– Thói quen ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc hình thành cá tính, nhân cách con người. Khổng Tử từng nói, đại ý: Con người, bản tính vốn giống nhau, nhưng vĩ nhiễm thói quen khác nhau nên thành ra khác nhau. Tương lai, sự thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau của con người phụ thuộc một phần quan trọng ở thói quen. Cùng với sự phát triển của xã hội, giới trẻ ngày nay nhìn chung năng động hơn, độc lập, tự chủ và sáng tạo hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, dưới sự tác động của môi trường văn hoá, xã hội đương thời, giới trẻ hiện đang hình thành một số thói quen không tốt. Và điều quan trọng là, đã là thói quen thì rất khó thay đổi, bởi thói quen xấu như một chiếc giường thoải mái, dễ trèo vào nhưng khó trèo ra. Vậy làm thế nào để nhận diện được những thói quen xấu và bằng cách nào để loại bỏ chúng?
– Thói quen là những phản xạ, hành vi, việc làm được lặp đi lặp lại nhiều lần, lầu ngày trở thành nếp. Thói quen là thứ mà đôi khi con người ta không nhận ra, không ý thức được nó. Đúng như nhận xét của Johnson: “Mới đầu, những mắt xích của thói quen qùá nhỏ để nhận ra, cho tới khi chúng quá lớn thì khó mà tháo gỡ”. Thói quen không có sẵn mà là kết quả của một quá trình sống, quá trình hoạt động của mỗi cá nhân. Dựa vào lợi ích hoặc tầc hại do thói quen mang lại, người ta chia nó thành hai loại: thói quen tốt và xấu. Những thói quen tốt, chẳng hạn: ngủ dậy sớm, đọc sách, thường xuyên tập thể dục, xác định mục tiêu công việc rõ ràng, vạch kế hoạch trước khi hành động, gọn gàng ngăn nắp,… Những thói quen xấu, chẳng hạn: ỷ lại, lề mề, ngại suy nghĩ, luộm thuộm, nói xấu người khác, tham ăn, nhìn mọi sự theo hướng tiêu cực,…
– Thói quen xấu như một chiếc giường thoải mái, dễ trèo vào nhưng lại khó trèo ra,ý muốn nói: Việc thay đổi thói quen, đặc biệt thói quen xấu ở một con ngưòi là rất khó khăn. Bởi vì, thói quen là những gì đã định hình, đã bắt rễ trong lối sống, trong sở thích của họ. Chẳng thế mà dân gian có câu: Chứng nào tật đấy, Ngựa quen đường cũ. Thói quen thường đem lại cho con người cảm giác dễ chịu, “quyến rũ” con người hành động theo sở thích mà không cần phải suy nghĩ. Theo các nhà tâm lí học, thói quen dựa trên nguyên tắc niềm vui: về bản chất, con người chỉ muốn được vui vẻ, thoải mái; thích né tránh khó khăn, đau khổ. Khi những hành động được lặp lại nhiều lần, mà chủ thể lại cảm thấy thoải mái, thậm chí thích thú với nó thì hành động – tức thói quen đó sẽ rất khó loại bỏ. Nhà văn người Anh, S. Maugham nhấn mạnh: “Điều bất hạnh ở cõi đời này là chúng ta từ bỏ thói quen tốt dễ dàng hơn là loại bỏ thói quen xấu”.
