Văn 12 Một số đề bài và dàn ý chi tiết tác phẩm Tây Tiến (Quang Dũng)

xuanle17

Cựu Mod Ngữ Văn
Thành viên
14 Tháng chín 2018
805
1,015
181
25
Thừa Thiên Huế
Đh sư phạm huế
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề số 1:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đên hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”​
Có ý kiến cho rằng: Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng song cũng đầy dữ dội, khắc nghiệt. Ý kiến khác lại khẳng định: Đoạn thơ vẽ nên bức tranh tượng đài về người chiến sĩ Tây Tiến kiêu hùng, bi tráng nhưng rất đỗi lãng mạn, hào hoa.
Từ cảm nhận của bản thân về đoạn thơ, anh/chị suy nghĩ như thế nào về hai ý kiến trên.

DÀN Ý CHI TIẾT
1. Mở bài
- Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài. Ông vừa là nhà thơ, họa sĩ vừa là nhạc sĩ. Ở bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào ông cũng thể hiện được sự tài hoa trong nét bút của mình. Và khi nhắc đến Quang Dũng, chúng ta không thể không nhắc đến tác phẩm Tây Tiến. Đây là một bài thơ có số phận khá là long đong của ông. Thế nhưng với những giá trị riêng của mình, tác phẩm đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong nền văn học dân tộc. Chính vì vậy mỗi khi nhắc đến thơ văn chống Pháp chúng ta không thể không nhắc đến Tây Tiến.
- Đoạn thơ “Sông Mã ... thơm nếp xôi” là một đoạn thơ đặc sắc, kết tinh những giá trị nổi bật của thi phẩm Tây Tiến. Có lẽ vì vậy mà có ý kiến cho rằng Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng song cũng đầy dữ dội, khắc nghiệt. Ý kiến khác lại khẳng định: Đoạn thơ vẽ nên bức tranh tượng đài về người chiến sĩ Tây Tiến kiêu hùng, bi tráng nhưng rất đỗi lãng mạn, hào hoa. Mỗi ý kiến lại mang đến cho người đọc những góc nhìn rất khác về tác phẩm.
2. Thân Bài
2.1 Giới thiệu chung:
- GT bài thơ Tây Tiến: Đây là bài thơ gắn liền tên tuổi QD. Bài thơ được lấy cảm hứng từ nỗi nhớ thiên nhiên, con người và chặng đường hành quân và con người chiến binh Tây Tiến.
- Thiên nhiên Tây Bắc qua tác phẩm của QD hiện lên đẹp diệu kì, vừa có nét hoang vu dữ dội của cảnh trùng điệp núi cao, vực thẳm; lại vừa đẹp mê hồn bởi những nét thơ mộng và trữ tình cảnh sắc. Hiện lên trên khung cảnh đó là hình ảnh của người lính Tây Tiến kiêu hùng, bi tráng nhưng rất đỗi lãng mạn, hào hoa. Chính vì vậy mà mỗi ý kiến lại phản ánh một phương diện khác nhau của đoạn thơ. Hai ý kiến này có thể khiến bạn cảm giác là chúng đối ngược nhau nhưng không hề. Chúng là hai ý kiến giúp hoàn thiện nhau, bổ sung cho nhau về mặt nhận thức. Tổng hòa hai ý kiến chúng ta sẽ có cái nhìn toàn thiện hơn về đoạn thơ.
- Đoạn trích là những câu thơ mở đầu bài thơ Tây Tiến mang đầy đủ những cung bậc cảm xúc đầu tiên khi tác giả nhắc về những kỉ niệm đã xa. Đó là những dòng hồi ức sống động về thiên nhiên, về những con người đã góp phần làm nên mùa xuân lịch sử cho dân tộc. Nhắc về Tây Tiến là nhớ về một QD hết sức tài hoa, là gợi nhớ về những chàng trai trẻ Hà Nội sẵn sàng ra đi để bảo vệ đất nước. Nhớ Tây Tiến là nhớ một vùng đất thiêng – nơi đã có không biết bao nhiêu con người thân yêu đã dành của tuổi xuân cho đất mẹ.
2.2 Phân tích nhận định thứ nhất: “Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng song cũng đầy dữ dội, khắc nghiệt.”
a) Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng:
- Hình ảnh sương mờ, khói bao phủ khắp rừng núi Tây Bắc: “sài khao sương lấp”, “hoa về trong đêm hơi”, “cồn mây súng ngửi trời”, “cơm lên khói”,...
- Không gian núi rừng bao la, vô tận trải dài trước mắt người lính gợi lên từ hình ảnh “đoàn quân mỏi”, “heo hút cồn mây”,...
- Câu thơ nhiều thanh bằng gợi lên sự rộng lớn, mang những thanh âm êm dịu, huyền ảo, thoáng nhẹ nhưng đầy thơ mộng: Thanh bằng đi với vần “ơi” đã khiến nét vẻ mềm mại, tạo cảm giác lâng lâng, chơi vơi trước cảnh hùng vĩ, bao la của đất trời.
+ Mường Lát hoa về trong đêm hơi
+ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

