Có thể nói học trò xưa không chỉ tôn kính mà còn có trách nhiệm với thầy dạy của mình. Gặp thầy phải ngã nón vòng tay chào, khi thầy già yếu thì các học trò phải chung tay lo hậu sự cho thầy.
Vào thời phong kiến khi cho con theo học cha mẹ phải sắm một mâm lễ dâng lên tổ tiên, sau đó có một “lễ mọn” đầy thành kính dâng lên thầy. Thậm chí có gia đình còn gửi hẳn con ở lại nhà thầy, để con vừa học chữ vừa tu dưỡng bản thân và rèn luyện nhân cách. Với học trò thời phong kiến, lời thầy nhiều lúc còn uy lực hơn cả lời cha mẹ.
Nhưng đến ngày nay, dưới tác động của cơ chế thị trường mọi việc đã đổi khác, học trò hình như không còn tuyệt đối tôn kính thầy dạy như xưa. Học trò ngày nay không chỉ “dám” cãi lại, thậm chí là chửi mà còn đánh cả thầy cô giáo. Một trật tự mới đang dần được hình thành: Thầy cần trò chứ trò không cần thầy vì không học chỗ này trò có thể tìm học chỗ khác (miễn là có tiền).
Thời gian gần đây đã xảy ra biết bao việc trái với luân thường đạo lý: Trong tháng 2 vừa rồi cô giáo Sương ở Ninh Thuận bị học trò đánh phải nhập viện vì đã “dám” nhắc nhở cậu học trò kia khi cậu không chịu làm bài kiểm tra lại còn gây rối các bạn. Đáng đau lòng hơn khi cậu này là con của một vị cán bộ công an đồng thời là hội trưởng hội phụ huynh của trường. Rồi đến vụ một giảng viên đại học ở thành phố HCM bị sinh viên cũ tạt axít gây bỏng nặng… chính tác giả đã từng chứng kiến T (Thắng) - một cậu học sinh lớp 9 ở gần nhà chặn đường đánh thầy giáo vì thầy phạt cậu ta đứng cột cờ khi cậu quậy phá. Điều đáng buồn hơn khi cậu ta là người con trong một gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa xuất sắc” có cha mẹ làm cán bộ thôn ấp. Rồi theo lời cô em họ học tại một trường tư thục cấp 3 ở Xuân Lộc kể lại rằng bạn em đã trét mắt mèo ( một loại cây có trái gây ngứa dữ dội) lên ghế của cô giáo và khi cô la mắng thì cậu ta không những không hối hận mà còn tay đôi cãi lại cô… còn việc nói xấu sau lưng hay đặt biệt danh cho thầy cô thì rất phổ biến. Nào là: bà chằng, hắc ám, ông kẹ…toàn những “mỹ từ” khó chấp nhận. Có cô giáo hơi khó tính chưa có chồng khi đã xấp xỉ tuổi ngũ tuần liền bị học sinh nói xấu rằng: ế nên hâm….
Vì đâu nên nỗi???
Cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho rằng đạo đức học trò ngày nay đang xuống cấp mà phải nhìn lại nhiều vấn đề khác nữa.
Thứ nhất, các em hấp thu nền giáo dục đầu tiên từ chính gia đình. Nếu trong một gia đình mà cha mẹ thường xuyên bất hòa hoặc có lối sống không tốt thì làm sao các em có thể tốt được?
Thứ hai, các em bị ảnh hưởng rất lớn từ môi trường xã hội. Nói thật, ngày nay trong cơ chế thị trường khi đồng tiền có quyền lực rất lớn, có thể đổi trắng thay đen, thì cũng sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ và cái nhìn của trẻ. Đã vậy với hệ thống thông tin đại chúng ngày nay ( tivi, báo, đài, điện thoại, internet…) thì chỉ cần một cái click chuột là trẻ có thể tiếp cận với nhiều cấp độ văn hóa khác nhau.
Thứ ba, điều ai cũng biết là nơi mà trẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất là trường học thì ngày nay cũng không còn trong sạch như xưa nữa. Thầy cô giáo không còn là “mẹ hiền”, không còn hoàn toàn vô tư trong sáng nữa thì làm sao có thể bắt học sinh “vô tư, trong sáng”? Nhưng cũng phải thông cảm cho thầy cô khi học xong ra trường còn phải “chi” một số tiền không nhỏ mới được đứng lớp. Họ còn phải ăn, mặc, còn có gia đình… và trăm thứ phải lo vì vậy họ phải làm cách nào nhanh nhất để lấy lại “vốn lẫn lời” chứ. Vẫn biết rằng nghề giáo ngày nay đã được nhà nước dành cho sự quan tâm rất lớn, đồng lương đã được cải thiện nhưng vẫn không “đua” lại với giá cả thị trường. Bên cạnh đó cũng có một bộ phận thầy cô đã làm ô uế nghề. Cách đây không lâu ta được nghe báo đài lên án vị giảng viên ở trường cao đẳng nọ gạ sinh viên đổi tình lấy điểm. Gần đây nhất là vụ một học sinh cấp 3 tố thầy ép buộc em quan hệ tình cảm…
Thật đau lòng cho môi trường giáo dục ngày nay. Tất nhiên cũng không thiếu những hình ảnh đẹp nhưng những điều xấu ấy đã làm lu mờ đi những hình ảnh đó. Cần lắm những cái bắt tay hợp tác giữa những người có trách nhiệm để cứu vãn truyền thống “tôn sư trọng đạo” ngày xưa.