NHỮNG CUNG BẬC TÌNH CẢM TRONG CA DAO-DÂN CA VỀ TÌNH YÊU ĐÔI LỨA
Tình yêu là một mảng đề tài đặc sắc trong ca dao – dân ca. Những câu ca dao hay nhất, đẹp nhất thường nói về tình yêu. Tình cảm ấy được thể hiện tinh tế, ý nhị, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt trong tình yêu lứa đôi, những cung bậc tình cảm biểu lộ nét đẹp văn minh, văn hóa của người bình dân. Nó mở ra một thế giới tâm hồn người Việt vừa mộc mạc, chân chất vừa dí dỏm, thông minh nhưng không kém phần đắm say, lãng mạn.
Cuộc gặp gỡ lần đầu bao giờ cũng để lại một ấn tượng đậm nét .Đó là bước khởi đầu cho những mối tình đẹp đẽ. Chàng trai và cô gái có thể quen nhau do chủ động :
“Chưa quen đi lại cho quen
Chưa gần đi lại vài phen cho gần”.
hay chỉ là một dịp tình cờ:
“Hôm qua sáng trăng tờ mờ
Em đi tát nước tình cờ gặp anh”.
Trong lao động, sản xuất những cuộc gặp gỡ rất dễ xảy ra. Công việc “tát nước” rất đỗi bình thường nhưng chính là cơ hội để hai người quen nhau. Song có lúc họ gặp nhau là nhờ “nhân duyên”:
“Thiên duyên kì ngộ gặp chàng
Khác nào như thể phượng hoàng gặp nhau”.
Cuộc gặp gỡ ấy đẹp “như thể phượng hoàng gặp nhau”. Lối so sánh cụ thể mà vẫn duyên dáng, bay bổng. Thật mà vẫn mộng. Nét đẹp của bài ca dao là cách giao tiếp bình dân ,đậm đà bản sắc dân tộc :”miếng trầu là đầu câu chuyện”. Cô gái khéo léo mời chàng trai:
“Tiện đây ăn một miếng trầu
Hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là
Xin chàng quá bước lại nhà
Trước là trò chuyện, sau là nghỉ chân”.
Lời mời trầu chân thành, thẳng thắn có ý chủ động làm quen, thăm dò đối tượng. Nghe những lời mời ý tứ nhã nhặn ấy có lẽ chàng trai không thể từ chối được. Lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy là cơ sở của những cuộc hẹn hò. Có thể đó chỉ là lời nói khéo, ước ao:
“Gần nhà mà chẳng sang chơi
Để anh bắc ngọn mồng tơi làm cầu”.
Hay:
"Ước gì sông hẹp một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”.
Cách nói của ca dao rất trữ tình, rất thông minh. Mời mọc đấy nhưng vẫn ý tứ đáng yêu. Cái sự e ngại thẹn thùng trong lần hẹn hò chính là những rung động đầu đời dù chưa một lần ngỏ ý:
“Rủ nhau đi hái dành dành
Dành dành không hái hái nhành mẫu đơn
Rủ nhau đi hái mẫu đơn
Mẫu đơn không hái, hái bông dành dành”.
Sao lại có sự lạ lùng đến thế? “đi hái dành dành” mà lại “hái nhành mẫu đơn”, “đi hái mẫu đơn” mà lại “hái bông dành dành”. Cách nói vòng, đi vòng của đôi trai gái thật là duyên dáng. Hai người đi cạnh nhau ,chẳng nói một lời nào nhưng trong lòng họ đã nảy nở một mối tình đắm say,lãng mạn.
Một điều dễ thấy ở những người đang yêu là tâm trạng nhớ thương người yêu, đứng ngồi không yên. Không phải chỉ gần nhau rồi xa cách hay yêu mà không được yêu mới tương tư, đến yêu nhau mà không nói được cũng đủ tạo thành tương tư. Ca dao thể hiện tâm trạng ấy rất đặc sắc, sinh động:
“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai”
Hay:
”Thương ai rồi lại nhớ ai
Mặt buồn rười rượi như khoai mới trồng”.
