thương cồn cào, da diết; nỗi trông chờ đến khắc khoải mà hai bến bờ yêu thương: đất liền và hải đảo muốn gửi đến cho nhau và chính nó cũng sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các anh có được niềm tin, đó không chỉ là niềm tin vào cuộc sống, vào hạnh phúc mà hơn thế đó còn là một niềm tin sắt đá vào một tương lai tươi sáng mà ở đó chủ quyền biển đảo Việt Nam sẽ được khẳng định và định hình vững chắc trên bản đồ thế giới, bởi một công việc mang tính chất đặc thù là những người lính đảo như các anh thì trên hết yếu tố bản lĩnh và sự vững vàng về chính trị là một điều rất cần thiết.
Đâu cần phải là những món quà đắt tiền hay những thứ vật dụng tiện nghi… cái mà các cán bộ, chiến sĩ hải quân ở đây đang cần chính là những “sợi nhớ, sợi thương” nối liền khoảng cách bởi “Không xa đâu Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em.”.
Giờ đây tôi đang ngồi đọc cuốn truyện ký “Đảo chìm” của tác giả Trần Đăng Khoa, một tác phẩm rất hay viết về con người và cuộc sống ở các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa và cùng khe khẽ hát theo những giai điệu du dương của bài hát “Gần lắm Trường Sa” với những lời ca thật đẹp:
“Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi. Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ. Bên đồng đội yêu thương chỉ có loài chim biển…” mà lòng lại trào lên những cản xúc bồi hồi đến khó tả, vừa thiêng liêng, gần gũi; vừa sâu lắng, trữ tình nhưng cũng không kém những trăn trở, suy tư của một sinh viên năm 2 Đại học.
Mấy tháng nay, nhân dân cả nước vẫn luôn hướng về Trường Sa thân yêu, luôn từng ngày từng giờ dõi theo những sự việc đang diễn ra cực kỳ phức tạp trên biển Đông, đây là một vần đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam. Qua những thông tin hằng ngày vẫn liên tục được cập nhật trên các trang báo mạng hay những tờ báo như Tuổi trẻ, Thanh niên, Thời đại hay Sài Gòn giải phóng… chúng ta có thể thấy hiện nay vấn đề biển Đông đang có nhiều biến chuyển khó lường bởi giờ đây không chỉ có Trung Quốc mà nhiều cường quốc khác cũng đang dần can thiệp sâu vào vấn đề biển Đông.
Kể từ giữa năm 2009, Trung Quốc liên tục “gây chuyện” với từng nước riêng rẽ liên quan đến tranh chấp, trực tiếp và gián tiếp với cả khu vực: Xây dựng đơn vị hành chính, đơn vị cấm đánh bắt cá, xây dựng cơ sở hải quân khổng lồ ở đảo Hải Nam; tổ chức tàu tuần tra, tập trận không quân và hải quân trong khu vực tranh chấp… là những bước leo thang của Trung Quốc trong việc làm căng thẳng tình hình biển Đông.
Và cũng chính từ sự kiện biển Đông mà nó đã giúp chúng tôi nhận ra được nhiều điều, trong những điều đó có lẽ điều quan trọng nhất chính là việc chúng tôi - lớp trẻ của thế hệ hôm nay cũng đã phần nào nhận ra được vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giữ gìn và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cùng nhiều trăn trở, suy tư chưa có lời giải đáp.
Hướng về Trường Sa thân yêu, tôi nghĩ rằng điều đầu tiên là mỗi chúng ta cần phải rèn luyện tốt, đặc biệt là việc rèn luyện về đạo đức bởi đạo đức chính là nền tảng, là “gốc” của mỗi con người, đặc biệt là phải biến cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa” thành hành động thực sự của cá nhân và chính mỗi chúng ta sẽ phải trở thành chủ thể tích cực của cuộc vận động đó.
Đồng thời xây dựng cho mình bản lĩnh để đủ sức phán xét thật nghiêm khắc đạo đức làm người của chính mình, biết phân biệt rạch ròi giữa cái đúng - cái sai, cái tốt - cái xấu để hành động; không ngừng giữ gìn, xây đắp cho Tổ quốc thêm giàu mạnh, không ngừng cảnh giác và chống lại những nguy cơ có thể xâm hại đến An ninh quốc gia.
Đặc biệt, cần phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh xông pha vào những thử thách để trui rèn nhân cách bằng chính những hoạt động tình nguyện như Mùa hè Xanh hay Hiến máu nhân đạo…bởi vũ khí trong tay những thế hệ trẻ như chúng ta chính là sức mạnh tuổi trẻ, là nhiệt huyết thanh xuân, là tri thức vững vàng, là nhân cách đạo đức trong sáng, hãy luôn nhớ rằng: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi rằng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Vì vậy mà không có lý do gì để chúng ta không noi gương tinh thần yêu nước của cha anh, không có lý do gì để chúng ta không hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ học tập của mình, không có lý do gì để chúng ta không làm giàu cho quê hương, đất nước bằng chính sức lao động chân chính của mình, và càng không có lý do gì để chúng ta không thể đối diện chiến đấu với các thế lực thù địch để giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương bởi chắc chắn trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam chúng ta ai cũng mang trong mình tình yêu đất nước, nhưng làm thế nào để tình yêu đó ngày càng nồng nàn, tha thiết, ngày càng mãnh liệt hơn – đó là điều mà ai cũng cần phải tự giác nhận thức và tìm cho ra câu trả lời. Và một điều rất quan trọng nữa là mỗi chúng ta- những sinh viên Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, vững vàng về pháp luật, giữ vững sự thăng bằng của “cán cân công lý” để góp phần vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Lúc tôi viết bài viết này thì cũng là lúc vấn đề biển Đông đang diễn ra cực kỳ phức tạp với nhiều biến chuyển khó lường, diễn đàn ASEAN cũng đang tiến hành nhiều cuộc hội nghị để tìm cách giải quyết. Hy vọng rằng trong thời gian sắp tới tình hình biển Đông sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực hơn và các nước lại cùng bắt tay nhau để cả thế giới được chung sống trong hòa bình như trước đây. Và tôi cũng muốn, tôi và tất cả các bạn, chúng ta không chỉ viết những dòng cảm nhận này với ý nghĩa là những lá thư mà thông qua đó chúng ta hãy góp một phần tiếng nói của mình vào việc khẳng định: “Quần đảo Trường sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam” và sự khẳng định đó không chỉ được thể hiện bằng niềm tin mà phải bằng chính những giá trị pháp lý vững chắc nhất.
<Nguồn Giaoduc.Net.Vn>
 
Top Bottom