- Nét điểm xuyết của bài thơ không chỉ là bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc mà còn là khung cảnh sinh hoạt của đoàn binh với bản làng vô cùng đầm ấm, thân mật. Họ được hòa mình vào cuộc sống gia đình, quây quần bên bếp lửa, bên những nồi cơm thơm dẻo đầu mùa trên bếp lửa nghi ngút khói. Hai câu cuối đoạn trích đã tạo nên khung cảnh êm dịu, ấm áp tình quân dân.
b) Thiên nhiên Tây Bắc đầy dữ dội, khắc nghiệt:
- Gợi lên thông qua các địa danh xa xôi, hẻo lánh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu,...
- Vẻ đẹp hoang sơ, dữ dội được khai thác không chỉ ở chiều rộng không gian mà còn ở chiều sâu của thời gian. Nơi núi rừng hoang vu ấy luôn là mối đe dọa khủng khiếp đối với con người:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

- Không chỉ giới thiệu với người đọc những nét vẻ vô cùng mềm mại mà QD còn mang đến những nét vẻ gân guốc, giúp người đọc hiểu thêm về một vùng có địa hình đặc biệt hiểm trở. Các từ láy khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút và cụm từ “súng ngửi trời”. Phép đối trong sử dụng từ ngữ (lên – xuống) kết hợp với việc xuất hiện phép lặp từ chỉ số nhiều (ngàn thước) đã gợi lên thế núi trùng điệp, hiểm trở, chọc trời. Đó là hình ảnh của núi rừng quang co của những bản làng đêm ngày chìm trong sương khói. Những liên tưởng về vùng đất này không chỉ mang cái đẹp, hùng vĩ, thơ mộng mà còn cả sự nguy hiểm đến rợn người về những khoảng không gian lên cao, dựng đứng rồi những đáy vực hun hút trong sương mù.
- Những âm thanh rùng rợn “thác gầm thét” và tiếng “cọp trêu người” khiến cho thiên nhiên càng trở nên dữ dội, nguy hiểm được đẩy lên cao độ.
- Những câu thơ nhiều thanh trắc, nghệ thuật đối lập, lặp từ, lặp cấu trúc, ngắt nhịp câu thơ,... sẽ giúp cho trí tưởng tượng về một vùng đất được mở rộng. Chúng ta sẽ cảm nhận được nhịp điệu tác phẩm như những thanh âm của một bài ca hùng tráng.
2.3 Phân tích nhận định thứ hai: Đoạn thơ vẽ nên bức tranh tượng đài về người chiến sĩ Tây Tiến kiêu hùng, bi tráng nhưng rất đỗi lãng mạn, hào hoa.
- Họ phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, mất mát và hi sinh:
+ Những bước chân mệt mỏi bị nhấn chìm trong màn sương dày đặc “sương lấp đoàn quân mỏi”
+ Người lính phải vượt qua những dỗ núi vô cùng hiểm rở với bao gian nan, vất vả: Những dãy núi cao như “ngửi” trời xanh, những vực sâu thẳm, những sườn đèo dốc.
+ Cái hoang vu, dữ dội của núi rừng thường trực, đeo bám người lính như một định mệnh khó lòng tránh khỏi. Nó song hành trên từng chặng đường, trên từng bước chân đến chiến trường của người lính.
+ Trong chặng đường gian khổ đó, không ít người đã phải trả giá. Nhưng đến tận những hơi thở cuối cùng, họ vẫn giữ nguyên tác phong của một người lính: giữ chắc tay súng, gục trên quân trang
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời

