Đây là dàn ý của mình, mời bạn tham khảo ^^
MB: Giới thiệu vấn đề nghị luận: lòng yêu nước của nhân dân ta
TB
(1) Lòng yêu nước của nhân dân ta được biểu hiện như thế nào?
- Xưa: thời Bà Trưng, Bà Triệu,... thời kháng chiến chống Pháp, Mĩ
- Nay
(2) Vì sao cần có lòng yêu nước?
(3) Biểu hiện của thiếu tình yêu nước và điều đó gây ra hệ lụy gì?
(4) Cách lan tỏa lòng yêu nước đến cộng đồng
(5) Mở rộng nâng cao: hiện nay, nhiều người vẫn vì ngộ nhận lòng yêu nước mà có những hành vi không đúng đắn, gây mất an ninh, trật tự,...
KB
- Khẳng định lòng yêu nước là phẩm chất cần thiết của mỗi con người
- Liên hệ
Lòng yêu nước là vẻ đẹp tâm hồn của mỗi con người sống trong một quốc gia, một lãnh thổ. Lòng yêu nước xuyên suốt qua thời gian, qua không gian là một tình cảm vĩnh hằng, vĩnh cửu. Qua từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử mà lòng yêu nước có những vẻ đẹp riêng. Bốn câu thơ sau đây có lẽ nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nói hộ chúng ta về lòng yêu nước và trách nhiệm của chúng ta về đất nước:
“Em ơi em
Đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời”
Đất nước là một phần máu thịt của mỗi người. Vì thế, đương nhiên mỗi người là một phần gắn bó không thể tách rời, không thể thiếu của Đất nước. Mỗi người phải biết gắn bó, san sẻ, phải biết hi sinh. San sẻ trách nhiệm, san sẻ niềm vui, san sẻ hạnh phúc cho nhau; phải biết cống hiến, hi sinh cho đất nước, để làm nên sự trường tồn của đất nước. Bốn câu thơ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ với quê hương, tổ quốc của mình.
Trong chiến tranh đã có biết bao người con ưu tú của đất nước của dân tộc đã hi sinh bản thân mình vì sự tồn vong của dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời hi sinh vì dân vì nước. Chị Võ Thị Sáu, anh Lý Tự Trọng, anh Nguyễn Văn Trỗi hi sinh khi tuổi đời còn đang rất trẻ. Anh La Văn Cầu chặt đứt cánh tay mình để vượt qua hàng rào kẽm gai tiếp cận đồn địch cùng quả bộc phá, anh Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh Tô Vĩnh Diện dũng cảm lấy thân mình chèn pháo… những tấm gương liệt sĩ ấy là biểu hiện cao nhất của lòng dũng cảm và lòng yêu nước cao đẹp.
Trong thời hòa bình, lòng yêu nước được thể hiện với hình ảnh của những con người ngày đêm cống hiến dựng xây và bảo vệ đất nước. Từ anh lính nơi hải đảo đến những vùng biên giới xa xôi đang ngày đêm canh giữ vùng trời yêu thương của tổ quốc. Đến các anh chị công nhân, các bác nông dân đang sản xuất ra nhiều sản phẩm làm giàu cho đất nước. Đến các thầy cô giáo cùng học sinh, các anh chị sinh viên đang miệt mài trên giảng đường trên bục giảng để đến chân trời tri thức, đưa tri thức phục vụ đất nước. Hoặc các chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ, hi sinh bản thân mình để truy quét tội phạm bảo vệ bình yên cho nhân dân… đó cũng là yêu nước.
Trong văn học, ta thấy một anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa pa đã một mình lên đỉnh Yên Sơn làm công tác đo gió đo nắng để kịp thời báo về trung tâm khí tượng nhằm dự báo thời tiết chính xác đặng phục vụ sản xuất. Là đoàn người hành hương lên Tây Bắc xây dựng vùng kinh tế mới sau chiến tranh “Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu” (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên). Ý thức dựng xây ấy cũng là biểu hiện cao đẹp của lòng yêu nước.
Đất nước kết tinh, hóa thân trong mỗi con người. Con người phải có tinh thần cống hiến, hi sinh, có tinh thần trách nhiệm đối với sự trường tồn của quê hương xứ sở. Đúng như Nguyễn Khoa Điềm đã viết “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”. đó là lời thơ dung dị về tình yêu đất nước trong mỗi con người. Đất Nước là nơi ta sinh ra, nơi ta lớn lên, nơi ta được đến trường, được yêu thương và được làm người. Vì vậy, tình yêu đất nước là tình cảm thường trực trong mỗi con người chúng ta. Tôi còn nhớ đến một câu nói nổi tiếng của một cố tổng thống Mỹ “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn mà bạn phải hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc”. Đó là câu hỏi đặt ra với tất cả mọi người chúng ta. Vậy bạn đã làm gì cho tổ quốc ? Thời chiến tranh, mỗi con người của dân tộc Việt là một cây chông, cả dân tộc là một hầm chông. Chúng ta đã đem cả lương tâm và nhân phẩm bắn tỏa lên bầu trời đầy giặc giã, chiến đấu với kẻ thù lớn mạnh để giữ từng mảnh đất yêu thương. Ngày nay, đất nước không còn chiến tranh, chúng ta phải dốc lòng ra học tập và lao động, lấy tri thức là sức mạnh để xây dựng cuộc sống xã hội tốt đẹp hơn. Lòng yêu nước suy cho cùng là một cuộc hóa thân.
