Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.
Môi trường sống của con người theo chức năng được chia thành các loại: Môi trường tự nhiên: bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hoá học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người, nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người.
Đó là ánh sáng mặt trời, núi sông, biển cả, không khí, động, thực vật, đất, nước... Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, đất để xây dựng nhà cửa, trồng cấy, chăn nuôi, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng sản cần cho sản xuất, tiêu thụ và là nơi chứa đựng, đồng hoá các chất thải, cung cấp cho ta cảnh đẹp để giải trí, làm cho cuộc sống con người thêm phong phú. Môi trường xã hội: là tổng thể các quan hệ giữa người với người.
Đó là những luật lệ, thể chế, cam kết, quy định, ước định... ở các cấp khác nhau như: Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các nước, quốc gia, tỉnh, huyện, cơ quan, làng xã, họ tộc, gia đình, tổ nhóm, các tổ chức tôn giáo, tổ chức đoàn thể,... Môi trường xã hội định hướng hoạt động của con người theo một khuôn khổ nhất định, tạo nên sức mạnh tập thể thuận lợi cho sự phát triển, làm cho cuộc sống của con người khác với các sinh vật khác. Ngoài ra, người ta còn phân biệt khái niệm môi trường nhân tạo, bao gồm tất cả các nhân tố do con người tạo nên, làm thành những tiện nghi trong cuộc sống, như ôtô, máy bay, nhà ở, công sở, các khu vực đô thị, công viên nhân tạo...
Tóm lại, môi trường theo nghĩa rộng nhất là tất cả các nhân tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự sinh sống, sản xuất của con người, như tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã hội; môi trường là tất cả những gì có xung quanh ta, cho ta cơ sở để sống và phát triển.
Ngày nay, tất cả các nước trên thế giới đều tăng cường tuyên truyền vận động cộng đồng người phải có hành động cụ thể bảo vệ môi trường, nhất là môi trường tự nhiên: giữ gìn cây xanh, ngăn xói mòn đất, cung cấp ổ sinh thái cho mọi sinh vật sống, chọn những vật trang trí nội thất từ các chất liệu thân thiện với sinh thái, tìm những loại bàn ghế, tủ đựng quần áo bền như tre, vừa tiết kiệm tiền vừa không góp phần tăng lượng đồ phế thải vào môi trường, sử dụng các loại hóa chất có nguồn gốc từ thiên nhiên, sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo bất cứ khi nào có thể như năng lượng từ gió, ánh nắng mặt trời; giảm sử dụng, tái sử dụng và sử dụng sản phẩm tái chế ...
Môi trường có tầm quan trọng như thế cho nên tất cả mọi người không ngoại trừ ai đều phải thể hiện hành động cụ thể để bảo vệ môi trường. Các hoạt động tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường cần phải đa dạng, phong phú hơn.
Trên lĩnh vực này, ngoài việc tuyên truyền, vận động mọi người dân trên các loại phương tiên thông tin đại chúng; trong hoạt động của các đoàn thể, tổ chức xã hội, cần phải chú trọng phát huy vai trò tiên phong, xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh thiếu niên trong hoạt động bảo vệ môi trường; các trường học cần giáo dục, tuyên truyền đối với sinh viên, học sinh nhằm nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi hành vi bảo vệ môi trường, để từ đó chia sẻ trách nhiệm, thống nhất hành động theo một hướng chung trong những vấn đề về bảo vệ môi trường