- Tâm hồn lãng mạn, hào hoa được thể hiện:
+ Vẻ tinh nghịch, chất lính ngang tàn thử thách vươt qua hiểm nguy, gian khổ.
+ Trên đường hành quân vất vả, họ thả hồn mình vào thiên nhiên trút bỏ những muộn phiền về thể xác
+ Những ngày dừng chân ở bản làng là những ngày tình nghĩa, đậm chất tình quân dân. Những tình cảm tốt đẹp ấy đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin về một ngày mai chiến thắng.
+ Cái nhìn lãng mạn đã nâng đỡ cho ngòi bút lãng mạn QD tạo nên màu sắc bi tráng khi nhắc đến sự hi sinh của người lính Tây Tiến.
2.4 Tổng hợp
· Đánh giá
- Hai ý kiến đã khái quát được nội dung của cả hai đoạn thơ
- Hai ý kiến mang lại hai cái nhìn hết sức độc đáo nhưng kết hợp chúng ta lại phát hiện nên vẻ đẹp tổng hòa của cả bức tranh của QD. Đó là bức tranh sinh động về thiên nhiên cũng, bức tranh sinh hoạt của con người và hình ảnh của những người chiến sĩ trong nỗi “nhớ chơi vơi” của QD về vùng đất này.
- Đoạn trích không đơn thuần gợi nhớ mà chất chứa trong từng câu từng chữ là tình yêu và sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với vùng đất Tây Bắc, với đoàn binh Tây Tiến.
- Khổ thơ là sự phối hợp hài hòa của bút pháp hiện thực kết hợp với bút pháp lãng mạn. Chính sự kết hợp này đã tạo nên bức tranh thiên nhiên và con người đa chiều, toàn vẹn.
3. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề nghị luận
- Khẳng định lại một lần nữa những thành công của tác phẩm Tây Tiến.
 

xuanle17

Cựu Mod Ngữ Văn
Thành viên
14 Tháng chín 2018
805
1,015
181
25
Thừa Thiên Huế
Đh sư phạm huế
Đề số 2:
Phân tích cảm nhận của anh chị về đoạn trích sau:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.”

DÀN Ý CHI TIẾT
1. Mở bài:
- Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài. Ông vừa là nhà thơ, họa sĩ vừa là nhạc sĩ. Ở bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào ông cũng thể hiện được sự tài hoa trong nét bút của mình. Và khi nhắc đến Quang Dũng, chúng ta không thể không nhắc đến tác phẩm Tây Tiến. Đây là một bài thơ có số phận khá là long đong của ông. Thế nhưng với những giá trị riêng của mình, tác phẩm đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong nền văn học dân tộc. Chính vì vậy mỗi khi nhắc đến thơ văn chống Pháp chúng ta không thể không nhắc đến Tây Tiến.
- Đoạn thơ “Doanh trại ... hoa đong đưa” là một đoạn thơ đặc sắc, kết tinh những giá trị nổi bật của thi phẩm Tây Tiến.
2. Thân bài:
a. Giới thiệu chung về tác giả, đoạn trích:

