'' Hai nguồn thi cảm chính trong thơ Vũ Đình Liên là lòng thương người và niềm hoài cổ'' Hãy chứng minh ý kiến qua bài thơ Ông Đồ.
Một ngày kia, khi hai nguồn thi cảm
“lòng thương người” và
“tình hoài cổ” gặp nhau, giữa cảnh mưa bụi lất phất bay, hoa đào chớm nở sắc hồng, nhưng những câu đối đỏ đã dần dần vắng bóng trong ngày Tết, Vũ Đình Liên đã bất giác viết lên một kiệt tác:
“Ông đồ”! Bài thơ được viết bằng nỗi cảm khái trước thời thế ấm lạnh nhân tình. Bởi vậy, hai mươi dòng thơ ngũ ngôn, không hề non lép một chữ nào. Tất cả đều ngậm ngùi trước
“di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”. Và nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã thật tinh tế khi nhận xét: “Bài thơ là sự gặp gỡ giữa hai nguồn thi cảm: lòng thương người và tình hoài cổ!”
Nhận định trên của Hoài Thanh đã thể hiện một cách nhìn sâu sắc về nguồn cảm hứng trong thi ca của Vũ Đình Liên. Lúc này, trên thi đàn
“Thơ mới”, phần đông cáo thi sĩ đang thở than sướt mướt với tình yêu tuyệt vọng, với mối sầu cô đơn, với chuyện tình yêu đôi lứa lãng mạn. Thì Vũ Đình Liên lại không đi theo lối mòn quen thuộc ấy, với
“thiên chức” của người nghệ sĩ, Vũ Đình Liên đã viết lên thi phẩm
“Ông đồ” với sự gặp gỡ, giao thoa giữa hai nguồn cảm xúc:
“lòng thương người” và
“tình hoài cổ”. Đó là thương một lớp người tri thức Nho học bị bỏ rơi bên lề đường nơi phố vắng rêu phong “
ngày xưa” hòa quyện với nỗi nhung nhớ, tiếc nuối khôn nguôi một thời vắng bóng; một thời hoàng kim, một thời vàng son đã một đi không trở lại. Nơi đó ông đồ được coi trọng hơn, được mọi người biết đến. Nhưng hai nguồn thi cảm này không những không mâu thuẫn, tách bạch nhau,… mà chúng luôn hòa hợp như một nốt nhạc chủ đạo, như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt nguồn mạch cảm xúc của bài thơ. Đọc
“Ông đồ”, ta như cảm nhận được tất cả nỗi lo lắng mơ hồ, cảm nhận tâm sự bơ vơ của Vũ Đình Liên và cao hơn hết là một tình người lơn lao ôm trùm cả không gian và thời gian. Nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng, nhà thơ đưa ta vào thế giới của riêng mình – nơi
“lòng thương người” và
“tình hoài cổ” được bắt nguồn_đó chính là trái tim nhân đạo, giàu tình yêu thương của Vũ Đình Liên.
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
Cùng với màu thắm của đào, màu đỏ của giấy, màu đen của mực tàu và sự đông vui tấp nập của phố phường, hình ảnh ông đồ đã trở nên không thể thiếu trong bức tranh khung cảnh ngày Tết.
Và ông đồ đã thành trung tâm của sự ngợi ca và chiêm ngưỡng:
“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tai
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”
Lúc bấy giờ, ông đồ đang được người đời trọng vọng, cần nhờ vả đến. Với tài năng của ông, họ
“tấm tắc ngợi khen tài”, ba phụ âm
“t” cùng xuất hiện trong một câu thơ như một tràng pháo tay giòn giã để ngợi khen sự tài hoa đó của ông. Cái tài
“thảo những nét” giống như
“phượng múa rồng bay” của ông dưới một bàn tay nghệ thuật khéo léo đã làm rạng danh cho nên Hán học. Cái tài của ông đã được tặng cho mọi người làm quà đón xuân, đón Tết. Nhưng dầu sao, trong tiếng cười vẫn không làm sao che giấu được nỗi ngậm ngùi. Chữ Nho vốn được xem là chữ
“Thánh hiền”, chữ Nho được ông đồ viết là sự tụ hội, giao thoa giữa cái tài và cả cái tâm của người cầm bút. Vậy mà giờ đây, thứ chữ ấy chỉ cần quẳng chút tiền
“ra thuê” là có!
