Ngày đầu tiên đến trường

C

chip_coi244

Buổi Khai giảng đầu tiên trong đời.

Đó là ngày sôi nổi, rộn ràng đầu tiên trong đời mà tôi cảm nhận được rõ nét nhất. Cảm giác ấy, không giống như khi đón chờ những cái tết, hay đón chờ đến ngày biết trong nhà có cỗ. Mà nó lạ. Lạ lắm, một chút gì hồi hộp, một chút gì lo lắng, sợ hãi, một chút nỗi buồn - thương - luyến tiếc… nhưng trên hết, vẫn là cái cảm giác nao nức, chờ đợi và hi vọng.

Không chỉ có tôi, tất cả các thành viên trong gia đình cũng thế. Người đầu tiên là cha. Chính cha đã thổi luồng không khí vừa long trọng, trang nghiêm, vừa vui tươi, nhộn nhịp vào khắp nhà. Cha nói đây là một sự kiện vô cùng quan trọng, có thể nói đó là bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Không hiểu “bước ngoặt” ấy là gì. Nhưng tôi cứ hình dung nó cũng như khúc cua đầu làng kia: đã hết một đoạn đường, và tôi cần phải rẽ sang một đoạn đường khác.

Lũn cũn bước đi, đến đúng cái khúc cua ấy, tôi ngoái đầu nhìn lại. Căn nhà tôi đã lấp sau những rặng cây. Đột nhiên, tôi muốn quay trở về. Cái viễn cảnh về một thế giới vui tươi, đầy mới lạ và kỳ thú mà cha tôi đã dựng lên trong tâm trí tôi chợt tan biến hết. Tôi không còn háo hức nữa. Tôi sợ. Tôi rất muốn quay về… Nghĩ thế, tôi vùng tay ra khỏi tay cha, dậm chân tại chỗ. Cha giật mình, thảng thốt nhìn tôi, tưởng tôi giẫm phải gai hay đá phải viên gạch gì đó. Nhưng thấy tôi không hề nhăn nhó, kêu khóc, mà cái mặt phị ra, lì lợm. Cha hiểu ngay vấn đề, bèn cúi xuống bế bổng tôi lên. Lúc đó, tôi mới giãy giụa và gân cổ gào thét: “Con không đi nữa đâu, cho con về với mẹ… Con đi về cơ…ơ…ơ!”.

Mặc, cha vừa bước đi, vừa dỗ dành tôi đủ thứ. Tay áo của tôi ướt sũng nước - chiếc áo mới mà mẹ đã dẫn tôi đi khắp chợ mới mua được, và cả vai áo cha cũng ướt sũng. Cho tới khi, tôi nghe thấy tiếng í éo, tiếng cười, tiếng dép khua loẹt quẹt. Một, hai, rồi từng từng tốp, từng tốp con nít như tôi hớn hở, tíu tít kéo nhau đi. Tôi mới tạm khoá van xả nước mắt. Nhưng trong cổ họng vẫn còn phì ra những âm thanh ư ử, ư ử.

Đúng là một không gian hoàn toàn khác lạ. Nó rộng hơn nhiều so với cái trường mầm non thân yêu của tôi. Có nhiều dãy nhà hơn. Những dãy nhà cũng dài hơn, phòng học to hơn. Và nhiều cây hơn nữa. Đặc biệt, ở đây rất đông học sinh, họ nô đùa, đuổi bắt nhau trông vui ơi là vui. Và, tôi dừng lại ở cái cột chơ chọi giữa sân rồi ngước lên nhìn lá cờ đỏ trên cao bay phấp phới. Tay vẫn níu chặt vạt áo cha.

“A, quản ca!”. “Ừ, quản ca!”. “Quản ca pha đội trưởng!”. Những giọng nói lảnh lót quen thuộc! Mười, Tuyết, Thuần,… từ đâu bỗng xuất hiện quanh tôi. Thoạt tiên, nhìn chúng nó cứ là lạ. Quần áo mới tinh còn rõ những đường gập. Tóc buộc ngỏng lên như cái đuôi gà. Tuyết còn có cả cái bờm nơ hồng, trông điệu điệu. Mới năm ngoái còn học cùng nhau ở trường mẫu giáo, mà hôm nay, nhìn đứa nào nứa nấy có vẻ lạ và lớn hơn hẳn, khuôn mặt thì nom sạch sẽ, rạng rỡ lắm.

