Vật chất là cái ta làm ra, nếu ta nghèo về vật chất, ta cố gắng làm lụng, ta cố gắng dành dụm, ta cố gắng hơn những người khác, đến một lúc nào đó, ta sẽ vượt qua cái nghèo dù không giàu có nhưng không còn nghèo nữa.
Thêm nữa, một khi ta cố gắng, sẽ có nhiều người giúp đỡ ta, nhiều khi sự giúp đỡ đó không là của cải vật chất, nhưng giúp ta có thêm nghị lực để vượt qua.
Cái có không chờ kẻ lười biếng.
Vậy kết luận : Nghèo nàn về vật chất dễ chữa.
Tâm hồn là "của cải tinh thần" là cái mà ta phải trau dồi, ta phải un đúc, ta phải nhận xét để rút ra những bài học làm phong phú thêm, ta phải biết yêu thương, ta phải biết cho và nhận những giá trị tinh thần.
Một khi tâm hồn đã "nghèo nàn" thì....khó có phương sửa đổi, vì người nghèo nàn tâm hồn chỉ biết đến bản thân họ. Không vừa ý, không đạt được mục đích thì đổ thừa tại này, tại nọ, không coi xét lại tại sao thất bại. Khi thành công thì tự phụ, cho ta là hơn hết thảy mọi người khác, coi những người khác là tầm thường, là vô dụng.
Vậy ta thấy rồi đó: nghèo nàn tâm hồn là một căn bịnh trầm kha khó có thuốc chữa trị.
Một người nghèo, nhưng tâm hồn trung thực, hiền hậu sẽ được cộng đồng chia sẻ khó khăn, sẽ được nhiều người giúp đỡ thương yêu.
Trái lại, một kẻ dù giàu sang danh giá, nhưng tâm hồn nghèo nàn thì sẽ bị cộng đồng xa lánh, tránh xa.