Các ngôi kể chính: ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai và ngôi thứ ba.
NGÔI THỨ NHẤT (FIRST-PERSON)
Người dẫn truyện chính là nhân vật. Người viết để nhân vật tường thuật lại câu chuyện bằng ngũ quan, tư tưởng, tình cảm của chính nhân vật đó.
Dấu hiệu: Người kể chuyện xưng “tôi”.
Đặc điểm: Người viết có thể tự do hồi tưởng, soi ký ức nhân vật dẫn, cho nhân vật độc thoại nội tâm. Người đọc có thể cảm nhận sâu sắc được mọi tâm tư tình cảm của chủ thể xưng “tôi” (trừ trường hợp người kể chuyện chỉ là nhân vật phụ có nhiệm vụ quan sát). Vì câu chuyện được nhìn qua góc nhìn của một người nên không thể tránh khỏi phiến diện hay sai lệch thông tin.
Nhờ vậy, ngôi thứ nhất tỏ ra hiệu quả trong thể loại truyện tình cảm, hoặc truyện trinh thám cần che dấu diễn biến, tạo thông tin sai và khiến người đọc bị đánh lừa trong việc xác định hung thủ. Điểm khá thú vị trong ngôi kể thứ nhất là thế giới và các nhân vật khác trong truyện được thể hiện thông qua cách nhìn của nhân vật dẫn, từ đó có thể hiện lên ở những cách thức điên rồ rất rất chủ quan. Điều này thực sự tốt cho những tác giả có ý đồ đưa ra một cách nhìn nhận mới, một tư tưởng mới táo bạo và độc đáo (“Bắt Trẻ Đồng Xanh” là một ví dụ). Còn không thì rất dễ gây ra nhàm chán, kể lể dài dòng.
CÁC LOẠI NGÔI THỨ BA (THIRD-PERSON MODES)
1. Ngôi thứ ba giới hạn (Third-Person Limited, Close Third Person) – Câu chuyện được trình bày trên điểm nhìn (Point of view) của một nhân vật duy nhất xuyên suốt chiều dài cốt truyện. Người đọc nhìn thế giới qua đôi mắt của anh ta, nghe được suy nghĩ và hiểu mọi cảm xúc của anh ta. Quan điểm về thế giới trong truyện được trình bày trên quan điểm của nhân vật đó.
Một truyện ngôi thứ ba giới hạn có thể xảy ra sự chuyển giao điểm nhìn (POV) giữa các nhân vật với nhau. Khi đó ngôi kể này sẽ được gọi là: Ngôi thứ ba giới hạn có chuyển điểm nhìn nhân vật (Third-Person Limited with a Shifting POV-Character), Ngôi thứ ba đa nguyên (Third-Person Multiple), Ngôi thứ ba theo phân đoạn (Third-Person Episodic).
2. Ngôi thứ ba toàn giác (Third-Person Omniscient) – Người viết có quyền truy cập vào suy nghĩ và cảm xúc của từng nhân vật trong mọi lúc. Viết kiểu toàn tri là cách viết thể hiện sự hiểu biết toàn bộ những gì liên quan câu chuyện đang được kể (như Chúa trời). Tuy nhiên người viết phải tiết lộ thông tin một cách lịch thiệp, không ngang nhiên nhảy vào đầu các nhân vật. Sự toàn tri nói cho cùng cũng chỉ là một quan điểm của chính tác giả gán lên câu chuyện. Tác giả được phép nhảy qua lại đầu của nhiều nhân vật, nhưng bắt buộc phải có sự chuyển đổi hợp lý. Ngẫu nhiên nhảy vào đầu các nhân vật sẽ tạo ra cảm giác đây là Ngôi thứ ba giới hạn chuyển điểm nhìn tùy tiện.
Dùng ngôi kể này, tác giả cũng có thể tiết lộ những thông tin mà nhân vật không hề biết (ví dụ: “Cả hai ăn mừng vì con quái vật đã chết, nhưng họ không ngờ rằng, phía bên kia bờ đại dương, một con quái vật khác đang xuất hiện.”).
3. Ngôi thứ ba linh động (Third-Person Limited Omniscient, Third-Person Limited Flexible) – Con lai của dạng 1 và dạng 2. Tác giả cung cấp cho độc giả quyền truy cập vào tâm trí của nhân vật chính và cả các thông tin bên ngoài mà nhân vật chính không biết. Nói cách khác, người đọc nhìn thế giới thông qua đôi mắt nhân vật chính và đôi mắt của tác giả. Thông thường, tác giả sẽ đưa ra thêm thông tin về những cảnh mà nhân vật chính không có mặt ở đó.
4. Ngôi thứ ba khách quan (Third-Person Objective, Third-Person Dramatic, Third-Person Cinematic, Third-Person Theatrical) – Người đọc không có quyền truy cập vào bất kỳ suy nghĩ hay cảm xúc của nhân vật. Tác giả chỉ đơn giản mô tả những gì nhân vật nói và làm mà không tiết lộ thế giới nội tâm của họ. Lý do sử dụng ngôi này là để tạo nhịp truyện nhanh hơn, ít tình cảm và nhiều đối thoại, tình huống hơn, và nó cho phép người đọc tạo nên quan điểm của mình về nhân vật mà không có thiên kiến của một người kể chuyện.
5. Ngôi thứ ba chủ quan (Third-Person Subjective) – Nhiều người cho rằng đây là cách gọi khác của Ngôi thứ ba giới hạn, bạn có thể xem chúng là như nhau vì khác biệt giữa chúng không rõ ràng lắm. Nhưng thật ra ngôi kể này gần với ngôi kể thứ nhất hơn. Trong ngôi kể này, quan điểm và tư tưởng của nhân vật dẫn truyện được thể hiện rõ, cảm xúc của anh ta về các nhân vật và tình huống đóng một vai trò trong việc kể chuyện. Do đó thông tin cung cấp cho độc giả có thể hoàn toàn không chính xác và các nhân vật khác có thể được thể hiện sai sự thật.
Trên thực tế, khi sử dụng ngôi thứ ba, các tác giả cứng tay thường kết hợp nhiều loại một cách nhuần nhuyễn, họ điều chỉnh khoảng cách giữa người kể chuyện và các nhân vật kể chuyện của mình một cách tinh tế và khéo léo.
Hay thì nhớ like