[lơp11] trả lời các câu hỏi bài Chí phèo

H

heocon436

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

1, tiẻu sử và con người nhà văn Nam Cao có những đặc điểm gì giúp ta hiểu thêm về sự nghiệp văn học của ông?
2, những nội dung chính trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao
3, viết về người trí thức nghèo và người nông dân cùng khổ,Nam Cao thường trăn trở về vấn đề gì
4, nêu những nét chính của phong cách nghệ thuật Nam Cao
 
M

miumiu34

4, - đi sâu vào thế giới nội tâm con người, có biệt tài diễn tả, phân tích tâm lí nv tài tình và sâu sắc. thường sử dụng thủ pháp độc thoại và độc thoại nội tâm rất tinh tế và sâu sắc
- kết cấu tâm lí vừa phóng túng, linh hoạt chặt chẽ
-thường vieets ra nhung cái nhỏ nhặt xoàng xĩnh -> những chuyện không muốn viết
- nghệ thuật kể chuyện sinh động
-tác phẩm của ông thường có giọng điệu buồn chua chát, lạnh lùng mà đầy thương cảm
 
T

thuyhoa17

2, những nội dung chính trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao

>> http://diendan.hocmai.vn/showthread.php?t=131006

1, tiẻu sử và con người nhà văn Nam Cao có những đặc điểm gì giúp ta hiểu thêm về sự nghiệp văn học của ông?

- Tiểu sử: ông sinh ra trong một gia đình nghèo, phải chật vật để kiếm sống, kể cả văn chương, làm văn đầu tiên là vì mục đích mưu sinh.
=> những trang văn về giai cấp trí thức của ông cũng mang đậm nét chủ đề đó: những nhà văn chân chính những luôn phải đau khổ vì "áo cơm ghì sát đất".

- Con người: ông là con người có vẻ ngoài lạnh lùng => những câu, những từ của ông trong văn rất tỉnh táo, sắc lạnh, tưởng như vô cảm.
Nhưng, bên trong con người ông, bên trong cái lạnh lùng đó chính là một tâm hồn chan chứa yêu thương, nồng nàn tình cảm với những con người đau khổ trong xã hội => Văn chương của ông nhìn thì có vẻ lạnh lùng nhưng bên trong lại chất chứa những tình cảm sâu sắc và rất tinh tế.

:).
 
H

hocmai.nguvan

Chào heocon436!
4 vấn đề mà em nêu trên chính là những nội dung chính trong bài học Chí Phèo (tiết 1) về tác gia Nam Cao. Đây là một trong những tác gia lớn của nền Văn học Việt Nam mà chúng ta cần ôn kỹ.

Chị có thể đưa ra một số ý chính cho từng vấn đề nêu trên như sau:
1. Tiểu sử và con người nhà văn Nam Cao có những đặc điểm gì giúp ta hiểu thêm về sự nghiệp văn học của ông?

