hj
Người đã cho tôi phép nhiệm màu
Những ngày đầu tháng Chạp, cái lạnh giá đã ghé về miền Tây. Nó không lạnh như cắt da cắt thịt ở miền Bắc, nhưng cũng đủ để nhiều người phải mặc áo ấm mỗi khi đi ra đường vào lúc sáng sớm hay chiều tà. Ngồi học bài trong căn phòng trọ, lạnh quá. Rút vội cái áo ấm khoác vào. Tôi cứ ngỡ mình đang có một giấc mơ tuyệt đẹp. Trong giấc mơ ấy tôi đã gặp “bà tiên” tóc bạc trắng như mây, tay cầm cây phất trần hóa phép cho tôi được ngồi trong căn phòng nơi thành phố đông vui và sầm uất này.
Nghe mẹ kể, tôi hiện diện trên cõi đời này là nhờ ông bà nội nhiều lắm, nhất là bà nội kính yêu. Thế mà tôi hư lắm. Hay khóc nhè và hay làm tốn tiền của gia đình. Cứ khóc một chút xíu, mặt tôi lại đỏ gay rồi toàn thân tím tái, hơi thở khò khè trông rất tội. Bao nhiêu lần trong đêm mẹ bồng tôi vào bệnh viện. Nhà nghèo, với đồng lương công chức ít ỏi của mẹ của cha không đủ để mua thuốc và đưa tôi đi bác sĩ, lấy tiền đâu mà mua sữa thêm để bồi bổ cho con. Đã vậy, mới sinh được sáu tháng, tôi lại bị lồng ruột. Cái ruột gì mà kì. Bác sĩ đã tháo lồng rồi, nó vẫn bướng bỉnh lồng lại. Không biết mấy lần như thế nó mới chịu buông tha.Tôi gầy tọp đi từ dạo đó.
Cha đi làm xa, lâu lắm mới về một lần. Thương mẹ một mình vất vả, vậy là bà nội thường xuyên lên thăm. Khi thì vài con cá phi các chú vừa giăng lưới về, lúc lại nải chuối vàng ươm, quả nào quả nấy to bằng cổ tay, mũm mĩm, tôi chỉ ăn một quả mà đã thấy no rồi.
Để có tiền nuôi các cô chú ăn học, và lên thăm tôi, nội phải còng cọc suốt ngày bên các luống rau hay khóm trúc, khóm tre chăm sóc cho chúng mau lớn để lấy cái đan.Chỉ là vườn trúc xanh um và bụi tre gai chằng chịt sau nhà thế mà qua bàn tay khéo léo của bà nội đã trở thành những vật dụng rất có ích. Nhìn bàn tay nội thoăn thoắt chẻ tre, róc trúc rồi ra nan cứ như người thợ thủ công giỏi. Nào rổ, rá, và cả cái nia to phơi chuối khô hay cái cần xé tôi ngồi lọt cũng do nội và các cô chú trong nhà làm ra.
Có lẽ do ngồi lâu để đan lát, nên nội bị đau cột sống. Cơn đau hành hạ, không đêm nào ngủ ngon giấc. Vậy mà nội vẫn giành thời gian hỏi thăm và chăm sóc cho tôi. Rồi bà nội bị ốm. Bao nhiêu lần vào viện, bao lần bị hôn mê nhưng nội vẫn vượt qua. Chỉ trong một tháng thôi, nội phải lên Chợ Rẫy phẫu thuật thoát vị đĩa đệm ở lưng đến hai lần. Đau lắm. Nhưng khi tôi hỏi, nội lại mỉm cười thật tươi, nắm lấy bàn tay ốm yếu của tôi rồi nhẹ nhàng bảo:
- Nội khỏe lắm rồi. Hồi xưa, bom đạn mịt mùng, ông nội con theo các chú vào rừng hoạt động cách mạng, một mình nội ở nhà làm ruộng, rồi đan lát nuôi mười cô chú con học hành đến nơi đến chốn. Bây giờ đau chút xíu có đáng kể gì đâu.
Nói vậy, nhưng tôi biết nội đau nhiều lắm.
Lên lớp sáu, tôi lại phải nhập viện để bác sĩ giúp phẫu thuật thoát vị bẹn. Đau lắm, nhưng tôi có “bà tiên” bên cạnh ban cho phép nhiệm màu, cùng tình thương của cha mẹ đã dành cho nên cái đau như cục đá nhỏ tan biến đi từ lúc nào chẳng rõ.
Thời gian cứ dần trôi. Hễ khỏe là tôi lại lao đầu vào việc học. Vì tôi sợ lỡ phải vào nằm viện thì còn cơ hội đâu mà học cơ chứ. Niềm tin và sự miệt mài của bản thân cùng những lời nhắn nhủ của nội đã giúp tôi thi đậu vào lớp chuyên Hóa của Trường Chuyện Bạc Liêu. Cả nhà ai cũng vui.
Có lẽ do học nhiều nên sức khỏe tôi sa sút rõ rệt. Những cơn đau co thắt vùng ngực và những lần chóng mặt thường xuyên diễn ra. Những đầu ngón tay cứ sưng vù, tím tái, đau ơi là đau. Nhưng tôi cắn răng chịu đựng để học, và để gia đình không phải mang nặng nỗi lo.
Nhớ có lần nội bảo: Giống nội cái gì cũng được nhưng nhớ đừng giống cái đau bệnh, khổ lắm con à!
Thương nội quá, tôi lại cố gắng nén đau để nội bớt lo.
Những ngày nội dưỡng bệnh ở nhà tôi, là những ngày tôi học được từ nội bao bài học quý để làm người. Đó là ý chí, nghị lực, niềm tin, và cả lòng yêu thương con người nữa. Bữa cơm nào nội cũng giành lại cho tôi khi miếng thịt, lúc chút rau để tôi ăn thêm cho có sức khỏe mà học.
