THUYẾT MINH VỀ DANH LAM THẮNG CẢNH :CHÙA BÁI ĐÍNH
Khu tâm linh núi chùa Bái Đính nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15 km, nằm ở phía Tây khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, được biết đến với nhiều kỷ lục như tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á, hành lang có nhiều tượng Phật nhất…là sự tiếp nối tâm linh từ ngàn năm trước chuyển tiếp đến ngàn năm sau.
Với kiến trúc đồ sộ, nguy nga, lộng lẫy, những pho tượng có nét uy nghi, bao dung, nghệ thuật chạm khắc, đúc đồng tinh tế, tài tình cùng cảnh quan hùng vĩ, núi gối đầu sông, mây vờn đỉnh núi, không gian tâm linh thanh tịnh bao trùm khiến mỗi khi bước chân đến đây, người người thư thái, lòng sáng, tâm tịnh, hướng đến Chân - Thiện – Mỹ.
Đặt chân đến Bái Đính, ta có thể chiêm ngưỡng ngay trước mắt Tam Quan hoành tráng cao gần 17 mét. Đây chính là ranh giới giữa cõi thiêng và cõi tục. Chỉ cần bước chân qua Tam Quan, người ta có thể hòa mình vào không gian tâm linh thanh tịnh. Tiếp đó là chuông đồng nặng 36 tấn, được treo trên tháp cao với tiếng ngân vang vọng, lan tỏa khắp nơi, xua tan mọi nỗi thống khổ, cảnh tỉnh chúng sinh.
Hành lang dài với 500 vị La Hán, là con đường đưa ta đến gần với cõi Phật. Các pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tất, Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng lớn nhất Việt Nam mang trên mình bao nét uy nguy, bác ái, đem niềm tin về những điều thiện gieo vào lòng người. Một công trình kiến trúc đồ sộ, tinh tế được đặt giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Nhìn từ xa, khu chùa Bái Đính như đang tựa mình bên sườn đồi xanh thẳm. Cảnh sắc lung linh huyền ảo cùng không gian thiêng rộng lớn đã đưa Bái Đính trở thành một bức tranh tâm linh vừa tuyệt mĩ, vừa cổ kính.
Nói đến Bái Đính là nói đến vùng đất “địa linh – nhân kiệt”. Đây là nơi mà Quốc sư Nguyễn Minh Không thời nhà Lý tu Phật và hành lễ trên đỉnh núi rồi đặt tên cho núi, cho chùa. Dấu chân của đức Thánh Nguyễn dày đặc khắp các nơi. Ông sinh ra tại huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Sinh thời, Nguyễn Minh Không là một thầy thuốc tài ba bậc nhất, là một nhà sư tài cao đức trọng. Ông đã phát hiện ra nơi tiên cảnh, núi lại hướng về phía Tây như chầu về đất Phật, rừng núi mênh mông với muôn vàn cây thuốc quý. Và ông đã dừng lại nơi đây để tu hành và biến nơi đây thành “vườn sinh dược” (có nghĩa là vườn thuốc quý) để cứu sinh độ thế muôn dân. Ông đã trực tiếp bốc thuốc chữa bệnh cho chúng sinh nhờ vào những loại thuốc quý có sẵn nơi đây và một số loại ông đưa từ nơi khác về trồng. Qua đây, ta có thể