Bút long dần được thay thế bằng bút sắt. Chữ Nho được thay thế dần bằng chữ Quốc ngữ. Trên cái trục xưa nay của cấu tứ, câu thơ như mang nỗi ngậm ngùi, ta như nếm được cái vị đắng của buồn, vị chát chua sầu:
“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”
Họ nay đâu? Bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành còn đây, câu đối đỏ đâu rôi! Nếp cũ đổi thay. Chữ Nho như đã trở thành hang ế không ai ưa chuộng nữa. Trong xu thế chung không thể cưỡng lại ấy, tình cảnh ông đồ trở nên ngao ngán đáng thương. Hẳn là vì
“người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” mà bây giờ nỗi sầu lo ủ dột lan thấm lên cả đồ vật:
“Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”
Chúng là hình ảnh của chủ nhân hết thờ của chúng. Tàn tạ, lạc lõng, tiêu điều. Thiên hạ náo nức đón xuân, đón cả luồng gió mới do Tây học mang lại. Thành trì luân lí ngàn năm đã đổ. Người ta cứ ngóng cổ cố tìm mò ngắm trời cao đất rộng ngoài kia, tìm những cái hiện đại. Chữ mới dễ học và thực dụng, văn chương mới hấp dẫn đã cuốn họ đi xa, bỏ lại những người như ông đồ bên dòng đời cuộn chảy. Ông đồ đã trở thành người thừa trong dòng chảy nhân sinh. Cả một nỗi buồn thời thế, Vũ Đình Liên đã xây dựng một biểu tượng về một nỗi tàn phai của cả một nền văn hóa.
Ta cứ cháy, cứ đuổi theo nền văn hóa phương Tây, với những cái mới để rồi khi ngoảnh đầu nhìn lại, bóng ông đồ dần xa khuất làm ta nhớ nhung tiếc nuối:
“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa”
Trong khổ thơ đầu, chính trong màu hoa đào mênh mang hoài cảm ông đồ xuất hiện. Ta có thể tưởng tượng sự có mặt của một cây cổ thụ ngàn năm bị bật gốc sau một cơn bão lớn như hình ảnh của ông đồ. Lúc ấy, cây đổ, ngọn gục. Từ trên chót vót của thứ bậc xã hội, ông đồ, hình bóng tượng trưng cho giai cấp
“kẻ sĩ”, rơi xuống bên vệ đường, trở thành người vất vưởng, hoài nhớ giá trị cũ suy tàn, bỡ ngỡ với phong hội mới. Thì cũng với màu hoa đào bài thơ được khép lại. Thông điệp mùa xuân đã gửi đến rồi. Ông đồ đã không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi và ông cũng đã trở thành
“ông đồ xưa”. Nhưng dường như trong tâm khảm lòng minh, hình ảnh ông đồ già không thể vắng bóng trong bức tranh xuân của Vũ Đình Liên.
Cuộc đời đổi thay. Con người cũng vì vậy mà thay đổi. Rồi những người như ông đồ bị bỏ rơi bên lề cuộc sống.
“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giây
Ngoài trời mưa bụi bay”
ở khổ thơ này, cái lực của ngòi bút, cái tâm của một con người hợp lại đủ sức lay động những trái tim thờ ơ, vô tình với một sự chung cục, một sự chung cục thầm lặng và thương tâm. Người trong cuộc, bên phố đông, lặng nghe mình lụi tàn. Người người ngược xuôi như nước nhưng chẳng còn ai để ý đến cái bóng mờ nhạy, tàn tạ ấy. Ông đã bị lãng quên ngay cả khi còn hiện hữu. Ông chẳng qua chỉ còn là
“cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn.” Cái lúc
“lá vàng rơi trên giấy” đã xuất hiện ba cái “tàn”: sự “tàn” úa của lá xuân rơi trên sự héo “tàn” của giấy, và tất cả đều được nhìn dưới đôi mắt của một kẻ “tàn”. Cái lúc
“ngoài trời mưa bụi bay” cũng đã xuất hiện hai cơn mưa: cơn mưa ngoại cảnh hao vắng và cơn mưa tâm cảnh hắt hiu não nề…. Đúng là “văn tả ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt ông đồ” (Vũ Quần Phương). Vũ Đình Liên đã có những chi tiết thật “đắt”: nơi ông đồ là nơ bút mực, nơi trời đất là chỗ gió mưa, nơi xã hội đương thời là sự thờ ơ của người đời. Lá rơi không nghe tiếng. Mưa bụi chẳng ướt ai. Thế mà giờ đây đọc lại, ta vẫn tái tê thấm thía nỗi đau lặng lẽ của một chiếc lá vàng rơi trên giấy thẫm tàn phai. Thế mới biết sức sống của một bài thơ không chỉ ở ngôn từ. Chính tấm lòng thương cảm trân trọng, tinh tế của tác giả đã làm ấm những dòng chữ lạnh với thời gian. Thơ dường như gần máu hơn với mực. Có phải thế mà “Ồng đồ” sống được lâu trong lòng độc giả và thi ca Việt Nam?
“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Vũ Đình Liên đang sống vào cái buổi giao thời, khi xã hội Việt Nam đang có một sự rung chuyển lớn, quay mặt với cái cũ không nỡ, làm ngơ với cái mới sao đành!