Cái “ra ngẩn vào ngơ”, cái “buồn rười rượi “ấy rất thật. Những người đang yêu lúc nào cũng nghĩ về nhau, bồn chồn, nhớ mong da diết. Nghệ thuật điệp ngữ “nhớ ai” diễn tả nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng của họ. Cách so sánh chính xác gợi hình “mặt buồn rười rượi như khoai mới trồng”dân dã mà thật độc đáo. Nó mang cái vẻ ủ dột, héo hắt. Cái hay của ca dao là ở chỗ đã nói hộ tình cảm, tâm tư của nhưng người đang yêu: lo lắng ,thấp thỏm mong đợi :
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”
Chỉ khi gặp nhau thì “mối sầu tương tư “mới vơi được :
“Sông cách sông thủy cách thủy
Em xe sợi chỉ em bắc cây cầu
Để cho anh sang mà giảm mối sầu tương tư”.
Nhu cầu của tình yêu là bày tỏ tình cảm của mình với người yêu. Cái đặc sắc nhất của ca dao là nghệ thuật tỏ tình của người bình dân : khéo léo và có duyên. Chàng trai trong bài ca dao “Tát nước đầu đình” đã thổ lộ tình cảm chân thành, tha thiết và cũng rất tế nhị, thông minh:
“Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà”.
Mở đầu chàng trai đã mượn cớ xin lại cái áo “bỏ quên trên cành hoa sen” để lôi cô gái vào cuộc, tạo nên một ràng buộc khó chối từ. Không đợi cô gái kịp phản ứng, chàng trai tiếp tục bày tỏ tâm sự:
“Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng”.
Xin áo mà lại kể về mẹ già, vợ con thì thật là vô lí. Nhưng đó chính là cái thông minh, cái duyên ,cái tế nhị của chàng trai: mượn cô gái khâu giùm cái áo và hứa sẽ trả công thật hậu hĩnh:
“Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến lúc lấy chồng anh lại giúp cho
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp đôi trằm em đeo”
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”.
Chỉ khâu lại cái áo sứt chỉ đường tà mà chàng trai lại hào phóng thế sao? Bằng sự nhạy bén, chắc chắn cô gái sẽ nhận ra một điều:chàng trai muốn kết duyên, kết ngãi với cô. Thế là dù không nói trực tiếp nhưng chàng trai đã kín đáo tỏ tình và cầu hôn một cách khéo léo ,pha chút hài hước thật dễ thương.
Nhưng có lúc cách tỏ tình có vẻ thẳng thắn:
“Cô kia khăn trắng tang ai
Nhất tang cha mẹ thứ hai tang chồng
Tang chồng thì vứt tang đi
Tang cha tang mẹ ta thì tang chung”.
Cái bạo dạn của chàng trai chính là cái chất phác, thật thà của người bình dân.Chàng trai đã phá vỡ luật lệ hà khắc của xã hội phong kiến: người phụ nữ phải thủ tiết thờ chồng. Tình cảm của chàng trai đối với cô gái rất chân thành, không câu nệ chuyện cô gái đã có chồng. Cái hay, cái khôn khéo của chàng trai ở chỗ đã mượn hoàn cảnh của cô gái để bày tỏ tình cảm của mình.
Nhưng con đường dẫn đến tình yêu đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng. Khéo léo, đáng yêu là thế nhưng vì một lí do nào đó họ vẫn bị từ chối :
“Ai làm cho bướm lìa hoa
Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng”
Sự thật quá phũ phàng. Yêu nhau nhưng không đến được với nhau còn đau khổ nào bằng:
“Chiều nay có kẻ thất tình
Tựa mai mai ngả tựa đình đình xiêu”.
Tình cảm của chàng trai đối với cô gái có lẽ sâu nặng lắm nên câu ca dao nhuốm màu sắc buồn thương da diết . Khi tình cảm không được đáp lại chàng trai cảm thấy thất vọng và chán chường . Nỗi đau ấy đè nặng đến “tựa mai mai ngả, tựa đình đình xiêu”. Đó là nỗi niềm không ai có thể sẻ chia không có điểm tựa nào để đứng lên.
Tuy nhiên tình yêu cũng có những điều kì diệu . Nó tiếp thêm sức mạnh cho những đôi lứa đến với nhau vượt qua những thử thách, gian nan :
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Ngũ lục sông cũng lội thất bát đèo cũng qua”.
Vượt qua rào cản gia đình:
“-Búp hoa sen lai láng giữa hồ
Đưa tay muốn bẻ sợ trong chùa có sư
-Có sư thì mặc có sư
Xin anh cứ bẻ có hư em đền”.
