b. Đọc bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải, có lẽ người đọc ấn tượng nhất với cảm xúc của tác giả trước mùa xuân thiên nhiên, đất trời và đất nước trong hai khổ thơ đầu.
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
Ngay câu thơ đầu tiên, tác giả đã sử dụng phép đảo ngữ đặt từ "mọc" lên đầu câu nhằm nhấn mạnh sức sống mãnh liệt của mùa xuân. Trung tâm của bức tranh xuân là bông hoa tím biếc hiện lên giữa không gian bao la của dòng sông xanh, nhưng bông hoa ấy không hề lẻ loi, đơn chiếc, nó đang vươn lên với một sức sống mạnh mẽ. Bức tranh xuân ấy trở nên rộn rã, tươi vui với sự xuất hiện của tiếng chim chiền chiện hót vang trời. Những cách nói rất Huế "ơi", "chi" tạo nên âm điệu ngọt ngào, tha thiết thể hiện cái nhìn trìu mến của tác giả với cảnh vật thiên nhiên. Hình ảnh "giọt long lanh" ở đây có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, đó có thể là những giọt mưa xuân, là giọt sương sớm mai rơi xuống từng nhành cây kẽ lá. Nhưng xét theo mối tương quan với câu thơ trên thì nó là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện trong vắt đang buông trong không gian. Động từ "hứng" thể hiện một động tác trữ tình của tác giả, đó là thái độ nâng niu, trân trọng đối với mùa xuân. Từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, tác giả nghĩ tới mùa xuân của đất nước với hai đối tượng rất cụ thể:
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao
Đó là "người cầm súng" và "người ra đồng"- hai lực lượng tiêu biểu làm hai nhiệm vụ quan trọng là chiến đấu và lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, họ là những người làm nên lịch sử, làm nên mùa xuân. Hình ảnh "lộc" ở đây gắn với người cầm súng và người ra đồng đã tạo nên sức gợi cảm và nhiều tầng liên tưởng. Đó có thể là những chồi non, nhành non của cây cối mùa xuân, "lộc" cũng có nghĩa ẩn dụ là sức sống, thế vươn lên, sự phát triển của đất nước sau những năm tháng bị chiến tranh tàn phá. Điệp từ "lộc" đi cùng với từ "giắt đầy", "trải dài" đã gợi lên và gây ấn tượng về một sắc xuân bất tận, một sức xuân tràn trề đang dâng tràn mọi ngả đường của đất nước và rạo rực trong lòng người.