Tại sao tôi không thể đánh ngã đối tác?
Đây là một câu hỏi khá phổ biến trong Aikido. Nó có nhiều cách trả lời khác nhau. Trước tiên, hãy hỏi HLV của bạn – rất có thể bạn thực hành chưa đúng ở một chỗ nào đó.
Sau nữa, hãy ý thức rằng, các kỹ thuật mà chúng ta thực hành trong phòng tập đã phần nào được lý tưởng hoá – không phải bao giờ chúng cũng áp dụng được vào thực tế. Hơn nữa, các đòn thế Aikido được dùng để đối ứng với từng trường hợp tấn công cụ thể, mà rất khó để giả lập tất cả những trường hợp này. Do đó, chúng ta “
chấp nhận” chỉ luyện tập với một vài hình thức tấn công và phòng thủ tổng quát mà thôi. Khi đạt đến các trình độ cao hơn, ta mới có thể tìm hiểu xem từng loại chiến lược tổng quát ấy áp dụng thế nào trong từng trường hợp cụ thể.
Thứ ba là, các kỹ thuật Aikido đòi hỏi một thời gian nhất định để nắm vững và thực hành chính xác. Trong thời gian đó, hãy đề nghị đối tác của bạn giảm bớt tinh thần đối kháng (tấn công chậm hơn, thả lỏng người khi chịu đòn) cho đến khi bạn tiến bộ hơn.
Cuối cùng, có khá nhiều đòn thế Aikido không thể triển khai có hiệu quả nếu thiếu sự kết hợp với Atemi (đòn đánh hướng về phía đối thủ nhằm làm họ bối rối hoặc mất cân bằng, từ đó sẽ dễ dàng thi triển các kỹ thuật tiếp sau). Thường bởi mục đích an toàn mà Atemi bị bỏ qua trong thực hành. Một lần nữa, hãy đề nghị sự hợp tác của bạn cùng tập.
Tôi có thể tập một mình được không?
Thường thì luyện tập Aikido tốt nhất là với một đối tác. Tuy nhiên, có một số phương pháp để tự tập một mình. Thứ nhất, người tập có thể thực hành các bài quyền (kata) với gậy ngắn (jo) hoặc kiếm gỗ (bokken). Sau nữa, bạn có thể mô phỏng các động tác di chuyển của đòn thế với một đối tác “ảo” trong tưởng tượng. Thậm chí chỉ mường tượng các kỹ thuật trong đầu cũng là một cách hiệu quả để tập Aikido một mình.
Tại sao tôi nên luyện tập với vũ khí?
Một số đạo đường mở các lớp riêng chỉ để luyện tập với gậy (jo), dao (tanto) và kiếm gỗ (bokken) – 3 vũ khí chính sử dụng trong Aikido. Tuy nhiên, bởi vì mục tiêu chính của Aikido không phải là sử dụng vũ khí, ngoài các lớp này người tập nên tham dự các buổi tập tay không ít nhất 2 lần/tuần.
Có khá nhiều lí do để luyện tập với vũ khí:
- Trước hết, về lịch sử, các kỹ thuật Aikido bắt nguồn từ các trường phái võ thuật cổ sử dụng vũ khí. Sau nữa, luyện tập với vũ khí giúp tạo ra và duy trì một “khoảng cách cơ sở” (Maai) an toàn.
- Thứ ba, các kỹ thuật cao cấp của Aikido bao gồm cả chống vũ khí. Để chắc chắn rằng các kỹ thuật đó được thực hành một cách an toàn, các võ sinh buộc phải học sử dụng và chống tấn công bằng vũ khí một cách bài bản.
- Thứ tư, một số kỹ thuật và động tác di chuyển quan trọng của Aikido sẽ dễ dàng được giảng giải hay biểu diễn hơn cùng với vũ khí.
- Thứ năm, luyện tập các bài quyền (kata) với vũ khí là một cách để hiểu sâu hơn về các nguyên lý chuyển động căn bản của Aikido.
- Thứ sáu, luyện tập với vũ khí giúp việc thực hành trở nên nhanh, mạnh với cường độ mãnh liệt hơn – nhất là trong các bài tập đối luyện.
- Thứ bảy, luyện tập với vũ khí cung cấp cho người tập cơ hội phát triển khả năng phản xạ nhạy bén đối với các chuyển động xung quanh. Thêm vào đó, sẽ dễ dàng hơn trong việc loại bỏ khuynh hướng “ganh đua” khi bạn tập trung vào luyện tập vũ khí cùng khả năng nhận thức.
- Cuối cùng, luyện tập với vũ khí là cách tốt nhất để tìm hiểu các nguyên lý căn bản của công và thủ. Mọi kỹ thuật Aikido đều bắt đầu bằng việc người phong thủ “di chuyển né tránh” khỏi đường tấn công rồi tạo ra một đường khác (thường là tròn hay xoắn ốc) để thi triển các đòn thế.
