Nghệ thuật giao tiếp

Z

zimmy.nguyen

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đã bao giờ bạn muốn đi thăm một ai đó hoặc bị bố mẹ bắt thay mặt thăm hỏi ai đó nhưng lại cực kỳ bối rối vì không biết sẽ nói với họ chuyện gì, đi vào thời điểm nào và mua quà gì cho họ? Người lớn tuổi thường khó tính và hơi nghi thức, và sự cách biệt thế hệ làm cho bạn cảm thấy chẳng hứng thú gì khi thăm hỏi, tới nhà chơi… dù về phía họ lại rất mong muốn gặp bạn. Bạn sẽ nói chuyện gì với họ? Mua quà gì đây? Cư xử thế nào để làm hài lòng người lớn tuổi? Tham khảo một vài ý kiến sao để áp dụng xem sao nhé:
nghe-thuat-giao-tiep-voi-nguoi-lon-tuoi.jpg

1. Chọn thời điểm thích hợp để tới nhà

Không phải hễ cứ mong muốn là bạn có thể tới thăm nhà người quen lúc nào cũng được. Nếu cuộc thăm viếng chẳng có gì gấp gáp, hãy cân nhắc lựa chọn thời điểm phù hợp. Nếu người lớn tuổi còn đang bận đi làm, hãy chọn vào dịp cuối tuần là lúc họ rảnh rỗi nhất (và bạn cũng không phải tới trường hay nơi làm việc). Nếu bạn chỉ có ý định ghé thăm một lát, hãy đến vào giờ giữa buồi như 3h chiều (đảm bảo là họ đã ngủ trưa xong), 10 giờ sáng (đảm bảo họ đã thức giấc). Đừng đến vào sát giờ ăn cơm hay đúng lúc nhà người khác đang dùng cơm: sẽ rất bất tiện và khó xử cho cả chủ và khách. Trừ khi bạn đã thân thiết với chủ nhà, còn nếu mối quan hệ đang ở mức quen biết, hãy lưu ý vấn đề này nhé.

Mặt khác, nếu người mà bạn tới thăm đã về hưu hoặc chỉ ở nhà nội trợ, và bạn cũng không vướng bận vào giờ hành chính nhiều, hãy tới thăm họ vào các ngày trong tuần. Cuối tuần, con cái tụ họp – họ sẽ tất bật cùng sự đoàn tụ. Ở ngày thường, họ thường chỉ ở nhà một mình vì vậy sự viếng thăm của bạn sẽ vô cùng có ý nghĩa với họ.

2. Mua quà gì tới?

Trừ khi bạn đến gia đình họ quá thường xuyên, tốt hơn là nên mua một món quà gì đó. Không hẳn là quá trang trọng hay đắt tiền: có thể chỉ là bó hoa nhỏ, hộp bánh, hộp chè xanh, một ít trái cây, đặc sản nào đó… Giá trị vật chất không lớn nhưng bạn sẽ làm họ vui lòng và khiến mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Những cấm kỵ: đừng mua quà quá đắt tiền so với tình hình tài chính của bạn: bạn sẽ khiến họ thấy không thoải mái hoặc nghi ngờ bạn đang dùng quà để nhờ họ giúp đỡ chuyện gì đó…

3. Thăm hỏi bao lâu?

Bạn đừng nghĩ thăm hỏi thì càng lâu càng tốt. Nhiều người sẽ bận bịu vào thời điểm bạn đến thăm, hoặc họ không được khỏe nên không thể tiếp chuyện lâu được. Hãy biết xem xét thái độ của họ. Nếu họ cứ nhấp nhổm nhìn đồng hồ hoặc báo trước với bạn là có bạn bè của họ đến chơi…, hãy khéo léo xin phép họ ra về sớm.

Thời gian thăm hỏi thông thường khoảng 30 phút đến 1 tiếng. Nếu người lớn tuổi muốn bạn đến ăn cơm với gia đình họ, hãy mua ít hoa quả tới và tới trước giờ ăn khoảng 30 phút để giúp họ chuẩn bị bữa ăn.

