Chúng ta đang sống trong xã hội hiện nay, một xã hội luôn băn khoăn trăn trở trên con đường xây dựng với nền kinh tế phát triển về khoa học kỉ thuật. Đứng trước tình hình đó chúng ta phải làm gì để trở thành người sống có ích cho xã hội. Những nỗi băn khoăn đó được Tố Hữu trả lời trong bài : “Một khúc ca” :
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả,
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng cho mình”.
Qua đoạn thơ trên, tác giả khuyên chúng ta điều gì, và ta phải sống như thế nào cho đúng với lời khuyên ấy .
Trong đoạn thơ, bằng cách nói giả định “ nếu …. Thì”, Tố Hữu đã đưa ra hai hình ảnh – những sinh vật bé nhỏ trong vũ trụ bao la- “ con chim”, “chiếc lá” và nói lên trách nhiệm của chúng đối với đời. Tạo hóa đã khẳng định rằng “ chim” thì phải hót, “chiếc lá” non thì phải xanh. Điều đó cho ta hiểu rằng: Con chim non được mẹ sinh ra, lớn lên cất cao tiếng hót để ca ngợi cuộc sống hạnh phúc và nó đã cống hiến cho cuộc đời cho vũ trụ trời đất bằng chính tiếng hót tràn đày sức sống ấy. Còn “chiếc lá” với màu xanh tràn đày nhựa sống cũng tạo cho cảnh vật, cho bầu trời được xinh tươi, đẹp đẽ đem lại bóng râm, sự thanh thản cho mọi người. Như vây, chúng đã góp phần cống hiến cho đời rồi đó, mặc dù sự cống hiến ấy ít ai nghĩ đến. Những sinh vật nhỏ bé kia chúng còn biết đem khả năng của mình để làm đẹp cuộc đời. Còn ta, ta đã cống hiến gì cho xã hội, cho con người chưa? Làm người ta “đã vay” rất nhiều của xã hội vậy thì phải biết “trả”, nghĩa là ta phải sống sao cho xứng đáng, phải biết cống hiến cho đời. Đó cũng chính là lời nhắn nhủ của nhà thơ đối với chúng ta.
Đoạn thơ trên đã nêu lên một quan niệm, một lẽ sống đẹp biết bao! Trong cộng đồng xã hội, ta đã sống hòa đồng, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn khó khăn. Và khi nhận ơn của người khác thì ta phải tìm cách trả cái ơn ấy “Lẽ naofvay mà không trả” . Tác giả khẳng định việc “vay” “trả” là điều tất yếu. Mỗi người chúng ta đã “vay” quá nhiều của xã hội, bởi lẽ ta không sống lẻ loi một mình mà luôn luôn cần sự giúp đỡ của người khác, nên nhiệm vụ “vay” và “trả” là nhiệm vụ của chúng ta. Đó là lẽ công bằng và hợp lý. Ở đây “trả” không có nghĩa là chỉ trả cho người mà ta đã vay mà phải “trả” cho đời, hiểu theo cách khác là ta phải biết cống hiến khả năng, sức lực của mình cho xã hội. Ta phải biết góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của đất nước, phải hiểu việc cống hiến là trách nhiệm của mỗi con người sống trong xã hội “mình vì mọi người”. Nếu như ai cũng đều hiểu rằng “sống là cho, đâu chỉ nhận cho riêng mình” thì mọi người sẽ sống đẹp biết bao, tình thương thân tương ái sẽ thắm thiết và tươi đẹp biết dường nào.
Nhưng bên cạnh những người biết sống đẹp ấy, còn một số người mang tính cá nhân, ích kỉ chỉ biết hưởng thụ mà không biết phục vụ cho đời. Họ không hiểu được rằng lợi ích cá nhân phải gắn liền với lợi ích tập thể. Trong việc xây dựng đất nước hiện nay nếu mọi người đồng lòng, hiệp sức , cùng cống hiến khả năng của mình cho xã hội thì việc xây dựng đất nước không phải là điều khó khăn. Vì vậy, những kẻ chỉ đòi hỏi hưởng thụ mà thiếu trách nhiệm với đời chính là những kẻ cản bước tiến của xã hội. Do đó, ta cần phải nghiêm khắc lên án thói cá nhân, ích kỉ xấu xa này. Đồng thời ta cũng xác định cho mình một thái độ sống đúng đắn: ta cần phải phấn đấu rèn luyện cho bản thân, cần phải hiểu được ý nghĩa “sống là cho” đối với xã hội, với đất nước; Và ta phải thấy được sống cống hiến là điều hạnh phúc nhất của con người . Cho nên ngay từ lúc còn là học sinh, ta cần phải tập sống có ys thức “mình vì mọi người” để sau này ta mới trở thành người có ích cho đời, cho xã hội được .
Đoạn thơ của Tố Hữu đã giúp ta bài học đúng đắn về lẽ sống ở đời. Đay chính là lời khuyên nhủ chân thành của nhà thơ đối với thế hệ trẻ chúng ta. Là thế hệ trẻ hôm nay, ta phải sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh của lớp người đi trước, xứng đáng với niềm tin sự mong mỏi của Bác Hồ kính yêu. Đó là sống biết cống hiến, sống có “vay” có “trả”, bởi lẽ “ sống là cho, đâu chỉ nhận cho riêng mình”.
nguồn:yahoo