Bao giờ thì có thể bắt đầu luyện tập với vũ khí?
Bạn “có thể” bắt đầu ngày từ ngày đầu tiên bước vào sân tập. Nhưng bạn “nên” bắt đầu khi nào HLV bảo bạn làm thế.
Rèn luyện tinh thần trong Aikido
Tổ sư Morihei Ueshiba xây dựng Aikido không chỉ là một hệ thống kỹ thuật dùng để tự vệ. Chủ định của Ngài là hợp nhất võ thuật với hệ thống các tư tưởng, luân lý, khuynh hướng xã hội… Ngài hy vọng rằng Aikido sẽ là một phương pháp hữu hiệu để hoàn thiện con người cả về thể chất lẫn tinh thần/tâm linh. Tuy nhiên, khó có thể nói ngay rằng Aikido có thể tác động (làm biến đổi) lên bất cứ cá nhân nào. Thêm vào đó, nhiều võ thuật khác cũng cho rằng họ có thể khai mở, phát triển hay biến đổi tâm sinh lý của các võ sinh. Vậy thì, chúng ta có thể đặt câu hỏi một cách chính đáng rằng, Aikido có khác biệt hay không và nếu có thì khác như thế nào so với các võ thuật khác trên về khả năng tác động lên người luyện tập?
Rõ ràng là bất cứ sức mạnh biến đổi (transformative) nào của Aikido, nếu có, không thể chỉ bắt nguồn từ các kỹ thuật thuần tuý thể chất. Mặt khác, Aikido còn mang trong mình lý tưởng của Tổ sư về quá trình tự trau dồi thể chất lẫn tinh thần. Người tập Aikido, vì thế, cần nhận thức được quan điểm này và cố gắng hướng thế giới quan của mình theo cách nhìn nhận đó.
Về mặt lịch sử, nguồn gốc sức mạnh có tác dụng biến đổi của các môn võ thuật bắt nguồn từ các tôn giáo và triết học kinh điển như Phật giáo (Buddhism) và Lão giáo (Taoism) (so với các tôn giáo này, ảnh hưởng của đạo Shinto là không đáng kể). Ở Nhật Bản, Thiền tông Phật giáo (Zen Buddism) có ảnh hưởng lớn nhất lên các môn nghệ thuật/ võ thuật mang tính tâm linh. Mặc dù Tổ sư bị tác động nhiều hơn bởi “tôn giáo mới” – Omotokyo – thì ảnh hưởng của triết học Lão giáo và Thiền vẫn thấm đẫm trong Aikido. Cho dù Omotokyo bắt nguồn từ một cấu trúc phức hợp các ý niệm và niềm tin thần bí của đạo (neo-)shinto, sẽ là không hợp lý nếu cho rằng phức hợp này là điều kiện cần thiết cho sự biến đổi thể chất – tinh thần trong Aikido.
Khi sự dung hợp tư tưởng và triết lý Lão giáo và Thiền được thiết lập, sức ảnh hưởng của Aikido thông . qua thực hành trở nên khá khác biệt so với các môn nghệ thuật/võ thuật khác như Karate, bắn cung (Kyudo) hay Trà đạo. Tất cả đều hướng đến một phong thái trầm tĩnh, thanh thoát trong hành xử/ đối ứng, và dễ dàng nhận thức được bản chất của mọi sự như-nó-vốn-là. Điều này sẽ như một mũi tên trúng hai đích: vừa giúp võ sinh hình dung và trải nghiệm các chuyển động và vị trí một cách chính xác, vừa dồn hết sự tập trung của họ vào quá trình luyện tập.Trong thực tế, sự hợp tác bắt buộc trong thực hành là một nguồn gốc khác của sức mạnh chuyển hoá biến đổi con người của Aikido. Sự hợp tác này giúp việc loại bỏ tư tưởng đối kháng – thường là chất keo tạo nên bức tường ngăn cách giữa các đồng môn. Từ đó, thói quen quan tâm đến người khác sẽ không còn giới hạn trong các giờ thực hành Aikido. Nói một cách khác, nền tảng “hiệp khí” trong luyện tập Aikido cũng sẽ là đạo lý trong cách ứng xử hàng ngày của mỗi chúng ta
Cước pháp trong Aikido (Những kĩ thuật hiếm thấy)
Aikido là môn võ với các chuyển động mềm mại linh hoạt, những đòn khóa khớp đau đớn, các thao tác đè và những kĩ thuật ném hiệu quả. Tuy nhiên, khi nói đến cước pháp Aikido, hình như hiếm khi chúng ta được nhìn thấy, phải chăng nó chẳng hề tồn tại trong Aikido ? Câu trả lời là có. Cước pháp và phương cách tự vệ đặc biệt để tránh né các kĩ thuật cước pháp của địch thủ thực sự tồn tại
Nguồn: Aikidoyukishudokan.com