Mấy đứa túm tay tôi kéo đi. Tôi lưỡng lự, sợ cha sẽ bỏ lại tôi một mình nơi đây. Nhưng chúng nó cứ lôi đi đầy hào hứng và còn bảo đi xem cái này hay cực khiến tôi không khỏi tò mò.

Chốn hay cực đó là bồn hoa trước dãy nhà có bức tường màu vàng trông rất đẹp. Những chùm hoa màu hồng như điểm tô thêm nét duyên dáng cho dãy nhà. Khi chúng tôi đến, một vài đứa trẻ đang đứng vây quanh trầm trồ, chỉ trỏ. Hoa gì mà đẹp thật, đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy, càng ngắm càng mê quá đi thôi. Tôi hỏi cái Mười xem tên hoa là gì, nó lắc đầu; hỏi cái Thuần, lắc đầu, cái Tuyết cũng lắc đầu nốt.

Chợt, một tốp toàn con trai ào kéo đến, chúng nhao nhao hết cả lên. Có đứa gọi tên đó là hoa giấy. Ồ, hoa giấy, lạ nhỉ! Sao tôi chẳng thấy nó giống tờ giấy tẹo nào. Vì nó ở trong sân trường nên gọi là hoa giấy chăng? Tôi muốn có một cành hoa giấy quá! Vài cánh tay nhỏ nhắn giơ lên, vân vi những bông hoa vừa hé nở, xuýt xoa. Chợt, có một thằng con trai, người đen nhẻm, cái quần xanh xộc xệch, xắn cao gần đến đầu gối, hắn xông lên phía trước, vít một cành có hoa xuống để ngắt. Rồi, ba bốn tên con trai nữa tràn lên. Lũ con gái đứng vòng ngoài lao xao hẳn: “Ui, trên kia, trên kia có chùm đẹp thế”, “Lấy cho tao”, “Cho tao với!”… Tôi lơ ngơ nhìn họ lấy và chia nhau. Không để ý, tôi đã bị mọi người đẩy bật ra một góc. Sợ quá, tôi nhớn nhác tìm ba đứa bạn kia. Chẳng thấy đâu cả. Tôi bệu mặt ra, van nước mắt bắt đầu xoay chuyển. Đột nhiên, đầu tôi kêu một tiếng cốc, liền đó là cảm giác đau đau. Tôi giật mình ngó sau, ngó trước. Hi vọng, đó là cái Thuần, cái Tuyết hay cái Mười. Nhưng không, là thằng Long béo, năm ngoái nó là lớp trưởng, còn tôi là quản ca, thế nên cả lớp cứ hay chế “quản ca pha đội trưởng”. Tưởng rời khỏi trường mầm non, tôi sẽ không còn phải nhìn thấy nó. Vậy mà giờ đây, nó lại đang nhe nhe nhởn nhởn cười với tôi. Cái thằng, ăn gì mà béo khiếp. Sao tôi lại ghét nó thế không biết, ghét lây ra cả những ai tròn tròn, beo béo.

Nhưng giờ Long béo là người quen duy nhất mà tôi nhìn thấy. Dù sao, nó cũng làm tôi trấn an và bớt lo sợ hơn. Tuy nhiên, Long béo chỉ hỏi tôi mỗi một câu: “Mày cũng ở đây à” và ném cho tôi chùm hoa giấy rồi len lỏi vào cái đám đang nhộn nhạo kia. Nhưng liền sau đó, tôi thấy tất cả đều xô nhau chạy tán loạn. Tôi ngơ ngác đứng nhìn, chẳng hiểu vì sao. Hay có tổ ong nào đó? Đúng, chắc ai đó bị ong đốt rồi.