- GT bài thơ Tây Tiến: Đây là bài thơ gắn liền tên tuổi QD. Bài thơ được lấy cảm hứng từ nỗi nhớ thiên nhiên, con người và chặng đường hành quân và con người chiến binh Tây Tiến.
- Thiên nhiên Tây Bắc qua tác phẩm của QD hiện lên đẹp diệu kì, vừa có nét hoang vu dữ dội của cảnh trùng điệp núi cao, vực thẳm; lại vừa đẹp mê hồn bởi những nét thơ mộng và trữ tình cảnh sắc. Hiện lên trên khung cảnh đó là hình ảnh của người lính Tây Tiến kiêu hùng, bi tráng nhưng rất đỗi lãng mạn, hào hoa. Một trong những điều làm nên vẻ đẹp lãng mạng hào hoa của người lính chính là những kỉ niệm đẹp của trung đoàn Tây Tiến trong những năm kháng chiến chống Pháp.
- Đoạn trích là xuất hiện ở phần giữa bài thơ Tây Tiến mang những cung bậc cảm xúc đặc biệt của những người lính hào hoa. Đó là những dòng hồi ức sống động về thiên nhiên, về những con người và cả những khoảnh khắc chứa chan tình cảm quân dân. Đó cũng chính là hành trang giúp người lính vững bước trên những chặng đường.
b. Phân tích đoạn thơ Tây Tiến
· Kỉ niệm khó quên nhất có lẽ là những đêm liên hoan lửa trại thấm đượm tình quân dân:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.”​
- Đêm “ hội đuốc hoa” là đêm liên hoan lửa trại giữa chiến sĩ Tây Tiến với đồng bào ( Tây Bắc, Lào) .
+“ bừng lên”: làm bừng sáng và tỏa hơi ấm cho không gian đêm hội.
+ Quang cảnh đêm hội: có ánh sáng, hơi ấm của “ đuốc hoa”, có tiếng khèn, điệu nhạc và có “em” trong trang phục xiêm áo đang yểu điệu , thướt tha , e ấp, dịu dàng. “ Em” ở đây là cô gái, có thể là các cô gái miền núi Tây Bắc nước ta, có thể là các cô gái Lào. Sự xuất hiện của các cô gái làm cho đêm hội thêm vui vẻ, quyến rũ, thành một kỉ niệm làm mê say lòng người.
+ Chiến sĩ Tây Tiến đa phần là những chàng trai Hà Nội hào hoa, lãng mạn và đa tình nên khi các cô gái xuất hiện trong ánh lửa, tiếng khèn điệu nhạc khiến các anh ngạc nhiên , thích thú, say mê. Niềm vui, thái độ thích thú của các anh được tác giả diễn tả ở từ “ kìa”. Phải chăng các anh ngạc nhiên vì nơi núi rừng ấy lại có những “đóa hoa” say lòng người đến thế.
+ Say mê , thích thú trong đêm hội để về “xây hồn thơ” các chiến sĩ xây mộng với các cô gái -> chút lãng mạn trong lòng người lính
+ Sự kết hợp hài hòa hình ảnh, âm thanh, ánh sáng: bức tranh đêm hội đuốc hoa thật vui vẻ ,ấm áp , lãng mạn . Và đó cũng chính là một trong những kỉ niệm không thể nào quên của trung đoàn Tây Tiến, minh chứng cho tình cảm đồng đội, tình quân dân nồng nàn, thắm thiết. Giây phút vui vẻ, hạnh phúc cùng đồng bào, tình cảm quân dân thắm thiết là hành trang của các chiến sĩ trên chiến trường ác liệt.
· Trung đoàn Tây Tiến qua nhiều vùng đất nơi Tây Bắc, mỗi vùng đất với nét đẹp riêng khó quên. Nếu Sài Khao có sương nhiều như che lấp cả đoàn quân Tây Tiến , Mường Hịch có tiếng cọp khiến con người ghê sợ , vùng Mai Châu có hương vị cơm nếp thật hấp dẫn ,...thì Châu Mộc cũng thật lãng mạn, trữ tình.
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.”
- Bốn câu thơ theo dòng hồi tưởng “trôi” về miền đất lạ, đó là Châu Mộc thuộc tỉnh Sơn La, nơi có những bãi cỏ bát ngát mênh mông, có dãy núi Pha Luông cao 1884 mét , nơi có bản Pha Luông sầm uất của người Thái. Quang Dũng đã khám phá ra bao vẻ kì thú của miền Châu Mộc. Năm tháng đã đi qua và miền đất ấy trở thành một mảnh trong tâm hồn của bao người.
“ Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”
( Chế Lan Viên )
+ “Chiều sương ấy” là chiều thu năm 1947 , sương trắng phủ mờ núi rừng chiến khu làm cho cảnh, người càng thêm thơ mộng, trữ tình. Buổi chiều thu đầy sương ấy in đậm hồn người khiến cho hoài niệm thêm mênh mang. Chữ “ấy” bắt vần với chữ “ thấy” tạo nên một vần lưng giàu âm điệu, như một tiếng khẽ hỏi “có thấy” cất lên trong lòng.
+ “ Hồn lau” là hồn mùa thu, hoa lau nở trắng, lá lau xào xạc trong gió thu nơi bờ sông bờ suối“nẻo bến bờ”.
* Với tâm hồn thi sĩ tài hoa, Quang Dũng đã cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên Châu Mộc qua cảnh sắc “ chiều sương” và “ hồn lau nẻo bến bờ”.
+ Điệp ngữ “ có thấy”, “ có nhớ” làm cho hoài niệm về chiều sương Châu Mộc thêm phần man mác, bâng khuâng. Trong chia phôi còn có nhớ , nhớ cảnh rồi nhớ đến người. “ Có nhớ” con thuyền độc mộc và dáng người chèo thuyền độc mộc? “ Có nhớ” hình ảnh “hoa đong đưa” trên dòng nước lũ? “ Hoa đong đưa” là hoa rừng đong đưa làm duyên trên dòng nước hay là hình ảnh ẩn dụ gợi tả các cô gái miền Tây Bắc xinh đẹp lái thuyền duyên dáng, uyển chuyển như những bông hoa rừng đang đong đưa trên dòng suối? Và nếu là hình ảnh gợi tả các cô gái Tây Bắc thì các cô gái ấy phải có “tay lái ra hoa” mới có thể “ đong đưa” được như vậy.
- Bốn câu thơ là những dòng hồi tưởng về cảnh sắc và con người nơi Tây Bắc, nơi cao nguyên Châu Mộc.Với bút pháp tài hoa và tâm hồn lãng mạn , Quang Dũng vẽ lại bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên và con người Tây Bắc.
+ Thuở ấy, núi rừng Tây Bắc thật hoang vu, là chốn rừng thiêng nước độc nhưng tác giả đã khám phá ra được nét đẹp thật thơ mộng, lãng mạn của cảnh và người. Nhà thơ gắn bó với cảnh vật, với con người Tây Bắc, vào sinh ra tử với đồng đội mới có những kỉ niệm đẹp và sâu sắc như vậy, mới có thể viết nên những vần thơ sáng giá đến như thế.
3. Kết bài
- Bức tranh chiều sương Châu Mộc và đêm hội đuốc hoa như một bức tranh sơn mài của một danh họa mang vẻ đẹp màu sắc cổ điển và lãng mạn, kết hợp hài hòa tính thời đại và hiện đại trong máu lửa chiến tranh.
- Bức tranh chiều sương Châu Mộc và đêm hội đuốc hoa là tài năng , tâm hồn và sự gắn bó sâu nặng của Quang Dũng với trung đoàn Tây Tiến, với núi rừng Tây Bắc và với quê hương đất nước trong những năm kháng chiến chống Pháp.
 