thấy sự nghiệp tu hành của đức Thánh Nguyễn gắn liền với “cứu nhân độ thế”. Ông còn được coi là thần y khi chữa bệnh “hóa hổ” cho nhà vua Lý Thần Tông (1128-1138). Lưu truyền rằng: Khi sư Đạo Hạnh sắp trút xác, bèn đem thuốc và thần chú giao cho Nguyễn Minh Không và căn dặn “20 năm sau nếu thấy Quốc Vương bị bệnh nặng thì đến chữa ngay”. Sau khi thiền sư Đạo Hạnh hóa đầu thai là Dương Hoán, được Vua Nhân Tông yêu quý lập làm Hoàng Thái tử và kế vị ngai vàng tức Lý Thần Tông hoàng đế. Lên ngôi không được bao lâu, tháng 3 năm 1136 Vua Lý Thần Tông bệnh nặng, mình mọc đầy lông lá, tiếng như hổ gầm, quan quân vô cùng sợ hãi. Các danh y tài giỏi từ khắp nơi được triệu đến chữa bệnh cho vua nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Khi đó trong dân gian, xuất hiện bài đồng dao của lũ trẻ chăn trâu rằng:
“Bổng bồng bông, tập tầm vông
Ở làng Điềm xá, có Nguyễn Minh Không
Chữa được bệnh cho Đức Thần Tôn”
Nguyễn Minh Không lúc bấy giờ đang tu hành ở núi chùa Bái đính, được mời về Kinh đô để chữa bệnh cho nhà vua. Khi đến nơi, ai ai cũng nhìn ông với ánh mắt nghi ngờ, có người dè bỉu vì vẻ bề ngoài quê mùa của ông, Nguyễn Minh Không liền lấy một cái đinh lớn, dài hơn 5 tấc đóng sâu vào chiếc cột lim rồi nói: “Ai rút được chiếc đinh này ra thì người đó sẽ chữa được bệnh cho nhà vua”. Tất cả các danh y dù trong lòng có chút nghi ngờ nhưng vẫn tranh nhau mặc sức nhổ chiếc đinh đó, nhưng không tài nào nhổ được. Lúc đó, Nguyễn Minh Không chỉ dùng hai ngón tay kẹp lại, rồi nhẹ nhàng nhổ nhẹ chiếc đinh ra khỏi cột, khiến cho mọi người không khỏi khiếp phục.
Tiếp đó, ông sai lấy một vạc dầu lớn đun sôi, thả vào đó một trăm chiếc kim và hỏi: “Có ai dùng tay lấy đủ 100 chiếc kim trong này ra không?”. Tất cả đều rùng mình lắc đầu không dám. Ông liền thò tay vào vạc dầu đang sôi sùng sục, quậy lên khoảng ba bốn lần rồi vớt đủ 100 cái kim. Sau đó, Nguyễn Minh Không lấy nước dầu sôi tắm cho nhà vua, lấy kim châm vào các huyệt, dầu dội đến đâu, lông lá trút hết đến đó. Bệnh liền bớt ngay. Nhà vua, các quan thần cũng như những người có mặt ở đó vô cùng kính phục trước tài phép của Nguyễn Minh Không.
Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng, Vua Lý Thần Tông phong ông là Quốc sư, tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Ông trở thành vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cũng là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu. Là một nhân vật có thật, có nhiều công lớn chữa bệnh cho vua và nhân dân nhưng đôi khi có những “hành trạng” kỳ bí, thực thực hư hư nên người Việt tôn sùng ông là đức Thánh Nguyễn.