4. Nói chuyện gì đây?

Nhiều bạn thắc mắc không biết sẽ nói chuyện gì với người lớn tuổi vì sự chênh lệch tuổi tác, khác biệt về sở thích, mối quan tâm… Vì vậy, chỉ ngồi uống nước một lát là bạn đã thấy “không có chuyện gì để nói”. Với người lớn tuổi, hãy nói chuyện về các chủ đề:

- Hỏi thăm sức khỏe

- Hỏi thăm các thành viên trong gia đình

- Hỏi thăm hoạt động gần đây của họ “có đi đâu chơi không, có ra công viên tập thể dục không, …)

- Kể chuyện tình hình học tập, làm việc, gia đình của bạn. Nếu người lớn tuổi quen biết với bố mẹ bạn, hãy kể cho họ nghe chuyện về bố mẹ. Thể hiện sự quan tâm của bố mẹ với cuộc sống hàng ngày của họ.

- Yêu cầu họ kể các câu chuyện về các thành viên trong gia đình họ, chuyện thời trẻ của họ… bạn đừng ngại vì nghĩ “đây là chuyện riêng tư”, những người lớn tuổi rất thích nói về tuổi trẻ của mình.

- Hỏi ý kiến của họ về vấn đề gì đó mà bạn đang quan tâm, ví dụ “cháu nghe nói rất nhiều bạn trẻ đi phá thai lúc mới 17-18 tuổi. Thời của bác thì sao ạ?…”

Có rất nhiều chủ đề để nói, bạn chỉ cần nắm được điểm này: nếu người lớn tuổi hợp tính cách, quan điểm với bạn, hãy nói về các vấn đề chung của xã hội, sở thích chung của hai người. Nếu bạn còn chưa biết họ tính khí ra sao thì hãy hỏi thăm họ là chính. Tránh đưa ra thảo luận vấn đề vì đôi khi đó không phải là điều họ biết/quan tâm nên có thể cuộc nói chuyện sẽ gặp trục trặc.

Đừng e ngại khi phải đến thăm người lớn tuổi: nói chuyện với họ không nhàm chán như bạn tưởng đâu. Hãy tập cho mình sự lễ phép và biết cách quan tâm người khác nhé!
Nguồn: Nghệ thuật giao tiếp: Thăm hỏi người lớn như thế nào?

Đành rằng kỹ năng giao tiếp là tự thân mỗi người rèn luyện mà có, nhưng bao giờ cũng vậy, yếu tố xã hội luôn đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển của loại kỹ năng ngày ở mỗi người, và từng môi trường khác nhau sẽ ảnh hưởng đến việc giao tiếp của mỗi người khác nhau. Ví dụ như, ở một nơi có nhiều ao hồ, khả năng bơi lội của người dân vùng đó sẽ cao hơn là người dân vùng núi. Kỹ năng giao tiếp, dưới sự ảnh hưởng của môi trường, cũng có thể được minh họa như vậy.

Điều này có nghĩa là, nếu muốn nâng cao kỹ năng giao tiếp, bạn có thể phải thay đổi môi trường sống của mình, bên cạnh việc luyện sự tự tin, khả năng nói chuyện của bản thân. Một số yếu tố môi trường sau đây sẽ ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp bạn cần biết:
hoc-ky-nang-giao-tiep-4.jpg

1. Ảnh hưởng từ gia đình

Điều này khỏi phải bàn cãi. Mặc dù càng lớn, con cái càng thoát khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ và ảnh hưởng của cha mẹ lên chúng cũng ít hơn, nhưng sự giáo dục của cha mẹ với các vấn đề giao tiếp và tính cách của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng giao tiếp của bạn.

Một người có người cha hung dữ, hay đánh đập con cái thì cách mà người đó đối xử với những người khác sau này sẽ không khỏi chịu ảnh hưởng này. Họ có thể trở nên nhút nhát hoặc hung dữ, nóng nảy hay cả giận hay đằm tính ít nói, không muốn phản kháng. Cha mẹ có thân thiện với hàng xóm và họ hàng thân thích hay không cũng để lại ấn tượng rất sâu đậm trong lòng đứa trẻ. Lớn lên, bạn sẽ có khuynh hướng giống cha mẹ mình hoặc đối lập với họ.