Tôi chưa kịp xót thương cho cái đứa giời ơi nào đấy thì chợt thấy tai mình xoắn lại, đau nhói. Theo phản xạ, tôi co rúm người lại và đưa tay lên tai. Tôi giật thột bởi đụng phải một bàn tay to chắc. Tiếp đó là một giọng nói trầm trầm, nghiêm nghị: “Ai cho phép bẻ hoa ở đây?”. Quá bất ngờ và sợ hãi, tôi run bắn, chỉ biết lắc đầu nguầy nguậy. Người ấy đứng đối diện, bắt tôi phải khoanh tay lại, rồi hỏi tiếp: “Vậy hoa này ở đâu ra?”. “Dạ, của thằng Long béo”. “Đâu? Ai là Long béo? Ở lớp nào?”. Tôi dớn dác tìm quanh xem thằng béo đâu rồi. Nhưng tất cả đều đã ở phía xa, thủ phạm đã biến đi đâu mất.
Tôi toan chạy đi tìm cái thằng béo ị ấy thì cánh tay rắn chắc kia đã giữ tôi ở lại: “Định chạy đi đâu?”. Tôi thật thà: “Cháu đi tìm thằng Long béo”. “Được rồi, tí nữa tìm, giờ hãy đọc to dòng chữ trên kia xem nào”. Tôi nhìn theo ngón tay chỉ tấm biển bé bằng búp tàu cau. Im lặng. “Nào đọc đi!”. Im lặng. “Đọc nhanh lên!”. Im lặng. “Không biết đọc à? Học lớp mấy rồi?”. Im lặng. “Thầy cô nào chủ nhiệm?”. Im lặng. “Học ở phòng nào?”. Im lặng. “Ơ, miệng đâu rồi, sao thầy hỏi không trả lời? Có muốn bị nhốt vào căn phòng kia không?”. Nghe đến “bị nhốt”, tôi không thể im lặng được nữa, đột nhiên oà lên khóc. Vì sợ, vì lo, vì đơn độc… Tôi khóc càng lúc càng thảm thiết, vừa khóc vừa gọi cha.

Người ấy quay qua dỗ dành tôi rồi hỏi: “Con mới vào lớp một à? Ra vậy, được rồi, đây là lần đầu tiên, nên thầy tha. Nhưng sau này nhớ không được hái hoa nhé.”. “Hức, hức, cháu có hái đâu!”. Trong cơn khóc và gào, tôi vẫn cố thanh minh cho mình. Ông ấy vỗ vỗ vào vai tôi, nựng nịu: “Ừ, ừ, thầy biết rồi. Sau này thấy ai hái hoa thì báo với thầy để thầy phạt người đó, được không?”. Tôi lau nước mắt, gật gật. Rồi ông ấy dắt tôi đi. Một lúc sau, tôi nhìn thấy cha đang đứng nói chuyện với một vài người nữa. Tôi mừng quýnh, chạy ù lại, nước mắt nước mũi tèm lem. Cha chưa kịp hỏi tôi điều gì thì tiếng trống trường đã vang lên rộn rã. Cha bắt tay người đàn ông lúc nãy và họ nói với nhau điều gì đó. Tôi chỉ nghe được câu cuối cùng của cha tôi là: “Cảm ơn thầy!”. Rồi cha cúi xuống, hôn lên trán tôi đầy âu yếm: “Đây là thầy Lương, chủ nhiệm của con đấy. Con nhớ phải ngoan, nghe lời thầy nhé. Còn bây giờ thì đi theo thầy ra xếp hàng cùng các bạn để làm lễ Khai giảng nhé. Bố đứng đây chờ.” Tôi lại định khóc thêm lần nữa, nhưng nghe thấy bố nói chắc chắn sẽ đứng đây chờ, thế là tôi yên tâm giơ tay nắm lấy bàn tay đang đưa ra đón sẵn. Một bàn tay rắn chắc và ấm áp như tay cha tôi vậy. Tôi bước đi, lòng lại tràn đầy hân hoan và náo nức.
 
Top Bottom