Không chỉ là một danh y nổi tiếng mà Nguyễn Minh Không còn được mệnh danh là ông tổ nghề đúc đồng. Ông chính là người góp phần tạo nên “Tứ đại khí” nổi tiếng ở nước ta thời nhà Lý là Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm, và vạc Phổ Minh. Tương truyền rằng, ông một mình sang Trung Quốc để chữa bệnh cho Thái tử con vua phương Bắc. Được vua thưởng cho nhiều vàng, bạc, châu báu nhưng Nguyễn Minh Không chỉ xin một ít đồng đựng đầy túi ba gang của mình. Nhà vua nhìn thấy chiếc túi của ông, liền đồng ý, cho phép ông vào kho lấy đồng. Kỳ lạ thay, ông đã thu hết cả mười kho đồng mà vẫn chưa đầy túi ba gang. Sau đó, ông mang túi đồng xuống thuyền để về nước, nhưng không chiếc thuyền nào chịu nổi sức nặng của lượng đồng ông mang theo. Do đó, ông bèn cưỡi nón tu lờ thay cho thuyền để xuôi về quê hương. Về nước, Nguyễn Minh Không đã mang lượng đồng gom được từ Bắc quốc, đúc thành bốn vật báu quý giá của nước ta: Tháp Báo Thiên cao 20 trượng; gồm 12 tầng với đỉnh tháp hoàn toàn bằng đồng, các tầng còn lại được chạm khắc tinh tế bằng gạch, đá; chuông Quy Điền nặng gần 8 tấn đồng; tượng Phật Quỳnh Lâm cao tới sáu trượng, vạc Phổ Minh sâu tới 4 thước. Ông là người có công lao to lớn, đóng góp hết sức tích cực vào công cuộc phát triển văn hóa dân tộc Việt về các mặt: Y học, kiến trúc mỹ nghệ, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của văn hóa Việt Nam, truyền từ đời này sang đời khác. Mang trong mình lòng khâm phục và sự biết ơn, người dân Ninh Bình, Nam Định cũng như một số tỉnh thành khác đã đúc tượng, lập đền thờ để đức Thánh Nguyễn trường tồn mãi cùng thời gian.
Có thể nói Bái Đính là nơi hội tụ của linh khí núi sông, của tâm linh dân tộc và của nhân kiệt xuất chúng. Thiên nhiên tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho những người con Ninh Bình phong cảnh sơn thủy kỳ tú, nhưng cũng chính con người cũng góp phần tôn vinh và làm đẹp thêm phong cảnh của tạo hóa. Tất cả những điều đó đã đưa Bái Đính trở thành một viên ngọc sáng lấp lánh, đa sắc màu, ngàn năm tâm linh, ngàn năm huyền thoại.
THUYẾT MINH VỀ DANH LAM THẮNG CẢNH:TAM CỐC BÍCH ĐỘNG
Có thể nói Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh chùa và động Bích Động là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh đẹp kỳ thú của hang động, núi non với sự tài hoa, khéo léo của con người .Thắng cảnh Tam Cốc được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn” được ngợi ca là “Nam thiền đệ nhị động”.Tam Cốc – Bích Động thuộc cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội khoảng 100km về phía Nam.Cảnh sắc ở đây không chi đượm mùi Thiền mà còn gợi nhớ, còn ghi những dấu tích lịch sử hơn nghìn năm về trước: nơi trú quân của Đinh Bộ Lĩnh trong những năm tháng đánh dẹp “nhị thập sứ quân”, nơi Thái hậu Dương Vân Nga du xuân cùng Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.
Thiên nhiên Tam Cốc – Bích Động là điểm du lịch nổi tiếng cho những du khách muốn tẩy sạch “bụi trần”. Cái thú là đến với Tam Cốc bằng thuyền con. Tam Cốc gồm có ba hang: hang cả, hang Hai và hang Ba. Hang nào cũng lung linh huyền ảo sắc màu với hàng nghìn nhũ đá với bao huyền tích. Cảnh rồng cuộn hổ quỳ, cảnh tiên nga tắm mát, cảnh tiều phu gánh củi, cảnh ngư õng râu tóc bạc phơ ngồi trên thạch bàn câu cá, cảnh đàn công vũ hội, v.v… thấp thoáng, ẩn hiện trên vòm hang vách động, như dẫn hồn du khách vào thế giới Bồng Lai. Sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền, vào vách hang lúc nghe rì rào róc rách, lao xao rì rào hòa cùng tiếng gió thì thầm thì thào như tiếng thần Núi từ cõi linh thiêng từ ngàn xưa vọng về.
Hang Cả là hang đẹp nhất của Tam Cốc. Con thuyền nan nhè nhẹ luồn vào hang Cả dài 127 mét. nằm trong lòng một trái núi lớn; hai bên hai dãy núi tựa dãy trường thành che chắn dòng sông uốn khúc, nước xanh trong. Cửa hang rộng hơn 20 mét. vách hang uốn vòng cung vòm hang, về mùa hè, không khí trong hang mát lạnh, ai cũng cảm thấy khoan khoái, thư thái cả tâm hồn.
