Câu 6:
Đến với bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải, hẳn ai cũng nhớ tới niềm tự hào về quê hương đất nước và niềm tin tưởng vào tương lai của tác giả trong bốn câu thơ:
Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
Đất nước mà tác giả nhắc đến được nhân hoá, mang sự sống của con người. Đất nước Việt Nam với lịch sử bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách gian khổ nhưng với sức sống dẻo dai kiên định vẫn vượt qua và tiến về phía trước. Để có được sự trường tồn ấy, giang sơn gấm vóc này đã thấm bao máu, mồ hôi và cả nước mắt của các thế hệ, của những tháng năm đằng đẵng lúc hưng thịnh, lúc thăng trầm. Nhưng dù trở lực có mạnh đến đâu cũng không khuất phục được dân tộc Việt Nam. Đây chính là niềm tin tưởng, tự hào về tương lai tươi sáng. Nhà thơ cũng khẳng định sự trường tồn vĩnh cửu của dân tộc Việt Nam bằng cách sử dụng biện pháp so sánh cùng với với điệp từ "đất nước" được lặp đi lặp lại. Sao là nguồn sáng bất diệt của thiên hà, là vẻ đẹp lung linh của bầu trời đêm, là hiện thân của sự vĩnh hằng trong vũ trụ. So sánh như thế, tác giả đã ngợi ca đất nước trường tồn, tráng lệ, đất nước đang hướng về một tương lai tươi sáng. Phép so sánh ấy còn độc đáo ở chỗ thể hiện được sự khiêm nhường của tác giả: đất nước ta chỉ là vì sao chứ không phải mặt trời rực rỡ nhưng vì sao đó luôn trường tồn bất diệt và đi lên không ngừng nghỉ. Từ đó, thể hiện niềm tin tưởng của tác giả vào tương lai rạng ngời của dân tộc Việt Nam.
Câu 4:
c. Hình ảnh ẩn dụ "mùa xuân nho nhỏ" là một hình ảnh đẹp. Đây là một phát hiện mới mới mẻ, sáng tạo, bất ngờ, độc đáo mà rất hợp lí, tự nhiên của Thanh Hải. Làm một mùa xuân nghĩa là nguyện sống đẹp, nguyện đóng góp một phần dù là nhỏ bé của mình vào cuộc đời chung. Nhưng đây là một ước nguyện rất khiêm nhường, chân thành mà giản dị. Chỉ là "mùa xuân nho nhỏ" góp vào mùa xuân lớn của đất nước.
d. Trong phần đầu của bài "Mùa xuân nho nhỏ", tác giả dùng đại từ "tôi" nhưng sang đến phần sau lại dùng đại từ "ta". Điều này hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên mà đã được tác giả sử dụng như một dụng ý nghệ thuật thích hợp với sự chuyển biến của cảm xúc và tư tưởng của bài thơ. Chữ "tôi" trong khổ thơ đầu vừa biểu hiện cái tôi cụ thể rất riêng vừa thể hiện được sự nâng niu, trân trọng vẻ đẹp của mùa xuân. Nếu thay bằng chữ "ta" thì không phù hợp. Còn trong phần sau, khi bày tỏ điều tâm niệm thiết tha như một khát vọng được dâng hiến những gì tinh túy nhất của cuộc đời mình cho cuộc đời chung thì đại từ "ta" mang lại sắc thái trang trọng, thiêng liêng. Hơn nữa, tâm nguyện ấy không chỉ của riêng nhà thơ mà còn nói thay cho tất cả mọi người.
e.
Từ cảm xúc mùa xuân thiên nhiên đất nước, Thanh Hải đã bày tỏ khát vọng mãnh liệt cống hiến cho cuộc đời chung.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến
Tác giả muốn làm "con chim hót" giữa muôn vàn tiếng chim để cống hiến tiếng góp vui, "làm một cành hoa" để toả hương giữa vườn xuân rực rỡ và làm "nốt trầm xao xuyến" giữa bản hoà ca muôn màu muôn vẻ đủ làm xao xuyến lòng người. Các hình ảnh "con chim", "cành hoa" được lặp lại tạo ra sự đối ứng chặt chẽ, hơn nữa còn mang một ý tưởng mới: niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là lẽ tự nhiên. Điệp từ "ta" được lặp lại như một lời khẳng định nó không chỉ là lời tâm niệm thiết tha chân thành của nhà thơ mà còn là khát vọng chung của mọi người.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Hình ảnh ẩn dụ "mùa xuân nho nhỏ" là một hình ảnh đẹp. Đây là một phát hiện mới mẻ, sáng tạo, độc đáo mà rất tự nhiên, hợp lí của Thanh Hải, làm một mùa xuân nghĩa là nguyện sống đẹp nguyện đóng góp một phần dù là nhỏ bé vào cuộc đời chung.
Tác giả cho rằng cống hiến là lẽ tự nhiên, cho dù già hay trẻ: "Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc". Hai hình ảnh hoán dụ "tuổi hai mươi", "tóc bạc" cùng điệp ngữ "dù là" gợi ra hành động quyết tâm, dứt khoát, mong muốn tha thiết mãnh liệt của tác giả. Cái hay của đoạn thơ không chỉ dừng lại ở đó mà còn ở chỗ tác giả đã khéo léo chuyển đổi chủ thể trữ tình từ "tôi" sang "ta". Đây không phải một sự ngẫu nhiên mà là dụng ý nghệ thuật của tác giả, "ta" đã nói lên khát vọng không chỉ của riêng ai mà nói cho nhiều người, nói cho cả một thế hệ, một thời đại. Thử hỏi, nếu không có tình yêu đất nước sâu sắc, niềm mong muốn được cống hiến mãnh liệt thì sao có thể viết được những vần thơ hay và đầy ý nghĩa như vậy?
Phần in đậm: lời dẫn trực tiếp