Bài ca dao là lời đối đáp của chàng trai và cô gái. Hình ảnh ẩn dụ “chùa” tượng trưng cho nhà cô gái và “sư” chính là cha mẹ cô. Chàng trai tỏ ý muốn cuới cô gái làm vợ nhưng lại sợ cha mẹ không ưng thuận. Cô gái đã bạo dạn trả lời:
“-Có sư thì mặc có sư
Xin anh cứ bẻ có hư em đền”.
Từ “mặc” thể hiện thái độ dứt khoát, táo bạo. Cô gái không sợ bất cứ rào cản nào. Đó là thái độ bản lĩnh của những người biết bảo vệ tình yêu.
Tình yêu cũng làm cho người ta cao thượng hơn, dễ dàng thông cảm, chia sẻ cho nhau hơn.
“Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngỏ thấy con mình bò
Con mình những trấu còn tro
Ta đi xách nước rửa cho con mình”.
Một điều cần lưu ý là tình yêu của người bình dân thường gắn với lời thề nguyền:
“Hai ta thề thốt giữa đàng
Vạch cây khắc chữ hỏi chàng nhớ không?”
Hay:
“Chiếc thuyền kia nói có
Chiếc giã nọ nói không
Phải chi miễu ở gần sông
Em thề một tiếng kẻo lòng anh nghi”.
Cách nói của cô gái có phần mạnh mẽ biểu hiện tình cảm thành thật, say mê nồng nhiệt từ trái tim đang yêu. Đó là sự khao khát tình yêu, hạnh phúc khẳng định tình cảm trong sáng của mình.
Nhưng không phải tình cảm đôi lứa nào cũng đem lại một kết quả tốt đẹp. Thực tế cuộc sống có biết bao cuộc tình éo le:
“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biết
Em có chồng anh tiếc lắm thay”.
Bao đau đớn xót xa trước sự thật trớ trêu: người mình yêu đã là vợ của người khác. Chàng trai đã đến muộn và chỉ biết cất lên lời than thở cho mối tình lỡ làng. Còn cô gái thì sao? Cô đã trách chàng trai:
“Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.”
Lời trách đầy chua chát, dỗi hờn. Ranh giới giữa tình yêu và hôn nhân rất mỏng manh, chỉ cần “Ba đồng một mớ trầu cay” nhưng giờ đây nó không thể vượt qua được:
“Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”.Câu thở than nhuốm đầy màu sắc tuyệt vọng, chán chường. Cô gái và chàng trai đành chấp nhận số phận và chỉ có thể nhớ nhau qua những kỉ niệm xưa.
Một số đôi trai gái khác may mắn hơn. Họ được gia đình hai bên chấp nhận. Nhưng dù yêu nhau hay ép gả thì trước khi cưới xin cũng phải trải qua việc thách cưới-một tục lệ có từ lâu đời của người Việt Nam:
“Cưới em trăm tấm lụa đào
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời”.
Lễ vật mà cô gái đưa ra rất khó thực hiện được, tựa như "voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" trong truyền thuyết Sơn tinh- Thuỷ tinh. Có thể đó chỉ là cách nói phóng đại, trêu đùa rất duyên của cô gái mà "nhiệm vụ" của chàng trai là phải nghĩ ra cách đối đáp tế nhị sao cho vừa lòng "người đẹp"!
Cũng có lúc thách cưới chỉ để lấy lệ hoặc chỉ thách cưới vừa sức, chủ yếu mang tính dí dỏm, hoạt kê:
“Cưới em có cánh con gà
Có dăm sợi bún, có vài hạt xôi
Cưới em còn nữa anh ơi
Có một đũa đậu, hai môi rau cần
Có xa xích lại cho gần
Nhà em thách cưới có ngần ấy thôi
Hay là nặng lắm anh ơi
Để em bớt lại một môi rau cần”.
cô gái mới lém lỉnh và đáng yêu làm sao!
Tình yêu – đề tài mà từ ngàn xưa người Việt Nam chúng ta đã say mê được ca dao khám phá và thể hiện đặc sắc, phong phú thế đấy. Nó mở ra một thế giới vô cùng đẹp đẽ, thánh thiện với đầy đủ những cung bậc tình cảm khác nhau: có thương nhớ, có giận hờn, có hạnh phúc, đau khổ, nuối tiếc, ước mơ…Tìm hiểu những cung bậc tình cảm ấy cũng chính là ta đã tìm hiểu nét đẹp tâm hồn của con người, đất nước và dân tộc Việt Nam:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau”.
(Tố Hữu)
Bạn thử tham khảo đi.mình đọc thấy cũng được đó