Đất nước – dân tộc là thiêng liêng là sự hòa kết giữa nhiều tế bào sống. Vì vậy, sự tồn tại của cá nhân chỉ có ý nghĩa khi hòa nhập vào cộng đồng. Có như vậy mới đem lại sự thành công trong sự nghiệp chung. Mỗi cá nhân hãy là một mắt xích quan trọng trong sợi dây đoàn kết, hữu ái. Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, thế hệ thanh niên đóng vai trò quyết định làm nên một đất nước giàu mạnh. Vì vậy trách nhiệm của chúng ta là ra sức học tập và không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm để sẵn sáng làm con người có ích cho xã hội và sẵn sàng xả thân vì tổ quốc trong những hoàn cảnh thử thách của lịch sử.
Bên cạnh đó chúng ta cần phải phê phán những người có lối sống ích kỉ, chỉ nghĩ cho bản thân mình, vì cái lợi của cá nhân mà bất chấp tất cả, không nghĩ tới người khác, không nghĩ tới cộng đồng. Trong chiến tranh nhiều kẻ đã phản bội tổ quốc làm tay sai cho giặc, bán đứng đồng đội, bạn bè. Trong thời bình, nhiều kẻ còn mang ảo tưởng lật đổ chính quyền hoặc làm nội gián cho ngoại bang. Sự thật ấy thật chua xót biết dường nào.
Lòng yêu nước là tình cảm cao đẹp và thiêng liêng, mỗi con người chúng ta cần nhận thức được tình cảm cao đẹp ấy để sống cho ra cuộc sống con người. Riêng bản thân tôi, tôi sẽ cố gắng học tập và ra sức lao động, đem tài năng và nhân phẩm của mình cùng muôn triệu con người dựng xây đất nước giàu mạnh, sánh vai cường quốc năm châu như lời dạy của Bác. Xin được lấy bốn câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên thay cho lời kết:
Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông
Thân bài có đủ :
1.Phần giải thích.
- Yêu nước là một khái niệm trừu tượng nhưng đã được nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua diễn tả bằng những hình ảnh hết sức cụ thể và sinh động.Yêu nước bắt đầu từ những tình cảm chân thực, bắt đầu từ tình yêu những vật “tầm thường”, cụ thể gần gũi và gắn bó sâu sắc với con người: “yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua chát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh”. Lòng yêu nước được diễn tả vừa cụ thể, vừa đa dạng.
- Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.
2.Phần chứng minh: Lòng yêu nước được thể hiện qua nhân vật ông Hai trong truyện “Làng”:
- Ông Hai rất yêu cái làng Chợ Dầu của mình. Phải đi tản cư, xa làng, ông rất nhớ. Đi đâu ông cũng kể chuyện về làng, cũng khoe làng, hỏi thăm tin tức về làng.
- Nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, ông đau xót, xấu hổ, tủi thân, dằn vặt trong sự xung đột giữa tình yêu làng và tình yêu nước mà tình cảm nào cũng tha thiết mạnh mẽ. Cuối cùng ông quyết định: “làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Tinh thần kháng chiến, niềm tin vào Đảng, Bác Hồ bắt nguồn từ lòng yêu làng Chợ Dầu và chi phối mọi tình cảm của ông Hai.
- Ông sung sướng khi cái tin làng Chợ Dầu theo giặc được chủ tịch xã lên cải chính. Đi đâu ông cũng khoe: “Tây nó đốt nhà tôi rồi... Đốt nhẵn”. Đó là bằng chứng chứng tỏ làng ông không theo giặc.
- Lòng yêu làng, yêu kháng chiến, niềm tin vào Đảng, Bác Hồ, lòng yêu nước của ông Hai mộc mạc, hồn nhiên mà rất sâu sắc, điển hình cho bao tâm hồn người nông dân Việt Nam trước cách mạng.
3.Nhận định về lòng yêu nước sâu sắc và có ý nghĩa giáo dục cao đối với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ đã và đang đóng góp trí lực của mình trong sự nghiệp bảo vệ, dựng xây đất nước thời kì đổi mới.
4. Giới trẻ ngày nay ( phản đề)
5. Liên hệ bản thân