Đây là dạng đề lí luận văn học của HSG
Về dàn bài chung và chứng minh qua tác phẩm thì chị Châu đã làm rồi
Mình sẽ nói đôi chút suy nghĩ của mình về phần lí luận nhé:
Lời tự bạch của Nguyễn Minh Châu đã luận bàn về đối tượng phản ánh của văn chương, đó là con người. Ông cũng đã từng nói:"Văn học và đời sống là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người". Thật vậy, văn học bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống mà chủ đạo là đời sống sinh hoạt hàng ngày, và quan trọng hơn hết là tâm tư tình cảm của con người. "Nhà văn phải là người đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người" (Nguyễn Minh Châu). Mỗi người nghệ sĩ phải biết đem con mắt của mình để nhìn đời, nhìn người, thấu đời, thấu người, phải ngụp lặn trong thế giới nội tâm phong phú của con người để tìm được "những hạt ngọc", những vẻ đẹp tiềm ẩn, vẻ đẹp khuất lấp của họ. Nhà văn không thể "miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả", không thể viết nên những trang văn bằng trái tim hời hợt, sáo rỗng. Macxim Gorki nhận định:"Văn học là nhân học". Văn chương dù có hoa mỹ, bay bổng đến đâu nhưng không phục vụ cho con người thì chỉ là những "tác phẩm chết', cần bị đào thải, không được hiện hữu. Chức năng của văn chương là hướng con người tới ánh sáng của chân - thiện - mỹ. Nếu như anh muốn cảm hóa con người, anh muốn người ta phải trằn trọc, lo âu, vui cùng vui, khóc cùng khóc với từng con chữ để rồi nhìn lại bản thân mình, anh muốn người ta coi tác phẩm như người bạn tri âm tri kỉ để có thể thanh lọc tâm hồn... thì anh không thể không nói tới con người trong tác phẩm. Con người trong mỗi tác phẩm được đặt trong các mối quan hệ để làm nổi bật lên tính cách. Thông qua nhân vật, thông qua hình tượng mà người nghệ sĩ gửi gắm trong thi phẩm của mình, độc giả sẽ tìm ra ánh sáng để vực dậy khi chông chênh, sẽ khiến con người ta đôi khi phải thẹn với chính bản thân mình, sẽ khiến người ta rớm nước mắt cho những số phận bi kịch... để rồi mục đích cuối cùng là thanh lọc tâm hồn. Đó chính là "triết lí sống" mà người nghệ sĩ muốn truyền tải.