– Do tác động của môi trường xã hội, do ảnh hưởng của gia đình và sự chi phối của cảm xúc, tâm lí cá nhân, giới trẻ Việt Nam hiện đang nhiễm phải một số thói quen xấu. Điển hình, có thể kể đến: thói quen văng tục chửi thề, dễ nổi nóng, “nghiện” mạng xã hội, lười đọc sách, lười lao động chân tay, tư duy thụ động, thờ ơ vô cảm, lạm dụng bia rượu, lười tập thể đục,…
– Văng tục, chửi thề đang trở thành một thói quen hằng ngày, thậm chí là từ cửa miệng của một bộ phận giới trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, đa số giới trẻ hiện nay đều mắc chứng “nghiện” mạng xã hội. Nhiều bạn ngồi hàng giờ trước máy tính, điện thoại, thậm chí thức thâu đêm để Online, lướt facebook, và ngủ bù vào ban ngày. Tiếp theo, lười đọc sách cũng là thói quen phổ biến của những người trẻ tuổi. Có quá nhiều thứ hấp dẫn như phim, game, mạng xã hội, các cuộc tụ tập vui chơi đã khiến họ, trong đó có học sinh, sinh viên xa dần việc đọc sách. Ngoài ra, tư duy hòi hợt, ỷ lại, lười biếng, thụ động cũng là thói quen điển hình của giới trẻ Việt. Họ lấy công nghệ google thay cho quá trình tự tìm tòi, khám phá; lười tích luỹ.tri thức, lười hỏi, lười trả lời, lười trao đổi, lười quan tâm,…
– Những thói quen xấu đó đã tàn phá sức khoẻ, gây ra nhiều bệnh tật cho con người như: cận thị, loạn thị, rối loạn giấc ngủ, thể lực yếu,.. Nghiêm trọng hơn, những thói quen xấu đó đã hình thành nên những lớp người thiếu kiến thức, yếu kĩ năng, thiếu tự tin, không có khả năng hợp tác và cạnh tranh. Đất nước trì trệ phát triển bởi những lớp chủ nhân tương lai trống rỗng, vô hồn như vậy.
– Thói quen rất dễ lây lan, bắt chước. “Trong gia đình, thói quen lan nhanh hơn là bệnh sởi” (M. Mc Laughin). cần phải thay đổi, loại bỏ những thói quen xậu càng sớm càng tốt. Bởi vì, “Nếu không chống lại, thói quen sớm trở thành sự cần thiết” (St. Augustine). Để loại bỏ thói quen xấu, trước hết cần phải có ý chí, nghị lực và sự quyết tâm mạnh mẽ của bản thân mỗi người. Sau đó, cần dành thời gian để luyện tập thay đổi hành vi, thay thế thói quen xấu bằng việc hình thành các thói quen tốt. Nếu cần, chúng ta có thể kêu gọi sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè. Chung ta cũng có thể tự khích lệ mình khi đã lấy lại được quyền “kiểm soát” hành động chứ không thụ động, chiều lòng tật xấu. Nếu chẳng may nhiễm lại thói quen cũ, không nên tự dày vò, tặc lưỡi buông xuôi mà phải bình tâm suy nghĩ tìm lí do “ngựa quen đường cũ” để có cách khắc phục.
– Thói quen là rất cần thiết để con người có thể tiết kiệm được thời gian, tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình trưởng thành và phát triển. Nhưng đó phải là những thói quen tốt. Gia đình, nhà trường phải là những môi trường đầu tiên và quan trọng nhất để hình thành nên những thói quen tốt cho các thế hệ trẻ. Và quan trọng nhất vẫn là sự tự ý thức của mỗi người. Các bạn trẻ hãy luôn rèn luyện, thực hành thành thạo những thói quen tốt như: sống có trách nhiệm với chính mình và những người xung quanh; có thói quen xác định mục tiêu, vạch kế hoạch cụ thể trước khi hành động; kiên trì theo đuổi và thực hiện mục tiêu; không trì hoãn công việc vì những lí do chủ quan; luyện tập tự duy chủ động, tích cực và sáng tạo; tranh thủ thời gian để đọc sách và tích luỹ tri thức; tôn trọng và hợp tác hiệu quả với người khác để cùng hướng tới mục tiêu chung,… Làm được điều đó, thì dù “lớn lên” với những thói quen xấu chúng ta vẫn có thể “già đi” với những thói quen tốt