Ông đồ đã cố kiên nhẫn “vẫn ngồi đấy”, nhưng năm nay ông đã không còn kiên nhẫn được nữa: “không thấy ông đồ xưa”. Ông đã cố bám lấy xã hội hiện đại, những con người chạy theo hiện đại, ta đã nhìn thấy sự cố sức của ông, đã thấy ông chới với, nhưng chúng ta không hề làm gì, để đến bây giờ quay đầu nhìn lại mới biết ông đã bị buông rơi tự bao giờ. Bóng dáng ông đâu phải là bóng dáng của một người, của một nghề, mà là bóng dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức của tâm hồn ta. Ta nhớ nhung da diết khôn nguôi về một thời vàng son của một quá khứ, kỉ niệm đẹp đã mãi một đi không trở lại của một thời đại hay của chính lòng mình. Chúng ta nhìn nhau hỏi hay tự hỏi mình? Chúng ta hỏi hay nhớ nhung, hay nuối tiếc? Thi pháp này đã được Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương sử dụng tài tình. Vũ Đình Liên đã kế thừa và phát huy thi pháp này qua bài thơ mới: “Ông đồ”! Hẳn không phải ngẫu nhiên để nói về những người vừa đó của một thời cũng vừa mới qua, nhà thơ gợi ằng một chữ “hồn”. Đây knhững là cách gợi rất Việt Nam mà còn chỉ ra được một cách chính xác đến lạ lung những cái “đã qua mà không mất”, nó vẫn còn mãi.
Nén tâm nhang đã thắp – hoài niệm mênh mang. Ông đồ trở thành những người muôn năm cũ. Tất cả đều gặp nhau ở chữ “hoài”, thấm thía nỗi sầu nhân thế. Ta nao nao nhớ đến nỗi buồn của một vị thi sĩ xưa:
“Ai người trước đã qua?
Ai người sau chưa để?
Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ”
Lòng chợt tri ân câu thơ chân mộc của tác giả “Ông đồ” gửi tới họa sĩ Bùi Xuân Phái:
“Người bảo tranh anh vẫn cứ sẵn buồn
Như thơ tôi vẫn cứ thương thương”
Chính “cứ thương thương” đó của nhà thơ đã tạo ra cái thần cho người ta nhớ mãi. Ngay trong thơ mới của mình, ông vẫn chạm thương thời của người. Hoài Thanh cho biết “Ông đồ” là một “nghĩa cử” của lớp trẻ tân học đối với cực học đã hết thời cũng đúng thôi.
Thơ vốn hàm súc nhưng đạt đến độ như “Ông đồ” thì thật đáng phục. Giữa cái thời lí tưởng tràn bờ, khuôn khổ lung lay, nhà thơ mới Vũ Đình Liên đã chọn cho mình thể thơ năm chữ, thả dài bốn khổ. Chỉ một trăm chữ, không cầu kì, cũng không tân kì mà “Ông đồ” ra đời từng câu, từng câu… thong thả như hoa quỳnh nở. Từng nét nhụy uốn cong xòe ra tỏa hương…buồn!? Ở đây, chữ “thương” đã quá rõ, còn chữ “hoài”…. Thì hẳn cũng xuất phát từ chữ “thương” ấy, xuất phát từ trái tim bao la nhân tình ấy:
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Âm hưởng nốt nhạc cuối cứ mien man day dứt, khiến người nghe cứ thẫn thờ. Thời của một đời rồi sẽ qua. Ai cũng vậy, những qua đi không hẳn là đã mất tiêu, vô nghĩa. Hôm nay đã phôi pha từ hôm qua và cả ngày mai cũng sẽ từ hôm qua. Ông đồ đã trở về thế giới của ông, về với thời xa vắng. Người xưa thành ông cha, cái cũ thành di tích. Nét đẹp và sức mạnh của phương Đông ở bên trong và từ thăm thẳm. Nói đến “văn hóa”, không thể không nói đến “cội nguồn”, nói đến hôm nay không thể phủ nhận “hôm qua”. Ẩn khuất hay lan tỏa, ngàn xưa hay ngày xưa vẫn là một mảng đậm đà trong tâm hồn dân tộc Việt Nam.
Tết vẫn đến. Hoa đào vẫn nở. Dòng song vẫn trôi chảy. Năm tháng cứ qua đi, bụi thời gian sẽ dần phủ mờ lên tất cả. Chỉ có dòng đời đổi thay. Nhưng với Vũ Đình Liên, với “long thương người” và “tình hoài cổ” của mình, ông đã tự hỏi:
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Câu thơ gợi nỗi niềm tiếc nuối khôn nguôi hay gợi long trắc ẩn nhân tình? Có lẽ là cả hai…
Bạn tham khảo nhé, nguồn: Internet