Bài này ko khác gì 1 bài phân tích bình thường, chỉ có điều tăng thêm phần cảm nhận và suy nghĩ cá nhân nhiều hơn, đây là bài tham khảo của thầy Châu Minh Hùng, khoa ngữ văn ĐH Quy Nhơn. Đọc và lọc ra ý chính là công việc của mình, biến văn người thành văn mình 1 cách có sáng tạo, đồng thời chịu khó suy ngẫm và cảm thụ trên văn bản thơ để có được những ý riêng.
* Chú ý phong cách thơ Huy Cận là từ những nhìn nhận quan sát, luôn suy nghĩ về những triết lý sâu xa.
Bài Tràng Giang là 1 bài thơ trữ tình, vừa mang nét cổ điển Đường thi, vừa có cái nhìn hiện đại, gần gũi (ví như câu: ko khói hoàng hôn cũng nhớ nhà) được tâm hồn của chàng thanh niên Huy Cận mang nỗi sầu vạn cổ viết nên.
Chúc em làm bài tốt.
Bài làm:
Tràng giang khơi nguồn từ cảm hứng không gian: Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài. Nhớ không gian là cảm hứng chủ đạo của tác phẩm Lửa thiêng. Nhớ làm cho trời đất phân ly, giữa trời rộng và sông dài trở thành hai mảng không gian viễn cách. Huy Cận đã mô hình hóa vũ trụ dưới cái nhìn mới của con người hiện đại:
Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu
Trong cái ranh giới giữa ngày và đêm, giữa sáng và tối xuất hiện các chiều đối nghịch của không gian: mặt trời lặn xuống để ánh sáng hắt lên, trời vừa thấp vừa cao thành sâu chót vót; sông dài để đường biên của chân trời thêm rộng, bến bờ mất hút, điểm hẹn của bao cuộc gặp gỡ trở thành hoang vắng, cô liêu. Không gian giãn cách ở mọi chiều kích của nó đã phá vỡ cái mô hình vũ trụ Thiên - Địa - Nhân trong quan niệm của con người thời cổ. Con người không còn ở cái tư thế đầu đội trời chân đạp đất nữa mà trở thành một tinh cầu giá lạnh chơi vơi giữa cõi hư vô.
Tràng giang không còn là bức tranh thiên nhiên để con người hòa nhập cùng trời đất nữa mà trở thành dòng đời với bao xao động trong cái ranh giới nhập nhòa giữa cũ và mới. Cuộc sống cũ đi qua, cuộc sống mới đang hình thành, "cái tôi" chơi vơi giữa biển đời đầy biến động. Những xao động của ngoại cảnh đều chuyển hóa thành những xao động của tâm hồn, "cái tôi" thu nhận vào trong lòng mình mọi âm vang của vũ trụ. Con sóng gợn li ti cộng hưởng thành nỗi buồn điệp điệp, con thuyền xuôi mái với nước song song nhân lên thành nỗi sầu trăm ngả. Củi một cành với thân phận mong manh, vì thế trở thành "cái tôi" xê dịch giữa mấy dòng li tán. Sự sống trong vũ trụ Tràng giang trở nên mờ mịt, gián cách giữa hiện tại và quá khứ:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Cồn nhỏ lơ thơ như những nấm mồ hoang lạnh vật vờ trong cõi mịt mờ sương khói. Âm vang đìu hiu của con gió như thổi cái hồn của quá khứ vọng về hiện tại, xua sự sống của hiện tại vào hư ảnh của tương lai. Làng của một thời mất rồi, chỉ còn nghe dư âm. Chợ tưởng như đang còn đó nhưng đã muộn màng, chưa sum họp đã ly tan. Sự sống chứa đựng trong cái vũ trụ này có vẻ tiếp liền đấy mà vẫn chia cắt, nối kết đấy mà vẫn đứt đoạn: bèo dạt hàng nối hàng, bờ xanh tiếp bãi vàng hóa thành không một chiếc đò ngang, không cầu gợi chút niềm thân mật. "Cái tôi" cảm thấy bơ vơ, lạc lõng không biết về đâu trong cõi xa khuất nghìn trùng.
Bao nhiêu thanh âm tinh tế, mơ màng của sự sống được biểu đạt qua tiết tấu ngữ âm của thi ca: điệp điệp, song song, lơ thơ, đìu hiu, chót vót… cuối cùng dồn tụ lại thành âm ba "dợn dợn" có sức mạnh cuộn xoáy trong lòng nhà thơ. Con sông của trời đất hóa thành con sông của trái tim, dòng chảy của cuộc đời biến thành dòng chảy của cảm xúc. Con sóng buồn điệp điệp hóa thành con sóng của khát vọng, dợn dợn lên tưởng chừng như dội ngược về nguồn:
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Tràng giang đưa ta chảy xuôi về biển trời xa xăm cuối cùng lại đẩy ngược ta về với nguồn cội. Giống như củi một cành khô lạc mấy dòng bất giác nhớ về núi rừng, nơi nó đã ra đi. Giống như chim nghiêng cánh nhỏ dưới áp lực của bóng chiều sa mà khao khát tìm về tổ ấm. "Cái tôi" với ảo tưởng tự do sẽ không bao giờ quên được cái ta cộng đồng của mình, dòng chảy trong trái tim của mỗi con người Việt Nam vẫn giữ một lòng quê với cái làng xa dù sau này chỉ còn dư âm trong những huyền thoại.
Nhà là nơi nuôi giữ Lửa thiêng để hồn ta bay về cội nguồn: Đại bàng vỗ cánh muôn năm trước. Ai biết trời xa rộng mấy khơi...
Châu Minh Hùng (Khoa Ngữ văn - Đại học Quy Nhơn)