đề 2 tham khảo bài này nhé
[Mùa xuân đất Bắc, mùa xuân Hà Nội, năm nào cũng vậy, Tết đến là lúc trời thả tấm màn dệt bằng mộng ảo cho đầy hồn người nơi xa thương nhớ, cho thắm thiết người được du xuân với khí hạo nhiên giao cảm đắm say... Hình như mưa xuân đã khởi hành từ thiên vạn cổ, gần Tết tạm dừng chân ở một bến hoang sơ, lấy thêm sức lực, rồi khi mảnh vườn quê hoa cải toả vàng, bức tường bao sân đình được quét lớp vôi trắng lốp, khi chợ hoa Hàng Lược của Hà Nội muôn hồng nghìn tía chen vai, là lúc mưa xuân có mặt, lây phây bụi phấn, bàng bạc màn tơ, đỗ xuống mái tóc người mà không ướt, bảo cho những bàn tay tìm nhau, mách những mái đầu nhích lại... và cho cả đất trời một niềm tươi mới, như Huy Cận nói:
Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm
Cây tốt, người tươi đã đành, đến chiếc cột buồm khô nỏ, chịu đựng bão giông trùng khơi muôn dặm, mà lá buồm như ***g ngực người trai miền biển kia phải gồng lên hứng lấy... cũng trở lại tốt tươi, tưởng như chiếc cờ hiệu bé tí tẹo trên đỉnh cột kia bỗng trở thành chiếc lộc xuân non vừa nở, sức mạnh của xuân, của mưa xuân ấy, hèn nào năm nào cũng vậy, người bạn phương trời cứ phải gửi thư về hỏi xem chợ hoa xuân đã có mưa chưa? Như bạn gửi cho ta một cành mai vàng máy bay vi vút tầng không.
Trên những cánh đồng lúa vừa cấy kín, mỗi thửa ruộng là một mặt gương lấp lánh, mưa mờ như sương, mưa giăng như khói, mưa như tấm voan mỏng che mặt cô dâu làm ta hồi hộp đợi chờ, biết rằng sau tấm màn kia, có bí mật và khát khao, có trần gian và siêu thoát, có mộng mị và bùa mê... Chợt nhớ đến câu thơ:
Mùa xuân phép lạ, mưa không nước
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy...
Nàng đợi tiếng trống chèo, đợi người ta hẹn, đợi niềm thầm kín nhớ thương, đợi người vượt qua được con đê dài để được đắm vào mắt nhau, chả biết trên bốn chiếc chiếu kia, tích chèo có tình vui hay lụy thảm, có tính tang hay giọt lệ ra sao...
Thương cho một Hàn Mặc Tử hình như chưa hề đến Hà Nội và miền Bắc một lần, nên câu thơ tuyệt cú của thi nhân chỉ là:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng...
(Mùa xuân chín)
Giá mà Hàn đã gặp mưa xuân, hẳn chúng ta chắc có thêm bài thơ bất hủ nữa, chứ không phải chỉ có:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang...
Thứ mưa không mưa, thứ mưa sương khói, thứ mưa tình xao xuyến như thế, khổ thân cho thầy giáo và học trò đến trường, nhưng lại là phần thưởng quý báu của thiên nhiên vũ trụ cho ta, cho người yêu nhau, cho ai đợi nhau, cho thi nhân, cho cây cỏ hứa hẹn mùa màng, khi:
Chùm hoa buông tím, trời hư ảo
Lá quên mình đang biếc, lá xanh thêm...
(Phạm Ngà)
Lá cứ mướt như thế dù đã mướt như không thể mướt hơn, thật khác nỗi buồn não nùng yếm thế của Vũ Hoàng Chương lúc mới ngoài 30 tuổi:
Mưa rơi, chiều, ngõ hẹp
Lá vàng bay ngổn ngang...
May thay, mưa vẫn mưa nhưng là mưa ấm nồng cuộc đời, dù trên đường xa mải miết hay “trước hiên nhà" mà Vũ Đình Minh, con người sinh ra nơi đất bãi, làm thầy giáo tận vùng cao, nhưng mưa quê, khói bãi vẫn là thao thức nỗi niềm:
Mưa xanh biếc dăng mềm như sợi khói
Ấm như tay mà mát như tay...
