Văn Nghị luận văn học

Sarahcute

Học sinh
Thành viên
14 Tháng ba 2017
54
11
46
23
Thành phố Huế
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Những câu thơ mỏng tựa cánh chuồn
Ngàn năm bay ngược bão
Mang sấm sét của những vùng chưa qua
Mang ánh trăng của những thời chưa tới
Cái mong manh thắng được cả sắt thép
Bền vững đến muôn đời…
(Bản Xônát hoang dã).
Anh/chị hiểu như thế nào về ý thơ trên.
 

trunghieule2807

Học sinh tiến bộ
Thành viên
24 Tháng hai 2017
531
519
209
Hà Tĩnh
Do tính chất ngắn gọn, hàm súc nên sáng tác thơ trữ tình của các nhà thơ lớn có tầm tư tưởng cao thường có tính khái quát, tiềm ẩn một bản chất triết lý. Tính triết luận này phản ánh sự sâu sắc trong nhận thức của chủ thể trữ tình trước mọi sự tồn tại. Với Trần Nhuận Minh, tính triết lý trong thơ ông thường bắt nguồn từ những phát hiện, phân tích, lý giải vấn đề trên cơ sở các cặp quan hệ biện chứng vừa thống nhất, vừa đối lập, cái logic và cái phi logic luôn sóng đôi bên nhau tạo nên những cặp hình tượng nghệ thuật sống động mà sâu sắc.

Nhận thức là hoạt động lý tính nhằm khám phá bản chất và quy luật tồn tại của đối tượng nhận thức. Đối tượng nhận thức trữ tình trong thơ Trần Nhuận Minh khá đa dạng, phong phú, thuộc mọi lĩnh vực, từ tự nhiên đến xã hội, từ Đấng Sáng Tạo toàn năng đến con sâu cái kiến, từ hiện tượng vật chất đến những biến thái tinh diệu của ý thức, tiềm thức và vô thức con người.

Nhận thức về thế giới tự nhiên, chủ thể trữ tình trong thơ Trần Nhuận Minh không có tham vọng đi đến tận cùng tất cả các quy luật, bản chất theo logic tư duy lý tính. Các sự vật, hiện tượng chủ yếu được phát hiện trong những mối tương quan phi logic, thậm chí đi ngược với nhận thức quen thuộc của truyền thống, đem đến những suy luận, lý giải lý thú. Trật tự thế giới được sắp xếp thành dãy số huyền bí, vừa hợp lý, vừa bất hợp lý, vượt ra khỏi nhận thức lý tính: Ta vào chỗ không thành có/ Ta vào chỗ có thành không.

Câu thơ diễn giải dưới hình thức đưa ra những tiền đề và phản tiền đề tạo nên sự đa chiều trong nhận thức. Có mà là không, không mà là có, cái có tồn tại trong cái không và trong cái không chứa đựng cái có, chúng đối lập nhau nhưng dựa vào nhau mà tồn tại, chúng chuyển hóa lẫn nhau tạo nên quy luật vận động của muôn loài, là đạo biến hóa của tự nhiên. Quan niệm này gần với học thuyết về "Đạo" của Lão Tử "Hữu vô tương sinh" (Có với không cùng sinh).

Trong thế giới đó, vạn vật nhất thể, là sự hóa thân của nhau: Này này/ Nhìn kỹ cá hóa chim/ Lại nhìn kỹ hơn chim hóa cá.

Cá hóa chim, chim hóa cá không nên hiểu máy móc theo quy luật tiến hóa tự nhiên, mà hiểu đó là sự đồng hợp của một thế giới thống nhất, vạn vật không bất biến, vĩnh hằng mà luôn vận động dời đổi, nhưng giữa chúng bao giờ cũng có một mối liên hệ cội nguồn, sự vật này phản ánh, nằm trong tương quan mật thiết với sự vật khác, chúng là sự tái sinh của nhau: Đá đang biến mình thành đất/ Đất đang biến mình thành cây...

Điều đó lý giải vì sao vạn vật hòa hợp ngay trong cả sự đấu tranh sinh tồn còn mất. Sự tồn tại, biến đổi của sự vật này tác động đến sự tồn tại và biến đổi của sự vật khác, tất cả đều phụ thuộc vào nhau trong mối quan hệ nhân quả: Khi đôi bờ xa nối với nhau/ Bằng một cây cầu/ Thì hồn vía con sông hoàn toàn đổi khác.

Các sự vật không tồn tại tĩnh tại trong sự riêng lẻ mà trong những mối quan hệ đa chiều thống nhất trong sự đối lập, vì thế không dễ nhận thức được bản chất thế giới, có những điều mà bằng lý trí tỉnh táo con người không bao giờ cắt nghĩa, không bao giờ hiểu hết được: Biển nhận nước hàng triệu con sông/ Trên khắp thế gian/ Mà vẫn không đầy/ Thu nước hàng triệu cơn mưa/ Từ thuở mở trời/ Mà vẫn không ngọt... Những biểu hiện cụ thể đó chính là sự kỳ diệu của tạo hóa, kỳ diệu của cuộc sống.

