Trong chúng ta chắc có nhiều người đã từng được nghe giai thoại Thiền học liên quan đến câu chuyện "an tâm" giữa Bồ Đề Đạt Ma và Tổ Huệ Khả. Khi Tổ Huệ Khả thỉnh cầu Bồ Đề Đạt Ma, “Xin Thầy an tâm cho con.” Bồ Đề Đạt Ma bảo, “Ngươi đem tâm của ngươi ra đây để ta an cho.” Tổ Huệ Khả bối rối, “Nhưng con không thể tìm ra nó.” Bồ Đề Đạt Ma cười bảo, “Thì ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.”
Sự bối rối của Tổ Huệ Khả cũng là sự bối rối của tất cả chúng ta. Cho đến nay Tâm vẫn là một khái niệm trừu tượng. Có tâm hay không? Nếu có, tâm nằm ở đâu trong mỗi con người? Phải chăng tâm chính là thần thức, một danh từ mà Phật giáo Tây Tạng thường hay dùng để chỉ một cái gì đó như là một chủng tử -tích lũy tất cả nghiệp quả của một cá nhân- sẽ rời bỏ xác thân khi ta chết để đầu thai hay đi về một cảnh giới khác? Vậy tâm là thế nào? Tâm là một danh từ ai cũng nói được, nhưng tâm là gì thì chẳng ai biết.
Tổ thứ 14 của Thiền Tông Ấn Độ là Ngài Long Thọ dùng "Hư không vô sở hữu" để thí dụ cho tâm. Tâm linh vốn chẳng có hình thể số lượng, do đó dùng bộ óc suy nghĩ chẳng thể tiếp xúc, nên chẳng thể dùng lời nói văn tự để diễn tả.