Mỗi lần gió lành lạnh thổi về, mỗi lần hương củ kiệu thoang thoảng đâu đây là mỗi lần lòng tôi lại thổn thức, trào dâng dòng cảm xúc khó diễn tả bằng từ ngữ hết được. Vì tôi lại nhớ đến nội - bà tiên đã ban cho tôi phép nhiệm màu để một lần nữa tôi được tái sinh, hiện diện trên cõi đời này.
Làm sao có thể quên, hai ba tháng chạp năm Kỷ sửu ( 2009), những cơn đau bất thường lại đến với tôi mỗi lúc một dày hơn. Mẹ đưa tôi vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe.. Kết quả làm lòng tôi đắng ngắt và cả nhà lại tăng bao nỗi lo.
- Cháu bị hở van tim, suy tim độ 3 rồi. Chị nên đưa cháu lên thành phố điều trị càng sớm càng tốt.
Lời ông bác sĩ siêu âm, lời cô bác sĩ trong phòng khám, sao mà giống nhau đến thế. Cả nhà gom góp được hơn một triệu đồng, và tối hôm ấy, nội giục hai mẹ con lên Thành phố. Đường xa, lo, sợ… tôi khó thở, nôn rất nhiều rồi mềm oặt trong vòng tay của mẹ. May mà cấp cứu kịp thời.
Nhưng tôi phải phẫu thuật tim thì mới khỏe mạnh được. Hơn trăm triệu đồng, rồi lượng máu truyền cho tôi, tất cả chỉ là ước mơ mà thôi. Nhìn bệnh án, tôi nén thở dài rồi quay vội để lau dòng nước mắt tự trách bản thân cứ làm khổ gia đình hoài.
Nhận được tin, nội bảo: cứ từ từ rồi tính. Đừng có ồn ào, thằng nhỏ lo tội nghiệp. Để nó yên tâm học chứ.
Tết năm ấy, các cô chú về tập trung đông đủ. Nội họp gia đình, rồi thông báo tình hình sức khỏe của tôi. Giọng nội trầm nhưng sao mà ấm áp. Nó cứ như bếp lửa hồng tỏa ấm cả căn nhà.
- Còn người còn của. Mỗi người chung tay giúp con cháu khỏe mạnh để tiếp tục con đường học vấn. Đừng để nó phải nghỉ nửa chừng mà phải tội.
Vườn trúc năm ấy, nội bán mão cho người ta để lấy được tiền một lần mà chẳng chút đắn đo. Mấy mẫu ruộng, nội cũng tìm người cầm cố để lo tiền giúp tôi được phẫu thuật tim. Còn trong vườn, nội trồng đủ thứ. Nào mướp, đậu đũa, đậu bắp, rau cải…thứ nào cũng xanh um. Nội giành những trái ngon đem ra chợ bán kiếm thêm chút tiền giúp tôi có quả tim khỏe mạnh để học hành và thực hiện ước mơ làm bác sĩ của mình. Thương nhất là lúc ấy, sức khỏe nội chưa bình phục hẳn. Thế mà vẫn lom khom nhặt từng con cá phi, cá sặc,cá chốt nhỏ xíu ngồi làm mắm bán kiếm tiền lo viện phí cho tôi. Tết năm ấy nội dặn các chú phải giữ gìn sức khỏe để đi thử máu chuẩn bị truyền cho tôi.
Suốt năm tháng lên xuống Viện tim Thành Phố cũng là bấy nhiêu thời gian nội hồi hộp lo âu. Hễ có ai lên Bạc Liêu, nội lại tranh thủ gởi chút gì cho tôi để bồi bổ. Nhìn những chú tôm dát dáo có cái đầu nhọn hoắt cứng như ngọn dáo đang nằm im trong túi, rồi những ngọn mùng tơi xanh non còn ướt đẫm sương đêm và những củ khoai ngọt còn thơm mùi đất, tôi biết mình được nội và cả nhà thương nhiều lắm.
Vừa thi học kì xong, cũng là lúc quả tim làm tôi muốn nghẹt thở. Còn nội vượt đường xa, giọng run run báo tin tôi cứ yên tâm đi điều trị. Sức khỏe là quan trọng nhất mà.
Trước ngày vào ca mổ. Bốn chú và cả cậu út lên để truyền máu cho tôi. Lo quá, huyết áp tăng, ca mổ lại hoãn thêm một ngày. Nội hay tin lại điện thoại động viên tôi nhiều hơn. Rồi ca mổ thành công, niềm vui vỡ òa, tràn ngập cả vùng quê, thằng cháu nội được cứu sống thật rồi – nội thường mở đầu câu chuyện như thế.
Sau hơn một tháng phẫu thuật. Tôi xuất viện trở về. Cả nhà vui mừng chào đón.
Nội cầm tay tôi, nước mắt rưng rưng, những nếp nhăn xô lại với nhau như cố gắng gói trọn những giọt nước mắt và niềm vui vào trong lòng.
Nội ơi! Con cảm ơn nội nhiều lắm. Nếu không có nội thì làm sao giờ đây con được đến giảng đường đại học cùng các bạn. Làm sao thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ giỏi để chăm sóc sức khỏe cho mọi người phải không nội.
Hôm nay, con nhờ Nét bút tri ân gởi lời tri ân chân thành sâu sắc nhất đến các thầy cô giáo, các bác sĩ ở Viện tim Thành phố và những người thân yêu, đặc biệt là bà nội kính yêu – Bà tiên nhân hậu đã ban cho tôi phép nhiệm màu để tôi được hiện diện trên cõi đời này.