Là thế giới vật chất, mọi sự vật trong thế giới tự nhiên đều chịu sự chi phối của vòng sinh tử. Đề cập đến vấn đề này, chủ thể trữ tình đã đem đến một nhận thức, cách nhìn hoàn toàn mới thoát khỏi lối suy nghĩ truyền thống.

Cội nguồn của sự sống là từ sức mạnh huyền bí của "Cái lặng im": Sự ngự trị tuyệt đối của Cái Lặng Im/ Mà hạt nứt vỏ nảy mầm/ Rắn bò ra khỏi hang sâu/ Rộn rã thai nhi quay xuống dưới... Và, cũng chính "Cái Lặng Im" tạo nên những định mệnh cho sự tồn tại: Đôi chân cò rất dài/ Có muốn cũng không sao ngắn được/ Con ếch không có cổ/ Có muốn cũng không thể quay đầu...

Cặp đôi "có muốn" đi liền với "không thể" phản ánh sự bất lực của chủ quan trước ý muốn của tạo hóa.

Còn cái chết lại được đón chào đầy lạc quan như một sự khởi đầu mới: Cõi trần gian/ Chẳng có gì tươi đẹp hơn cái chết.

Sự vật tồn tại bằng thể xác, nhưng "sống" bằng tinh thần. Dòng sông trôi ra biển mà hồn vẫn khắc khoải trở về cội nguồn: Nước sông trôi ra biển bằng xác/ Nước sông bay về rừng bằng hồn/ Ngược chiều nhau/ Và cách xa nhau/ Dòng sông vẫn chỉ là một...

Phân tách sự vật dưới góc nhìn đa chiều giúp Trần Nhuận Minh có được những tứ thơ độc đáo, cách triết luận giản dị mà sâu sắc. Hình ảnh dòng sông là một mà không phải là một bởi sự vận động của nó gồm cả hai chu trình, chu trình chảy trôi ai cũng thấy nhưng chu trình trở lại thì không phải ai cũng thấy. Nhận thức này không chỉ đúng về mặt khoa học mà còn được diễn tả độc đáo, sinh động.

Từ nhận thức về quy luật thế giới tự nhiên chủ thể trữ tình khơi mở đến những vấn đề nhận thức quy luật xã hội.

Thế giới không một màu, nó được phân hóa thành các gam sáng tối mang ý nghĩa biểu tượng: Bên này/ Tiếng thở hào hoa của cây rừng/ Mờ mịt khói/ Bên kia/ Biển đêm đau khổ/ Âm u đến tận chân trời/ ánh trăng lấp đầy rừng biển/ Xóa đi/ Cái hào hoa bên này/ Và nỗi âm u đau khổ bên kia...

Bên này và bên kia của thế giới với những thuộc tính hoàn toàn trái ngược nhau, một thì hào hoa, một thì âm u, nhưng chính ánh trăng đã làm hòa hai nửa ấy để thống nhất nó trong một chỉnh thể. Hình ảnh biển đêm, cây rừng, ánh trăng đều là những hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa biểu trưng. Cuộc đời cũng như thế giới ấy, không đơn màu, cái quan trọng là cách thức con người dung hòa các sắc màu. Ranh giới khổ đau và hạnh phúc rất mong manh, con người thường dễ nhận ra những nỗi khổ mà khó khăn khi thấy niềm hạnh phúc trong cuộc sống của chính mình.

Bất cứ một sự vật nào cũng tồn tại trong mối quan hệ thống nhất và đối lập với các sự vật khác. Nhận thức ấy đã được tác giả thể hiện sinh động thông qua cặp hình ảnh đối nghịch: Ánh trăng - Mặt đất, Màn đêm - Ánh ngày: - Cái giả dối của ánh Trăng/ Đâu có bị cái thuần phác của Mặt Đất xua đuổi/ - Cái Màn Đêm phản trắc đầy cạm bẫy/ Đâu có bị cái Ánh Ngày/ Chính trực anh minh ruồng bỏ.

Đối lập không có nghĩa là phủ định, cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt của nó, cái giả dối song hành cùng cái thuần phác, cái phản trắc đi cùng cái anh minh... như Đêm và Ngày, như Ánh Trăng và Mặt Đất. Nhận thức này bắt nguồn từ cách nhìn vấn đề mang tính biện chứng cao.

Để có thể đi đến tận cùng bản chất trong nhận thức, đòi hỏi phải vượt ra khỏi cái nhìn kinh nghiệm bản thân, hàm ý đó được thể hiện một cách sinh động qua cách kể theo lối ngụ ngôn về loài ve "Tôi nói chuyện với lũ Ve Sầu/ Về Mùa Xuân/ Vườn nhà tôi/ Rỉ rả tiếng côn trùng/ Ngào ngạt hoa tươi, ong lũ lượt đi về/ Ve Sầu đập cánh/ Bác nói thế nào/ Một đời em/ Bay qua mọi vui buồn thời tiết/ Biết vị ngọt nụ hôn tất cả các vùng miền/ Thu âm thanh tất cả các màu sắc/ Trong tiếng đàn em kéo/ Rền rĩ suốt mùa hè/ Mùa Xuân ư?/ Mùa Xuân là cái Không Hề Có". Con Ve đã nhận thức về thời gian bằng sự ngắn ngủi của đời mình, nhận thức về thế giới bằng hiểu biết hạn hẹp của mình dẫn đến sự phủ nhận những điều hiển nhiên nhất khiến người đọc phải bật cười vì sự dõng dạc đầy ngô nghê của nó. Mượn chuyện Ve, tác giả gửi gắm kín đáo ngụ ý chuyện con người khi nhận thức cái mới, cái bản thân mình chưa được trải nghiệm.