xuanle17

Cựu Mod Ngữ Văn
Thành viên
14 Tháng chín 2018
805
1,015
181
25
Thừa Thiên Huế
Đh sư phạm huế
Đề số 3:
Cảm nhận anh chị về hai đoạn thơ sau:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”
(Tây Tiến – Quang Dũng)​

“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đỉnh núi nắng chiều lưng nương
Nhớ cùng bản khói cũng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.”
(Việt Bắc – Tố Hữu)​
1. Mở bài:
Trong tâm khảm mỗi người chắc chắn ai cũng có riêng cho mình một miền thương, miền nhớ. Chính vì thế những miền thương cùng nỗi nhớ đã trở thành một trong những đề tài quen thuộc được nhà văn, nhà thơ ưu ái nhắc đến. Nếu như ta được bắt gặp nỗi nhớ da diết về thiên nhiên một vùng rừng núi trùng điệp cùng với con người trong Tây Tiến thì đến với Việt Bắc ta còn được gợi nhớ về một miền đất tươi đẹp nghĩa tình cùng với những dấu ấn vẹn nguyên của những ngày kháng chiến gian khổ cũng như những chiến thắng huy hoàng của cả dân tộc. Những kí ức về một miền Tây Bắc như thế đã được hai nhà thơ thể hiện rất rõ qua hai khổ thơ:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”
(Tây Tiến – Quang Dũng)​

