Chiếu là lời của vua ban bố hiệu lệnh cho thần dân. Chiếu là lối văn ứng thế, chỉ khi nào thi đỗ làm quan mới có dịp dùng đến. Chiếu có thể viết bằng cổ thế hay cận thế. Cận thể thì đặt câu theo 2 vế đối nhau, mỗi vế có 2 đoạn: 4 - 6 hoặc 6 - 4 gọi là tứ lục. Cận thể thì vừa có vần vừa có đối. Cổ thế là văn xuôi cổ, tự do, không cần có vần có đối. Bài "Chiếu cầu hiền" của vua Quang Trung được viết theo cổ thể, thỉnh thoảng đôi câu có vế đối. (qua bản dịch):
- Chăm chú lắng nghe / sớm hôm mong mỏi
- Kỉ cương triều đình còn nhiều thiếu sót / công việc biên ải chính lúc lo toan.
- Dân khốn khổ còn chưa hồi sức / việc giáo hoá đạo đức chưa thấm nhuần.
"Chiếu cầu hiền" của vua Quang Trung do Ngô Thì Nhậm chấp bút, chỉ có thể được viết ra sau khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh xâm lược năm 1789 (năm Kỉ Dậu) nhằm mục đích thuyết phục, lôi kéo các danh sĩ Bắc Hà ra cộng tác với nhà Tây Sơn.
Phần đầu bài chiếu nói về vai trò và cách ứng xử của người hiền. Người hiền "như vì sao sáng trên trời", "sao tất chầu về Bắc thần", đó là quy luật tự nhiên. Người hiền là nguyên khí quốc gia, do trời sinh ra, vì vậy "người hiền tất phải để cho thiên tử sử dụng", đó là quy luật tự nhiên, là quy luật xã hội.
Nước ta, trong thế kỉ XVIII, trải qua những năm dài loạn lạc. Cuối thời Lê - Trịnh, "lúc mạt thời, đất nước có nhiều biến cố": nhân dân lầm than, vua quan thối nát, quân Tàu kéo sang xâm lược... Kẻ sĩ ở vào cảnh cùng khốn, nhiều người đã có những cách ứng xử riêng: "vẫn giữ vững khí tiết", hoặc "giữ lời ngậm miệng",... hoặc lui về nơi rừng suối "bất hợp tác", hoặc "giấu kín danh tiếng không xuất hiện suốt đời".
Bài "Chiếu cầu hiền" đã nói lên thật đúng thực trạng cách ứng xử của các bậc hiền tài, các danh sĩ Bắc Hà trong nửa sau thế kỉ XIX.
Phần tiếp theo, vua Quang Trung nói lên tấm lòng quý trọng người hiền. Rất trân trọng và khiêm nhường "ngồi bên mép chiếu" (dành phần rộng rãi để đợi người hiền). Thái độ trọng thị: "Chăm chú nghe, sớm hôm mong mỏi". Nhà vua sốt ruột tự hỏi: vì sao những người tài cao học rộng "chưa có ai đến", hay là "trẫm ít đức", hay là "đương thời loạn lạc". Các bậc hiền tài "chưa thể phụng sự vương hầu?".
Sau nhiều câu hỏi nêu lên, nhà vua chỉ rõ: triều đại Tây Sơn "vừa mới được trời tạo lập", chính là lúc "người quân tử thi thố tài kinh luân". Nhà nước đang cần nhiều người hiền tài ra giúp vua, giúp nước để "lo toan" việc biên ải, để hồi sức dân khốn khổ, để "giáo hoá" đạo đức thấm nhuần. "Làm nên một ngôi nhà lớn không phải chỉ một cành cây, xây dựng nền thái bình không chỉ mưu lược một kẻ sĩ". Một đất nước "rộng lớn có truyền thống văn chương" há lại không có người kiệt xuất hơn đời "để giúp rập chính sự buổi đầu cho Trẫm ư?"
Cách lập luận chặt chẽ, lí và tình kết hợp hài hoà, giọng văn tha thiết, lời lẽ trang trọng, bài "Chiếu cầu hiền" đã đi sâu vào lòng người, kích thích niềm tự tôn, tự hào của các nhân tài, động viên họ đem đức tài ra giúp dân, giúp nước.
Phần cuối "Chiếu cầu hiền", vua Quang Trung cho phép các quan văn võ được quyền tiến cử người hiền và cho phép người hiền được tự tiến cử. Nhà vua đã nói rõ đó không phải là "đem ngọc bán rao".
"Chiếu cầu hiền" của vua Quang Trung thể hiện một chiến lược phát hiện và sử dụng người tài để xây dựng và phát triển đất nước ngày một thêm cường thịnh. Tiếc rằng, năm 1792, vua Quang Trung đã băng hà đột ngột. Triều đại Tây Sơn chỉ tồn tại đến năm 1802 trong cảnh hỗn chiến. Vì thế, "Chiếu cầu hiền" chỉ mang ý nghĩa như một văn kiện lịch sử, một tư liệu lịch sử của một triều đại vang bóng.
nguồn google