Tiểu sử (cuộc đời):
+ Ông sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Đại Hoàng, Hà Nam. Ông từng bôn ba kiếm sống ở nhiều nơi. Nhưng do sức khoẻ yếu, ông trở về quê kiếm sống bằng nghề dạy học và viết văn. Nam Cao đã trải qua những ngày tháng chật vật vì miếng cơm manh áo => ảnh hưởng tới những nhân vật tri thức tiểu tư sản trong các sáng tác của ông.
- Sau Cách Mạng, Nam Cao nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hoá phục vụ kháng chiến => sự biến chuyển trong quan điểm nghệ thuật
Con người:
- Bề ngoài Nam Cao vụng về, ít nói, có vẻ lạnh lùng nhưng đời sống nội tâm thì luôn luôn sôi sục, có khi căng thẳng. Trong tâm hồn nóng bỏng ấy thường xuyên diễn ra cuộc xung đột âm thầm mà gay gắt giữa lòng nhân đạo và thói ích kỷ, giữa tinh thần dũng cảm và thái độ hèn nhát, giữa tính chân thực và sự giả dối, giữa những khát vọng tinh thần cao cả và những dục vọng phàm tục. Điều này thể hiện rất rõ trong các tác phẩm viết về người tri thức nghèo.
- Nam Cao rất giàu ân tình đối với những người nghèo khổ bị áp lực và khinh miệt trong xã hội cũ. Với ông không có tình thương với đồng loại thì không đáng gọi là người.
- Ông luôn suy tư về bản thân, cuộc sống, đồng loại, từ kinh nghiệm thực tế mà đề lên những khái quát triết lý sâu sắc và đầy tâm huyết.
Tất cả những đặc điểm về con người của Nam Cao ảnh hưởng rất lớn đến các sáng tác của ông.
2. Những nội dung chính trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao
- Quan điểm về mục đích, ý nghĩa của nghệ thuật: Nam Cao luôn suy nghĩ về “sống và viết”, lúc đầu ông chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn nhưng sau ông đã phải đấu tranh rất nhiều đi đến khẳng định sức mạnh của văn học nghệ thuật chính là bắt nguồn từ đời sống và phục vụ đời sống: “Chao ôi! nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”. Và người cầm bút không được “trốn tránh” sự thật, mà hãy “cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời”.
- Quan điểm về một tác phẩm văn học giá trị: Không tán thành loại văn chương “chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội”. Một tác phẩm “thật giá trị” thì phải có nội dung nhân đạo sâu sắc: “Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi”. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng… Nó làm cho người gần người hơn (Đời thừa).
- Quan điểm về lao động nghệ thuật của nhà văn: Nam Cao đòi hỏi cao sự tìm tòi, sáng tạo và lương tâm của người cầm bút, ông viết: “văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có” (Đời thừa). Nam Cao còn cho rằng sự cẩu thả trong nghề văn chẳng những là “bất lương” mà còn “đê tiện”.
3. Viết về người trí thức nghèo và người nông dân cùng khổ,Nam Cao thường trăn trở về vấn đề gì?
Văn chương của Nam Cao đến với 2 đề tài chính: người trí thức nghèo và người nông dân cùng khổ
+ Người trí thức nghèo: Nam Cao đã miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của người tri thức nghèo trong xã hội cũ, những “giáo khổ trường tư”, những nhà văn nghèo, những viên chức nhỏ. Qua đó, đặt ra những vấn đề có tầm triết luận sâu sắc, có ý nghĩa to lớn, vượt khỏi phạm vi của đề tài. Họ là những tri thức có ý nghĩa sâu sắc về giá trị sự sống và nhân phẩm, có hoài bão, có tâm huyết và tài năng, muốn xây dựng một sự nghiệp, tinh thần cao quý, nhưng lại bị gánh nặng áo cơm và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt cho “chết mòn”, phải sống như “một kẻ vô ích, một người thừa”. Tập trung miêu tả và phân tích tình trạng “sống mòn” hay “chết mòn” của con người, Nam Cao đã phê phán sâu sắc xã hội ngột ngạt, phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người, đồng thời, thể hiện niềm khao khát một lẽ sống lớn, khao khát một cuộc sống sâu sắc, có ích và thực sự có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người.
Các tác phẩm tiêu biểu: truyện ngắn Trăng sáng , Đời thừa, Quên điều độ,… tiểu thuyết Sống mòn
+ Người nông dân cùng khổ: Viết về đề tài này, Nam Cao đã dựng lên một bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam nghèo đói, xơ xác trên con đường phá sản, bần cùng, hết sức thê thảm vào những năm 1940 -1945. Ông thường chú ý tới những con người thấp cổ bé họng, những số phận bi thảm. Họ càng hiền lành, càng nhẫn nhục thì càng bị chà đạp tàn nhẫn, phũ phàng. Ông đặc biệt đi sâu vào tình cảnh và số phận những con người bị đày đoạ vào cảnh nghèo đói, cùng đường, bị hắt hủi, lăng nhục một cách tàn nhẫn, bất công (Chí Phèo, Một bữa no, Tư cách mõ, Lang Rận, Nửa đêm…). Viết về hiện tượng người nông dân bị đẩy vào tình trạng tha hoá, lưu manh hoá, Nam Cao đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo đã huỷ hoại nhân tính của những con người bản chất vốn hiền lành.
Các tác phẩm tiêu biểu: Chí Phèo, Lão Hạc, Lang Rận, Một bữa no, Tư cách mõ, Nửa đêm
4, Nêu những nét chính của phong cách nghệ thuật Nam Cao
- Nam Cao có biệt tài phân tích và diễn tả tâm lý của nhân vật vào những quá trình tâm lý phức tạp, những ngõ ngách sâu kín nhất trong tâm hồn con người, từ đó dựng nên những nhân vật vừa có tầm khái quát lớn vừa có cá tính độc đáo. Cũng vì am hiểu tâm lý nhân vật mà Nam Cao đã tạo được nhiều đoạn đối thoại và độc thoại nội tâm rất chân thật, sinh động.
- Do am hiểu tâm lý nhân vật nên Nam Cao đã tạo được những đoạn đối thoại, độc thoại nội tâm rất chân thật, sinh động. Mặt khác, cũng do yêu cầu miêu tả tâm lý, mạch tự sự trong tác phẩm của ông thường đảo lộn thời gian và không gian tạo nên kiểu kết cấu tâm lý vừa phóng túng, linh hoạt vừa nhất quán, chặt chẽ. Ngòi bút Nam Cao cũng thường viết về cái nhỏ nhặt, xoàng xĩnh mà nhà văn gọi là “Những chuyện không muốn viết”. Từ những sự việc quen thuộc, tầm thường trong đời sống hàng ngày, tác phẩm của Nam Cao đã đặt ra những vấn đề xã hội có ý nghĩa to lớn, thể hiện triết lý về con người, về cuộc sống và nghệ thuật.
- Văn Nam Cao mang tính triết lý sâu sắc, triết lý không khô khan, xuất phát từ cuộc sống thực và tâm tư đầy đau đớn dằn vặt của nhà văn.
- Truyện Nam Cao luôn thay đổi giọng điệu, có hai giọng điệu cơ bản nhất: giọng tự sự lạnh lùng với đại từ nhân xưng có sắc thái dửng dưng khinh bạc như: hắn, y, thị và giọng trữ tình sôi nổi tha thiết thường mở đầu bằng những thán từ như: Chao ôi, Hỡi ôi. Hai giọng văn đối lập cứ chuyển hoá qua lại tạo nên những trang văn thú vị, lôi cuốn.
- Nói đến Nam Cao cũng phải thấy đóng góp to lớn của ông đối với sự phát triển phong phú của ngôn ngữ văn xuôi nước nhà. Với Nam Cao, truyện ngắn Việt Nam thể hiện đầy đủ tính hiện đại, đồng thời đạt tới độ hoàn thiện. Truyện ngắn mà sức khái quát lớn, khắc hoạ được những tính cách sâu sắc và đầy góc cạnh.



Hi vọng, những gợi ý trên đây có thể giúp em ghi nhớ và làm bài tốt cho những câu hỏi về tác gia Nam Cao.
Thân ái!





 
Top Bottom