“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đỉnh núi nắng chiều lưng nương
Nhớ cùng bản khói cũng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.”
(Việt Bắc – Tố Hữu)​
2. Thân bài:
2.1 Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:
- Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài. Ông vừa là nhà thơ, họa sĩ vừa là nhạc sĩ. Ở bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào ông cũng thể hiện được sự tài hoa trong nét bút của mình. Và khi nhắc đến Quang Dũng, chúng ta không thể không nhắc đến tác phẩm Tây Tiến. Đây là một bài thơ có số phận khá là long đong của ông. Thế nhưng với những giá trị riêng của mình, tác phẩm đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong nền văn học dân tộc. Chính vì vậy mỗi khi nhắc đến thơ văn chống Pháp chúng ta không thể không nhắc đến Tây Tiến
- Tố Hữu là lá cờ đầu thơ ca cách mạng Việt Nam với phong cách thơ trữ tình chính trị. Việt Bắc là bài thơ tiêu biểu nhất của ông trong việc thể hiện tình cảm cách mạng sâu nặng của nhân dân với cách mạng, của người ra đi với những kỉ niệm kháng chiến gian khổ mà hào hùng.
2.2 Phân tích đoạn thơ Tây Tiến
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”
(Tây Tiến – Quang Dũng)​
a) Hai câu thơ mở đầu: Gọi tên cảm xúc chủ đạo của toàn bộ thi phẩm là nỗi nhớ và những hoài niệm
- Câu thơ thứ nhất với nhịp thơ 2/2/3 vừa như ngắt quãng vừa như liền mạch. Trước mắt nhân vật trữ tình chỉ còn lại một vùng Tây Tiến mờ nhòa trong nhân ảnh. Nhân vật cất tiếng gọi “Tây Tiến ơi” đã thể hiện một cảm xúc dâng trào. Tiếng gọi là nỗi nhớ chất chứa trong lòng chỉ chực trào ra. Minh chứng cho tất cả những điều đó không phải ai khác mà chính là dòng sông Mã. Sông Mã đồng hàng và cùng chứng kiến bao nhiêu cuộc chia ly, cuộc hành quân, những đau thương mất mát của những người chiến sĩ Tây Tiến.
- Câu thơ thứ hai: là sự hiện diện của một nỗi nhớ làm mưa làm gió trong lòng của tác giả. Nỗi nhớ đó là nỗi nhớ của mình, nỗi nhớ của rừng núi và mang cảm xúc “chơi vơi”. Đó là những cảm xúc khó lòng có thể diễn tả thành lời, khó định hình rõ rệt, không có nguồn gốc nhưng chẳng thể tận cùng nên nó cứ lan tỏa mênh mông.
- Hai câu thơ cùng sử dụng vần “ơi” (chơi vơi, ơi) đã giúp nhấn mạnh đi sự mất mát. Cảm xúc hụt hẫng bởi vì giờ đây Tây Tiến sẽ trở thành một miền kí ức. Tiếng gọi từ nỗi nhớ được cất lên đã làm cho Tây Tiến trở thành một sinh thể có hồn, chuyển tải được cảm xúc của nhà thơ.
b) Hai câu thơ tiếp theo:
- Sài Khao, Mường Lát là những địa danh xứ Tây Bắc, gắn liền với những kỉ niệm đẹp đẽ của người lính Tây Tiến. Nhưng hình ảnh về Tây Bắc cũng dần mờ nhòa trong kí ức của người lính. Ẩn nhòa trong đó là cả những tháng năm mệt mỏi, gian khó nhưng bên trong có ẩn chút chất thơ, huyền hoặc:
- “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