Nhận thức là hoạt động của lý trí, nhưng với Trần Nhuận Minh, nhận thức chỉ thực sự đạt được cái đích của nó khi hướng đến đối tượng bằng cả tâm hồn: Muốn nhìn ư?/ Phải nhắm mắt lại/ Muốn nghe ư?/ Phải bịt tai lại/ Những bí ẩn xanh rờn/ Dạt dào tuôn chảy tự trời cao. Khi con người lắng nghe và cảm nhận mọi sự tồn tại bằng tâm hồn mình, con người sẽ đạt được sự thấu hiểu, khi đó con người sẽ hoà mình vào hành trình chân lý của mọi quy luật đã, đang chi phối vạn vật và chi phối mình: Tôi đi chênh chếch/ 23 độ nghiêng/ Các giác quan mở đóng mở không lường.

23 độ nghiêng của trái đất làm thành 23 độ nghiêng của nhận thức. Điều này thể hiện chân lý nếu muốn nắm bắt bản chất của sự vật thì không thể ở ngoài nó, mà phải đặt mình vào vị trí của nó, "vận hành" mình theo quy luật của nó.

Cuộc đời không tĩnh tại, nó luôn vận động chuyển dời khôn lường. Không có một quy luật nào có thể dự báo trước những biến cố có thể xảy ra, vì thế con người sống là cả một nghệ thuật. Chủ thể trữ tình mượn chuyện thơ để nói chuyện đời, nói sức mạnh của nghệ thuật thơ thực chất là nói sức mạnh của nghệ thuật sống "lạt mềm buộc chặt" mà nhân dân ta đã đúc rút từ xa xưa: Những câu thơ mỏng tựa cánh chuồn/ Ngàn năm bay ngược bão/ Mang sấm sét của những vùng chưa qua/ Mang ánh trăng của những thời chưa tới/ Cái mong manh thắng được cả sắt thép/ Bền vững đến muôn đời... Có thế con người mới đạt đến sự ung dung tự tại, bất biến trước những biến động của xã hội.

Nhận thức của chủ thể trữ tình không chỉ dừng lại ở những gì đang tồn tại hiệu hữu mà còn hướng đến nhận thức cả những cái cảm thấy tồn tại trong những giấc mơ, ý nghĩ trong thế giới tâm thức. Những nhận thức này chủ yếu được diễn tả bằng cách thức gieo vấn đề: Ta bàng hoàng trước cái không thể biết/ Đang nhào nặn ta trong cõi vô cùng/ Chả lẽ mỗi chấm người mong manh trên trái đất/ Lại là biểu hiện mơ hồ, huyền bí của không trung.

Thể hiện nhận thức bằng những cặp phạm trù đối lập thông qua hệ thống cặp hình ảnh thơ biểu tượng là phương thức quan trọng giúp Trần Nhuận Minh diễn tả những cấu trúc và mô hình thế giới theo quan niệm của riêng ông, nó không chỉ độc đáo mà còn đạt tới ý nghĩa phổ quát. Sự vật và con người trong tự nhiên cũng như trong xã hội có một bản thể vật chất, tinh thần mãi mãi vận động và biến đổi mà nguyên nhân của những biến hóa ấy là do sự giao cảm giữa hai mặt đối lập cùng tồn tại thống nhất trong bản thân nó.
 

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Những câu thơ mỏng tựa cánh chuồn
Ngàn năm bay ngược bão
Mang sấm sét của những vùng chưa qua
Mang ánh trăng của những thời chưa tới
Cái mong manh thắng được cả sắt thép
Bền vững đến muôn đời…
(Bản Xônát hoang dã).
Anh/chị hiểu như thế nào về ý thơ trên.
Ý thơ của bài:
+ Nhịp sống hối hả đang tước đoạt những điều kiện cần thiết để chúng ta nghiêm túc trân trọng những nhà thơ vẫn nỗ lực gióng chuông cảnh tỉnh tâm thức bối rối của cuộc sống
+ Thay vì ngắm nghía và ngợi ca những giọt nước mắt của đồng loại, nhà thơ ngồi bần thần để nghe những giọt nước mắt ấy rơi trên chính khuôn mặt mình
+ Lững thững khuân vác trái tim nhà thơ kĩu kịt bước lênh đênh đi tìm vẻ đẹp lương tri đang có nguy cơ bị lãng quên
 
Top Bottom