Nếu kỹ năng giao tiếp của bạn tệ hại, hãy xem xét sự ảnh hưởng này và có thể bạn sẽ cần sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý. Đừng lảng tránh và chủ quan: đây là vấn đề có tính chất gốc rễ, sâu xa từ trong tiềm thức của bạn nên không thể thay đổi một sớm một chiều.

2. Hàng xóm, bạn học của bạn có thân thiện không?

Bạn mới chuyển đến một nơi ở mới. Hàng xóm của bạn suốt ngày đi làm, chẳng chào ai bao giờ, kém thân thiện, khó gần…? Ồ, bạn cũng sẽ chẳng buồn nói chuyện với những người như vậy.

Đến lớp, bạn bè của bạn cũng không hòa đồng với nhau, chơi nhóm với nhau và có suy nghĩ không mấy tích cực với người khác…Khi đó, bạn sẽ tự nhiên sinh ra thói quen ngại giao tiếp và dần dần sống khép kín hơn, ít nói hơn. Điều này hết sức tai hại vì lâu dần, nó hình thành tính cách của bạn (trầm lặng, ít nói) và nó khiến bạn thấy ngượng ngùng khi giao tiếp với người lạ. Khả năng nói chuyện của bạn cũng kém khéo léo hơn.

Cả hai trường hợp trên là ví dụ điển hình cho môi trường xung quanh bạn, gần gũi với bản thân bạn. Nếu môi trường này kém hòa động, kém thân thiện, thì bạn cũng bị ảnh hưởng theo và từ đó khả năng giao tiếp rất khó cải thiện. Ngược lại, bạn học trong một lớp năng động, nhiệt tình, hàng xóm vui vẻ, tự nhiên bạn cũng bị cuốn theo không khí đó và cũng năng động, thích giao tiếp hơn.

Để cải thiện kỹ năng giao tiếp, trong trường hợp này hãy thay đổi môi trường học tập, tham gia các đội nhóm, câu lạc bộ năng nổ để có nhiều cơ hội giao tiếp và nhiều bạn bè hơn.

3. Tính chất nghề nghiệp và môi trường làm việc

Người ta vẫn thường hay trêu ghẹo miệng lưỡi của ai đó với sự liên hệ nghề nghiệp của họ, chẳng hạn như “đúng là nhà báo có khác, đúng là dân sale, dẻo miệng quá…” Chính là bởi ảnh hưởng của tính chất nghề nghiệp. Nếu nghề nghiệp của bạn liên quan đến giao thiệp nhiều và đòi hỏi bạn phải có sự khéo léo trong đó, cơ chế thích nghi sẽ điều chỉnh bạn và sự tiếp xúc, va chạm nhiều khiến bạn sẽ tự rút ra những kinh nghiệm giao tiếp, từ đó giao tiếp khéo léo hơn.

Môi trường làm viêc có năng động hay không cũng ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp của bạn. Nếu bạn sợ mình không có kỹ năng giao tiếp vì tính chất công việc không đòi hỏi bạn giao thiệp nhiều, hãy thử tìm môi trường mới bên ngoài phòng làm việc, bắt chuyện với hàng xóm hoặc gặp gỡ vài người bạn qua mạng….Chủ động tìm kiếm môi trường mới để rèn luyện khả năng nói chuyện của mình \

Tóm lại, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của bạn, nhưng hãy nhớ rằng bạn vẫn có thể thay đổi bản thân mình nếu nhận ra bản chất vấn đề và ý thức học hỏi, cải thiện tình hình…

Hi vọng các thông tin trên hữu ích với bạn và bạn có phương án thích hợp để cải tạo khả năng giao tiếp của mình!
Nguồn: Ảnh hưởng của môi trường xã hội lên kỹ năng giao tiếp của mỗi người
 
Top Bottom