Cái cảm giác tương phản, đầy mâu thuẫn ấy là rất đúng, như có lần chủ súy văn đàn Thế Lữ giảng về kịch có nói: Băng lạnh như phải bỏng... Phải đứng trước mưa, phải dầm trong mưa, phải hòa vào mưa... ta sẽ cảm nhận được cái diệu kỳ phơ phất, cái mông lung của thực và không thực của nước và khói, của ta và đất trời... như người thơ nói hộ cho ta.
Nhà thơ quá cố Tô Hà chẳng biết có hẹn hay có tiễn người thực không, và nay ở cõi xa vời, ông có thả hồn mình về xứ mưa trần thế, nhưng ông để lại một niềm mưa tâm trạng như đêm Liêu Trai, như truyện Truyền kỳ của Nguyễn Dữ, khiến ta cũng không hiểu ta có còn là ta không trong cái mông lung huyền hoặc ấy:
Chẳng thấy trời đâu thấy nước đâu
Bờ xuân mờ mịt cả chân cầu
Người không sương khói mà sương khói
Qua lại mơ hồ dáng dấp nhau.
Mùa thu vốn là mùa đẹp đã đành. Nhưng mùa xuân chẳng lẽ không đẹp ư? Không phải. Hai mỹ nhân đứng bên nhau sao trời đất lại ác nghiệt bắt ta chọn một. Ta thành kẻ tham lam quái quỷ, đáng ghét, bởi ta muốn chọn cả hai, nàng này mi cong dáng liễu, nàng kia má lúm đồng tiền, uyển chuyển gót son... Nàng này có cái răng khểnh “chết người”, nhưng nàng kia có sợi tóc mai cong cong như dấu hỏi bên má hường hường (mà chắc là ấm sực)... Xuân ơi, Thu cho cây đàn tâm tưởng tấu một khúc Bá Nha, dù chẳng biết nên ta có cái tai thần Tử Kỳ nào nữa...
Mưa xuân không bẻ bai như mưa thu, không ồn ào nức nở như mưa rào giữa hạ, cũng không đến nỗi gai ghê như mưa đông trên tàu chuối sau nhà... Mưa xuân là đầm ấm, làm tóc người yêu ta thành một trời sao ánh sáng, cái hôm ta tiễn nhau về, chia hai ngả, bỗng giận con đường sao không là một vòng tròn để quay lại gặp nhau, mà nó cứ thẳng, nó bắt ta với người dần xa dần xa hun hút, một lúc đã ba năm, một trời dăng mưa khuất:
Em đưa tiễn, bước chân gìn giữ lắm
Hạt mưa dùng dằng ngọn cỏ ven đê...
Đến ngọn cỏ vô tri còn dùng dằng huống chi trong ngực ta là tiếng trống dập dồn, trong bàn tay ta còn vương hương bông hoa bưởi người trao bàn tay cho ta...
Dù mưa trong bao la đồng bãi, trên triền đê im lìm, ngoài sông vắng mang mang... mưa xuân vẫn là nỗi niềm, là lời không tiếng, là bóng không hình... khác hẳn cái mưa ràn rạt của xứ mùa mưa mà Nguyễn Hà ghi lại một đêm Vũng Tàu đầy tiếng người và tiếng sóng đầy ánh đèn và động cơ xe cộ:
Giọt mưa xóa những ánh đèn
Gầy vai ướt tóc làm đêm sũng buồn...
Mưa đã thành giọt, mưa đã sũng tóc, mưa đã nuốt tươi cả ánh sáng, thứ mưa ấy không phải là mưa xuân trên chợ hoa, mưa của hội làng, mưa của nhớ nhung một thời khôn nguôi nơi chân trời góc bể...
Mùa xuân lại về, ta đợi hồn mưa, chứ không phải đợi trận mưa, vì mưa xuân không thành trận, mưa xuân chỉ là hồn, hồn đất nước hòa với hồn ta... Ta dầm vào mưa, cho ta, cho cả những ai phải lãng thân về xứ khác, cầu cho ai kia có ngày trở lại, được đắm vào mưa như ngã vào lòng người tri kỷ...