Toàn cầu hoá, quốc tế hoá đã trở thành một xu thế tất yếu trong đời sống kinh tế hiện nay. Bất kỳ quốc gia nào muốn hoà mình vào nền kinh tế thế giới, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia còn lại đều phải quan tâm đến quá trình này.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận được, quá trình toàn cầu hoá, quốc tế hoá cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ không thể xem thường, nhất là trong hoàn cảnh của Việt Nam. Làn gió ngoại lai mạnh mẽ, mới mẻ, bên cạnh khả năng thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống kinh tế, xã hội của Việt Nam, còn có thể đem lại nhiều sự cạnh tranh mới, đe doạ sự tồn tại của nhiều ngành nghề, doanh nghiệp của Việt Nam, thậm chí còn cuốn đi nhiều giá trị cổ truyền tốt đẹp của chúng ta.
Hơn nửa thế kỷ trước, nhà thơ Vũ Đình Liên đã từng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ này.
*
Nhiều người trong chúng ta chắc đã có lần đọc bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên và khi đó, hẳn chúng ta đều dễ dàng chia sẻ với tác giả cảm giác xót xa, mất mát, một cảm giác thật khó phân tích. Không khỏi ngậm ngùi trước tình cảnh “chợ chiều xế bóng” của ông đồ già, nhưng mặt khác, cũng phải thừa nhận một sự thật tất yếu là ông đồ già, cùng mặt hàng “mực tàu, giấy đỏ” của ông đã lỗi thời, không còn phù hợp với nhu cầu cuộc sống nữa, do đó đương nhiên sẽ bị đào thải.
Mặc dù nhận thức như vậy nhưng khi đọc “Ông đồ”, chúng ta vẫn không thể không động lòng trắc ẩn trước tình cảnh của một lớp người, một ngành nghề đã bị bỏ rơi, bị mai một trước sự thay đổi của thời đại. Trong bài thơ, dù rất ngắn ngủi, tác giả đã tái hiện một cách sinh động toàn bộ “vòng đời sản phẩm” của nghề viết chữ thuê ngày Tết của ông đồ. Trong hai khổ thơ đầu, tác giả vẽ nên “giai đoạn phát triển” trong công cuộc kinh doanh của ông đồ:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Trên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”
Trong chuyên môn của mình, ông đồ là người có tay nghề cao, được tín nhiệm và cũng có chú ý tiếp thị cho “mặt hàng” của mình. Chúng ta đều biết thư pháp chữ Nho đòi hỏi trình độ nghệ thuật cao, muốn viết chữ đẹp phải trải qua một quá trình luyện tập lâu dài và phải có “hoa tay”. Thậm chí, ngày xưa còn có tục “xin chữ” của những nhà Nho tên tuổi về treo trong nhà để lấy khước, mà cụ Nguyễn Khuyến là một ví dụ.
Tại Trung Quốc, những bức thư hoạ của những nhà thư pháp nổi tiếng thời xưa còn được lưu giữ đến tận bây giờ và được bán với giá rất cao. Ở Việt Nam, khi chữ Nho còn thịnh hàng năm vào ngày Tết, dân gian có lệ đi mua những bản viết chữ Nho trên giấy đỏ về treo trong nhà như một vật trang trí. Ông đồ trong bài thơ này là người kinh doanh nghề đó.
Ông có tay nghề cao, có “hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay”, đây là lời khen ngợi đỉnh cao với người viết chữ đẹp thời đó. Ông lại biết chọn chỗ “đông người qua” lại để “chào hàng” của mình. Và công cuộc kinh doanh của ông tỏ ra khá phát đạt. Tuy nhiên giai đoạn hưng thịnh này rồi cũng qua. Khi thực dân Pháp sang đô hộ Việt Nam, văn hoá phương Tây tràn vào nước ta. Chữ Nho dần dần mất chỗ đứng trong xã hội, nhất là từ khi dưới áp lực của người Pháp, Triều đình nhà Nguyễn chính thức bãi bỏ các kỳ thi chữ Hán hàng năm.