Qua hang cả, ta nhìn thấy một màu xanh bao la của đồng lúa. Xa xa bên sườn non, từng đàn dê hiền lành nhởn nhơ ăn lá cây. Vách núi cheo leo, lủng lẳng những nhành phong lan, hoặc đỏ hồng, hoặc tím biếc, hoặc trắng phau như đàn bướm sặc sỡ đang dập dờn bay.
Đi tiếp ta sẽ đến hang Hai, hang Ba, như lần bước vào cõi thâm u tĩnh lặng của thần Sông, thần Núi. Du khách bâng khuâng tự hỏi: “Có phải nơi đây Thái hậu Dương Vân Nga mừng đón Lê Đại Hành đại phá giặc Tống từ ải Bắc trở về..?” Suối Tiên chính là đây, cách hang Cà non 4km. Dòng suối trong vắt có thể nhìn thấu đến tận đáy. Từng đàn cá nhỏ và dài nối đuôi nhau bơi lượn, ẩn hiện giữa bao lớp rong rêu. Tắm nước suối Tiên, da thiếu nữ sẽ ánh lên màu ngà ngọc. Hoa súng tím hồng lơ thơ nhô lên làm cành Suối Tiên thêm hữu tình, thơ mộng.
Từ suối Tiên ta đến thăm Bích Động. Nam thiên đệ nhị động là đây. Bích Động nghĩa đen là Động Xanh. Xanh trời, xanh ruộng, xanh suối, xanh núi, xanh hang, xanh động mênh mông
Bích Động có ba ngôi chùa được xây cất, tôn tạo trên sườn non vách núi: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Qua Thạch Kiều uốn cong, du khách nhìn thấy một cây si xanh biếc bốn mùa mọc trên một mỏm đồi, được gọi là Bánh Dày. Theo truvền thuyết, ai đói khổ đến ôm gốc cây si này sẽ được ấm no.
Từ chùa Hạ leo qua khoảng 60 bậc đá thì đến chùa Trung, ngôi chùa bán mái. Chính diện nằm thụt vào vách núi, hang sâu. Tường chùa được xây toàn bằng lá. Một chiếc khánh đá rất to có từ xa xưa.
Vượt qua hơn 30 bậc đá nữa, ta sẽ tới chùa Thượng. Tể tướng Nguyễn Nghiêm thân phụ của thi hào Nguyễn Du, từng lưu lại văn thơ: “Núi đá, vườn cây tới đình chùa”.
Các chùa ở Bích Động có nhiều mộ tháp bằng đá nhấp nhô trong vuờn chùa. Có rất nhiều tượng Phật rất cổ kính quý giá. Vườn chùa xanh um, cây ăn trái, hàng trăm loài hoa đẹp đua sắc khoe hương quanh năm. Bích Động có 5 ngọn núi bao quanh, chầu về gọi là Ngũ Nhạc Sơn. Chỉ một tiếng chuông chùa ngân lên tức thì có năm tiếng chuông từ vách núi Ngũ Nhạc Sơn vọng lại.
Du khách nào may mắn đến vãn cảnh Bích Động hái được vài đóa Sơn Kim Cúc bé xíu như chiếc cúc vàng; đem về nhà ướp vào trà, pha nước suối Tiên, chỉ một chén nhỏ mắt sẽ sáng lên.
Và cảm xúc sẽ trở nên tròn đầy nếu du khách tinh ý lựa chọn ghé thăm nơi đây giữa mùa lúa chín- khi những hạt vàng cong mình trĩu xuống dòng sông. Đứng trên độ cao hơn trăm mét, phóng mắt ngắm nhìn dòng sông Ngô Đồng và những bóng thuyền đang chở “vàng” đi xuôi ngược, chắc chắn nét hương lúa, hồn người hòa quyện vào thiên nhiên ấy sẽ để lại ấn tượng không bao giờ quên trong lòng du khách.