+ Những cánh hoa hiện ra mờ mờ trong màn sương. Đọc đến đây cái mỏi của đoàn quân dường như tan biến. Câu thơ hầu hết bằng thanh bằng đã diễn tả được cảm giác lâng lâng, chơi vơi trong sương của hoa, hồn người. Bên cạnh những khắc nghiệt của những chặng hành quân nơi núi rừng cheo leo, hiểm trở như thế, ta đã may mắn bắt gặp những giây phút lãng mạn trong tâm hồn của người lính. Chất thơ được nảy mầm trên bom đạn. Đó cũng chính là sự tài hoa của nhà thơ Quang Dũng.
2.3 Phân tích đoạn thơ Việt Bắc:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đỉnh núi nắng chiều lưng nương
Nhớ cùng bản khói cũng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.”
(Việt Bắc – Tố Hữu)​
- Nỗi nhớ sâu nặng, đằm thắm của người kháng chiến dành cho Việt Bắc, trong đó chan hòa tình nghĩa riêng chung.
- Đoạn thơ là nỗi nhớ người, nhớ cảnh Việt Bắc – mảnh đất gắn bó máu thịt với người cách mạng. Không phải thể hiện một cách chi tiết nỗi nhớ, Tố Hữu sử dụng hình ảnh so sánh hết sức độc đáo “nhớ gì như nhớ người yêu”. Nhà thơ sử dụng nỗi nhớ trong tình yêu làm thước đo giá trị để cắt nghĩa, lí giải tình cảm của cán bộ đối với nhân dân. Chính vì vậy, chúng ta hiểu rằng đó không phải là nỗi nhớ của ý thức, nghĩa vụ mà là nỗi nhớ của hai trái tim yêu, của tình cảm chân thành.
- Câu “trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương” đã thể hiện hai nửa thời gian của nỗi nhớ. Thời gian như chảy ngược đêm rồi đến chiều; nỗi nhớ cũng vì thế mà đi từ gần đến xa. Để rồi tình yêu như trở thành nỗi nhớ trong tình cảm gia đình. Toàn không gian Việt Bắc được gói gọn trong không khí gia đình ấm áp, yêu thương:
“Nhớ cùng bản khói cũng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.”
- Hiện lên trong nỗi nhớ là Việt Bắc thân thương, đẹp bình dị mà thơ mộng với nhịp sống êm đềm. Hình ảnh “bếp lửa” là hình ảnh có nhiều sức gợi. Nó cho thấy người Việt Bắc ấm áp, giàu yêu thương đồng thời thể hiện tình cảm chứa chan, nồng nàn mà người cán bộ cách mạng đã dành cho nơi đây mỗi khi nhớ về. Tình cảm quân dân kết tinh trong ngọn lửa thiêng liêng bất diệt ấy.
2.4 Phân tích điểm giống và khác nhau
- Điểm giống nhau:
+ Đều thể hiện một nỗi nhớ về miền đất Tây Bắc. Thế nhưng nỗi nhớ “chơi vơi” của Quang Dũng được gắn liền với địa danh Tây Tiến thì nỗi nhớ “như nhớ người yêu” của Tố Hữu gắn chặt với không gian Việt Bắc.
+ Ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc, đầy ý nghĩa
- Điểm khác nhau:
+ Tây Tiến: sử dụng nhiều địa danh để cụ thể hóa nỗi nhớ, sử dụng khéo léo bút pháp lãng mạn để cụ thể hóa hiện thực. Sử dụng thể thơ 7 chữ điêu luyện
+ Việt Bắc: mở rộng nhiều không gian (đầu núi, lưng nương, bản, bếp lửa) và thời gian (trăng lên đầu núi, nắng chiều, sớm khuya) khác nhau. Thể thơ lục bát đậm chất dân gian, khiến nỗi nhớ càng da diết.
- Nguyên nhân sự khác biệt: Có thể lấy hoàn cảnh sáng tác khác nhau, phong cách nghệ thuật khác nhau từng nhà thơ.
3. Kết bài:
- Hai đoạn thơ đặc sắc thi ca cách mạng đã diễn tả nỗi nhớ sâu đậm một địa danh cụ thể gắn với vùng đất chan chứa kỉ niệm, nhớ ân tình kháng chiến, gian khổ từng trải qua.
- Mỗi nhà văn lại có một cách thể hiện nỗi nhớ rất riêng khiến ta cảm nhận được cá tính sáng tạo của nhà văn trong lòng người đọc.
 
Top Bottom