Các nhà Nho lúc ấy đều rơi vào cảnh “chợ chiều xế bóng”, một số nhạy bén hơn thì phải “vứt bút lông đi, giắt bút chì” (Tú Xương), số còn lại đều thất nghiệp và dần bị quên lãng. Ông đồ của chúng ta cũng nằm trong số này. Vì không chịu thay đổi “mẫu mã hàng hoá” cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mới nên việc kinh doanh của ông đồ nhanh chóng chuyển từ giai đoạn “bão hoà” sang “suy thoái”:
“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài đường mưa bụi bay”
Qua hai khổ thơ này, dù không một lời miêu tả cụ thể về ông đồ, ngòi bút tài hoa của tác giả cũng cho chúng ta thấy tình cảnh đáng buồn của ông khi chữ Nho ngày càng yếu thế, “mặt hàng” tiêu thụ kém khiến “khách hàng” thư thớt, “mỗi năm mỗi vắng người thuê viết”. Vì thế, đến “giấy đỏ” cũng “buồn không thắm”nổi, “mực tàu” vì không dùng đến nên cũng “đọng trong nghiên sầu”.
Bản thân “người sản xuất” là ông đồ thì tuy vẫn phải ngồi đấy nhưng “qua đường không ai hay” , khung cảnh trời mùa Đông cận Tết với “lá vàng”, “mưa bụi” như cũng chia buồn với ông. Cuối cùng, cũng như tất cả các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ khác, việc kinh doanh của ông đồ cũng dần đi đến chỗ phá sản và ông phải từ giã thương trường. Với tấm lòng đồng cảm của nhà thơ, cảnh này đã được mô tả thấm đượm tình người:
“Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Đọc hai câu đầu, ta không khỏi liên tưởng tới hai câu Kiều nổi tiếng của Nguyễn Du, lấy ý từ bài thơ (*) của Thôi Hộ đời Đường:
“Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”
Hai câu thơ này đặc biệt thành công khi dùng thủ pháp so sánh giữa cảnh và người để nêu bật lên sự thay đổi của con người. Cảnh vật là “hoa đào” thì vẫn còn đó, vẫn nở đón xuân như mọi năm nhưng “ông đồ xưa” thì không thấy nữa. Chắc cũng như những nhà Nho thất thế khác, ông đồ đã lui về quê, dựa vào con cháu để sống nốt những ngày tàn của đời mình trong sự tiếc nuối “thời oanh liệt nay còn đâu?”.
Bên cạnh nỗi đau mất nghề, cùng với cả dân tộc, ông còn mang nặng nỗi đau mất nước, khi cùng với sự tràn ngập của chữ quốc ngữ, thực dân Pháp ngang nhiên thống trị trên đất nước ta trước sự bất lực của vua quan triều Nguyễn. Cũng vì cùng tâm sự đó, tác giả đã kết thúc bài thơ bằng hai câu thơ tuyệt tác:
…“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Ở đây, tác giả không chỉ muốn nói lên sự xót xa cho thân phận của một ông đồ, một ngành nghề mà như muốn nói lên nỗi đau trước sự mất mát của một lớp người tinh hoa cũ, cùng với họ là cả “quốc hồn, quốc tuý” của cả dân tộc trước sự xâm lăng của văn hoá ngoại lai.
*
“Bình cũ, rượu mới”, sau hơn nửa thế kỷ đọc lại bài thơ này, ta thấy vấn đề nhà thơ đặt ra ngày ấy vẫn giữ nguyên giá trị thời sự của nó. Ngày nay, dù không còn bị ngoại bang thống trị nhưng việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc vẫn đang là vấn đề cần được quan tâm.
Công bằng mà nói, công cuộc đổi mới đã đem lại một sự khởi sắc rõ rệt cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng bên cạnh đó, nó cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ, đặc biệt là về văn hoá. Sự giao lưu với các nền văn hoá bên ngoài đã giúp chúng ta tiếp nhận được nhiều thành tựu mới của văn hoá thế giới nhưng cũng mở đường cho nguy cơ đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. Nguy cơ này đang lan tràn khắp mọi nơi, trong mọi tầng lớp nhân dân.
Hiện tượng sùng bái hàng ngoại, sùng bái tư tưởng ngoại quốc đã xuất hiện ở nhiều nơi, gây nên những xáo trộn nghiêm trọng trong đời sống nhân dân. Thực tế đã chứng tỏ, nếu chỉ chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua yếu tố văn hoá, nhất là văn hoá dân tộc sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như băng hoại các giá trị tinh thần, phá huỷ các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc… dẫn đến sự bất ổn sâu sắc trong xã hội.
Văn hoá là sự vận động không ngừng để loại bỏ cái cũ, cái lỗi thời, xây dựng những nét văn hoá mới, phù hợp với thời đại. Vì vậy, “Bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc cái hay, cái tiến bộ trong văn hoá các dân tộa khác đồng thời chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục tập quán cũ”. Đây chính là mong mỏi của đông đảo người Việt Nam để bảo vệ và duy trì truyền thống của cha ông!